617 lượt xem

Những món ăn độc lạ của các dân tộc Việt Nam

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi tộc người lại mang một màu sắc  riêng biệt về văn hóa, lối sống. Tộc người Thái và người Mường là hai tộc người có nền văn  hóa rất độc đáo. Bên cạnh những bộ trang phục truyền thống, văn hóa đời sống tinh thần phong phú, đặc sắc thì  tộc người Thái và người Mường còn có nền văn hóa ẩm thực hết sức khác lạ và hấp dẫn.
 
Hình từ internet.


Món rêu đá

Rêu đá là một món ăn truyền thống của đồng bào Thái thường mọc bám vào các gờ đá ở lòng suối. Rêu được chia thành 3 nhóm: “Cui”, loại rêu mọc trên đá thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm, rêu non làm món nộm, có nơi làm nộm sống, thường mọc ở các dòng sông, suối; “cay”, sợi rêu mọc rời rạc có màu xanh; “tau”, loại rêu này thường thành từng mảng ở các khe suối khi thu lượm người ta dùng thanh tre gạt rêu vào rổ. 

Rêu sạch và non thường lấy ở những khúc sông, khe suối nơi có dòng chảy. Mùa rêu mọc, đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Khơ Mú ở những nơi gần sông, suối, thường lấy rêu non về phơi khô để dành ăn dần hoặc chế biến thành món ăn trong tiệc cưới, lên nhà mới, lễ hội…
 

Canh rêu tươi “kinh tau” 
Nguồn: Sưu tập

Rêu đá mọc theo mùa từ tháng 9, 10 âm lịch đến hết tháng 5. Các bờ suối quanh khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ, (Yên Bái), Tuần Giáo, Mường Chà (Điện Biên) và sông Đà ở Lai Châu có rêu đá tươi non nổi tiếng. Không người chăm cấy nhưng năm nào cũng vậy, rêu tự mọc lên từ tất cả các hòn đá trong suối như một quy luật tự nhiên.
 
Trước khi chế biến thành món ăn phải để rêu trên thớt hoặc hòn đá có mặt phẳng, dùng chày gỗ đập nhiều lần cho nát hết tạp chất bám trên rêu, rửa sạch không còn cát sạn. 


Rêu chế biến được nhiều món ăn ngon: Canh rêu tươi “kinh tau” nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, nấu vừa chín tới, cho mắm muối và các gia vị, ăn nóng. 

 

Món rêu nướng
Nguồn: Sưu tập


Rêu nộm “tau nửng chụp”, thường lấy rêu non, cho vào chõ đồ xôi, đồ vừa chín tới, trộn cùng súp, mì chính và các gia vị, gừng, mùi, “mắc khén” (hạt tiêu rừng), thích ăn cay cho thêm quả ớt nướng giã nhỏ. 

Rêu nướng “tau pho”, món ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị với hầu hết mọi người. Rêu rửa sạch, lấy lá chuối hoặc lá dong trên rừng, chọn lá to bản, hơ trên than hồng cho lá mềm, khi gói không bị rách, cho cùng các gia vị, muối, mì chính, gừng, rau mùi, “mắc khén”, sả, hành, buộc túm lại, nướng trên tro nóng hoặc than hồng, thỉnh thoảng xoay đều cho tới khi lớp lá bên ngoài cháy xém là được. Rêu nướng còn dùng ống nứa non “tau lam” để nướng, cách này giữ lại các chất ngọt trong ống. 

Nậm pịa: độc đáo món ăn dân tộc Thái

Nậm pịa – một món ăn của người dân tộc Thái. Đây là một món ăn rất lạ, nguyên liệu làm món ăn này là tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, gọi nó là “pịa”.

Người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ rồi đun sôi lên

 

Nậm pịa
Nguồn: Sưu tập

Nậm pịa đặt trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món nậm pịa ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Ban đầu chưa quen, chưa dám ăn thì món nậm pịa quả thật là rất khó ăn.

Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi. Nậm pịa có một mùi vị rất đặc trưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng.Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của bò.

Món nòng nọc của người Mường

Người Mường ở miền Tây Thanh Hóa từ lâu đã có thói quen ăn nòng nọc (theo tiếng địa phương là bu bu hoặc bâu bâu). Vào các tháng 6 đến 11 âm lịch hàng năm, người địa phương thường vào rừng từ đầu giờ sáng hoặc lúc chiều muộn để bắt nòng nọc.

Những con nòng nọc do loài ếch đá trong rừng đẻ vào các tháng mùa mưa thường béo tròn, to bằng ngón tay, khác hẳn nòng nọc dưới xuôi. Nòng nọc bắt về được chế biến thành nhiều món khác nhau như đồ hay om măng chua.

 

Nòng nọc om măng
Nguồn: Sưu tập

Người Mường bắt nòng nọc về rửa qua nòng nọc, dùng mũi dao nhọn gẩy nhẹ vào bụng, lôi phần lòng ruột cho ra ngoài, rửa sạch, để ráo. Sau đó cho nòng nọc vào lá chuối hoặc lá khoai trộn nòng nọc cùng ít mẻ rồi cho lên đồ như đồ xôi.

Hay đặc biệt là món nòng nọc om măng, cùng cách chế biến nòng nọc nhưng nòng nọc om măng có mùi vị rất khác lạ. Sau khi xào măng với mẻ cho chín tới, người ta đổ nước sôi vào nồi rồi trút bát nòng nọc vào đun cho sôi lại. Cuối cùng rắc hành, răm, mùi tầu lên trên, bắc xuống ăn nóng cùng cơm hoặc làm mồi nhắm rượu.

Nguồn: báo pháp luật