362 lượt xem

Nguyễn Thượng Hiền - Nhà chí sĩ, nhà thơ

 

Nguyễn Thượng Hiền tự Đỉnh Nam, hiệu Mai Sơn, Long Sơn, Thiếu Mai Sơn Nhân, Giao Chỉ Khách, Bão Nhiệt, Đỉnh Thần, tục gọi ông Đốc Nam (vì từng làm Đốc học Nam Định). Sinh năm 1868 trong một gia đình Nho học tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội). Ông là con rể quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết. Thân phụ của ông là Nguyễn Thượng Phiên, đậu Hoàng giáp khoa Nhã sĩ niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), giữ chức Tham tri Bộ công, rồi Thượng thư Bộ Công niên hiệu Thành Thái (1889).

Thuở nhỏ, Nguyễn Thượng Hiền đã bộc lộ tư chất thông minh, hiếu học. Tuy nhiên, do thời vận thay đổi, con đường khoa danh của ông lại gặp nhiều khó khăn, trở ngại.

Nguyễn Thượng Hiền đỗ Cử nhân năm Giáp Thân (1884), sau một thời gian đợi chờ, trèo đèo vượt suối đến trường thi Thanh Hóa. Năm Ất Dậu (1885), ông thi Hội đáng lẽ đỗ đầu, nhưng chưa kịp xướng danh thì kinh đô Huế thất thủ. Năm 1892, ông ra thi Đình, đỗ Hoàng giáp, song do lúc bấy giờ đất nước rơi vào tay giặc Pháp, lại chưa thỏa mãn đậu nhị giáp tiến sĩ nên Nguyễn Thượng Hiền lui về ở ẩn tại núi Nưa (Nga Sơn, Thanh Hoá), không chịu ra làm quan. Ít lâu sau, triều đình thúc ép ông ra nhận chức, hậu bổ làm Toản tu Quốc sử quán, biên soạn quốc sử về triều Nguyễn, rồi thăng Ðốc học ở Ninh Bình (1901), Hà Nam (1905), Nam Định (1906). Nhận chức quan nhỏ, “quan bất phiền, dân bất nhiễu”, Nguyễn Thượng Hiền có thì giờ giao thiệp với nhiều nhân sĩ kinh kỳ bấy giờ như Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Nguyên Cẩn, Hoàng Mậu, Trà Quý, Nguyễn Tùng Hiên, một phần vì duyên nợ văn chương, một phần do giữa họ có chung chí hướng, quan niệm trước thời cuộc dâu bể.

Trong thời gian làm việc ở Huế, Nguyễn Thượng Hiền có sự chuyển biến rõ rệt về quan niệm đấu tranh xã hội. Ông đọc nhiều tân thư Trung Quốc, hào hứng tiếp thu tư tưởng dân chủ tư sản, đánh giá cao các bài văn có tinh thần cách mạng, có hiểu biết rộng về thời cuộc ở châu Âu và trên thế giới, tiếp xúc, liên lạc với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế... lo việc cứu nước; chung sức đẩy mạnh phong trào Duy tân, cổ động, giúp đỡ thanh niên xuất dương du học. Ngoài ra ông còn lập hội cứu tế ở Huế và Hà Đông. Năm Đinh Mùi (1907), vua Thành Thái bị Pháp phế truất, Nguyễn Thượng Phiên qua đời. Lấy cớ thọ tang cha, ông đã xin tạm nghỉ việc quan, gấp rút sửa soạn xuất dương tìm đường cứu nước. Cuốn Ký ức lục của Dương Bá Trạc có đoạn chép: “Năm Đinh Mùi, thân sinh ông (Nguyễn Thượng Hiền) mất, ông lập tức lấy cớ đinh ưu cáo về. Tang sự xong, ông liền ra Hà Nội mưu với tôi việc khứ quốc. Ông có chí ấy đã lâu, chỉ dùng dằng đợi cho tròn đạo hiếu với cha mới thực hiện ý định được. Bấy giờ chúng tôi đóng cửa một hiệu thuốc gọi là Nam Thọ, đón ông ở tạm đấy, làm thầy thuốc để lo sắp đặt rồi đi; đúng ngày tốt khốc cụ thân sinh ông về nhà làm lễ xong là thất tích biệt. Tôi đưa ông ra tới Đông Hưng thế là ông bỏ hết vợ con nhà cửa, cơ đồ phú quý mà dấn thân vào con đường cách mạng”…Để che mắt Pháp, Nguyễn Thượng Hiền đã cải trang Hoa thương, bí mật qua đường duyên hải sang Trung Quốc gặp gỡ những nhà cách mạng Việt Nam nhờ họ giúp thế lực. Ở Trung Quốc, Nguyễn Thượng Hiền gặp Lưu Vĩnh Phúc, Tán Thuật… cùng bàn bạc việc nước. Ngoài ra ông còn giúp đỡ được nhiều học sinh Việt Nam bị chính phủ Nhật Bản trục xuất hoặc được tham gia học ở Bắc Kinh, hoặc được cấp học bổng, bổ dụng và cấp giấy tờ để có thể tham gia hoạt động chính trị. Ở Trung Quốc, Nguyễn Thượng Hiền gặp gỡ, sau đó cùng Phan Bội Châu sang Nhật hưởng ứng phong trào Đông Du. Ở Nhật, ông theo chủ trương bạo động của Phan Bội Châu, hoạt động trong Hội Công hiến. Năm 1912, Duy Tân hội cải tổ lại, Việt Nam quang phục hội được thành lập, Nguyễn Thượng Hiền được bầu làm ủy viên Bộ Bình nghị đại biểu cho Bắc Kỳ. Quyển Phan Bội Châu niên biểu ghi lại sự kiện này như sau: “Tháng 5 năm Mậu Thân (1908), tôi từ Xiêm về, gặp ông ở Quảng Đông, mời ông sang chơi Nhật Bản. Trước hết, tôi gửi điện cho Đồng Văn thư viện dặn đến thượng tuần tháng 9, toàn thể học sinh cử đại biểu đến Hoành Tân đón tiếp để về Đông Kinh mở đại hội hoan nghênh. Nguyễn Thượng Hiền có đọc diễn văn khai hội và làm một bài trường thiên khuyên học sinh, có câu rằng: Cơm xào thịt giặc mới no/ Canh nêm máu giặc mới ngon... Ông lại làm Viễn hải quy Hồng (Chim hồng ở bể xa bay về), đều đưa in gửi về nước”. Các sáng tác của Nguyễn Thượng Hiền gửi về nước đều được giới trí thức hoan nghênh, đón nhận, tin tưởng, vận động, lôi cuốn được nhiều thanh niên ưu tú đi theo cách mạng ở khắp các tỉnh thuộc cả ba kỳ. Năm 1913, Phan Bội Châu bị quân phiệt Trung Quốc bắt giam, Nguyễn Thượng Hiền được giao đảm trách tổ chức các hoạt động của Hội. Năm 1915, ông được Tổng bộ của Hội Việt Nam quang phục hội cử sang Thái Lan giao thiệp nhờ hai viên công sứ Đức và Áo đóng tại Băng Cốc trợ giúp; cùng đi có Đặng Tử Kính. Sau Việt Nam quang phục hội bị đàn áp, ông phải bôn tẩu khắp nơi, cuối cùng do thất chí, giảm sút nghị lực và tiến thoái lưỡng nan, ông đã tựa nương bóng Phật tại chùa Thường Tịch Quan Lan Nhược trên núi Vân Sơn ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Nguyễn Thượng Hiền mất ở đó ngày 28 tháng 12 năm 1925. Ông có lời trối dặn lại trước lúc mất rằng: “Khi nào tôi chết hãy đem xác đi thiêu và vất tro xuống sông Tiền Đường”… Nhận được tin ông mất, Phan Bội Châu có đặt bàn thờ tại nhà riêng ở Bến Ngự (Huế). Bài điếu văn của Phan Bội Châu có câu: “Lửa can tĩnh thiêu xương người khí tiết, sống thanh cao mà chết cũng thanh cao; đời văn minh mỏi mắt chốn quê hương, danh viên mãn những chí chưa viên mãn…”, “Gót bôn tẩu trải bao phen nguy hiểm, khi Hương Cảng, khi Quảng Đông, khi Long Châu, khi Băng Cốc, tức tối đất không dụng võ, giọt khấp đình ai nếm máu Thân Tư: Thuốc cứu đời toan mượn ngón văn chương, nào Yên Kinh, nào Tam Tỉnh, nào Ngô Quận, nào Hán Thành, ngậm ngùi trời chẳng chiều người, phương y thuốc khó ra tay Biền Hoãn; Ngoài năm chục thân già lận đận vóc hạc mình mai; Hai mươi năm hồn mộng đi về sông Lô núi Tản…”.

Nguyễn Thượng Hiền là một nhà cách mạng yêu nước, thiên về khuynh hướng dân chủ, cổ vũ duy tân, từ bỏ lập trường quân chủ, quan điểm Nho giáo lỗi thời. Những hoạt động nhiệt thành của ông trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Đông du, Việt Nam quang phục hội… có đóng góp tích cực cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX.

Nguyễn Thượng Hiền còn là một nhà văn hóa lớn, một thi sĩ tài hoa nổi tiếng trong giới sĩ phu đương thời. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học đa dạng, gồm hơn 600 bài thơ, văn bằng chữ Hán, chữ Nôm, sáng tác trong khoảng 30 năm, từ 1885 đến 1918. Sáng tác thơ văn ở Nguyễn Thượng Hiền chủ yếu nhằm vận động chính trị, cổ vũ đấu tranh, phục vụ công cuộc cứu nước.

Nam chi tập là tập thơ văn đáng kể nhất của Nguyễn Thượng Hiền, chia làm ba quyển. Quyển thượng gồm những bài thơ ông làm khi chưa ra nước ngoài. Quyển trung gồm những bài thơ được sáng tác trong giai đoạn 1907-1919. Quyển hạ gồm những bài văn xuôi kêu gọi cứu nước, duy tân, thuật chuyện một số nhà ái quốc đương thời. Nam chi tập được xuất bản tại Trung Quốc năm 1925, do Chương Bính Lân viết lời tựa. Cuốn thơ văn này có giá trị lịch sử, văn chương đặc sắc. Có thể tìm thấy ở đó hiện thực đất nước cùng diễn biến tâm tư tình cảm chân thành của tác giả - tâm hồn thi sĩ, lời lẽ thiết tha, thúc giục; ý chí chiến đấu cao, lời lẽ chặt chẽ, hùng hồn; tập trung tố cáo tội ác của bè lũ thực dân, lời lẽ đanh thép, gay gắt; miêu tả nỗi cơ cực của dân tộc, nhân dân, lời lẽ buồn da diết, thấm nỗi tủi hổ. Nam chi tập bộc lộ lòng yêu nước sâu sắc, ý thức trách nhiệm thường trực và lòng căm thù giặc của Nguyễn Thượng Hiền. Các bài Ký Long Thành chư hữu, Tức sự, Long Thành thu nhật, Tống vân phong đạo nhân bắc du, Long Biên tây quách tản bộ hữu cảm… cho thấy con người và vùng đất Hà thành giữ một vị trí quan trọng trong thơ ông. Phan Bội Châu nhận xét thơ ông: “Kiểu theo Thịnh Đường, văn khuôn Tiền Hán”.

Nguyễn Thượng Hiền cũng chân thành trong các trang truyện ký lịch sử. Ông dùng những câu văn giản dị phác họa vẻ đẹp cao cả của các nhân vật lịch sử Tăng Bạt Hổ, Phạm Hồng Thái, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Cao, Lê Tăng Trai, Nguyễn Thận Sinh, Tôn Thất Đạm… Văn Nguyễn Thượng Hiền toát lên chí khí quyết tâm của phái cách mạng bạo động. Chính ông cũng đại diện cho mẫu hình tư tưởng tiến bộ của sĩ phu Bắc kỳ ngay sau Phan Bội Châu.

Ngoài Nam chi tập, Nguyễn Thượng Hiền còn có Viễn hải quy Hồng, Hát Đông thư dị; thơ điếu, tiễn biệt Hoàng Hoa Cương, Hồ Hán Dân, Hoàng Hưng; thư gửi Nguyễn Lộ Trạch; câu đối chữ Hán; thơ, phú Nôm (Bài phú cải lương, Thuyết hợp quần doanh sinh, Chơi Sài Sơn…).

Trong nền văn chương yêu nước chống Pháp nửa cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, Nguyễn Thượng Hiền đã có một địa vị xứng đáng. Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền cả chữ Nôm lẫn chữ Hán đều chứa đựng tình cảm thấm thía, tư tưởng sâu sắc, với nhiều giằng xé dằn vặt. Ban đầu tư tưởng, tình cảm của ông phát triển theo hướng tiêu cực, nửa muốn thoát ly trần tục, nửa vẫn nặng một mối sầu mơ hồ do chưa tìm thấy đường đi và chịu ảnh hưởng của đạo Lão, đạo Phật:

 
Hiển khởi văn oanh hoán
Xuân hàn tọa thảo đường
Tình hà cách thủy đạm
Mai liễu nhật song hương
Bạch nhật thôi nhân sự
Thanh sơn khuyến khách trường
Dạ lai hương quốc mộng
Thiên mẫu tận canh tang
(Sơn phòng xuân văn)

Dịch:
Sớm mai dậy nghe chim oanh hót
Xuân lạnh ngồi trong nhà tranh
Cách mặt nước, Ngân hà ánh nhạt
Vào cửa sổ, mai liễu đưa mùi thơm
Mặt trời giục việc người đời
Non xanh khuyên khách uống rượu
Đêm mộng thấy làng nước
Ngàn mẫu đều cấy lúa, trồng dâu

 
Đó là chân dung Nguyễn Thượng Hiền trong thơ, một Nguyễn Thượng Hiền bình lặng, gắn bó, hòa làm một với thiên nhiên, cảm thụ thiên nhiên theo tinh thần của Đạo giáo. Càng về sau, do chứng kiến những biến cố đau xót của nước nhà, nếm trải mọi cảnh sống, giao thiệp với Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế… ông từ bỏ lối viết đài các ủy mị, ước mơ xa xôi thoát tục, chuyển dần sang văn phong hiện thực, lời lí mạnh mẽ, cương quyết, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng. Nguyễn Thượng Hiền là nhà nho trung nghĩa, đồng thời cũng là nhà nho ẩn dật, một nhà thơ yêu nước. Ông đem cả cuộc đời cống hiến cho Tổ quốc, dùng thơ văn để cổ động cứu nước và duy tân. Cái nhìn mới mẻ, tấm lòng yêu nước, thương dân của ông đã có tác dụng kích thích lòng căm thù thực dân đế quốc, khơi gợi những tình cảm dân tộc sâu sắc ở người đọc.

Ngọc Hả