395 lượt xem

Nguyễn Trực – Trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê

12 tuổi đã có thơ lưu truyền đời sau

 Nguyễn Trực, tự là Công Tiệp, tên chữ là Công Dĩnh, hiệu là Hu Liêu, nguyên quán thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Ứng Thiên, phủ Thanh Oai, trấn Sơn Nam, trú quán xã Nghĩa Bang, huyện Yên Sơn, thuộc Quốc Oai, Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội).

Nguyễn Trực sinh ngày 16 tháng 5, năm Đinh Dậu (1417). Thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng là người rất mực thông minh, mẫn tiệp, có tài thơ văn. Nguyễn Trực xuất thân trong một gia đình dòng dõi học vấn, đỗ đạt cao.

Ông nội là tiến sĩ Nguyễn Bính làm quan dưới triều vua Trần Hiến Tông, cha là tiến sĩ Nguyễn Thời Trung làm quan dưới triều Lê Thái Tông.

Năm Nguyễn Trực 12 tuổi, nhân xem bức tranh vẽ Dương Quý Phi ở Lâm Trí, ông đã làm một bài thơ với ý tứ rất thanh nhã, được đời sau lưu truyền:

Lục trướng xuân thì đống bất xâm

Thưa ân doanh đắc kỷ hồi lâm

Thùy tri nhất triết ôn truyền thủy

Hải tận đương niên tứ hải tần.

Nghĩa là:

Màu xuân tràn trên áo xuân không chút lạnh xen vào

Mang ơn mấy lần được tới đây

Ai ngờ một giọt nước ở suối ấm

Lạnh buốt lòng người bốn biển mãi đến nay.

Người đứng đầu trong bia Tiến sĩ đầu tiên

Năm Giáp Dần (1434) lúc Nguyễn Trực mới 17 tuổi tham dự kỳ thi Hương và đỗ đầu (giải Nguyên). Năm Nhâm Tuất (1442) lúc Nguyễn Trực 25 tuổi, tham dự kỳ thi Đình và đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (Trạng nguyên) đời Lê Thái Tông, trở thành Trạng nguyên đầu tiên của triều đại Hậu Lê.

Nguyễn Trực được nhà vua ban sắc Quốc Tử giám Thi thư và ban thưởng Á Liệt khanh, đứng đầu trong số 33 vị tiến sĩ cùng khóa. Lần đầu tiên trong lịch sử Đại Việt, vua ban mũ áo Trạng nguyên cho người đỗ đạt cao nhất.

Sau khi đỗ Trạng nguyên, Nguyễn Trực làm quan đến chức Hàn lâm viện thị giảng, Trung thư lệnh, Tri tam quán sự, Đại Liên ban, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông chính là người đầu tiên được ban mũ áo vinh quy và cũng là người có tên đứng đầu trong bia Tiến sĩ đầu tiên ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám.

Tại kỳ thi Đình, trong đề thi có câu hỏi xoay quanh vấn đề “Luận về phép trị nước của các vương triều”, Nguyễn Trực đã khẳng khải trả lời đúng vào điểm cốt yếu nhất, đó là “Vua sáng tôi hiền thì nước sẽ thịnh, vua không sáng tôi không hiền thì nước sẽ suy vong”.

Trong bài văn Đình đối sách của ông còn có đoạn viết: “Ôi! Quân tử và tiểu nhân hoàn toàn trái ngược nhau: Đạo quân tử mạnh thì đạo tiểu nhân suy, đạo quân tử suy thì đạo tiểu nhân mạnh. Như âm- dương, sáng- tối không thể cùng nhau tồn tại, như nước- lửa, thơm- uế không thể cùng chứa một nơi.

Cho nên người ở ngôi cao trong khi dùng người phải trung hòa, phải chuyên nhất, phải thử thách, phải thận trọng mới được… Bệ hạ muốn quân tử tiến mà tiểu nhân lùi thì không gì bằng gần bề tôi tiết tháo, sử dụng kẻ sĩ chính trực để họ dẫn vua đi đúng đường, đặt vua vào đúng chỗ không lỗi lầm”.

  Dương Tuấn