296 lượt xem

NGUYỄN BỈNH KHIÊM - KỲ 1

Chương 1: Tiểu sử

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, cả hai thân mẫu đều là những người có văn tài học hạnh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Nhất là phụ mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tương truyền bà là người giỏi giang văn tài và tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng. Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Và sau này, tài học vấn uyên thâm của ông đã vượt xa thầy. Tương truyền Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học, đã đem sách Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng không hiểu được mà chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này mới tinh thông.

Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Thế là suốt cuộc đời thanh niên trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535. Lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông hy vọng triều đại nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước. Lúc này, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có chí khí đảm lược. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà học giả uyên thâm, một trí thức dân tộc đã nhìn thấy điều đó. Và ông hy vọng: với nhân vật này, triều đại mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren mà vua tôi nhà Lê và các tập đoàn phong kiến trước đó gây ra.

Nhưng niềm tin đó bị thất vọng. Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ ông hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, hình như để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho "số phận" nên đã ngầm cho người hỏi kế an thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (ngụ ý nói: Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào).

Tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt. Các truyền thuyết trên đây muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài tiên đoán, đo nắm được bí truyền của sách Thái ất thần kinh. Vả lại còn truyền thuyết nữa về Trạng Trình với tập Trình quốc công sấm ký. Tương truyền trong tập sách đó, ông đã tiên tri và biết trước các sự việc nhân tình thế thái, thời cuộc xảy ra "năm trăm năm sau". Thực, hư thế nào, còn là vấn đề cần phải nghiên cứu khẳng định hay phủ định của các nhà học giả Việt Nam sau này để trả lại giá trị xứng đáng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên, một điều cần khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự là nhà học giả "thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lý, ở giữa hiểu con người).

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Ông phê phán gay gắt bọn tham quan ô lại hút máu, hút mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền…

Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Tư tưởng triết học của ông "không bận tâm đi vào xu hướng duy lý... đi tìm khái niệm bản thể luận như Lão Tử, như triết học Phật giáo hay cái phóng nhiệm nhiều lúc đến ngụy biện của Trang Tử. Ông hiểu sâu sắc triết học Tống Nho nhưng không đi vào sự câu nệ vụn vặt, không lý giải quá sâu cái lý, có khi rắc rối, hoặc chẻ sợi tóc làm tư để tìm hiểu, biện giải nhiều thứ mơ hồ rối rắm trong những khái niệm hỗn tạp đó. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình. Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh, nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết như muốn vươn lên khái quát "luật" đời bằng những phạm trù triết học. Vì lẽ đó, ông rất hay dùng đến những cặp phạm trù đối lập như: đen - trắng, tốt - xấu, đầy - vơi, sinh - diệt, vuông - tròn, để giãi bày quan niệm triết lý nhân sinh của mình.

Tuy nhiên, "một hạn chế dễ nhận thấy trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tuy nắm được phép biện chứng, nhưng vẫn nặng về duy tâm. Quan niệm về sự phát triển của ông còn nằm trong khung tròn khép kín chứ chưa phải là vòng tròn xoáy ốc. Đó là sự phát triển tuần hoàn, là cái phép biện chứng của Chu dịch... ông đã nhận được trong nền giáo dục Nho học đương thời, cộng với phép biện chứng thô sơ của Lão Tử trong Đạo đức kinh. Đó cũng là những hạn chế đương nhiên của rất nhiều nhà triết học cổ đại" (Đào Thái Tôn).

Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ.

 

Chương 2: Trạng Trình

Trạng Trình - đó là tên người đời vẫn gọi Nguyễn Bỉnh Khiêm vì ông đỗ trạng nguyên sau được phong đến tước Trình Quốc Công.

Ông người làng Trung An, huyện Vĩnh Lại (Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Thân phụ ông là Thái bảo Nghiêm Quận công Văn Ðình, thân mẫu là bà Từ Thục, con gái quan Hộ bộ thượng thư Nhữ Văn Lân. Khiêm sinh năm Tân Hợi (1491) đời vua Lê Thánh Tông, mặt mũi khôi ngô, tư cách khác người. Một tuổi Khiêm đã nói sõi, lên năm tuổi, bà Từ Thục dạy cho kinh sách, truyền miệng cho thơ chữ nôm, Khiêm học đâu nhớ đấy không quên chữ nào. Lớn lên, có ông bảng nhãn Lương Ðắc Bằng mở trường dạy học ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Học trò bốn phương đến học đông lắm. Bố mẹ liền cho Nguyễn Bỉnh Khiêm vào theo học. Khiêm đã sáng dạ thông minh lại nết na chăm chỉ nên được thầy rất khen.

Bấy giờ, vua Lê Thánh Tông đã mất (1497). Trải qua các đời vua Hiến Tông, Túc Tông đến Lê Uy Mục thì nhà Lê đã suy đồi quá lắm. Uy Mục thì ngày bắt quân lính đánh giết lẫn nhau làm trò giải trí, đêm thì rượu chè tuý luý, chém người hầu rượu để mua vui. Sứ Minh sang đã làm thơ gọi Uy Mục là “ Vua quỷ”. Uy Mục còn bắt dân phu binh lính xây cung điện nguy nga, vơ vét khiến cho trăm họ điêu đứng, kẻ trung thần thì bực tức. Lương Ðắc Bằng đã có lần bảo Khiêm:

- Nhà vua yêu thương kẻ ngoại thích để cho bọn xu nịnh tung hoành, xa rời người ngay thẳng làm cho kẻ cương trực bỏ trốn; tước đã hết sạch mà muốn ban thưởng nữa chưa thôi, dân dã khốn cùng mà muốn vơ vét thêm chưa thỏa; thuế má thu nhặt từng cái tơ cái tóc, tiền bạc thì phung phí như đất như bùn; đãi công thần như chó ngựa, coi dân chúng như cỏ rác; bạo ngược như thế sao giữ được ngôi báu!

Quả nhiên, Uy Mục làm vua chưa đầy hai năm, các công thần cũ của nhà Lê từ Thanh Hoá đã đem quân ra kinh giết chết. Lương Ðắc Bằng cũng khởi binh trong chuyến ấy. Lê Tương Dực được tôn lên nối ngôi. Chẳng ngờ, Tương Dực với Uy Mục cũng một phường bạo chúa như nhau. Làm vua chưa đầy một năm, Lương Ðắc Bằng đang làm quan Lại bộ Tả thị lang đã phải dâng “ mười bốn cách bình ổn đất nước” (Trị bình thập tứ sách) can Tương Dực chớ phung phí của công đổ tiền vào xây Ðại Ðiện bắt dân chúng phải sưu cao thuế nặng phục dịch khiến cho trăm quan lớn nhỏ đua nhau vơ vét, ngang nhiên tham nhũng. Tương Dực không nghe. Ðược vài năm, Tương Dực bị triều thần giết nốt. Từ bấy giờ, quan lại trong triều chia bè phái mưu tính việc phế lập vua, đem quân đánh lẫn nhau. Dân chúng cùng cực không biết thế nào nói hết được.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là người giỏi xét đoán việc đời, thấy bốn biển đắm chìm trong cơn ly loạn thì đau lòng thương cho dân cho nước. Lương Ðắc Bằng mất. Ông thay thầy trông nom con thầy là Lương Hữu Khánh và tiếp tục việc truyền dạy học trò, chứ nhất định không chịu ra thi làm quan, mưu “đục nước béo cò” như người khác. Ðầu năm Quý Mùi (1523), bọn Trịnh Tuy ở Thanh Hóa chống nhau với Mạc Ðăng Dung ngoài Bắc. Hai bên đều có ý đem vua Lê Chiêu Tông ra làm mộc để đánh nhau. Bỉnh Khiêm giận lắm bảo đám học trò:

- Bọn ta sinh ra phải thời loạn lạc. Núi xương sông máu trăm họ đã đầy khắp, thế mà nhiều người vẫn muốn mượn gió bẻ măng, giao tranh hỗn chiến mãi chưa thôi. Giận thay!

Năm Ðinh Hợi (1527), sau khi diệt trừ xong các phe phái không ăn cánh, Mạc Ðăng Dung lên ngôi vua lập ra nhà Mạc. Việc nước tạm ổn được ít lâu. Triều đình mở khoa thi kén nhân tài. Bạn bè đều khuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm ra ứng thí đem tài học giúp ích cho dân nước. Trông chừng thế sự vẫn suy đồi, triều thần đầy rẫy lũ tham ô quan lại nên ông lưỡng lự chưa nghe. Sau vì cha mẹ già muốn con để tiếng với đời, ông không đành lòng trái ý, miễn cưỡng lều chõng lên đường. Năm Canh Dần (1530), đời Mạc Ðăng Doanh, ông thi hương đậu giải nguyên. Năm sau, ông đi thi hội, vào đến kỳ đại tam thì được tin mẹ ốm bèn bỏ thi cáo về. Năm năm sau đến khoa Ất Mùi (1535), ông mới lại vào thi hội đỗ hội nguyên, thi đình đỗ trạng nguyên. Bấy giờ ông đã bốn mươi tư tuổi. Vua Mạc trọng ông lắm bổ ngay làm Hình bộ tả thị lang sau đổi sang Lại bộ tả thị lang kiêm Ðông các đại học sĩ. Làm quan ở triều được tám năm, đến đời Mạc Phúc Hải, thấy đại thần lắm kẻ lộng quyền, rông cỡ đục khoét, ông bèn dâng sớ xin chém mười tám lộng thần đều là những kẻ quyền quý cả. Vua Mạc không nghe. Ông trả lại mũ áo, cáo quan về làng mở trường dạy học.

Ông dựng một cái am con bên hồ đặt tên là am Bạch Vân và lấy tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Ông cho bắc hai cầu gỗ làm chỗ chơi mát gọi là cầu Nghênh Phong và cầu Trường Xuân. Lại lập một quán bên bờ sông Tuyết Giang đặt tên là quán Trung Tân, dựng bia nói rõ ý mình.

Ông vốn là người tha thiết với việc dân việc nước. Hiềm vì nỗi triều đình đổ nát, trăm quan hư hỏng, ông không muốn đem thân vào chốn đua chen nịnh hót, dấn mình vào đám bùn nhơ ô uế. Bởi thế, tuy buộc lòng phải xa lánh công danh về ẩn dật, ông vẫn đem hết tài trí truyền cho đám học trò, ngầm mong họ sẽ thay ông ra giúp đời cứu nước. Nhiều học trò danh tiếng của ông như Lương Hữu Khánh, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Trương Thời Cử sau này quả đã nối được chí thầy.

Nguyễn Bỉnh Khiêm về chí sĩ. Vua Mạc tiếc lắm, nhiều lần cố vời. Nhưng thấy trong nước lắm bè đảng xâu xé tranh quyền gây nạn đao binh tàn hại muôn dân, ông nhất định không ra. Nghĩ giận lũ quyền quý ấy chỉ nghĩ đến lợi riêng mà gây họa cho thiên hạ, ông ngụ ý vào bài thơ Ghét chuột để bày tỏ lòng mình:

Sao dám khinh mạng dân,
Phá hoại thật tàn khốc,
Rình mò dưới lỗ hang.
Thần dân đều căm tức.
Quấy nhiễu mất lòng người,
Tất bị người xé xác.
Thây phơi khắp thị thành,
Thịt quạ diều rỉa bóc 

Chương 3: Giai thoại

Ngày xưa, về đời Hồng Đức nhà Lê, ở làng Trung An huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) có nhà nho sĩ Văn Định kết duyên cùng con quan thượng Nhữ Văn Lan.

Tiểu thư họ Nhữ nhan sắc tuyệt vời, thông minh xuất chúng, giỏi văn chương, tinh tướng số, kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi, thấy Văn Định có tướng sinh quý tử mới nhận lời trao hôn. Hai người lấy nhau sinh được một con trai mặt mũi tinh anh, đặt tên là Bỉnh Khiêm, chưa đầy tuổi đã biết nói. Được mẹ dạy bảo, mới lên bốn tuổi Bỉnh Khiêm đã thông kinh truyện, học đến đâu thuộc lòng đến đó, nhớ đọc một lúc mấy chục bài thơ nôm.

Khi tóc còn để trái đào, một hôm Bỉnh Khiêm cùng bọn trẻ đi tắm bến Hàn, có kể thuật sĩ đi thuyền trông thấy nói rằng: "Cậu bé này có tướng làm vua, tiếc là da thịt dày quá, chỉ làm đến Trạng nguyên, Tể tướng là cùng"!

Mồ côi sớm, Bỉnh Khiêm được một tay hiệp khách giang hồ tên là Lý Hưng Chi nhận làm con nuôi rồi giao cho một người bạn trụ trì đem về dạy dỗ ở một ngôi chùa.

Lớn lên, Bỉnh Khiêm theo học ông Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hóa. Lương tiên sinh hồi sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ ngụ cư bên Tàu là Lương Nhữ Hốt có tặng cho quyển Thái Ất thần kinh, đem về học tập rất tinh lý số, tiên tri. Bỉnh Khiêm được thầy truyền lại phép thuật tinh vi, và khi sắp mất cụ Lương trao cho quyển kinh Thái Ất, tác phẩm của đạo sĩ Triệu Nga đời Tống (thế kỷ thứ X).

Bấy giờ trong nước đang biến loạn, Bỉnh Khiêm bèn đi ở ẩn, lấy việc ngao du sơn thủy làm thú ở đời. Ông lên chơi chùa Bội Sơn, gặp lại nhà sư đã dạy dỗ mình thuở bé đang cầm đầu đảng cướp Hồng Nhật. Các tham quan ô lại cũng như các nhà giàu độc ác đều bị đảng cướp này trừ diệt, lấy của để giúp cho người nghèo khó. Quan phủ Vương Liêu Thăng là kẻ sâu dân mọt nước bị Lý Hưng Chi ra tay hạ sát, triều đình treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu họ Lý.

Bị tập nã ráo riết, Lý Hưng Chi tìm đường trốn sang Tàu, đem theo Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng vài bộ hạ tâm phúc. Vượt núi, băng rừng nhiều ngày, đến giáp giới Trung Quốc, Lý Hưng Chi ghé lại trại một người bạn cũ, giữa một vùng núi non với hai ngàn thủ hạ.

Chủ trại là Hoàng Mưu mất vợ sớm, có một người con gái đến tuổi lấy chồng, thấy Bỉnh Khiêm là người lỗi lạc, bèn ngỏ ý với Lý Hưng Chi muốn gả cho. Đính hôn sau, Lý Hưng Chi và Bỉnh Khiêm cùng đám tùy tùng nhờ Hoàng Mưu giúp vượt qua biên giới.

Tiến vào nội địa Trung Hoa, giữa đường họ gặp một toán cướp lớn chặn đánh, chỉ có Lý Hưng Chi thoát được, còn Bỉnh Khiêm cùng đám người đi theo đều bị bắt. Tướng cướp là Lý Lăng Tử tra hỏi, thấy Bỉnh Khiêm là người thông thái, giỏi lý số, tiên tri, bèn giữ lại tôn làm quân sư.

Trại ở trên một ngọn núi kỳ vĩ, chung quanh có nhiều dãy núi cao bao bọc như những thành lũy thiên nhiên. Bỉnh Khiêm miễn cưỡng phải ở lại đây, suốt ngày chỉ đọc sách ngâm thơ. Một hôm, có một ông già ăn mặc nâu sồng, đeo khăn gói đỏ, tay chống gậy trúc lần mò đến cổng trại. Bị quân cánh đuổi đi, ông già trở đi, trở lại đến lần thứ ba, nằn nì đòi xin gặp chủ trại. Bỉnh Khiêm đang đi dạo, trông thấy ông già cốt cách khác thường, gọi hỏi chuyện thì ông ta nói: "Tôi là kẻ ngao du sơn thủy, đi đó đây khảo sát địa lý để tìm một nơi gửi nắm xương tàn, đến chốn này thấy có khí lạ, mới dừng bước lại".

Rồi ông già ngắm Bỉnh Khiêm mà bảo rằng: "Tôi đoán ông không phải là người ở vùng này, mà chỉ là thượng khách của chủ trại. Nhưng chốn này sắp bị quân triều đình đến đánh nay mai"...

Hỏi thêm, ông già không nói, chỉ bảo rằng có biết lý số, thiên văn, và đã mấy năm trời nay đi tìm một quyển sách để thông suốt quá khứ vị lai mà chưa được gặp. Bỉnh Khiêm tò mò hỏi: "Cụ bảo quyển sách gì mà thần diệu như thế"? Ông già đáp: "Đó là một quyển sách thần, có đủ những phép tắc dạy cho biết rõ việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Quyển sách này trước ở tay thầy dạy tôi nay đã qua đời, tặng cho một người cùng dòng họ làm sứ thần nước Việt, rồi nghe ông này trao lại cho một môn đệ. Đó là quyển kinh lấy tên là Thái Ất. Nhưng tôi biết chắc rằng vị sứ thần cũng như môn đệ của ông ta không thể nào dùng được quyển sách ấy, vì trong đó toàn là những câu kinh kỳ bí, mà họ không có lời giải. Tôi thì có lời giải mà không có quyển kinh Thái Ất".

Bỉnh Khiêm hỏi tới: "Sao thầy dạy cụ lại chỉ truyền cho cụ biết lời giải mà không cho cụ quyển sách"? Ông già đáp: "Theo lệ cổ truyền thì không ai có thể giữ nổi cuốn kinh này lâu đời được. Sứ thần Việt được cuốn kinh, nhưng không có phần giải. Khi thầy dạy tôi sắp mất, có trao phần giải cho tôi mà không dặn rõ là tôi phải mất công hai năm mới tìm ra cuốn kinh. Tôi tính đến hôm nay vừa đúng là hai năm". Bỉnh Khiêm vội đi lấy ở trong hành lý ra một cuốn sách bọc vải điều trao tận tay ông già. Vừa lật xem qua mấy trang, ông già không giấu được nỗi ngạc nhiên sung sướng, trang trọng đặt cuốn sách lên trước mặt rồi sụp lạy. Cả hai người mặc dầu tuổi tác cao thấp chênh lệch, làm lễ đồng môn với nhau, rồi bắt đầu trao đổi nghiên cứu kinh Thái Ất. Trong vòng bảy hôm, họ đã thuộc lòng cả cuốn kinh cùng những lời giải đáp, rồi vội vã chia tay, sợ xúc phạm đến thiên cơ, vì cả hai đều thành tiên tri, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ông già tức là Hoàng Thạch Lâm đi về phương b('c, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi về phía nam. Trở về nước, gặp lúc nhà Mạc đang ở ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi đỗ Trạng nguyên, được vua phong làm Đông các đại học sĩ. Làm quan tám năm ông dâng sớ xin chém đầu mười tám tên nịnh thần, vua Mạc không nghe, ông bèn cáo bệnh từ quan.

Khi ông về trí sĩ, dựng nhà chơi mát ở làng gọi là am Bạch Vân, lại làm một cái quán ở bên sông Tuyết Giang, dựng bia ký sự mình. Lúc thì bơi thuyền chơi ở bể Kim Hải và bể Úc Hải, lúc thì cùng vài nhà sư dạo chơi núi An Tử, núi Ngọc Vân và núi Đồ Sơn. Đi đến đâu đều làm thơ ngâm vịnh, gặp chỗ nào phong cảnh đẹp thì dừng lại, thường ngày không để ý gì đến việc đời, sống nhàn tản theo chủ trương của Lão, Trang.

Triều Mạc vẫn quý trọng, lấy lễ sư phó đãi ông, hễ có việc gì thì sai sứ tìm đến hỏi ý kiến hoặc mời về kinh để thương nghị các chính sự trọng yếu. Vua Mạc phong ông làm Thái phó Trình Quốc công. Người đương thời gọi ông là Trạng Trình.

Học trò của Trạng Trình tác thành rất nhiều, nổi danh có Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử.

Lúc nhà Lê bắt đầu trung hưng, vua Mạc ngự giá đến nhà ông hỏi các kế công thủ, Trạng Trình bảo rằng: "Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời". Sau bảy năm, nhà Mạc mất, lui về giữ đất Cao Bằng, quả nhiên truyền được ba đời, bảy mươi năm mới tuyệt.

Khi vua Lê Trung Tông mất, không có con kế vị, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, sai Phùng Khắc Khoan đến hỏi ý kiến ông, ông không nói gì, chỉ quay lại bảo người nhà rằng: "Năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo mạ". Phùng Khắc Khoan về nói lại, Trịnh Kiểm hiểu ý ông, tìm Lê Duy Bang là dòng nhà Lê về, lập lên làm vua.

Một lần Trịnh Tùng có ý chiếm ngôi vua, sai sứ đến hỏi ông, ông cũng không nói gì, chỉ đưa đi chơi trong một cái chùa trên núi, bảo tiểu rằng: "Giữ chùa thờ Phật thì mới có oản ăn". Sứ giả về nói lạị Trịnh Tùng biết ý ông khuyên phải giữ đạo làm tôi thì mới được hưởng phúc, nên mới thôi manh tâm bội nghịch.

Vào lúc Trịnh Kiểm có ý hại Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn lấy làm lo, mật sai người đi cầu ông bày cho kế lánh họa. Ông đang chống gậy chơi trong vườn cảnh, có mấy dãy đá xếp lại làm non bộ quanh co đến trước sân, có đàn kiến đương bò trên đá, ông đưa mắt nhìn theo đàn kiến mà nói rằng: "Một dải núi Hoành Sơn kia có thể nương thân đến muôn đời". Người sứ về thưa lại, chúa Nguyễn mới quyết tâm xin vào trấn thủ trong xứ Thuận, Quảng (miền Hoành Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn lâu dài.

Trạng Trình tinh về thuật số, đoán trước được nhiều việc đúng, còn để lại được một số sấm ký về sau, người ta truyền là rất ứng nghiệm.

Trước khi mất, ông có viết một tờ chúc thư gửi cho viên tri huyện ở vùng ông đời sau, có câu: "Tôi cứu cho ông khỏi chết vì sà nhà đổ, ông sẽ cứu cho cháu tôi đang nghèo khổ". Ông trao cho cháu bức thư này dặn đến ngày tháng ấy, giờ ấy mang đến đưa cho quan huyện, và nhớ gọi ra khỏi công đường mà trao. Quả nhiên đúng ngày giờ nói trên, viên tri huyện nghe có cháu ông Trạng Trình đến kiếm, bước ra tiếp, vừa đi khỏi thì cột sà ngang lớn bị mọt đục gãy rơi ngay chỗ ghế ngồi. Thoát chết, ông huyện nọ xem thư hết lòng cảm phục, liền đưa cháu ông Trạng Trình về nhà hết lòng nuôi cho ăn học.

Trạng Trình còn để lại cho đời mấy trăm bài thơ nôm gọi là Bạch Vân Am thi tập, sống đến 95 tuổi mới mất. Những sấm ký của ông truyền lại, người đời sau đem các việc xảy ra để đối chiếu, giải thích cho đến gần đây, còn được chứng nhận là đúng.

Tổng hợp SGT Group