221 lượt xem

Nguyễn Chí Thanh

Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh là một vị tướng thao lược, tài ba, đức độ, vị tướng hội tụ đủ phẩm chất "nhân, trí, tín, dũng, liêm, trung".

Sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo của tỉnh Thừa Thiên, sớm nhận thức được lẽ sống, lý tưởng, trách nhiệm của mình đối với nhân dân, đồng chí đã tham gia những cuộc đấu tranh chống áp bức, cường hào khi mới 14 tuổi và tham gia hoạt động cách mạng dưới ngọn cờ lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương trong phong trào Mặt trận Dân chủ bằng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ðồng chí trở thành đảng viên của Ðảng năm 1937 và từ đây bắt đầu cuộc đời của người chiến sĩ cách mạng.

Ði theo con đường tranh đấu cho độc lập dân tộc và tự do hạnh phúc của nhân dân, trước những khó khăn, thử thách, nguy hiểm, ba lần bị giặc bắt, tù đày, đồng chí luôn giữ vững ý chí đấu tranh kiên cường, dũng cảm, tinh thần cách mạng tiến công. Ðồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương vượt qua mọi trở ngại, chông gai, ngày càng phát triển hòa cùng phong trào cách mạng chung của cả nước, đi tới thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Sau Cách mạng Tháng Tám, với cương vị là Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã cùng Xứ ủy lãnh đạo quân và dân kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 1947, khi đang là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, đồng chí đã vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, khôi phục Mặt trận Huế, mở ra một cục diện mới, phát triển chiến tranh nhân dân trong vùng địch tạm chiếm. Năm 1948, Trung ương quyết định thành lập Phân khu 

Bình-Trị-Thiên để thống nhất lãnh đạo, chỉ huy ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được chỉ định làm Bí thư, rồi đảm nhiệm Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4.

Những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình-Trị-Thiên vô vàn gian khó, lực lượng vũ trang (LLVT) còn non trẻ, thiếu thốn đủ bề, đồng chí đã cùng Phân khu ủy lãnh đạo quân và dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách với tinh thần "mất đất chưa phải là mất nước; chúng ta chỉ sợ mất lòng tin của dân; có lòng tin của dân là có tất cả". Từ đó, Phân khu ủy đề ra nghị quyết "phải nhanh chóng chuyển sang tiến công địch. Kiên quyết luồn trở lại vùng đồng bằng đang bị địch chiếm đóng, bám đất, bám dân, phát động phong trào chiến tranh du kích, phá tan chính sách bình định của địch". Bình-Trị-Thiên đã trở thành mặt trận sôi động và anh dũng, góp phần chặn đứng âm mưu của thực dân Pháp hòng chia cắt chiến lược và mở rộng chiến tranh ra vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh. Chiến công của Mặt trận Bình-Trị-Thiên có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh.

Giữa năm 1950, trước yêu cầu phát triển quân đội, đẩy mạnh kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí đã được T.Ư Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều động vào công tác trong quân đội, đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QÐND) Việt Nam và Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Ðầu năm 1951, tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư và được cử là Ủy viên Bộ Chính trị.

Trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, đồng chí đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, tăng cường bản chất cách mạng của QÐND. Việc xây dựng chế độ tập thể lãnh đạo của đảng ủy các cấp, từ Tổng Quân ủy đến chi bộ đại đội, đã làm cho công tác tư tưởng gắn chặt với công tác tổ chức, trở thành biện pháp hàng đầu trong giáo dục, bồi dưỡng, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chính sách của Ðảng, mục tiêu chiến đấu của quân đội. Ðồng chí đã chỉ ra và làm rõ các mối quan hệ giữa quân đội với Ðảng, với nhân dân, với bè bạn quốc tế; quan hệ giữa cán bộ với chiến sĩ, trong đó mối liên hệ giữa quân đội với Ðảng là mối liên hệ bản chất chi phối các mối quan hệ khác. Ðồng chí chăm lo giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị đối với đội ngũ cán bộ từ cấp chiến lược, chiến dịch đến chiến thuật; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa chính trị và quân sự, giữa con người và vũ khí, giữa lãnh đạo và chỉ huy, giữa đức và tài của cán bộ... Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò của công tác chính trị, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Ðồng chí còn trực tiếp chủ trì tổng kết công tác chính trị, xác định rõ vị trí, chức năng, nguyên tắc tiến hành công tác chính trị, phê phán quan điểm hạ thấp và thu hẹp chức năng của công tác này. Ðồng chí đã cùng với Tổng Quân ủy lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ của Ðảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn mang hết tâm sức, trí tuệ phục vụ sự nghiệp kháng chiến kiến quốc; chỉ đạo xây dựng LLVT nhân dân ngày càng vững mạnh, chiến đấu anh dũng, đánh bại tham vọng tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp bằng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ vĩ đại. Ghi nhận những công lao, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng nói chung, QÐND Việt Nam nói riêng, đồng chí được Ðảng, Nhà nước phong quân hàm Ðại tướng năm 1959.

Tại Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ III của Ðảng (tháng 9-1960), đồng chí Nguyễn Chí Thanh tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, được cử vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Năm 1961, do yêu cầu của công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được T.Ư Ðảng giao nhiệm vụ phụ trách Ban Nông nghiệp T.Ư. Chỉ ít lâu sau, một điển hình trên mặt trận nông nghiệp xuất hiện. Ðó chính là kết quả của nhiều tháng liên tục đồng chí lội ruộng cùng với bà con nông dân, xem xét việc canh tác ở hợp tác xã Ðại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ðồng chí viết bài "Hoan nghênh hợp tác xã Ðại Phong" đăng trên Báo Nhân Dân, giới thiệu những kinh nghiệm quý của một điển hình trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp. Ðây là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân miền Bắc lúc bấy giờ. Theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ðảng đã phát động phong trào thi đua với hợp tác xã Ðại Phong trong nông thôn miền Bắc. Và "Gió Ðại Phong" đã cùng với "Cờ Ba Nhất", "Sóng Duyên Hải"... trở thành động lực, sức mạnh tinh thần cho cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt, để tăng cường công tác lãnh đạo cách mạng miền Nam, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử làm Bí thư T.Ư Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các LLVT giải phóng miền Nam Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trên cương vị người lãnh đạo, chỉ đạo cao nhất tại chiến trường, đồng chí đã cùng T.Ư Cục đề xuất với Bộ Chính trị nhiều chủ trương chiến lược, sách lược đúng đắn, nhất là việc xây dựng, tổ chức các đơn vị chủ lực cơ động cấp trung đoàn, sư đoàn của quân đội ta, đứng chân tại các địa bàn chiến lược trên chiến trường miền Nam để kết hợp với các phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, đủ sức đương đầu, đánh bại quân đội Mỹ - Ngụy, làm nên những chiến thắng vang dội như chiến thắng Bình Giã, Ba Gia, Ðồng Xoài…

Những trận thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam), Vạn Tường (Quảng Ngãi), Plây - Me vào giữa năm 1965 đã chứng minh cho nhận định sắc sảo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh rằng: Quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh mà còn đánh thắng Mỹ về quân sự trong chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Thực tiễn chiến đấu và những thắng lợi trong trận đụng đầu với quân Mỹ là cơ sở quan trọng để Ban Chấp hành T.Ư Ðảng hình thành và hoàn chỉnh Nghị quyết T.Ư lần thứ 12 Khóa III (12 -1965), khẳng định quyết tâm, đường lối đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Là vị tướng thao lược, đồng chí vừa là người trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam, vừa là người tổng kết, phát triển những luận điểm về chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Những bài viết sắc sảo mang bút danh "Trường Sơn" là những phản ánh sinh động nhất cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam, là những đánh giá, nhận định ở tầm chiến lược về thế và lực, phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam ở miền Nam, về khả năng chiến đấu, chiến thắng và nâng cao lòng tin của các LLVT nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ.

Là người trực tiếp chỉ đạo chiến trường miền Nam trong những bước cam go, khốc liệt nhất, được chứng kiến tinh thần chiến đấu anh dũng, sức sáng tạo tuyệt vời của quân và dân miền Nam, đồng chí đã quán triệt sâu sắc đường lối chính trị, quân sự của Ðảng, góp phần tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân; đẩy mạnh và phát huy hiệu quả phương châm, cách đánh địch bằng cả hai chân (chính trị, quân sự), ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận), trên cả ba vùng chiến lược (đô thị, nông thôn đồng bằng, rừng núi); kết hợp giữa chiến tranh du kích với tác chiến chính quy trên cơ sở chiến tranh du kích, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân... Ðồng chí cũng đi sâu tổng kết những vấn đề lý luận của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược bằng chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ; góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Mặc dù chỉ đạo ở tầm chiến lược, nhưng với nhãn quan sắc sảo, nhạy bén, đồng chí luôn dõi theo, nắm bắt những chuyển biến mới của tình hình chiến trường, quan tâm đến những vấn đề hành động cụ thể của từng đơn vị, địa phương, của người chiến sĩ để tổng kết, nhân rộng gương điển hình chiến đấu, những cách đánh hay, hiệu quả như: "Bám thắt lưng địch mà đánh" hay "Vành đai diệt Mỹ" - một hình thức bao vây, giam chân lực lượng đối phương cực kỳ sáng tạo của cuộc chiến tranh nhân dân tại nhiều địa phương miền Nam.

Ba năm (từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1967) cùng với tập thể Trung ương Cục, Quân ủy Miền lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng miền Nam bước qua giai đoạn cam go, thử thách, bằng những hoạt động thực tiễn phong phú và những tổng kết lý luận sâu sắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã báo cáo trước Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng lần thứ 14 Khóa III (tháng 6-1967), giúp cho Ðảng đánh giá khách quan, khoa học về tương quan so sánh lực lượng giữa ta và đối phương, thể hiện niềm tin sắt son, cháy bỏng: "Ta nhất định thắng Mỹ, Mỹ thua đã rõ ràng. Cần phải tiếp tục thế tiến công để tiến lên giành thắng lợi quyết định". Từ đó góp phần quan trọng bổ sung, hoàn chỉnh đường lối chính trị, quân sự của Ðảng, tạo sự thống nhất cao trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân tiến hành sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến ngày giành thắng lợi hoàn toàn.

Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời sau một cơn đau tim ở tuổi 53 (ngày 6-7-1967) khi đang giữ trọng trách do Ðảng phân công, người lãnh đạo cao nhất của T.Ư Cục miền Nam, Quân ủy Miền.

Tròn 30 năm hoạt động cách mạng, trải qua biết bao khó khăn, thử thách, hiểm nguy, đồng chí Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn giữ vững bản lĩnh cách mạng, xứng đáng là một trong những hạt nhân lãnh đạo tiêu biểu của Ðảng và quân đội. Dù ở đâu, trên bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người cộng sản kiên cường, đem hết sức mình cống hiến không mệt mỏi cho Ðảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc; đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân; luôn không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, thâm nhập thực tế, sâu sát cơ sở; thực hiện lời nói đi đôi với việc làm..., hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó. Ðồng chí là học trò xuất sắc của Bác Hồ, là người "Bộ đội Cụ Hồ" tiêu biểu của Quân đội ta.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng ta như được gặp lại cuộc đời trong sáng, mẫu mực của một người cộng sản chân chính, cùng hồi tưởng những cống hiến xuất sắc trên cả bình diện chính trị và quân sự, lý luận và thực tiễn của đồng chí Ðại tướng Nguyễn Chí Thanh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, của Ðảng và quân đội. Tấm gương trọn đời hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của đồng chí sẽ soi rọi cho các thế hệ người Việt Nam, cho cán bộ, chiến sĩ trong LLVT học tập và noi theo.

Nhandan.vn