4298 lượt xem

NGUYỄN CẢNH CHÂN

Đền Ngọc Sơn - Người Kể SửĐền Ngọc Sơn thờ danh tướng Nguyễn Cảnh Chân. Ảnh: Người kể sử

Thân thế và sự nghiệp Nguyễn Cảnh Chân (1355-1409)

Ông sinh năm Ất Mùi (1355) trong một gia tộc họ Nguyễn, có nguồn gốc từ  vùng Đông Triều – Quảng Ninh. Thân sinh của ông là Kim ngô vệ Đại tướng quân Nguyễn Đa Phương Anh hùng dân tộc thời hậu Trần. Các bậc tiên liệt và tiền bối của ông có truyền thống “Trung cần - Nhân nghĩa – Bảo quốc – Hộ dân” trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, nhiều người trở thành danh thần và đại thần khai quốc dưới các triều đại Đinh-Lê-Lý-Trần... cho đến thời đại Hồ Chí Minh được lịch sử lưu danh.

Dưới triều vua Trần Phế Đế (1377-1388) 

Năm Giáp Tý (1384) Nguyễn Cảnh Chân thi đậu Tiến sỹ, khoa thi Thái học sinh dưới triều vua Trần Phế Đế - hiệu Xương Phù thứ 8 (Giản Hoàng). Năm Ất Sửu (1385) Nguyễn Cảnh Chân chính thức được bổ dụng làm quan trong “Thiềm sự khu Mật viện triều đình” nhà Trần.

Ngày 27 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), vua Trần Phế Đế nhường ngôi cho con út là Chiêu Định Vương Trần Ngung (được Lê Quý Ly gả con gái lớn làm vợ). Tháng 2 năm Kỷ Tỵ (1389) Trần Ngung chính thức lên ngôi xưng hiệu Trần Thuận Tông Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Quang Thái và con gái ruột Lê Quý Ly được phong Hoàng hậu. Lê Quý Ly là ngoại tông nhà Trần, nên được Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tín cẩn giao phụ chính vua Trần Thuận Tông.

Tháng 3 năm (1389), vua Trần Thuận Tông Hoàng đế phong Nguyễn Cảnh Chân là Đại tướng giữ chức “Tham mưu quân sự thuộc Thiềm sự khu Mật viện triều đình”.

Tháng 4 năm đó, Lê Quý Ly tiến cử bổ dụng Phạm Cự Luận làm “Thiêm Thư khu Mật viện sự”. Lê Quy Ly hỏi Cự Luận: Trong Mật viện, những ai có thể dùng được ? Cự Luận bèn nêu tên một số người trong đó có em trai của ông là Phạm Phiếm và các ông Nguyễn Cảnh Chân, Đỗ Tử Mãn, Vương Khả Tuân, Dương Chương... đều là những người tài năng, đức độ và hào khí . Lê Quý Ly bèn dùng Vương Khả Tuân làm Quản lĩnh đội quân Thần Dực; Chương Dương làm Quản lĩnh đội quân Thần Dũng, nhằm tăng thêm vây cánh.

Tháng 8 năm Tân Mùi (1391) sau khi Lê Quý Ly giết chết hai viên tướng Quản lĩnh quân Hóa Châu là Phan Mãnh và Chu Bỉnh Khuê, bổ dụng Đặng Tất thay thế làm Châu phán Hóa Châu, còn Hoàng Hối Khanh làm Chánh hình viện đại phu.

Năm Mậu Dần (1398) vua Trần Thuận Tông Hoàng đế phái cử Nguyễn Cảnh Chân vào Nam làm An phủ sứ Hóa Châu (gồm các vùng từ Bình Trị Thiên Huế). Ông đến làng Ngọc Sơn, Nam Đường (thuộc Phủ Nghệ An), xứ Hoan Châu cư trú và lập căn cứ, chiêu tập lực lượng, chế tạo binh khí và huấn luyện dân binh... cùng với Đặng Tất (người Tả Thiên Lộc – Can Lộc) đang làm Châu phán Hóa Châu (Đặng Tất là thổ quan vùng Hóa Châu) chống lại quân Chiêm Thành và giặc nhà Minh. Từ đó về sau, Nguyễn Cảnh Chân cùng Đặng Tất tham gia nhiều trận đánh với quân Chiêm Thành và giặc nhà Minh dành thắng lợi, gây được uy tín và tạo ảnh hưởng lớn trong vùng. Hai ông cũng từ đó mà trở thành bạn bè chiến hữu, thân thuộc.

Cùng năm đó (1398) vua Trần Thuận Tông bị ép nhường ngôi cho con trưởng là Trần An. Hoàng tử Trần An (gọi Lê Quý Ly là ông ngoại) lên ngôi Vua xưng là Trần Thiếu Đế (mới 2 tuổi), đặt niên hiệu là Kiến Tân, phụ chính do Thái sư Lê Quý Ly lấy danh nghĩa là Quốc Tổ nhiếp chính.

Vua Trần Thiếu Đế lên ngôi được hai năm thì Lê Quý Ly tiếm quyền nhà Trần. Lúc bấy giờ, Nguyễn Cảnh Chân đang làm An phủ sứ Hóa Châu, nhưng chính quyền nhà Trần đã hoàn toàn trong tay Lê Quý Ly.

Dưới triều Nhà Hồ (1400-1407)

Năm Canh Thìn (1400), Lê Quý Ly chính thức cướp ngôi nhà Trần lập ra nhà Hồ (đổi thành Hồ Quý Ly) đặt quốc hiệu “Đại Ngu”. Không lâu sau, Hồ Quý Ly nhường ngôi cho con trai thứ là Hồ Hán Thương, ông lên làm Thái Thượng hoàng nhà Hồ.

Năm Nhâm Ngọ (1402), để củng cố phiên dậu phía Nam, Hồ Quý Ly cho sáp nhập 4 châu mới chiếm của Chiêm Thành gồm: Thăng-Hoa-Tư-Nghĩa đổi tên gọi “Lộ Thăng Hoa” nhằm thống nhất cả 4 châu và tiếp tục cử tướng Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất có quan hệ thân hữu, trước đó cả hai ông đều làm quan nhà Trần, lại có ảnh hưởng lớn trong vùng, nên được nhà Hồ tin cẩn và trọng dụng.

Đầu năm Bính Tuất (1406), Trần Thiêm Bình mạo xưng là con cháu nhà Trần, sang tố cáo với nhà Minh việc nhà Hồ đoạt ngôi nhà Trần. Minh Thành Tổ (tức vua Chu Đệ nhà Minh) sai quân đưa Trần Thiêm Bình về nước. Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng biểu "tạ tội" với nhà Minh và xin đón Thiêm Bình về tôn lên làm Chúa. Minh Thành Tổ sai hành nhân là Niếp Thông đi sứ đem tờ sắc sang dụ Hồ Hán Thương rằng:"Nếu quả đón Thiêm Bình về tôn làm Chúa, thì sẽ ban cho Khanh tước Thượng công và phong cho một quận lớn". Hồ Hán Thương tiếp tục sai Nguyễn Cảnh Chân theo Niếp Thông sang trình báo với Minh Thành Tổ về việc đón Thiêm Bình. Tuy nhiên, tháng 4 năm Bính Tuất (1406), khi quân Minh đưa Thiêm Bình trở về Đại Ngu, vua Hồ Hán Thương sai quân đón đánh, bắt được Thiêm Bình mang về chém chết.

Cuối năm Bính Tuất (1406), nhà Minh mang đại quân sang xâm lược Đại Ngu, chúng càn quét, cướp bóc, hãm hiếp dân lành, đến giữa năm Đinh Hợi (1407) nhà Hồ bị quân Minh đánh bại và sụp đổ, nhà Minh chiếm đóng và đô hộ Đại Ngu. Tuy ban đầu lấy danh nghĩa giúp nhà Trần chống nhà Hồ, nhưng khi chiếm được Đại Ngu, Minh Thành Tổ lại hạ lệnh truy lùng bắt con cháu tông thất nhà Trần và nhà Hồ, truy sát gia đình con em công thần, nhằm diệt trừ mối họa trỗi dậy “ngụy Trần và ngụy Hồ”…

Sau khi lật đổ nhà Hồ, nhà Minh đô hộ và biến Đại Ngu thành quận Giao Chỉ thuộc Trung Quốc. Hồ Quý Ly và tông thất nhà Hồ bỏ chạy vào Nam đến cửa biển Kỳ La (thuộc huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) bị Trương Phụ và Mộc Thạnh bắt và đưa về Kim Lăng (thuộc Nam Kinh -Trung Quốc) rồi đày đọa đến chết. Riêng Hồ Nguyên Trừng (con trai cả Hồ Quý Ly) do có tài chế tạo binh khí, nên nhà Minh tha mạng chết, nhưng ép đổi tên thành “Lê Trừng” rồi trọng dụng ông, về sau làm quan lớn phong đến chức “Công bộ Thượng thư” trong triều nhà Minh.

Trong bối cảnh nhà Minh xâm lược (cuối triều Hồ), đất nước rơi vào cảnh rối ren loạn lạc, nhân dân khắp nơi bất bình căm phẫn. Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất đã kéo quân từ lộ Thăng Hoa ra Nghệ An để hợp binh chống giặc nhà Minh. Biết tin, con trai thứ 2 của ông là Nguyễn Cảnh Lữ, sinh năm Canh Thân (1380) chạy từ vùng đất Đông Triều – Quảng Ninh qua Gia Viễn – Ninh Bình theo cha về lánh nạn tại làng Ngọc Sơn, Nam Đường (Phủ Nghệ An), xứ Hoan Châu. Ông cải trang hành nghề chèo đò, bốc thuốc chữa bệnh dưới chân núi Nguộc. 

Tướng quốc tham mưu và công thần ngậm oan (1407-1409)

Sau khi lật đổ nhà Hồ, chiếm được Đại Ngu, nhà Minh thực hiện nhiều chính sách đô hộ tàn bạo, truy sát các thế lực công thần nhà Hồ, nhà Trần… từ đó nhân dân Đại Việt nhiều nơi nổi dậy mong muốn giành lại độc lập, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ nổ ra trên phạm vi cả nước.

Ngày 02 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), Tướng quân Nguyễn Cảnh Chân cùng Đặng Tất đã suy tôn Trần Ngỗi (tức Giản Định Đế) lên làm vua, lập lại cơ nghiệp nhà Trần ở Mô Độ – Ninh Bình, đặt niên hiệu là Hưng Khánh, để lãnh đạo đất nước chống giặc Minh xâm lược.

Sau sự kiện này, Đô ty Giao Chỉ cùng Bố chính bèn tâu với Minh Thành Tổ để xin tăng viện quân và binh khí: “Bọn Giản Định Đế, Đặng Tất, Cảnh Chân, Nguyễn Súy… âm mưu nổi loạn. Bọn chúng suy tôn Trần Ngỗi làm vua đặt hiệu Hưng Khánh, chúng hoạt động chủ yếu ở vùng núi non hiểm trở ở Hoan Châu, Hóa Châu, chúng tập trung chế tạo binh khí, tụ tập đồ đảng cùng với bọn ngụy quân để đánh ta (tức giặc Minh). Lúc này đại quân đã về nước, bọn Giản Định Đế kéo quân đánh Bình Than và ải Hàm Tử, chặn đường đi lại tại Tam Giang, chúng đánh phá gần thành Giao Chỉ (tức thành Đông Đô). Các Châu huyện như: Từ Liêm, Oai Man, Thượng Hồng, Đại Đường, Ứng Bình, Thạch Thất…dân tình đều ùa theo chúng. Thế giặc ngày càng mạnh, quân ta đánh mấy lần nhưng không lập được công, nay xin tăng viện thêm quân”.

Nhận được lời đề nghị, Minh Thành Tổ bèn hạ lệnh điều thêm 4 vạn quân, sai Trương Phụ và Mộc Thạnh dẫn đại quân bao gồm lục quân tiến theo đường bộ, còn Liễu Thăng chỉ huy thủy quân tiến theo đường biển ào ạt tràn sang xâm lược nước ta. Trong cơn ly loạn, giặc Minh đã triệt phá làng mạc, đốt phá, cướp của, truy sát gia đình, anh em con cháu của giới Tướng lĩnh nhà hậu Trần và nhà Hồ ở vùng Hải Hưng, Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay…

Năm Mậu Tý (1408) Trương Phụ điều binh khiển tướng, dồn Lục quân, Thủy quân từ nhiều hướng, tiến từ Ải Nam Quan, từ Quảng Ninh đến Bô Cô (nay thuộc huyện Ý Yên - Nam Định) nhằm tiêu diệt quân nhà Trần. Ngày 14 tháng 12 năm đó,  Nguyễn Cảnh Chân cùng Đặng Tất đã mưu trí tập trung toàn lực đại phá và đại thắng quân Minh tại Bô Cô, tiêu diệt hơn 10 vạn tên địch. Nguyễn Cảnh Chân chém chết Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn và tên Đô Ty Lưu Nghị, còn Mộc Thạnh và Trương Phụ dẫn tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng rồi trốn thoát về nước. Riêng tên Thổ quan Đông Tri Trần Quốc Kiệt, một tay sai của giặc Minh tẩu thoát vào rừng rồi chết đói. Quân hậu Trần đại thắng khải hoàn, nhân dân khắp nơi vui mừng hồ hởi, danh tiếng và uy tín của Nguyễn Cảnh Chân & Đặng Tất theo đó mà tăng cao.

Sau khi đại thắng quân Minh ở Bô Cô, Giản Định Đế đưa quân về đóng ở Hương Giang, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa (bên bờ sông Hoàng Giang). Bọn gian thần lưu manh Nguyễn Quỹ và Nguyễn Mộng Trang ghen tỵ trước chiến công hiển hách của Nguyễn Cảnh Chân & Đẳng Tất, đã bí mật dèm pha với Vua Giản Định Đế: “Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất chuyên quyền bổ dụng người này, cắt chức người khác, nếu không liệu tính sớm, sau này khó mà chế phục được”. Vua Trần Ngỗi nghe lời, bèn cho triệu Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến, sai binh lính đánh chết Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân trở tay không kịp chạy lên bờ, nhà vua sai lực sỹ đuổi theo chém chết. Nguyễn Cảnh Chân mất ngày 15 tháng 02 năm Kỷ Sửu (1409) hưởng thọ 54 tuổi.

Sau sự kiện này, nhà sử thần Ngô Sỹ Liên thương tiếc cho hai ông phải thốt lên rằng: “Nhà Vua may thoát khỏi vòng vây nguy hiểm, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Nguyễn Cảnh Chân giỏi bày mưu lược đã lập công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng đất nước. Với trận đại thắng ở Bô Cô thế nước nổi lên, thế mà nghe lời dèm pha ly gián của bọn hoạn quan một lúc giết chết hai Đại tướng tài ba, chẳng khác nào tự mình chặt bỏ tay chân vây cánh của mình thì làm sao nên việc lớn và gây họa cho đất nước”.

Chính vì hành động thiếu anh minh sáng suốt này của Vua Giản Định Đế mà các bậc cận thần nhà Trần không còn tuân phục, còn các sử gia, người dân đương thời và hậu thế nguyền rủa: "Đức của người làm Vua quý ở chỗ cương quyết và sáng suốt. Cương quyết thì có thể xử đoán được, sáng suốt thì có thể xét rõ được. Than ôi, nếu lúc đó vua cho gọi hai Đại thần đến, dẫn hai đứa ấy (kẻ gièm pha) kể rõ tội gièm pha vu oan hai Đại thần rồi chém ngay chúng đi thì uy lệnh được thi hành. Đại thần Cảnh Chân & Đặng Tất dũng cảm càng tăng, cảm kích càng sâu. Giả sử có manh tâm chuyên quyền, chả lẽ không sợ uy phải tự bỏ, sợ gì khó kiềm chế nữa. Vua đã không làm được như thế thì chỉ có long đong rồi chết chìm mà thôi."

Baonghean.vn