239 lượt xem

Mạc Mi Cô

Khi vừa sinh ra, cô đã có những biểu hiện khác thường. Có rất nhiều câu chuyện chuyện ly kỳ, đậm nét tâm linh huyền bí quanh cuộc đời cô gái yểu mệnh này./ Ngôi tháp linh trên đỉnh Phù Dung sơn

Trong số hơn 40 thành viên dòng họ Mạc ở Hà Tiên, tiểu thư Mạc Mi Cô, con gái duy nhất trong số 7 người con của Mạc Thiên Tứ, tức cháu nội của Mạc Cửu (người có công khai phá, hình thành vùng đất Hà Tiên), là người đời sau nhắc nhiều nhất. Bởi khi vừa sinh ra, cô đã có những biểu hiện khác thường. Có rất nhiều câu chuyện chuyện ly kỳ, đậm nét tâm linh huyền bí quanh cuộc đời cô gái yểu mệnh này.

Sinh ra đã biết nói cười?

Bước chân lên khu lăng mộ họ Mạc trên núi Bình San, TX Hà Tiên (Kiên Giang), chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên hữu tình, đẹp như tranh. Ngay chỗ chúng tôi đứng là quần thể hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc.

Trong số này, khu mộ Mạc Cửu nằm ở trên cùng, nhưng mộ của Mạc Mi Cô lại có vẻ đẹp nhất và luôn nghi ngút khói hương. Từ vị trí này, phóng tầm mắt ra xa, là một khoảng trời biển xanh ngắt.

Ông Từ Năm, năm nay 72 tuổi, người coi sóc khu mộ dòng họ Mạc từ mấy chục năm nay, bảo rằng, mộ Cô Năm (tên thân mật người dân thường gọi Mạc Mi Cô) linh lắm, nên ai có khúc mắc, buồn phiền, lo lắng gì cũng đến cầu cô cả.

Ông Từ Năm, người coi sóc khu mộ dòng họ Mạc trên núi Bình San đang lần giở từng dòng ký ức cho PV nghe

Nghe chúng tôi thắc mắc về những câu chuyện đầy nét liêu trai xung quanh cô tiểu thư họ Mạc, ông Từ Năm bảo: “Tất cả chỉ là những câu chuyện dân gian, truyền miệng. Thực hư thế nào không ai biết. Tôi kể mấy chú nghe, còn tin hay không là tùy cách nghĩ của mỗi người”.

Theo lời ông Năm, trước khi sinh Mạc Mi Cô, phu nhân Mạc Thiên Tứ là bà Hiếu Túc, đã sinh 5 người con trai, tất cả đều khôi ngô tuấn tú. Họ rất mong có thêm đứa con gái, nên thường xuyên đi chùa cầu khấn.

Một đêm nọ, bà Hiếu Túc nằm mộng, thấy một tiên nữ, trên tay bồng một bé gái rất xinh, từ trên trời bay xuống tặng bà một bé gái. Quả nhiên, một thời gian sau thì bà mang thai. Đến tháng thứ 8, sau 3 ngày đau bụng dữ dội, bà hạ sinh một bé gái, đẹp như nàng tiên bà gặp trong mộng. Có điều không bình thường là đứa trẻ vừa sinh ra đã có mái tóc đen dài, và đã biết nói như đứa trẻ 7-8 tuổi.

Khi đi thị sát trở về, Đốc trấn binh Mạc Thiên Tứ hay tin phu nhân đã sanh được một tiểu thư xinh đẹp. Ông vội vàng đến thăm, khi bước vào phòng, đã thấy tiểu thư nhấp nháy đôi mắt nhìn, miệng với đôi môi mọng đỏ chúm chím cười.

Sau giây phút ngỡ ngàng, ông cũng ra vẻ mừng rỡ, đặt tên cho tiểu thư là Mạc Mi Cô. Nhưng sau khi về phòng, ông không khỏi ưu tư và tự hỏi: “Đây là tiên nữ đầu thai hay là yêu quái hiện hình, ta phải làm sao?”.

Hằng ngày, rảnh là ông chăm chút cho từng góc mộ bằng tình cảm tràn đầy

Ít hôm sau, Mạc Thiên Tứ cho người mời 4 vị là pháp sư, thầy phong thủy giỏi đến nhờ xem. Sau khi xem xong, một vị phán rằng: “Dinh thự đúng là đang bị âm khí rất nặng, nếu không trừ sớm, e cơ nghiệp nhà Mạc khó tránh khỏi họa lớn”. Sau nhiều lần gặng hỏi, vị pháp sư mới dám nói rằng: “Yêu quái chính là tiểu thư vừa mới sinh của ngài”.

Sau khi tiễn khách về, Mạc Thiên Tứ rảo bước về phòng con gái. Vừa bước đến cửa buồng, thấy cha đến, tiểu thư Mạc Mi Cô quay mặt khóc thét lên, gương mặt tái mét như một đứa trẻ ốm nặng, ngay sau đó, cô nói rành mạch như một người lớn: “Cha không thương con, cha rước bọn họ đến giết con mà”. Cả 2 ông bà nghe vậy, giật mình.

“Việc Cô Năm có linh ứng như những lời đồn hay không thì chẳng ai kiểm chứng được. Nhưng những chuyện huyền bí xung quanh Cô Năm thì đã được lưu truyền từ bao đời nay. Cũng đã nhiều người đến đây trả lễ, tạ ơn sau khi đến cầu và thành.

Chính vì thế, đến giờ cũng không ai xác định được cô sinh ngày nào, mất ngày nào, nguyên nhân vì sao chết. Chỉ biết rằng Cô Năm chết khi còn rất nhỏ và từ khi sinh ra đến khi mất, ngoài cha mẹ ra, chỉ vài người thấy mặt cô”, ông Ba Năng, cán bộ Ban Quản lý khu di tích lịch sử núi Bình San.

Ông Từ Năm cũng như mọi thứ tài liệu chỉ ghi và truyền miệng rằng Cô Năm sinh năm 1750 và mất năm 1763. Còn nguyên nhân vì sao cô mất thì tuyệt nhiên không có.

Niềm tin của người lương thiện

Ông Từ Năm kể: “Tôi nghe kể rằng, Cô Năm mới sinh nhưng biết hết mọi chuyện đang xảy ra bên ngoài. Trong một đêm tối, có 2 kẻ xấu có cầm theo gươm, dao, đột nhập vào dinh thự của Mạc đốc binh trấn định sát hại gia trang.

Trong lúc chúng đang bàn tính bên ngoài thì nghe có tiếng người trong phòng nói vọng ra rằng: “Họ Mạc ta đã hết thời rồi. Các người muốn làm gì thì làm”. Nghe thế, hai tên hành thích sợ quá hoảng hồn bỏ chạy bán mạng”.

Ngưng một lát, ông Năm tiếp, Cô Năm thương người dân nghèo, thương vùng đất này lắm. Chính vì thế, nơi đây từng hứng chịu biết bao bom đạn của Mỹ, Nhật, rồi Pôn Pốt, nhưng gần như chẳng hề gì. Như 1945, máy bay trút biết bao bom đạn xuống đây, vậy mà chỉ có một cụ già không may thiệt mạng.

Rồi có người nói rằng khi bom nổ, nhiều người trú trên núi Bình San trông thấy bà Cô Năm bay trong đám mây, xua đuổi bom đạn ra những cánh đồng nên không hề hấn gì.

Rồi gần nhất là câu chuyện 1.000 quả đạn pháo của quân diệt chủng Pon Pot trút qua Hà Tiên đêm 23 rạng sáng ngày 24/3/1978, nhưng Hà Tiên vẫn bình yên, không có ai thiệt mạng.

Người phụ nữ này ngồi ở đây cả buổi, chỉ để mong lòng nhẹ hơn sau chuyện buồn gia đình

Hiện nay mỗi khi đi qua cửa tam quan, bên trái của lăng họ Mạc còn dấu tích cửa bịt kín, người ta nói rằng đó là hậu quả của một cuộc "nổi giận" của bà Cô Năm báo oán cho mẹ.

Theo những tài liệu do dòng họ Mạc ghi lại thì năm 1910, viên quan Tỉnh trưởng Hà Tiên người Pháp tên Roux Serret. Lúc đó hắn nghĩ rằng, sinh thời bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân, vợ của Tổng binh Trấn Mạc Thiên Tứ, chắc chắn giàu có.

Đến lúc chết người ta sẽ chôn theo kho báu, nên hắn nảy ý khai quật. Tuy nhiên, khi quân lính phá được mộ của bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân thì chúng chỉ thấy một số đồ trang sức ít giá trị. Sau lần "động mồ mả" đó, một sự lạ đã xảy ra khiến viên quan người Pháp phải kinh hồn bạt vía.

Một lần đi tuần, đến gần mộ bà Hiếu Túc bỗng giông bão nổi lên ầm ầm, hắn vội thắng ngựa, núp vào gốc dương gần đó để trú. Bất ngờ, một tia lửa sét lóa lên, đánh trúng cây dương nơi hắn và ngựa đang trú khiến cây bật gốc đổ xuống. Con ngựa lồng lên, hất hắn xuống đất bỏ chạy, khiến hắn bị thương nặng.

Sau lần đó, những hoạt động đào đất ở gần khu mộ bà Hiếu Túc không tiến hành nữa, công việc tái chôn cất mộ cũng được trịnh trọng tiến hành.

Huyền thoại về Mạc Mi Cô và lời sấm truyền kho báu - Doanh Nghiệp Việt Nam
Bảng ghi lược sử về Mạc Mi Cô (nguồn: sưu tầm)

Năm 1912, viên Tỉnh trưởng bỗng dưng trao quyền cho người khác. Người ta tin rằng, nếu không có sự việc đó thì lấy cớ đào núi làm đường, viên Tỉnh trưởng sẽ còn khai quật nhiều khu mộ nữa trong hệ thống lăng họ Mạc, để tìm vàng, ngọc. Họ cho rằng đó là điềm báo của bà Cô Năm dành cho những ai dám kinh động đến "chốn thiêng" của tiền nhân.

Từ bao đời nay, mỗi ngày vẫn có rất nhiều người đến mộ Cô Năm thăm viếng, cầu an và coi bà như vị thần hộ mệnh. Không ai khẳng định được bà có linh ứng hay không, nhưng người dân Hà Tiên đều tin mỗi khi cầu xin bà Cô Năm ban phước lành, là mỗi lần vận may đến.

Nongnghiep.vn