316 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 4

THAM GIA TỔ CHỨC CUỘC THI TIẾN SĨ NĂM 1374


Năm 1374, triều đình tổ chức thi Đình tại Thiên Trường, nơi ở của Thượng hoàng Nghệ tông. Mục đích khoa thi là tuyển chọn nhân sự phục vụ công cuộc chinh phục Chiêm Thành nhằm trả mối hận Chế Bồng Nga cướp phá Thăng Long. Cậu con rể Nguyễn Ứng Long, lúc đó đang làm việc tại Tam quán, đã tham gia thành công khoa thi này. Chúng ta biết được nét chính tiêu chuẩn chọn Tiến sĩ đương thời qua bài thơ dưới đây

用洪州同尉范公韻
奉呈考試諸公
諸公滾滾在岩廊,
士子難窺數仞牆。
玉石最宜區辨別,
鸞雞忍史並飛翔。
得賢董子興炎漢,
黜直劉蕡弱晚唐。
天詔丁寧容博取,
要先忠讜後詞章。
dụng hồng châu đồng úy phạm công (a)
vận phụng trình khảo thí chư công
Chư công cổn cổn tại nham lang,
Sĩ tử nan khuy sổ nhận tường,
Ngọc thạch tối nghi khu biện biệt,
Loan kê nhẫn sử tịnh phi tường.
Đắc hiền Đổng Tử hưng Viêm Hán,
Truất trực Lưu Phần nhược Vãn Đường.
Thiên chiếu đinh ninh dung bác thủ,
Yếu tiên trung đảng hậu từ chương.
 

(a) Hồng châu Đồng úy Phạm công : có lẽ là Phạm Sư Mạnh.


Dùng vần của quan Đồng uý Hồng Châu họ Phạm để trình quí ông đang chấm thi
Trên hành lang lát đá các ông đang bận bịu,
Sĩ tử khó nhìn qua bức tường cao mấy nhận.
Phải phân biệt rõ ràng ngọc hay đá,
Không để phượng với gà bay lượn ngang nhau.
Được người hiền Đổng Tử, triều Viêm Hán hưng thịnh,
Bãi kẻ chính trực Lưu Phần, nhà Vãn Đường suy yếu.
Chiếu vua đã dặn dò cho phép lấy rộng.
Trước cần xét tính trung trực, sau mới đến tài văn.
 

Chất lượng Tiến sĩ trước hết là lòng trung thành với triều đại, sau là tài từ chương. Có nhiều điểm chung giữa khoa thi Tiến sĩ đời Trần với kỳ thi công chức tại Việt Nam ngày nay. Nó hoàn toàn khác với quan niệm về thi Tiến sĩ ở các quốc gia phương Tây hiện đại.

賡試局諸生唱酬佳韻
漢唐二宋又元明,
例設詞科選俊英。
何似聖朝求實學,
當知萬世絕譏評。
殿深乙夜觀書罷,
月滿秋風宿雨晴。
一炷御香通帝闕,
願聞忠孝狀元名。
canh thí cục chư sinh xướng thù giai vận
Hán Đường nhị Tống hựu Nguyên Minh,
Lệ thiết từ khoa tuyển tuấn anh.
Hà tự thánh triều cầu thực học,
Đương tri vạn thế tuyệt cơ bình.
Điện thâm ất dạ quan thư bãi,
Nguyệt mãn thu phong túc vũ tình.
Nhất chú ngự hương thông đế khuyết,
Nguyện văn trung hiếu Trạng nguyên danh.
 

Họa vần bài thơ xướng hoạ của các thí sinh trường thi
Hán, Đường, hai Tống, đến Nguyên, Minh,
(Đã có) Lệ đặt khoa từ chương để chọn người tài tuấn.
Sao giống cách cầu thực học của thánh triều !
Nên biết (cách tuyển này khiến) muôn đời sau dứt hẳn tiếng bình phẩm.
Xem sách xong lúc canh hai, cung điện thâm u,
Mưa vừa tạnh khi gió thu nổi, vầng trăng tròn đầy.
(Thắp) nén nhang ngự, hương bay thông đến cửa khuyết,
Mong nghe tên vị Trạng nguyên trung, hiếu.
 

Nguyên Đán đánh giá thấp khoa cử bắc quốc, tự hào lối cầu thực học của triều đình phương nam. Tiếc rằng đề thi không còn lưu lại để chúng ta xem xét “thực học” bản chất như thế nào. Toàn Thư lại không chép rõ chương trình thi của lần thi đầu tiên được đổi tên là Tiến sĩ này. Để đoán biết, chúng ta lướt qua chương trình thi của các lần thi trước và sau năm 1374.

Chương trình thi Thái học sinh năm 1304 gồm các bước sau

– Thi ám tả thiên “Y Quốc” và truyện “Mục thiên tử”

– Thi “kinh nghi”, “kinh nghĩa”; làm thơ cổ thể, thơ luật, phú.

– Thi làm “chiếu, chế, biểu”.

– Thi đối sách.

Chương trình thi Thái học sinh năm 1345 như sau

– Ám tả cổ văn

– Kinh nghĩa

– Thi phú

Chương trình thi Tiến sĩ năm 1396 như sau

– Thi “kinh nghĩa”, bài làm phải đạt 500 chữ trở lên

– Thi làm thơ luật, làm phú, bài làm phải dài hơn 500 chữ.

– Thi làm chiếu, chế, biểu.

– Thi văn sách, bài làm phải dài hơn 1000 chữ.

Nguyên Đán khẳng định mục đích cầu “thực học” của cuộc thi năm 1374, như vậy có thể đoán định nội dung thi có phần đối sách, gần với chương trình thi năm 1304, là kỳ thi Đại tỷ có vòng thi Đình, hơn là chương trình năm 1345, chỉ là kỳ thi Thái học sinh. Bước thi ám tả, để loại thí sinh quá yếu kém, có lẽ vẫn được áp dụng vì thời điểm này chưa có thi Hương.

Khóa năm 1396 bỏ môn ám tả vì đã có thi Hương tổ chức một năm trước khi thi Hội để giảm bớt số thí sinh học lực sơ sài.

Trừ “ám tả”, môn thi không được nghe nói đến trong các khoa Tiến sĩ ở Bắc quốc, những môn thi khác đều dựa theo chế định phát sinh từ Trung nguyên.

Đối tượng của vòng thi Đình năm 1374 bao gồm : thuộc quan ở tam quán, thái học sinh, thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và người có tước phẩm.

Nguyễn Ứng Long, con rể cụ Trần, có hai câu thơ nhớ lại khoa thi này như sau

隆慶二年新進士,
翹才三館舊書生。(秋中病)
Long khánh nhị niên tân tiến sĩ,
Kiều tài tam quán (a) cựu thư sinh. (Thu trung bệnh)

(a) Tam quán : Vào đời Lê sơ bao gồm Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Sử quán (5), có thể vẫn giống tổ chức cuối Trần. Kiều tài : tài năng nổi trội.

Người mới đậu Tiến sĩ năm Long Khánh thứ hai (1374),
Vốn là học trò cũ nơi Tam quán Kiều tài.
(Bệnh giữa mùa thu)

Lần thi phản ánh trong các bài thơ của Nguyên Đán hẳn là vòng thi cuối cùng : thi đối sách trong cung Trùng Hoa do thượng hoàng Nghệ tông chủ trì. Hai nhân vật Đổng Trọng Thư (179 TCN – 104 TCN) và Lưu Phần (cùng thời Lý Thương Ẩn 813 – 858) mà cụ Trần nhắc đến trong bài thơ đầu tiên đều nổi tiếng qua kỳ thi đối sách. Quan điểm của họ Đổng là độc tôn Nho thuật, của Lưu Phần là kiềm chế hoạn quan. Đổng được Hán Vũ đế trọng dụng, Lưu lại bị hoạn quan vu hại phải chịu biếm trích.

Khoa cử Đại Việt chỉ là sao chép của khoa cử Trung nguyên, căn cứ vào đâu cụ Trần cho rằng phép thi của “thánh triều” ưu việt hơn ?

Thực ra, khoa cử chỉ bắt đầu từ đời Tùy (581 – 619) Trung quốc. Thời Hán (203TCN – 220), triều đình áp dụng chế độ tuyển quan lại dựa trên tiến cử từ địa phương. Theo đó, châu quận tiến hành khảo hạch và chọn lọc ứng viên rồi đề đạt lên nhà vua xét duyệt. Phương pháp tuyển trạch gọi là “sát cử” này không mở rộng đối tượng ra đến dân thường vì quan lại địa phương chỉ tiến cử con em hoặc bà con thân thuộc của họ. Dù tương đối mở hơn chế độ thế tập, “sát cử” vẫn chưa thể được xem như một khoa thi.

Đời Đường, các môn thi Tiến sĩ bao gồm : thiếp kinh, thời vụ sách, tạp văn và thơ phú. Phần thi thơ phú chiếm vị trí quan trọng, tính văn học của bài thi rất được chú ý, đặc biệt bài thi thơ luật. Hạn chế của khoa cử đời Đường là đặt nặng việc xét tuyển vào danh vọng của người tiến cử thí sinh và vào nguồn gốc xuất thân của chính thí sinh.

Đời Tống (960 – 1279), quy chế thi được hệ thống hóa. Hai bậc thi Hương, Hội lần đầu xuất hiện, mở rộng cánh cửa quan trường cho tầng lớp bình dân. Năm 973, Tống Thái tổ chủ trì cuộc thi đình đầu tiên trong lịch sử khoa cử Hoa Hạ đồng thời xác lập ba vị trí cao nhất của khoa thi : Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Thi đình là vòng thi cuối của bậc thi Hội. Khởi thủy, chương trình thi Tiến sĩ gồm ba môn : sách, luận, thơ phú. Vương An Thạch cải cách khoa cử, hướng thí sinh đến thông hiểu kinh văn, giảm bớt yêu cầu phải học thuộc lòng. Ông không ngưỡng mộ việc “xuất khẩu thành thi” nên bỏ thi thơ phú, thay vào bằng môn “kinh văn đại nghĩa”. Tuy vậy, bài làm vẫn yêu cầu tính văn học cao. Về sau, thi thơ phú lại phục hồi. Đời Tống, làm phú để đậu Tiến sĩ quan trọng đến nỗi nay còn lưu câu tục ngữ “Đường thi thơ, Tống thi phú”.

Khi mới chiếm được vùng Hoa bắc, chúa Mông cổ Oa Khoát Đài đã nghe lời tham vấn của Da Luật Sở Tài tổ chức cuộc thi nho học vào năm 1238. Tuy nhiên, triều đình sau đó bãi bỏ chế độ khoa cử, dùng lại chế độ tuyển cử của người Mông cổ. Đại Mông cổ chỉ tổ chức thêm hai khoa thi nho giáo vào các năm 1252 và 1276 (nhà Nguyên chính thức thành lập năm 1271). Đến đời Nguyên Nhân tông, khoa cử được tái lập. Năm 1314 mở khoa thi Hương trên toàn quốc. Năm 1315, thi Hội và thi Đình tại Đại đô. Người Mông cổ và Tây Á, Trung Á được ưu đãi trong các kỳ thi. Họ được ra đề thi dễ hơn, yêu cầu thấp hơn so với đề thi ra cho người Hoa Bắc và Hoa Nam. Bảng kết quả cũng chia làm hai, bảng bên phải dành cho người Mông cổ-Sắc mục, bảng bên trái dành cho người Hán-Nam.

Chu Nguyên Chương thành lập nhà Minh năm 1368, chỉ 6 năm trước kỳ thi Thiên Trường. Thể chế thi của nhà Minh, nếu có cải cách so với thể chế đời Nguyên, cũng chưa đủ thời gian thẩm thấu sang Đại Việt.

Cách thi Tiến sĩ đời Trần năm 1374 như vậy chịu ảnh hưởng định chế Tống-Nguyên nhưng còn ở dạng đơn giản hơn vì chưa có kỳ thi Hương. Bước thi ám tả, không thấy áp dụng ở các khoa thi Đường Tống, cho thấy trình độ nho sĩ Đại Việt không đồng đều, có người nghe-viết chưa rành mạch vì dù sao đối với đa số người Đại Việt tiếng Hán vẫn là ngoại ngữ.

Do đó, điều khả dĩ khiến khoa thi này vượt trội các khoa thi ở Trung Nguyên phải nằm ở nội dung thi. Đề thi có lẽ hỏi về phương pháp gây dựng sức mạnh của nước nhà để giải quyết vấn đề gai góc của nhà Trần là chiến tranh với Chiêm Thành. Chúng ta phỏng đoán điều đó (6) vì khi tân Tiến sĩ Nguyễn Ứng Long đòi nghỉ quan, Nguyên Đán đã nhắc nhở con rể về nhiệm vụ nho gia trước thời cuộc.

胡兒未款花門塞,
裴老思歸綠野堂。
Hồ nhi vị khoản Hoa Môn (a) tái,
Bùi lão (b) tư qui Lục Dã (c) đường.
(Ký tặng Nhị Khê Kiểm chính Nguyễn Ứng Long)

(a) Hoa Môn : tên tòa thành phòng thủ rợ Hồ phía Bắc trung nguyên.

(b) Bùi lão : Bùi Độ (765 – 839), danh thần đời Đường, có công dẹp nạn cát cứ vùng Hoài Tây.

(c) Lục Dã : tên dinh thự nơi Bùi Độ nghỉ hưu.

Giặc Hồ chưa đến ải Hoa Môn để quy thuận,
Lão Bùi đã nghĩ đến việc quay về Lục Dã !
(Viết tặng Kiểm chính Nguyễn Ứng Long ở Nhị Khê)

Nhận thức về sự vượt trội của tầng lớp ưu tú Đại Việt so với lãnh đạo Hoa Hạ không chỉ mình Nguyên Đán sở đắc. Trước đó, Trần Dụ tông từng chê đạo đức của vị vua anh minh nhất nhà Đường, như sau

唐太宗與本朝太宗
唐越開基兩太宗,
彼稱貞觀我元豐。
建成誅死安生在,
廟號雖同德不同。
đường thái tông dữ bản triều thái tông
Đường, Việt khai cơ lưỡng Thái tông,
Bỉ xưng Trinh Quán, ngã Nguyên Phong.
Kiến Thành (a) tru tử, An Sinh (b) tại,
Miếu hiệu tuy đồng, đức bất đồng.

(a) Kiến Thành (589 – 626) : thái tử, con trưởng Đường Cao tổ Lý Uyên. Ông bị em ruột là Lý Thế Dân, tức Đường Thái tông, sát hại để tranh ngôi.

(b) An Sinh : tức Trần Liễu (1211 – 1251), anh ruột vua Trần Thái tông. Do Trần Thủ Độ ép ông phải đưa người vợ đang có mang vào làm hoàng hậu cho Thái tông nên dấy binh chống triều đình. Cuộc nổi loạn thất bại nhưng An Sinh được vua tha tội.

Nguồn nghiencuulichsu.com

Còn nữa.