298 lượt xem

Đào Nguyên Phổ

Đời dâu bể của nhà báo tiên phong hô hào cách tân Đào Nguyên Phổ

Nói về công nghiệp trong đời của ông, “Việt Nam danh nhân từ điển” tóm lược: “Nhiệt thành với tiền đồ xứ sở, ông đứng ra làm chủ bút tờ Đại Việt tân báo, hô hào các công cuộc canh tân, gây được ảnh hưởng lớn lao trong dân chúng ở đầu thế kỷ XX”. Ông là Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyễn Phổ (1861-1908).

Là nhà báo có tài, đứng chân trong “tứ đại” của làng báo Sài Gòn, nhưng danh tiếng của Đào Trinh Nhất, hẳn được xây nền, kế thừa từ người cha làm báo xuất thân khoa bảng Đào Nguyên Phổ.

Chiếm bảng vàng thi Hội

Danh tiếng của Đào Nguyên Phổ, ghi dấu ấn trong lớp chí sĩ nước Việt cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Trong nghiên cứu Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954) của GS Trịnh Văn Thảo, đã điểm qua sự nghiệp của ông trong số 222 trí thức Việt thế hệ 1862, 1902 và 1925, đủ thấy ông có vị trí như thế nào trong những danh nhân Việt buổi giao thời thế kỷ: “Đào Nguyên Phổ (1861-1907); Nơi sinh: Thái Bình; Nguồn gốc xuất thân: Không rõ; Trình độ học vấn: Tiến sĩ (Hoàng giáp năm 1898); Nghề nghiệp, chức vụ: Làm chức Thừa chỉ, viết báo (Đồng Văn nhật báo); Đặc điểm về sự nghiệp văn chương, hoạt động chính trị: Thành viên phong trào Duy tân và Đông Kinh nghĩa thục. Tác giả: Việt sử tân ước”. Điểm lược là thế, nhưng đoạn đường đời của ông, cũng thật qua nhiều dâu bể lắm lắm.
Cụ Đào Nguyên Phổ. Nguồn: sưu tầm.
Quê quán danh nhân học Đào, được Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển cho hay, nguyên quán thuộc tỉnh Thái Bình. Cụ thể hơn, ấy là xã Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi. Nơi này, nay là thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Về tính cách, cụ Đào được miêu tả là người rất có chí khí, là một danh nho có đầu óc cách mạng. Đường khoa cử, cụ Đào không lấy đó làm vinh hạnh, mà sau này về cuối đời khi nhìn lại, theo lời kể trong sách Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê, cụ đã cảm thán mà rằng: “Tôi chỉ vì lúc nhỏ đậu sớm, nên đâm ra chơi bời hút xách, rượu chè đủ tật. Cổ nhân nói: “Thiếu niên cao khoa, nhất bất hạnh dã (Nhỏ tuổi mà đậu cao là một điều bất hạnh) thật đúng vậy”.

Xuất thân trong gia đình khoa bảng, có cha là cụ Cử Đào Văn Lịch, nên họ Đào theo nếp nhà mà nối chí. Ban đầu, Đào Nguyên Phổ có tên là Đoàn Roãn Cung, sau đổi tên là Đào Văn Mại, đến năm Bính Thân (1895) thì đổi là Đào Nguyên Phổ, tự là Hoành Hải, hiệu là Tảo Bi. Đường học hành của họ Đào có thể tóm lược rằng, lúc nhỏ được cha trực tiếp rèn cặp, có ưu điểm mau nhớ, thông kinh sử, giỏi văn sách, ứng đối linh hoạt. 17 tuổi đi thi Hương khoa thi năm Đinh Sửu (1877) tại trường thi Nam Định, Đào Nguyên Phổ đã đỗ đầu xứ (tuy nhiên tra trong Quốc triều Hương khoa lục, chúng tôi lại không thấy thể hiện năm này có khoa thi Hương. Ở đây e có sự lầm gì chăng?).

Sau này, Đào Nguyên Phổ theo học trường Quốc Tử Giám ở Huế sau một thời gian làm quan. Đến khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898), lại đỗ đầu, là Đình nguyên Hoàng giáp. Trong Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898), tên ông xếp đầu tiên khi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân: “Đào Nguyễn Phổ, học ở Quốc tử giám, Cử nhân, sinh năm Tân Dậu, thi đỗ năm 38 tuổi, người xã Thượng Phán, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Ninh, tỉnh Thái Bình”.

Nghiệp quan gập ghềnh

Nghiệp áo mão, đi hia của Đào Nguyên Phổ, kể ra cũng khác người. Tại sao lại vậy? Cứ xem những việc dưới đây, hẳn không phải là ngoa dụ cho lắm.

Ấy là sau khi đỗ đầu thi Hương, sách Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ cho hay, Đào Nguyên Phổ dẫu tuổi còn trẻ, nhưng đã “kiếm cơm” bằng việc nhận lời đi mở trường dạy học ở huyện Duyên Hà tỉnh Thái Bình, rồi huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, được học trò theo học rất đông.

Năm Giáp Thân (1884), ông được bổ làm Giáo thụ (học quan) ở Tam Nông, Hưng Hóa (thuộc Phú Thọ ngày nay). Rồi làm tri huyện ở huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Tiếc nỗi, đương làm quan đứng đầu cả huyện, vì anh quan trẻ họ Đào vướng vào một chuyện không đâu đến nỗi bị bãi chức, do là trong huyện đêm ấy xảy ra một vụ mất trộm. Kẻ trộm chẳng hiểu cao tay thế nào, mà đục tường khoét vách giữa bao nhiêu lính canh, mở két bạc mà lấy đi phân nửa số tiền thuế của huyện. Sau khi mật thám tử Hà Nội lên điều tra, quan huyện họ Đào bị bãi chức dẫu thanh bạch.

Chẳng lấy thế làm buồn, bỏ lại áo mão, cân đại, họ Đào lại đi gõ đầu trẻ tại Nam Trực, Nam Định và cũng tại đây, ông kết duyên với con quan Tri phủ. Rồi sau đó, họ Đào nghe theo lời khuyên của Nguyễn Thượng Hiền, bạn mình, thi tuyển vào học tại Quốc Tử Giám ở Huế. Kinh sử dùi mài đến lúc làu thông, khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898), Đào Nguyên Phổ ứng thí và đứng đầu bảng xướng danh. Cũng thật kỳ khôi làm sao, nghe tin ông thành tiến sĩ, văn thân huyện Võ Giàng nơi ông trị nhậm năm xưa, cũng là nơi ông mất chức, mến tài mà tặng đôi câu đối:

Văn trận tối hùng sự, phao khước Ất khoa thôi giáp đệ;
Võ Giàng thành hảo thoại huyên truyền câu doãn xuất tân khoa.

Dịch nghĩa:
Ông là anh hùng bậc thầy trên văn đàn, ném luôn cái Phó bảng để giành lấy Đình nguyên;
Để lại giai thoại cho huyện Võ Giàng, người ta đồn xằng bậy về việc ông giữ két bạc mà nay ông chiếm tân khoa.
Trở thành tân tiến sĩ, triều đình giữ ông lại, bổ chức Hàm lâm viện thừa chỉ, chuyên soạn thảo các đạo dụ và chiếu chỉ của nhà vua. Một thời gian sau, dẫu biết sắp được bổ đi làm Án sát Khánh Hòa, nhưng nhìn thời thế, nhìn đại cục, ông từ quan, bắt đầu một con đường đi mới cho chính bản thân mình, và làm nên tên tuổi của ông: Làm báo.
Đại Nam đồng văn nhật báo. Nguồn: sưu tầm.

Tiên phong nghiệp báo đất Bắc

Nói về nghiệp làm báo của cụ Đào Nguyên Phổ, nhà báo Thiếu Sơn trong tác phẩm Những văn nhân chính khách một thời, khi viết về nhà báo Đào Trinh Nhất con trai cụ, đã có lời khen nhà báo cha là: “Được coi là một nhà làm báo chuyên nghiệp đã mở đường cho lớp ký giả chuyên nghiệp”. Còn sách Họ Đào Việt Nam thì nhận xét: “Ông là người đi tiên phong trong làng báo Bắc Kỳ và cả nước”. Quả thật vậy, ông xuất thân từ khoa bảng Nho học, nhưng vẫn rất thức thời bỏ qua danh vị tiến sĩ, dấn thân vào đời ký giả chuyên nghiệp, góp phần khai sáng dân trí nước nhà.

Nói về nghiệp báo của Đào Nguyên Phổ, trong sách Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 có cho hay, năm 1905, cụ làm chủ bút cho tờ Đại Việt tân báo. Báo này do Ernest Babut sáng lập, báo chia làm hai phần, một bên in chữ quốc ngữ, một bên in chữ Hán, có tuổi thọ 4 năm (1905-1909). Dẫu là báo nửa tư nhân, nửa nhà nước do có tài trợ từ chính phủ, nhưng Đại Việt tân báo dưới thời Đào Nguyên Phổ, đã “thỉnh thoảng chúng ta thấy đăng một vài bài của Phan Châu Trinh và đã làm cho nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ rất lo ngại”.

Lại ở sách Đào Trinh Nhất, nhà văn, nhà báo bậc thầy, có cho biết, cụ Đào Nguyên Phổ làm báo Đăng Cổ tùng báo ở Hà Nội. Ở tờ báo này, Lược sử báo chí Việt Nam cho hay, cụ Đào trông coi phần Hán văn, còn Nguyễn Văn Vĩnh trông coi phần quốc ngữ. Ở ngoài Bắc, báo có tên là Đại Nam Đồng Văn nhật báo, sau đổi là Đăng Cổ tùng báo, tồn tại thời gian 1907-1909.

Ngoài việc làm báo, sách Trạng, nghè ở Thái Bình còn lưu ý cho ta rằng, cụ Đào từng viết sách Việt sử tân ước, đồng thời đã đề tựa cho nhiều tác phẩm của bạn bè, đồng chí như Truyện Kiều do Giá Sơn Kiều Oánh Mậu chú giải, hiệu đính. Rồi viết bài tựa cho cuốn Việt sử mông học của Ngô Đức Dung… cho thấy vốn văn chương, tầm hiểu biết được bạn bè coi trọng lắm lắm.

Văn Ba