307 lượt xem

Trần Liễu

Trần Liễu

Trần Liễu (chữ Hán: 1211 - 1251), hay An Sinh vương hoặc Khâm Minh Đại vương, một tông thất vương công thuộc hoàng tộc nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là con trai lớn nhất của Trần Thừa và là anh ruột của Trần Thái Tông Trần Cảnh - vị hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Trần.


Nguồn: Sưu tầm

Ngoài việc là anh cả của Trần Thái Tông, ông còn là nhân vật chính trị có vai trò đặc biệt trong chế độ nhà Trần thuở ban đầu. Về sau, ông trở thành nhân tố mấu chốt trong sự kiện năm Đinh Dậu (1237), khi vợ đầu của ông là Thuận Thiên Công chúa bị đem vào cung và trở thành hoàng hậu của Trần Thái Tông. Sự việc này khiến Trần Liễu phát sinh biến loạn tại sông Cái, và dù nhanh chóng bị dẹp yên, thế nhưng sự kiện này cũng hình thành nên vết rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông và em trai. Cột mốc này tạo nên sự rạn nứt giữa hai nhánh lớn nhất của hoàng thất nhà Trần: nhánh hậu duệ kế vị của Trần Thái Tông và nhánh con cháu của Trần Liễu. Về sau đến tận thời Trần Anh Tông Trần Thuyên, giữa hoàng thất và con cháu của Trần Liễu luôn có hôn nhân nội tộc, đây thường được cho là một hình thức khiến hai phân nhánh này xóa bỏ mâu thuẫn của cha ông, đồng thời còn là một biện pháp kiểm soát của hoàng thất đối với nhánh Trần Liễu.

Bên cạnh vai trò chính trị đặc biệt, Trần Liễu còn được chú ý vì là cha ruột của nhiều nhân vật lịch sử rất quan trọng của triều Trần, bao gồm Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Quốc Tung, Hoàng hậu của Trần Thánh Tông là Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - một nhân vật nổi tiếng nhất nhì trong lịch sử Việt Nam.

Thân thế

Trần Liễu sinh vào khoảng niên hiệu Kiến Gia thứ 1 (1211), tại phủ đệ Tinh Cương, phủ Long Hưng (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Ông là con trai cả của Trần Thừa, không rõ mẹ là ai, thông thường đều mặc định là Lê thị - vợ cả của Trần Thừa và là mẹ ruột của Trần Thái Tông Trần Cảnh. Theo thông tin hiện có, Trần Liễu có lẽ là anh cả trong số những người con của Trần Thừa, dưới Liễu là Trần Thái Tông, Khâm Thiên Đại vương Trần Nhật Hiệu. Ngoài ra còn có Thụy Bà công chúa, Thiên Thành công chúa và người anh em trai ngoài giá thú là Hoài Đức vương Trần Bà Liệt, cả ba hiện đều không rõ thứ tự trong nhà.

Khi ông sinh ra và trưởng thành, họ Trần lúc đó dẫn đầu là Trần Lý đang là thế lực quân phiệt có sức ảnh hưởng tại thôn Lưu Gia, buộc vị thái tử của nhà Lý là Lý Hạo Sảm phải nương nhờ gia tộc này. Sau khi cô của Trần Liễu là Trần thị gả cho thái tử, gia tộc họ Trần chính thức tham gia vào cuộc chiến chính trị khi ấy. Thái tử lên ngôi, tức Lý Huệ Tông, gia tộc họ Trần lại bị xoay vần vì tình hình chính trị phức tạp và dã tâm của người chú Trần Tự Khánh - một người không hề giấu diếm việc muốn thao túng hoàng gia nhà Lý. Tới giai đoạn năm Bính Tý thời kỳ Kiến Gia (1216), lúc này Trần Liễu lên 6 tuổi, chính quyền nhà Lý cơ bản hoàn toàn nằm trong tay họ Trần, sau khi Lý Huệ Tông quyết định nương nhờ người chú Trần Tự Khánh đồng thời sách lập Trần thị làm hoàng hậu.

Không rõ vào thời gian nào, Trần Liễu cuối cùng được ban hôn với Thuận Thiên Công chúa Lý Oánh, chị của Lý Chiêu Hoàng, con gái lớn nhất của Lý Huệ Tông đồng thời còn là chị em họ của ông, vì mẹ của Thuận Thiên là Trần Hoàng hậu. Dù còn nhỏ, Trần Liễu cũng giống con trai Trần Hải của Trần Tự Khánh đều được nhà Lý ban tước vị vương hầu, trong khi Hải là tước Vương thì Liễu là Quan nội hầu . Tuy nhiên không rõ vào năm nào, Trần Liễu lại một lần nữa thụ phong tước vương, vị hiệu là Phụng Càn vương . Theo tài liệu văn bản cố được gọi là Trần triều thế phả hành trạng, trước khi lấy Thuận Thiên thì bản thân Trần Liễu đã có người vợ tên là "Trần Thị Nguyệt", tức Thiện Đạo Quốc mẫu, vì Thuận Thiên là công chúa, phải là chính thất, nên Thiện Đạo liền thành thiếp thất

Tiểu sử

Năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14 (1224), Chiêu Thánh công chúa Lý Thiên Hinh được Huệ Tông truyền ngôi, sử gọi là Lý Chiêu Hoàng. Người chú họ và cô ruột của Trần Liễu, Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ cùng hoàng hậu của Huệ Tông là Trần thị, đã sắp xếp rất nhiều anh em của Trần Liễu thuộc gia tộc họ Trần vào cung. Em trai ông là Trần Cảnh vào cung làm quan nội thị để phục vụ gần vị nữ hoàng đế. Trong thời gian đó, Trần Cảnh và Chiêu Hoàng gần gũi với nhau, dẫn đến việc Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh vào cuối năm sau (1225), chấm dứt triều đại nhà Lý tồn tại hơn 200 năm.

Sau khi Trần Cảnh lên ngôi thì tự xưng là Văn Hoàng , Chiêu Hoàng bị đổi thành "Chiêu Thánh" và được sách lập làm hoàng hậu. Năm Mậu Tý, Kiến Trung năm thứ 4 (1228), vào tháng 8 (âm lịch), ông được Thái Tông phong cho làm Thái úy, một chức vụ khiến ông được dự hàng tể tướng dù lúc đó ông chỉ mới 17 tuổi. Đến năm Giáp Ngọ (1234), sau khi cha của hai người là Thái thượng hoàng Trần Thừa qua đời, Trần Liễu vì là anh cả nên được Thái Tông ban vị trí "Phụ chính"  với tư cách thái úy, đồng thời được sách phong vị hiệu làm Hiển Hoàng. Từ thời kỳ Chiêu Hoàng và đến Thái Tông tự xưng "Văn Hoàng", có thể thấy hậu tố - Hoàng đều do một hoàng đế tự xưng, điều này cho thấy Trần Thái Tông rất cất nhắc ông, từ đây ông chính thức ra chính trường phụ chính cho Thái Tông bên cạnh Thái sư Trần Thủ Độ. Việc sách phong anh trai làm "Hiển Hoàng" của Trần Thái Tông khiến Ngô Sĩ Liên bất bình, cho rằng tuy là anh trai nhưng Liễu chỉ là thần tử, Thái Tông ban phong hiệu cho anh trai ngang với danh xưng hoàng đế đã khiến "Danh không chính, ngôn không thuận, thế thì việc không thành". Tuy nhiên không lâu sau đó, vào năm Bính Thân (1236), Trần Liễu khi ấy làm chức Tri sự của Thánh Từ cung nhưng nổi tính cưỡng gian một cung phi cũ triều Lý tại cung Lệ Thiên. Nhân tội này, Trần Liễu bị giáng làm Hoài vương

Năm Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 6 (1237), vì Thái Tông lấy Chiêu Thánh mãi không có con, Thái sư Trần Thủ Độ cùng Thiên Cực công chúa lên kế sách đưa Thuận Thiên - lúc ấy đã có mang 3 tháng - vào cung làm hoàng hậu thay thế, giáng Chiêu Thánh làm công chúa, đứa trẻ sinh ra là Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang. Trước tình cảnh đó, Trần Liễu phẫn uất họp quân nổi dậy ở sông Cái rất dữ, Trần Thái Tông cảm thấy hổ thẹn nên bỏ đi lên núi Yên Tử và không chịu về cung điện, nhưng sau khi bị Trần Thủ Độ gây sức ép thì Thái Tông cũng đành phải quay về. Nổi loạn được 2 tuần, Trần Liễu biết không làm gì được phải đóng giả làm người đánh cá trốn lên thuyền Thái Tông xin tha tội. Khi ấy Trần Thủ Độ biết được, cầm gươm đến định giết Liễu nhưng Thái Tông lấy thân mình che cho Liễu, do đó mới thoát được bị nghị tộ. Thái Tông tha tội Trần Liễu nhưng quân lính theo ông nổi loạn thì đều bị giết. Để an ủi ông, Trần Thái Tông lấy các đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh, An Hưng và An Bang cho ông làm ấp thang mộc và sửa phong hiệu là An Sinh vương. Dù rằng nhận ở thế thua cuộc và tự xin hàng, Trần Liễu vẫn rất hậm hực và bất mãn với em trai mình, đến tận khi chết thì Trần Liễu vẫn giữ mối thù này mà không buông bỏ được. Biểu hiện rõ nhất của tâm lý này chính là việc Trần Liễu tìm người đào tạo con trai thứ là Trần Quốc Tuấn khi nghe thầy xem tướng nói Quốc Tuấn có tướng đại quý, dồn rất nhiều tâm huyết để đào tạo Quốc Tuấn giỏi giang hòng uy hiếp con cháu của Thái Tông

Năm Tân Hợi, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 20 (1251), Trần Liễu sắp hấp hối, ông dặn người con trai của mình là Trần Quốc Tuấn phải cướp ngôi nhà Trần từ tay hậu duệ Trần Thái Tông, cụ thể câu nói là: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được?". Và tuy rằng Quốc Tuấn nhận lời vì đạo hiếu đối với cha mình, nhưng trong thâm tâm không cho điều này là đúng. Vào tháng 4 (âm lịch) năm ấy, Trần Liễu qua đời, hưởng dương 41 tuổi, gia tặng làm "Đại vương", không rõ mộ táng ở khu vực nàO. Về sau ông được truy thụy hiệu là "Khâm Minh Đại vương".

Trang ấp và đền thờ

Trần Liễu được cho là đã cho lập trang ấp ở dưới chân núi An Phụ, nay thuộc phường An Sinh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, riêng sách Cương mục ghi chú An Sinh ngày nay thuộc huyện Đông Triều. Sau khi Trương Phụ đánh bại nhà Hồ, chính quyền triều Minh đã cho tàn phá tất cả những di tích của nước Đại Việt xưa, cũng gây nên tổn thất nghiêm trọng về thông tin cụ thể phần mộ địa của hoàng tộc nhà Trần. Ngày nay, tượng thờ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đặt tại đỉnh An Phụ, thấp hơn đền Trần Liễu.

Đền thờ ông ở núi An Phụ, được gọi là "Đền Cao An Phụ". Ngày mất của ông không được chính sử truyền lại, dân gian lấy ngày 1 tháng 4 âm lịch (tức 23 tháng 4 năm 1251) trở thành ngày hội của đền Cao
Nguồn: vi.wikipedia.org