360 lượt xem

NGUYỄN HỮU DẬT

Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật sinh năm 1603 tại Thăng Long, con của vị quan Tham chiến Nguyễn Triều Văn, được phong tước hầu (Triều Văn hầu) dưới triều vua Lê Anh Tông (1557-1573). Do bất mãn với chúa Trịnh, Nguyễn Triều Văn đã đem gia đình vào Đàng Trong theo chúa Nguyễn, nhập tịch ở huyện Phong Lộc (Quảng Ninh ngày nay) lúc Nguyễn Hữu Dật mới 6 tuổi.

Thuở đi học Nguyễn Hữu Dật rất thông minh, trí nhớ hơn người. Càng lớn lên ông càng giỏi văn chương, lại thích võ nghệ. Cha ông thấy năng khiếu của con muốn được phát huy, ông mời thầy về dạy học. Ông được võ sư tận tâm truyền thụ các binh thư, binh pháp cũng như võ nghệ. Lúc ông 16 tuổi đã lừng danh văn chương, võ lược nên được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) bổ nhiệm làm chức quan văn trong triều. Do có tài, được bổ nhiệm giữ chức vụ sớm nên ông nảy sinh tính tự cao, Chúa Sãi cho nghỉ việc rời Triều. Nhưng sau xét thấy tài năng của ông cần được sử dụng, nên Chúa với lại Triều và cho giữ chức vụ cũ. Những năm sau, ông được lên chức Tham cơ vụ, được tham dự các cuộc họp bàn việc cơ mật, ông đã đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho việc triều chính. Khi ông được chuyển làm Giám chiến, đem quân đi đánh giặc, nhờ có tài định liệu tình hình địch, nên thường đánh thắng. Năm Mậu Tý (1648) nhận chức Cai cơ lãnh ký lục dinh Bố Chính, sau thăng Đốc chiến, tước Chiêu Vũ hầu, cùng Nguyễn Hữu Tiến đem quân ra Bắc Hà, chiếm được đất hai huyện thuộc Nghệ An; rồi đem quân về vẫn trấn đạo Lưu Đồn (nay là Dinh Mười, xã Gia Ninh).

Trong chiến thắng quân Bắc, Nguyễn Hữu Dật đã dùng thư giả để ly gián, làm cho Trịnh Tráng không tin dùng Hiền Tuấn hầu Nguyễn Khắc Tôn, rồi tướng Hàn Tiến; dẫn đến cả hai đều bị trị tội, có lợi cho quân Nam Hà. Tuy nhiên, cũng chính dùng thư giả đã dẫn đến việc Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần nghi Chiêu Vũ Hầu có ý đồ, mưu toan hàng Chúa Trịnh, và bị Chúa ra lệnh tống ngục. Trong ngục ông đã sáng tác tập Hoa vân cáo thị lồng tâm trạng của mình vào cốt truyện. Chúa Hiền đọc được mới hiểu tấm lòng trung thành của ông, bèn cho ra khỏi ngục, trả lại chức tước như cũ.

Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ biết Chiêu Vũ Hầu là người tài giỏi, có con mắt chiến lược của nhà quân sự nên đã bàn luận cùng Chiêu Vũ Hầu và được hiến kế đắp lũy Nhật Lệ, Chúa Sãi chuẩn y. Đào Duy Từ cùng Chiêu Vũ Hầu hạ lệnh cho quân dân phủ Quảng Bình đắp lũy ở cửa Nhật Lệ vào năm 1631. Khi Đào Duy Từ mất, Nguyễn Hữu Dật cho xây tiếp luỹ Trường Sa năm 1634, lũy An Nấu năm 1661 . Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật văn võ toàn tài, lúc làm tướng có nhiều công lớn, đánh đâu được đấy, ví như Khổng Minh nhà Thục Hán và Lưu Bá Ôn nhà Minh vậy.

Mùa xuân, năm Tân Dậu (1681) vì tuổi cao sức yếu, bị bệnh, ông qua đời tại Đạo Lưu Đồn, hưởng thọ 78 tuổi. Chúa Nguyễn vô cùng thương tiếc, truy tặng Ông: Tả quân Đô đốc phủ chưởng phủ sự, tước Chiêu Quận công, thụy là Cần Tiết. Nhân dân phủ Quảng Bình thương nhớ gọi là ''Bồ tát Phật'', lập đền thờ ở Thạch Xá. Năm Gia Long thứ tư được liệt hàng Thượng đẳng Khai Quốc Công Thần, thờ phụ ở Thái miếu.

Nguồn: Quảng Bình ẩn tích thời gian

Nguyễn Hữu Dật – Tài kiêm văn võ

Như đã biết, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, danh vang khắp cõi Đàng Trong từ cổ chí kim nhờ công khai phá, mở mang đất Nam Bộ. Riêng cha ông, danh tướng Nguyễn Hữu Dật (1603 - 1681), lại được biết tới là một chiến tướng trong cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh 1627 – 1672, góp phần to lớn vào công cuộc tạo lập xứ Đàng Trong của chúa Nguyễn. 

Nguyễn Hữu Dật – Tài kiêm văn võ
Hai bên đánh không phân thắng bại (Hình minh họa, nguồn: sưu tầm)

Cha ông ta nói cấm có trật được, rằng “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Chẳng tin, cứ xem cha con danh tướng dòng Nguyễn Hữu thì hẳn chẳng phân vân thêm nữa. Như Chiêu Quận công Nguyễn Hữu Dật, cha là Tham tướng Chưởng cơ Nguyễn Triều Văn, nên tố chất con nhà võ tướng phát lộ từ thuở tóc chỏm ba đào cũng chẳng có lạ. 

Tài kiêm văn võ

Tiểu sử của ông, thuở ấu thơ ấy, cứ lần giở Đại Nam chính biên liệt truyện, hẳn là tường minh. Hãy xem “lúc mới lên vài tuổi, cùng đàn trẻ chơi đùa, Dật thường bày trận, đặt quân kỳ và quân chính, tự nhận mình là đại tướng”. Đấy, cái chí hướng làm tướng xông pha nơi trận tiền, đâu có ngẫu nhiên tự dưng mà có. 

Thấy con như thế, Nguyễn Triều Văn lấy làm mừng lắm, liền tìm thầy cho con theo học. Trò giỏi mà gặp trò hay, có khác nào cá gặp nước sông đây. Thế nên, cũng sách trên cho hay “gặp được dị nhân, dạy cho binh pháp, bởi thế Dật học càng tiến”.

Năm Kỷ Mùi (1619), tuổi mới 16, mà nhờ có tài văn học, Nguyễn Hữu Dật đã được làm văn chức. Tiếc rằng tuổi còn non nớt, chí khí bốc đồng chưa biết kìm nén, nên một lần lời nói trái ý chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyễn, chúa cho Dật về. 

Sau lần ấy, Nguyễn Hữu Dật không thối chí, trái lại, càng rèn giũa bản thân, năng học hành. Bởi vậy, một thời gian sau, học thuật ngày một giỏi. Năm Bính Dần (1626), Hữu Dật ở tuổi 23 lại được quay lại làm văn chức, chẳng những thế, còn được tham dự việc cơ mật của chúa, được chúa Sãi yêu quý lắm. 

Tài văn học đắc dụng, được lòng chúa là thế, nhưng sự nghiệp, công danh của vị Chiêu Quận công tương lai, lại không phải ở nơi màn trướng, mà thuộc về đường binh nghiệp. Và cơ hội thi thố ấy không phải đợi lâu, vì ngay năm sau, Đinh Mão (1627), việc cũng đến. 

 

 Cuộc xung đột Nam - Bắc triều, Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVI-XVII) | Khởi  nghĩa - Chiến tranh | Vietnamdefence
Trịnh - Nguyễn phân tranh 7 lần (Hình minh họa, nguồn: sưu tầm)

Góp phần phân rạch Trong – Ngoài

Khi Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa trấn trị và trở thành chúa Tiên từ tài năng, đức độ của mình, phải đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, tư tưởng vạch đôi sơn hà với vua Lê – chúa Trịnh mới hiển hiện thành hành động.

Và chẳng phải đợi lâu, chiến tranh Trịnh Nguyễn đã nổi ra 7 lần trong thời gian 1627 – 1672, trải qua ba đời chúa Nguyễn (Phúc Nguyên, Phúc Lan, Phúc Tần) để từ đó Nam Bắc phân chia thành Đàng Trong – Đàng Ngoài. Và trên chiến trường, tướng Nguyễn Hữu Dật thể hiện tài cầm quân. 

Khi nói về các danh tướng của chúa Nguyễn buổi ấy, Việt sử yếu cho rằng “Nam triều có hai danh tướng: 1. Nguyễn Hữu Dật là người Gia Miêu ngoại trang (thuộc phủ Hà Trung, là nơi phát tích của nhà Nguyễn); 2. Nguyễn Hữu Tiến là người làng Vân Trai (thuộc phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa).

Nam triều lại còn có một người lương tướng ấy là Đào Duy Từ”. Điểm qua những đóng góp nơi trận tiền của tướng Hữu Dật trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, lời của Việt sử yếu đúng là chẳng đãi bội chút nào. 

Năm Đinh Mão (1627), lấy cớ chúa Nguyễn không nộp tô thuế, Thanh Đô vương Trịnh Tráng cho quân Nam tiến. Quân chúa Nguyễn do Nguyễn Phúc Vệ làm Tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm Giám chiến, có Công tử trung tiếp ứng thủy quân.

Dù quân Trịnh mạnh hơn, nhưng như lời Việt sử xứ Đàng Trong cho hay “Nguyễn Hữu Dật bàn mưu với Lượng Quốc công Trương Phúc Gia sai gián điệp phao tin anh em Trịnh Gia, Trịnh Nhạc mưu nổi loạn, Trịnh Tráng nghe tin, lấy làm nghi ngờ, bèn rút quân về Bắc”. Thế là nhờ mưu kế của Hữu Dật, cuộc xung đột lần đầu kết thúc. 

Năm Quý Dậu (1633), chúa Trịnh lại tiến phát đánh chúa Nguyễn. Lần này, Nguyễn Hữu Dật làm Đốc chiến. Nhìn thấy nguy cơ quân Trịnh có thể chiếm bãi cát rộng ở Nam cửa Nhật Lệ để bọc ra lũy Động Hải thì quân Nguyễn sẽ bị bao vây, ông liền sai đắp ngay trên bãi cát ấy lũy Trường Sa để bảo vệ lũy Động Hải. Giúp quân Nguyễn chủ động phòng ngự. 

Đến cuộc chiến năm Quý Mùi (1643), Nguyễn Hữu Dật lại thể hiện tài năng của mình, được Việt sử tân biên khen là “Nguyễn Hữu Dật nổi danh túc kế đưa ý kiến bầy cuộc phản gián giữa chúa Trịnh và Khắc Liệt”.

Chúa Trịnh Tráng chính là cha vợ Khắc Liệt. Khắc Liệt từng hàng Nguyễn, rồi lại theo về Trịnh. Dựa vào tính phản trắc của y, bên chúa Nguyễn liền mạo thư, gửi cho họ Trịnh một bức mật thư theo kế Hữu Dật làm cho Trịnh Tráng nghi ngờ, bắt Liệt về kinh rồi bỏ đói cho chết, nội bộ quân Trịnh xào xáo. Sau quân Trịnh vì thời tiết khắc nghiệt mà phải rút quân. 

Năm Mậu Tý (1648), Hữu Dật làm Giám chiến, vốn thông thiên văn, tường địa lý, nên khi tướng Nguyễn là Nguyễn Phúc Lộc thấy gió thổi ngược, định đóng quân cố thủ thì Hữu Dật nhìn trời, thấy phương Nam có đám mây đỏ như cái, ánh sáng rực rỡ, phương Bắc thì mây trắng tản mác như tuyết, chiêm đoán rằng đó là điềm quân Nguyễn sẽ thắng. Quả nhiên bộ binh của quân Trịnh bị đánh thua. 

Hầu như lần nào dự trận, là Hữu Dật lại lập chiến công, năm Ất Mùi (1655), hai bên lại cự chiến, chính Hữu Dật phát kiến việc đặt đài hỏa hiệu ở cửa biển thông tin cho nhanh. Lại lập kế ly gián làm cho tướng bên Trịnh là Trịnh Đào phải lụy thân, quân Nguyễn thu được toàn thắng. Lần giao tranh ấy, được Việt sử diễn nghĩa ghi công Hữu Dật:

Thái Tôn sai Dật tiến công,
Dật đem tướng sĩ qua sông đánh nhào.
Phá tan Bắc Bố Chính châu,
Tất Toàn cùng khốn tới đầu cửa dinh.

Như lần giao tranh năm Nhâm Dần (1662), Quốc triều sử toát yếu cho biết, Nguyễn Hữu Dật theo lời chúa Nguyễn, “liền nhân đêm tối tập kích đình quân Trịnh, giết hơn trăm người. Tướng Trịnh là Quang Nhiêu bỏ dinh mà chạy. (Trịnh) Căn cũng bỏ định chạy ra Bắc”. 

Ở lần giao tranh cuối cùng năm Nhâm Tý (1672), cũng chính Hữu Dật với sự đa mưu túc trí, khi lũy Sa Phụ bị sạt lở, nhân đêm tối, ông cho đốt đuốc nghi binh, rồi lệnh binh sĩ lấy ván gỗ làm rào, lấy sọt tre chứa đất mà đắp.

Chỉ một đêm hơn 30 trượng vá xong, quân Trịnh không dám tiến, phải lui quân. Từ ấy hai bên nghỉ giao tranh, lấy sông Gianh làm ranh giới. Ấy, công của Hữu Dật chẳng phải nhỏ, nên việc nói ông góp phần phân giới Đàng Trong – Đàng Ngoài chẳng phải ngoa đâu. 

Miếu thờ Nguyễn Hữu Dật tại Xã Quảng Thọ, Huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Dân ngưỡng vọng, nước ghi ơn

Lập nhiều chiến công nơi trận tiền là thế, nhưng cũng có lúc vị danh tướng ấy bị chúa hiểu nhầm, suýt nữa đường binh nghiệp tiêu tan. Ấy là vào năm Nhâm Dần (1650). Việc được Đại Nam thực lục ghi lại.

Lúc ấy, Hữu Dật là Ký lục dinh Bố Chính, ông từng sai tướng sĩ làm giả áo mũ, cờ xí của quân vua Lê, chúa Trịnh những mong làm rối loạn hàng ngũ quân Bắc Hà. Lại viết thư trá hàng gửi cho họ Trịnh làm cho địch tin. Tuy nhiên, việc ấy chưa báo lên chúa Nguyễn. 

Bây giờ, Tham tướng Tôn Thất Tráng có hiềm khích với ông, nhân đó liền gièm pha với chúa Nguyễn rằng Hữu Dật mưu toan phản chúa theo Trịnh. Hữu Dật bị bắt tống ngục. Ở trong ngục, ông bèn dựa vào tập Anh liệt chí thời Minh bên Trung Hoa, viết nên tác phẩm Hoa Vân Cáo Thị để tỏ lòng mình, nhờ người coi ngục dâng lên chúa. Chúa Nguyễn đọc được, hiểu lòng ông nên tha cho. Lòng tin không hề thay đổi. 

Khi Nguyễn Hữu Dật mất, dân Quảng Bình thương nhớ đóng góp cũng như tài năng của ông, tôn ông là “Bồ Tát”, lập đền thờ ông. Còn nhà Nguyễn, thì đến triều vua Gia Long, tôn ông làm Thượng đẳng công thần, thờ trong Thái miếu; các đời sau lại cũng liên tục vinh phong. 

Đánh giá về vị tướng tài, sử nhà Nguyễn nhận định: “Hữu Dật là người sáng suốt có tài lược. Ban đầu làm văn chức, đi giám chiến, danh vọng đã vang dậy rồi. Đến lúc làm tướng, nhiều lần bày mưu cao, đánh đâu thắng đó, người ta đưa làm trụ cột thường sánh với Khổng Minh, Bá Ôn”.

Đời nay, trong Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển có lời “Nguyễn Hữu Dật là người giỏi cả văn lẫn võ, lại có tài hùng biện. Ông đã giúp chúa Nguyễn tận tình để chống lại chúa Trịnh và bảo toàn được phần đất ở miền Nam”…/.

Đông Văn - Baophapluat.vn