275 lượt xem

Trần Hữu Trang - Kỳ 5

Trần Hữu Trang và cuộc xung đột mới – cũ
 
Nguyệt cắn răng chịu đựng tất cả. Minh biết chuyện, thương Nguyệt và giận mình nhu nhược để riêng mình Nguyệt phải hy sinh, ngày đêm tâm trí bị giày vò, cuối cùng mang bệnh nặng. Trước lúc chết, Minh nói hết mọi chuyện và đến lúc ấy mọi người mới hiểu rõ sự hy sinh cao thượng của Nguyệt.

Trong vở Tô Ánh Nguyệt, Trần Hữu Trang lên án hàng loạt tập tục bất công, vô lý, bất nhân của chế độ gia đình phong kiến.

 


Nguồn: Sưu tầm

Soạn giả để Nguyệt nói với Bích: “A, có lẽ theo ý thầy nghĩ, trong cuộc hôn nhân thì đôi bên, cửa nhà cho xứng, tiền bạc ngang nhau, hay ít ra cậu trai cũng được đôi ba cái cấp bằng, chừng ấy thì tha hồ mà loè đời, tha hồ mà mua dâu bán rễ, mà chiếm lòng yêu của một cô gái còn thơ, có phải chăng thưa thầy?”.

Đó là một câu nói vạch trần những tính toán xấu xa núp sau cái bình phong môn đăng hộ đối. Hôn nhân chỉ là một chuyện mua bán đổi chác, một là ngang giá, hai là bên nào cao giá hơn thì có quyền áp đặt điều kiện cho bên kia.

Một khi đã tính toán có lợi, cha mẹ dùng quyền lực bắt buộc con cái phải vâng theo, không được xin một điều kiện nào hết, không được nêu một lý do nào hết để khước từ. Mệnh lệnh của gia đình là tuyệt đối. Ông Cả (cha của Nguyệt) tuyên bố (ca Mẫu tầm tử):

Chớ toan lắm lời
Du chẳng ưng, tao cũng lo xong
Chỗ môn đương hộ đối mà mày chê
Tao lẽ đâu thất hứa với người
Mày không đành ưng cũng thối thây

 

Soạn giả phê phán chế độ đa thê, vốn là một sự bất công trắng trợn đối với người vợ. Sau đây là một đoạn đối thoại giữa Minh và Thu Dung (người vợ mà gia đình cưới cho Minh).

Dung: Tại tập quán của phong tục, tại sự bất công của xã hội. Đối với phái nữ lưu thì hết sức nghiêm khắc, mà đối với bọn đàn ông thì lại được dung túng tự do, có nhiều chỗ em thấy một chồng tới đôi bà vợ.


Minh: Mà em có ưng như thế không?
Dung: Em thì hết sức phản đối việc ấy, em chỉ thích một vợ một chồng thôi.
Minh: Vậy thì em tham lắm.
Dung: Vâng, ai cười em tham thì em chịu, ái tình không thể san sẻ cho ai được cả. Chỉ có một vợ một chồng là hoạ may mới giữ được sự đầm ấm trong gia đình.
Minh: Ngộ như vợ chồng ở với nhau lâu mà không có con, em cũng không bằng lòng cưới vợ lẽ cho chồng nữa sao?
Dung: Điều ấy là một trường hợp bất thường, chứ không phải trong cảnh thường. Song, nếu có cũng là một sự bắt buộc theo chủ nghĩa gia đình, chớ thật ra em cũng không ưng chút nào cả. Lý luận của chủ nghĩa gia đình là vậy. Đàn ông năm thê bảy thiếp, là thường, đàn bà giữ riêng chồng cho mình là tham lam ích kỷ. Người vợ chỉ có chức năng đẻ con nối dõi dòng họ, nếu không làm được việc đó thì người chồng lấy vợ khác. Vô lý và tàn nhẫn biết bao nhiêu!


Soạn giả cho ta thấy tính chất bất nhân của tập tục nuôi con nuôi trong xã hội cũ. Đây không phải là một hành vi nhân đạo nhằm mục đích giúp đỡ người mẹ và bảo trợ đứa trẻ. Đây là sự chiếm đoạt. Người mẹ không có điều kiện nuôi con phải đem con cho hoặc bán cho người khác thì coi như mất con hoàn toàn, không được giữ một quan hệ nào, kể cả quan hệ tình cảm. Thu Dung đã đặt điều kiện với Nguyệt:

“Khi nó lớn lên cô cũng không được nhìn nhận nó mà chuộc nó về, vì tôi nuôi nó, tôi thương tôi mến nó, thì cô phải để nó ở luôn với tôi mới được”.
Đặc biệt đối với vấn đề tự do luyến ái thì thái độ của các người bề trên trong gia đình cũ không bao giờ chấp nhận. Đối với những người này, tự do luyến ái đồng nghĩa với yêu thương bất chính. Nguyệt nói rõ quan niệm ấy: “Vì theo lời thư trước anh gửi về nhà tỏ thật là anh phải lòng em, nhưng em dám chắc đối với thành kiến các cụ thì bao giờ ở nhà cũng nghĩ rằng anh mê một ả nào, nên mới gởi thơ như thế. Hôm nay, giục anh về là có ý muốn đoạn tuyệt mối tình giữa chúng ta, mà hơn nữa là cưới vợ cho anh, để anh quên người yêu của anh, vì cái người anh yêu ấy, các cụ bao giờ cũng nghĩ cho là người không xứng đáng”.

Và người cha của Nguyệt mắng con: “Nguyệt! Tại sao con lớn gan làm vậy? Tao nghĩ, tao với mẹ mày cho mày đi học uổng lắm. Học nhiều chừng nào hư chừng ấy, chớ không ích gì. Tại sao chỗ cha mẹ định con không ưng, rồi con lại tự ý đi làm chuyện xấu hổ này. Đó, con làm vậy khổ cho cha mẹ đã già, con trả ơn cha mẹ bằng cách đó phải không?”.

Đối với ông bố bảo thủ ấy, trai gái nói chuyện với nhau là hư hỏng, con gái chưa có mai mối mà gặp người con trai là lang tâm trắc nết, người con trai được nhận tấm lòng yêu là dụ dỗ, quyến rũ gái tơ…

Trong vở Tô Ánh Nguyệt, Trần Hữu Trang đứng trên lập trường phê phán những tập tục cũ.

Trong vở Chị chồng tôi, Trần Hữu Trang trình bày một tình trạng mà tục ngữ cũ đã từng nói: giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng.

Phú và Quý là hai chị em. Quý đi học ở Hà Nội gặp Oanh, một người bạn học. Oanh quê ở Nam Bộ theo cha mẹ ra Hà Nội lập nghiệp làm ăn. Không may cha mẹ Oanh lần lượt qua đời. Thấy tình cảnh Oanh rất khó khăn, Quý hết lòng giúp đỡ. Hai người yêu nhau. Sau khi tốt nghiệp, Quý về quê và đưa Oanh về giới thiệu với gia đình.

Nhưng gia đình Quý không chấp nhận Oanh vì đã dự định cưới cho Quý một người vợ là con nhà giàu có. Trong việc này, Phú là người chủ mưu. Vì Phú tính toán nếu Quý lấy vợ giàu thì tất cả gia tài sẽ về tay vợ chồng chị ta hết. Phú ra sức xúi giục mẹ và hành hạ Oanh. Rút cục Quý và Oanh phải đem nhau đi.

Quý và Oanh xin được việc làm ở một hãng buôn. Nhưng lão chủ manh tâm quyến rũ Oanh. Không đạt được mục đích, nó đuổi Quý không cho làm, đồng thời lại vu cáo cho Thanh, một người bạn tốt của Quý, là có tình ý với Oanh.

Quý vừa buồn vừa lo, sinh bệnh. Oanh thương chồng, nuốt nhục về nhà xin mẹ Quý giúp cho ít tiền để chữa bệnh cho chồng. Nhưng Oanh chỉ gặp Phú, bị Phú sỉ nhục đuổi đi.

Quý bệnh ngày một nặng, Oanh lại sinh con. May nhờ Thanh hết lòng giúp đỡ.

Gia đình Quý hỏi dò tìm được đến nhà Quý, mới hay Phú đã nhẫn tâm đối xử không chút nhân đạo với chính em trai mình. Nhưng bệnh quá nặng, Quý không sống được. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Quý trối trăng lại nhờ Thanh nuôi dạy đứa nhỏ. Oanh chỉ kịp trao đứa con cho Thanh rồi gục xuống bên mình chồng.

Trong vở Chị chồng tôi, Trần Hữu Trang đứng về phía tình yêu tự do và lên án những tập tục gia đình khắt khe, bảo thủ cũng như trong vở Tô Ánh Nguyệt. Cái chết của Minh (Tô Ánh Nguyệt) và Quý (Chị chồng tôi) là những lời tố cáo quyết liệt. Mức độ tố cáo trong Chị chồng tôi cao hơn trong Tô Ánh Nguyệt.

Hình ảnh Oanh gặp cảnh gia đình tai biến, xa quê hương, may gặp được Quý và được trở về quê hương, tưởng là có tình yêu, có gia đình và có cả quê hương, nào ngờ gia đình Quý không nhận. Theo chồng đi thì bị tên chủ hãng khốn nạn quyến rũ rồi vu cho điều bất chính khiến chồng nghi ngờ. Trở về nhà mày dày mặt dạn để xin tiền chữa bệnh cho chồng thì bị sỉ nhục.

Và cuối cùng là hai cái chết. Đứa nhỏ vừa ra đời bảy ngày đã bị mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tất cả những cảnh ngộ bi đát ấy là do tập tục gia đình cũ gây nên. Trên sân khấu, gia đình cũ đã được hiện thân trong bà Hai, ông Cả và nhất là Phú – hình tượng Phú đanh ác, điêu ngoa, tàn nhẫn, xảo quyệt làm cho người xem vô cùng căm giận. Càng căm giận bao nhiêu, người ta càng thương xót Oanh bấy nhiêu.

Trong Chị chồng tôi, soạn giả đã thấy được mối quan hệ giữa tập quán xã hội với cơ sở kinh tế. Phú quyết tâm phá hoại hạnh phúc của Quý và Oanh, cũng do lòng tham lam muốn giành cho mình tất cả gia tài. Soạn giả đã để cho Quý nói rõ điều này: “Phải chăng chị muốn cho tôi đi đào mỏ, đặng ngồi trên đống vàng mà hưởng của bên vợ ban cho. Tôi có vợ giàu thì cái gia tài này mới còn nguyên vẹn, chớ còn chị nhìn Oanh là em dâu, đứa con gái nhà nghèo không của hồi môn, thì ở đây khỏi chi không bám vào nhà chồng thì cái sự nghiệp này phải hao mòn đi.

Nhưng không sao đâu chị, tôi đã liệu sẵn sàng rồi, tôi ra đi, cái gia sản này giao hết cho vợ chồng chị, ngày nào chị nghe tin tôi không trở về thì chị trọn quyền thừa hưởng”. Trong cuộc xung đột Mới – Cũ, Trần Hữu Trang đã phát hiện được đằng sau những lập luận đạo đức, là những lý do kinh tế, là đầu óc tham lam vị kỷ. Đây là một sự kiện quan trọng mà các soạn giả sân khấu khác chưa đề cập đến.

Chống lại những hủ tục, Trần Hữu Trang kiên quyết đấu tranh cho hôn nhân tự do. Điều kiện cần thiết trong việc xây dựng gia đình là tình yêu. Tất cả những điều khác như môn đăng hộ đối, giàu sang, địa vị, bằng cấp, tiền bạc… đều không cần thiết. Cuộc hôn nhân chỉ tốt đẹp khi là kết quả của tình yêu, chỉ có tình yêu mới bảo đảm được hạnh phúc gia đình.

Vở Mộng Hoa vương là một vở được khán giả cải lương nhiệt liệt hâm mộ. Trong vở này, Trần Hữu Trang trình bày một quan niệm về tình yêu hết sức phóng khoáng.

Được gợi ý bởi một truyện phim, soạn giả hư cấu truyện một bà vua trẻ, đẹp chưa chồng là Mộng Hoa vương nước Tần muốn cầu thân, sai sứ thần là Ngô Trung Cảnh sang xin cưới Mộng Hoa cho thế tử. Qua cuộc tiếp xúc, Mộng Hoa thấy Ngô Trung Cảnh là một người tài hoa, lịch thiệp, rất hợp với ý nguyện của mình và Ngô Trung Cảnh cũng đánh giá Mộng Hoa là một bậc nữ lưu mà tư tưởng, tính tình rất đáng mến…

Hai người hiểu nhau, yêu nhau trong một mối tình thanh cao đằm thắm. Một đêm trăng trong vườn ngự uyển (đó cũng là một nhan đề khác của vở Mộng Hoa vương) hai người đã trao đổi tâm tình để trái tim nói lên tiếng nói thành thực, tự do.

Nhưng các vị quan to trong triều đình bị gò bó trong những quan niệm lễ giáo, đồng thời cũng có những tính toán riêng tư, tìm cách ngăn cản mối tình đó. Riêng nguyên nhung Triệu Tuấn vẫn hy vọng sẽ chiếm được trái tim của Mộng Hoa thì tức giận vô cùng. Y đã ám sát Ngô Trung Cảnh. Cõi lòng tan nát, Mộng Hoa bỏ ngai vàng, giàu sang, uy quyền, xuống thuyền theo thi hài của Ngô Trung Cảnh cho trọn niềm chung thuỷ.

Trong vở, soạn giả để Mộng Hoa tuyên bố những ý kiến về tình yêu theo quan niệm tự do luyến ái:

“Các khanh thử nghĩ xem, nếu mọi người trẫm chưa hề biết mặt, chưa hiểu rõ tánh tình thì dầu người đó là một ông hoàng hay người đó tài ba xuất chúng thế nào, trẫm không bao giờ nhận lời mà tứ hôn cho được… Trẫm sẽ kết duyên với một người mà theo ý trẫm muốn”.

“Triệu nguyên nhung, khanh lầm! Trẫm trọng khanh vì tài mà không cảm khanh về tình, khanh là một tướng hữu tài chớ không phải là một khách hữu tình. Đây này, khanh bước lại gần đây, khanh có nghe không? Một trái tim rung động thế này làm sao hoà chung được một nhịp với trái tim khanh là một trái tim không cùng chung một nhịp điệu…

Cái kết thúc của vở kịch đưa Mộng Hoa thành thần tượng của tình yêu tuyệt đối. Mộng Hoa nói với bá quan văn võ kéo nhau đến biên cương, yêu cầu nàng trở về triều đường:

“Trẫm đa tạ ơn các khanh, quan Phụ chính, quan Thái sư, quan Ngự sử, quan Đô đốc, quan Nguyên soái, các khanh có vì cơ nghiệp mấy ngàn năm của Tiên vương để lại, thì hãy chọn người đủ đức tài thay thế cho trẫm. Giang san là của chung thiên hạ, nào của riêng một mình trẫm có độc quyền. Tại sao các khanh cứ đem cái vật thiêng liêng quý báu nhất đời trẫm, các khanh lại cướp mất đi và chuyên chế trẫm đến ngần này! Đây! Các khanh hãy nhìn cho kỹ. Kìa! Các khanh có thấy không? Một bên thì kiệu vàng chực sẵn, nếu trẫm bước lên kiệu trở về cung, còn một bên thì xác chết chưa chôn, nếu trẫm, bước chân xuống thuyền thì đời trẫm có khác chi tử thi đã gói kín trong bức khăn liệm trắng, nhưng Ngô quân đã vì yêu ta cam thiệt mạng thì ta đây:
 

(Ca chuồn chuồn)
Cùng nguyện với đất trời
Cho trọn với người ta thương…

Mộng Hoa vương là vở kịch trong đó soạn giả Trần Hữu Trang phát biểu nhiều ý kiến đặc sắc, táo bạo. Nhân vật Mộng Hoa là một sự thách thức ngang nhiên đối với gia đình phong kiến, hơn nữa đối với chế độ phong kiến. Ngai vàng phong kiến, Mộng Hoa xem nhẹ hơn hạnh phúc con người. Mộng Hoa vượt qua những kỷ cương của trật tự phong kiến làm những việc theo ý riêng. Thực ra, quan niệm về tự do của Trần Hữu Trang cũng mới chỉ là quan niệm tự do tư sản thôi. Nhưng nó đã mang ít nhiều màu sắc Nhân dân.
Thí dụ như việc Mộng Hoa tin dùng Bạch Cúc và Hồng Liên là hai cô gái miền núi hồn nhiên thật thà. Hai cô đã từng làm giặc và đã định bắt cóc Mộng Hoa, sau trở nên người thân tín, gần như bạn tâm tình của Mộng Hoa. Nhất là lớp kịch Mộng Hoa trưng cầu ý kiến của quần chúng về tình yêu thì thật độc đáo. Do sự bố trí của các quan, dân chúng kéo đến triều đình yêu cầu Mộng Hoa đuổi Ngô Trung Cảnh về nước. Mộng Hoa cho một số đại biểu vào gặp. Với một ông già làm nghề chài lưới đã trên 72 tuổi có vợ và hơn 10 người con, Mộng Hoa ra lệnh phải bỏ vợ con. Với một cô gái quê lấy chồng nghèo, Mộng Hoa bắt phải ly dị chồng.


Còn nữa.


Nguồn: Nghiencuulichsu.com