237 lượt xem

THIỀN SƯ VẠN HẠNH

Thiền sư Vạn Hạnh

 

Thiền sư Vạn Hạnh, nhà tiên tri xuất chúng, người tiên đoán thắng bại cho Lê Đại Hành
 

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/tuong-su-van-hanh.jpg

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh
 

Theo “Thiền uyển tập anh”, Vạn Hạnh (938 – 1025) “ họ Nguyễn quê làng Cổ Pháp (thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), gia đình đời đời thờ Phật; thuở nhỏ đã thông minh khác thường, học khắp Tam Giáo và nghiên cứu Bách Luận, mà vẫn xem thường công danh phú quý.

Năm 21 tuổi Sư theo Thiền sư Định Tuệ xuất gia và thọ học với Thiền ông Đạo Giả ở chùa Lục Tổ làng Dịch Bảng phủ Thiên Đức. Ngoài lúc hầu hạ, Sư chăm chỉ học tập quên cả mỏi mệt.

Sau khi Thiền ông viên tịch, Sư trụ trì chùa và chuyên tập pháp môn “Tổng trì tam ma địa” lấy đó làm sự nghiệp. Bấy giờ Sư nói ra lời gì dân chúng đều cho là lời sấm ký. Vua Lê Đại Hành rất tôn kính Sư.”

Và từ đó, Vạn Hạnh đã tỏ ra xuất sắc trong việc tiên đoán sự thắng bại của quân ta. Tháng 3 năm Thiên Phúc thứ nhất (981), dưới thời trị vì của Lê Đại Hành, tướng nhà Tống là Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến Bạch Đằng Giang. Họa ngoại xâm lửng lơ trên đầu.

Vua Lê Đại Hành bấy giờ vốn biết tiếng Vạn Hạnh, cho người mời sư đến, đem chuyện thắng bại ra hỏi. Sư đáp:

- Trong vòng 37 ngày giặc phải lui. Quả nhiên, quân Tống đại bại đúng như lời dự đoán của Thiền sư.

Năm Nhâm Ngọ (982), vua Đại Hành lại sai bọn Từ Mục và Ngô Tử Canh đi sứ sang Chiêm Thành, nhưng bị vua Chiêm bắt giữ. Vua oán giận lắm, có ý muốn xuất quân Nam chinh. Nhưng việc bàn định chưa dứt khoát. Biết việc, Vạn Hạnh tâu với vua:


- Xin hoàng thượng mau cất binh, nếu không ắt mất cơ hội.

Nghe lời, Lê Đại Hành bèn sửa sang thuyền chiến và đồ giáp binh, thân tự làm tướng, đi đánh, chém được tướng nước Chiêm là Bề Mi Thuế tại trận và bắt được tù binh rất nhiều. Chúa Chiêm Thành bỏ chạy. Ta bắt được trăm cung nữ và vàng bạc châu báu kể có hàng vạn, san phẳng cả thành trì, phá hủy cả tông miếu, vừa đầy một năm mới về kinh đô.

Bài thơ đọc xong toát mồ hôi

Bấy giờ có tên Đỗ Ngân ghen ghét với tài năng của Vạn Hạnh, muốn tìm cách mưu hại. Sư biết trước, đưa cho y một bài thơ:

 

Cây đất sinh nhau bạc với vàng
Cớ sao thù địch mãi cưu mang
Bấy giờ năm miệng hồn thu dứt
Thật đến về sau chẳng hận lòng.


Nguyên văn câu một là: Thổ mộc tương sinh ngân bạn kim; chiết tự Thổ mộc là chữ “Đỗ”, chỉ Đỗ Ngân. Nguyên văn câu ba là: Đương thời ngụ khẩu thu tâm tuyệt; chiết tự, ngũ với khẩu là chữ ngô là “ta”, thu với tâm là chữ “sầu”. Đỗ Ngân đọc xong sợ toát mồ hôi, từ ấy thôi hẳn ý định xấu xa.

Đối với Lý Công Uẩn, ngay từ buổi đầu, ở viện Cẩm Tuyền, nơi Thiền sư Lý Khánh Văn đang nuôi và dạy Lý Công Uẩn (lúc còn nhỏ), Sư Vạn Hạnh thấy khen rằng: “Đây là người phi thường sau khi lớn lên tất có thể giải quyết rối rắm (cho đời) mà làm minh chúa của thiên hạ”. Việc nhìn tướng biết người ấy về sau quả linh nghiệm như lời ông nói khi Lý Công Uẩn lên ngôi mở ra triều Lý.

Thiền sư Vạn Hạnh, nhà tiên tri xuất chúng: Tiên đoán về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn

Tiên đoán về sự lên ngôi của Lý Công Uẩn trong khoảng thời gian sau khi Vạn Hạnh đã xét bàn thì mới phù hợp

 

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/bao-thap.jpg

Tượng Thiền sư Vạn Hạnh trên bảo tháp chùa Tiêu (Bắc Ninh).


Thư viện Hàm Toại chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó trắng, lông trên lưng kết thành hai chữ “Thiên Tử”. Thiên hạ bèn đồn rằng con chó là tượng trưng cho năm Tuất, và một bậc thiên tử sinh vào năm Tuất sẽ xuất hiện cũng vào năm Tuất (tức năm 1010).

Rồi sét đánh vào cây đa chùa Song Lâm, nơi trụ trì của Thiền Ông ở làng Phù Linh, phủ Thiên Đức để lại dấu thành nét chữ “Quốc”.

Lại chuyện, ngôi mộ Hiển Khánh đại vương là cha của Lý Công Uẩn, bốn bề đêm nghe có tiếng đọc tụng. Những việc mà tùy theo chỗ tai nghe mắt thấy Vạn Hạnh đã xét bàn thì mới phù hợp với điềm Lê diệt, Lý hưng.

Vì vậy, ngày Lý Thái Tổ lên ngôi tại Hoa Lư, mặc dù lúc ấy ông đang ở tại chùa Lục Tổ nhưng đã biết trước việc, bảo với người bác và người chú của Lý Công Uẩn rằng:

- Thiên tử đã băng, Lý Thân Vệ hiện đang ở nhà, tay chân họ Lý túc trực trong thành lên tới số ngàn. Trong trưa này, Thân Vệ ắt được lên ngôi.

Nói rồi yết bảng ở đường cái nói rằng: Tật Lê chìm bể Bắc – Hạt Lý mọc trời Nam – Bốn phương gươm giáo dẹp – Tám cõi mừng bình an.  (Tật Lê và hạt Lý là ý muốn chỉ họ Lê và họ Lý)

Bác và chú của Lý Công Uẩn nghe nói rất sợ, việc chẳng biết thành bại ra sao kẻo lụy đến gia tộc, nên sai người đi hỏi tin tức, thì quả đúng như lời Vạn Hạnh nói, Lý Công Uẩn đã lên ngôi
vua rồi.


Những tiên đoán vượt thời gian

Trước đó, khi Lý Công Uẩn chưa lên ngôi vua. Ở chùa thuộc Cổ Pháp quê ông có cây đa bị sét đánh đổ, ở ruột cây đa có chữ rằng:

 

Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông A nhập địa
Dị mộc tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Đoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình

Dịch là:
 

Gốc cây thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Dao chặt cây rụng
Mười tám hạt thành
Cành đâm xuống đất
Cây khác lại sanh –
Đông mặt trời mọc
Tây sao ẩn hình

Sáu bảy năm nữa
Thiên hạ thái bình.

 

Sách Đại Việt sử ký viết: “Nhà sư Vạn Hạnh tự đoán riêng rằng, trong câu (thụ căn diểu diểu) chữ căn là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu đồng âm với chữ yểu, thế là nhà vua (Lê Long Đĩnh) chết yểu.

Trong câu (mộc biểu thanh thanh) chữ biểu là ngọn, ngọn là bầy tôi, chữ thanh đồng âm với chữ thịnh, thế là một người trong số quần thần (Lý Công Uẩn) sẽ lên nắm chính quyền.

Ba chữ (hòa đao mộc) góp lại (theo Hán tự) là chữ Lê, lạc là rớt, tức là nhà Lê rớt. Ba chữ (thập bát tử) góp lại là chữ Lý, thập bát tử thành tức là nhà Lý lên. Câu (đông A nhập địa) chữ đông và chữ a họp lại là chữ Trần, nhập địa là người phương Bắc vào cướp.

Câu (dị mộc tái sanh) tức là họ Lê khác (Lê Lợi) lại nổi lên. Trong câu (chấn cung kiến nhật) thì chấn là phương Đông, kiến là mọc ra, nhật là thiên tử, thiên tử xuất hiện ở phương Đông.

Trong câu (đoài cung ẩn tinh) thì đoài là phương Tây, ẩn là lặn tinh là người tầm thường, người tầm thường mai một ở phương Tây.

Mấy câu này có ý nói vua thì non yểu tôi thì cường thịnh, họ Lê mất, họ Lý nổi lên, thiên tử ở phương Đông mọc ra thì thứ nhân ở phương Tây lặn mất, trong vòng sáu bảy năm nữa thì thiên hạ thái bình.”


 

https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/tuongj-ly-thai-to.jpg

Tượng Lý Thái Tổ.
 

Tạo dựng minh quân là công lao lớn của Thiền sư Vạn Hạnh đối với đất nước, với dân tộc.  Ông đã khai thị nhân tâm, vận động lòng dân bằng sấm truyền một cách siêu dị.

Cuộc vận động để Lý Công Uẩn lên ngôi

Quả thật con người Vạn Hạnh quá vĩ đại, thông suốt sự thành hợp, tan hoại, cả mấy thế kỷ. Thời Tiền Lê vị anh hùng cứu quốc Lê Hoàn đã từng đánh tan quân xâm lăng nhà Tống vào năm 980. Ông mất vào năm 1005. Khi vừa nằm xuống các con tranh giành ngôi vua.

Lê Long Đĩnh còn gọi là Lê Ngọa Triều, một ông vua tàn ác hoang dâm vô độ. Khiến cho nhân dân ly tán, lòng người phẫn nộ căm hờn, cơ hội cho sự xâm lăng của quân Tàu, có thể đưa dân tộc rơi vào kiếp nô lệ…

Vạn Hạnh mới bảo Lý Công Uẩn: – Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại đang nắm binh giữ quyền trong tay, đứng đầu muôn dân chính là ông. Tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thả hãy chết, để xem đức hóa của ông như thế nào, thực là cái mấy nghìn năm có một.

Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Sau này đúng như lời ước đoán của Vạn Hạnh thật chỉnh với vận của Lý Công Uẩn, và chỉnh với cả lịch sử các triều đại về sau của nước Việt ta.

Trong cuộc vận động Lý Công Uẩn lên ngôi, ông đã tác động dư luận quần chúng bằng sấm truyền rất hữu hiệu. Sách “Thiền uyển tập anh” nói những loại sấm truyền và tiên tri ông dùng có rất nhiều thứ không kể hết được. Sách này kể ra một vài phương pháp đã dùng.

Khai thị nhân tâm

Khả năng này Vạn Hạnh còn sử dụng tuyệt diệu hơn trong việc tạo dựng nên một Lý Công Uẩn, sau này trở thành một vị minh quân, một vĩ nhân của dân tộc.

Vạn Hạnh chuẩn bị khai thị nhân tâm, vận động lòng dân bằng sấm truyền một cách siêu dị. Sách Đại Việt Sử Ký ghi lại rằng: sét đã đánh lên cây gạo ở chùa Minh Châu, làng Cổ Pháp (do Thiền Sư La Quý An trồng năm 936) in thành chữ “Quốc”.

Vạn Hạnh đã thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La với mục đích bảo vệ nền độc lập lâu dài cho dân tộc. Vạn Hạnh đã thảo ra lời Chiếu dời đô, theo lời chiếu, đất Hoa Lư là nơi “thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, vạn vật không nên”. Trong khi đó đất Đại La “ ở giữa khu vực trời đất có địa thế rồng quấn hổ phục, ở giữa Nam, Bắc, Đông, Tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, chỗ cao mà sáng sủa, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật rất thịnh và phồn vinh”.

Với tài chiêm đoán của mình, cùng công sức dạy dỗ, hướng nghiệp đạo, đời cho Lý Công Uẩn, Thiền sư Vạn Hạnh trở thành một nhân vật có đóng góp rất lớn cho lịch sử nước nhà không chỉ về mặt đạo mà cả mặt đời. Cảm công đức của ông, sau này, vua Lý Nhân Tông viết về Vạn Hạnh: Vạn Hạnh dung tam tuế- Chân phù cổ sấm thi- Hương quan danh cổ pháp- Trụ tích trấn vương kỳ.Nghĩa là: Thiền sư Vạn Hạnh hợp nhất được ba cõi, quá khứ, hiện tại, vị lai; đúng với tinh thần tiên tri thời cổ xưa. Quê hương danh tiếng là Cổ Pháp. Thiền Sư đem gậy Thiền học bảo vệ cho lãnh thổ quốc gia.

Còn Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận định: “Sư Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Thái Tổ, biết là người khác thường, đến khi thấy sét đánh thành vết chữ thì đoán biết thời thế thay đổi, như thế là có tri thức vượt người thường vậy”…


Nguồn: SGT Group tổng hợp.