232 lượt xem

NGUYỄN CHÁNH

Nguyễn Chánh là nhà thơ, Tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn có tên là Nguyễn Chí Thuần, quê xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Chánh từng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến như một vị tướng tài năng.

Ông tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội từ năm 1929, vào Đảng Cộng sản Đông Dương từ 1931, từng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cùng các thiếu tướng Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn... lãnh đạo khởi nghĩa ở các tỉnh trung Trung Bộ.

Năm 1931, Nguyễn Chánh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ năm 1935-1939, ông là tỉnh ủy viên Quảng Ngãi, rồi sau đó là Bí thư Bí thư liên tỉnh Nghĩa-Bình-Phú.

Tháng 3 năm 1945, ông được Tỉnh ủy Quảng Ngãi phân công lãnh đạo đội du kích Ba Tơ mới được thành lập sau cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Tại thời điểm đó, ông đã có một chủ trương rất táo bạo là không để "đội du kích luẩn quẩn trên vùng rừng núi, mà đưa quân về đồng bằng, dựa vào phong trào quần chúng cách mạng để xây dựng và chiến đấu, đồng thời phát triển dân quân tự vệ và tham gia phát động phong trào cách mạng của quần chúng". Chính nhờ vào đường lối này mà lực lượng của Đội du kích Ba Tơ đã lớn mạnh một cách nhanh chóng trở thành lực lượng vũ trang nòng cốt của mặt trận Việt Minh tại tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, ông đã lãnh đạo đội du kích Ba Tơ, lúc đó bao gồm hàng vạn dân quân tự vệ và quần chúng cách mạng, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật. Qua đó, Quảng Ngãi đã trở thành một trong những địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), ông đã giữ các cương vị chủ chốt của đảng Cộng sản Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng tại Khu 5 như Uỷ viên trưởng quốc phòng Miền Nam Trung Bộ (1945-1950); Phó Bí thư Khu ủy V - kiêm Chính ủy khu V (1945-1948); Phó Bí thư Liên khu ủy V, kiêm Chính ủy Liên khu V (1948-1951); Bí thư Liên khu uỷ, Chính uỷ kiêm Tư lệnh Liên khu V (1951-1954). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (1951), ông được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông từng nổi danh ở chiến trường khu V cũ, mà tướng Pháp tư lệnh chiến dịch Atlante ở Tây Nguyên là De Beaufort hết sức thán phục ông. Chính viên tướng này đã tỏ ý muốn được diện kiến ông và nói rằng: "Vị tướng (NC) đã làm cho tôi (D.B) điêu đứng trên chiến trường".

Năm 1954, ông đã chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, phá tan cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre. Chiến thắng này cùng với thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ chính là những nguyên tố quyết định buộc Pháp phải đầu hàng trong Chiến tranh Đông Dương và rút khỏi Việt Nam.

Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, giữ chức tổng tham mưu phó thuộc Bộ Quốc phòng. Sau một thời gian bị bệnh, ông mất ngày 24-9-1957, hưởng dương 43 tuổi. Ông được nhà nước Việt Nam tặng nhiều huân chương cao quý, trong đó gồm có: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhì và nhiều huân, huy chương khác.

Lúc 14, 15 tuổi khi đưa các đồng chí trong Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội lên núi giả vờ làm ruộng để che mắt và tránh địch truy lùng, ông cảm tác bài thơ:

Nhớ mưa nhớ gió nhớ quê nhà
Nhớ lúc thanh nhàn dạo cỏ hoa
Nhớ trống tự do không kẻ đánh,
Nhớ đàn dân chủ thiếu người hòa.
Nhớ cờ độc lập tươi sông núi,
Nhớ đuốc trung thành rọi quốc gia.
Nhớ bạn đồng tâm đâu chẳng thấy,
Nhớ mưa nhớ gió nhớ quê nhà.

Nhận xét:

Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến tướng Nguyễn Chánh như sau: "Anh qua đời, quân đội mất đi một vị tướng tài năng, tôi mất đi một người bạn chí thiết".

Nghĩ về ông, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “Nguyễn Chánh là một con người văn hóa, một nhà văn hóa theo nghĩa rộng và đẹp nhất của khái niệm đó. Cái văn hóa uyên bác được hòa trộn nhuần nhuyễn đến như hoàn toàn tự nhiên với văn hóa dân gian, dân tộc mà anh hiểu, yêu và giỏi nữa.”

Nguồn: http://mobile.coviet.vn