423 lượt xem

Điểm danh những vị vua đặc biệt nhất lịch sử phong kiến Việt Nam

Điểm danh những vị vua đặc biệt nhất lịch sử phong kiến Việt Nam
 


Nguồn: Sưu tập

 

Các triều đại phong kiến Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử và trong đó là rất nhiều vị vua đã lên ngôi. Mỗi người đều có những câu chuyện khác nhau và trong đó là rất nhiều những kỉ lục “vô tiền khoáng hậu”.

Vua tại vị lâu nhất

Lý Nhân Tông (22 tháng 2, 1066 – 15 tháng 1, 1128), là vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Lý, trị vì trong vòng 56 năm (1073 – 1127), lâu hơn bất kỳ một vị hoàng đế nhà Lý và triều đại nào trong lịch sử Việt Nam.

Nhân Tông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam, cũng như sự thịnh trị lâu dài của triều Lý, qua việc mở cửa Quốc tử giám vào năm 1077. Một sự kiện đánh dấu sự nổi tiếng của triều đại Nhân Tông là trong năm 1075 đến năm 1076, Thái úy phụ chính Lý Thường Kiệt hai lần đánh bại quân đội hùng mạnh của nhà Tống trong Chiến dịch phá Tống và Trận Như Nguyệt, lưu danh thiên cổ.

 

Vua Lý Nhân Tông
Nguồn: Sưu tập

Thời kỳ đầu lên ngôi (1073), khi đó Nhân Tông vừa lên 6, cần người nhiếp chính. Bấy giờ Thái sư Lý Đạo Thành tôn Thánh Tông Dương hoàng hậu làm Hoàng thái hậu, buông rèm nghe chính sự, gọi là Thùy liêm thính chính. Tuy nhiên, do tác động của mẹ ruột là Lê Thái phi, cuối cùng Thái hậu Dương thị bị phế truất và giam cầm trong cung Thượng Dương với 72 cung nữ.

Theo một số nhận định, Lê Thái phi đã nhúng tay hoàn toàn vào chuyện phế truất này, dựa vào Thái úy Lý Thường Kiệt; cuối cùng Dương Thái hậu cùng 72 cung nhân bị ép phải chết, đa phần đều ghi là bỏ đói đến chết. Sau sự kiện này, Thái phi lên ngôi làm Hoàng thái hậu, can dự triều chánh; Thái hậu còn biếm Thái sư Lý Đạo Thành ra Nghệ An đày ải, về sau mới khôi phục trở về như cũ.

Tuy trị vì lâu dài và có nhiều hậu cung, nhưng Nhân Tông hoàng đế không có con trai để nối dõi. Đến cuối đời, ông cho gọi các con của thân vương hoàng tộc vào cung làm nghĩa tử và dạy dỗ. Ông chọn Lý Dương Hoán, con trai của Sùng Hiền hầu, làm Thái tử kế vị. Dương Hoán lên ngôi tức Lý Thần Tông, triều đại nhà Lý tiếp tục giai đoạn hưng thịnh.

Vua tại vị ngắn nhất

Vua Lê Trung Tông (nhà tiền Lê) và vua Nguyễn Dục Đức (Nguyễn Phúc Ưng Chân), mỗi vị ở ngôi 3 ngày, không kịp đặt niên hiệu.

Tên húy là Lê Long Việt, sinh năm Quý Mùi 983 tại Hoa Lư, con trai của Lê Đại Hành, mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Vua Lê Đại Hành có hơn 10 hoàng tử, sau khi con trưởng là thái tử Long Thâu mất, Long Việt được lập làm Thái tử.

Giữa năm 1005, Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, đánh nhau 8 tháng, trong nước không có chủ. Tranh chấp chính xảy ra giữa thái tử Long Việt và hoàng tử thứ hai Ngân Tích là người lớn nhất trong số các anh em còn lại. Tháng 10 năm 1005, Ngân Tích thua chạy đến châu Thạch Hà (Hà Tĩnh) thì bị người bản địa giết chết. Long Việt lên ngôi làm vua, tức là Lê Trung Tông. Trong nước vẫn chưa yên ổn hẳn.

 


Vua Lê Trung Tông
Nguồn: Sưu tập
 

Được 3 ngày, Trung Tông bị em cùng mẹ là Lê Long Đĩnh sai người trèo tường lẻn vào cung hãm hại, thọ 22 tuổi. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ.

Đại Việt sử ký toàn thư: “Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.

Tự Đức mất để di chiếu truyền ngôi cho Ưng Chân, nhưng trong di chiếu có đoạn viết: “… Nhưng vì có tật ở mắt nên hành vi mờ ám sợ sau này thiếu sáng suốt, tính lại hiếu dâm cũng là điều chẳng tốt chưa chắc đã đảm đương được việc lớn. Nước có vua lớn tuổi là điều may cho xã tắc, nếu bỏ đi thì biết làm sao đây.”

Các quan Phụ chính Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết dâng sớ lên vua Tự Đức xin bỏ mấy đoạn có liên quan đến tính nết xấu của tự quân và câu “không chắc đảm đương nổi việc lớn” nhưng vua Tự Đức từ chối.
 


Vua Dục Đức
Nguồn: Sưu tập
 

Thọ lãnh di chiếu của Tự Đức, Ưng Chân lên ngôi kế vị ngày 19 tháng 7 năm 1883. Lúc làm lễ lên ngôi, Ưng Chân đã cho đọc lướt đoạn này. Hai Phụ chính Đại thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường bèn dâng lên Hoàng thái hậu Từ Dụ tờ hạch tội buộc cho vua Dục Đức bốn tội lớn:

–  Muốn sửa di chiếu của vua cha

–  Có đại tang mà mặc áo màu

–  Tự tiện đưa một giáo sĩ vào Hoàng thành

–  Thông dâm với nhiều cung nữ của vua cha

Sau khi nhận được sự đồng ý của Hoàng thái hậu Từ Dụ và Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên, hai quan Phụ chính liền ra chỉ phế truất ông vào ngày 23 tháng 7 năm 1883) và giam vua Dục Đức ở Dục Đức Đường, rồi Thái Y Viện, và cuối cùng là Ngục thất trong Kinh thành Huế. Ở đây, nhà vua bị bỏ đói cho đến chết. Vua Dục Đức mất ngày 6 tháng 10 năm 1883 .

Vì chỉ làm vua được mấy ngày chưa kịp đặt niên hiệu, Dục Đức chỉ là tên gọi nơi ở Dục Đức Đường.

Vua có nhiều vợ nhất

Minh Mạng không chỉ là vị vua nổi tiếng của triều Nguyễn với các chính sách cải cách rộng mở, việc điều hành chính sự, cai trị quốc gia mà còn là người nổi tiếng có nhiều vợ, nhiều con nhất trong số các hoàng đế của vương triều này.

Khó có thể thống kê hết được số vợ con của Minh Mạng. Về danh nghĩa chính thức, ông có đến 142 người con (78 hoàng tử và 64 công chúa), còn số vợ của vua thì không có con số chính thức nhưng theo sách “Minh Mạng chính yếu”, vào tháng Giêng năm Bính Tuất (1826) để cầu mưa chống hạn, ông đã ra lệnh xuất cung 100 người cho về quê và nói rằng:

“Hai, ba năm gần đây hạn hán liên tiếp. Trẫm nghĩ từ đâu mà đến thế, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Hoặc trong thâm cung, cung nữ nhiều nên âm khí uất tắc mà ra vậy ư? Nay bớt đi cho ra 100 người, ngõ hầu có thể giải trừ thiên tai vậy”.

Qua đó có thể thấy ít nhất trong hậu cung của Minh Mạng có khoảng 5-600 cung tần mỹ nữ. Phần lớn vợ ông là người miền Nam, nổi tiếng nhất là bà Hồ Thị Hoa, quê Biên Hòa, con gái của Phước quốc công Hồ Văn Bôi được nhập cung năm Bính Dần (1806) sinh được một người con tên là Miên Tông vào năm Đinh Mão (1807) thì mất sau đó 13 ngày, về sau được truy phong là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.

 


Vua Minh Mạng
Nguồn: Sưu tập
 

Hoàng đế Minh Mạng còn có hai vương phi mà ông rất sủng ái là Hiền phi Ngô Thị Chính, con của Chưởng cơ Ngô Văn Sở, sinh cho vua 6 người con (4 hoàng tử, 2 công chúa) và bà Lệ tần Nguyễn Gia Thị, con của Phó vệ úy Nguyễn Gia Quý, sinh cho vua 10 người con (7 hoàng tử, 3 công chúa).

Những người vợ con lại hầu như không được nhắc đến, họ được xếp theo thứ bậc trong cung là Tứ Giai tân, Ngũ giai Tiệp dư, Lục giai Tiệp dư, Thất giai Quý nhân, Bát giai Mỹ nhân, Cửu giai Tài nhân và Tài nhân vị nhập giai; dưới nữa là cung nga, thể nữ đồng hạng…

Hàng ngày, khi nghỉ ngơi, vua có 5 bà vợ hầu hạ: một bà vấn thuốc têm trầu, một bà quạt, một bà đấm bóp, một bà hát ru và một bà để sai vặt. Mỗi đêm vua Minh Mạng cho Thái giám gọi 5 bà vào hầu ngủ, mỗi bà một canh. Hết 5 canh thì danh sách các bà được chuyển giao cho Tôn Nhân Phủ giữ để tiện theo dõi việc khai hoa nở nhụy của các bà sau này.

Người ta đồn đại rằng vua Minh Mạng hưởng thụ cuộc sống chăn gối đời thường đầy mãn nguyện với một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ “bất tri lao” là nhờ vào toa thuốc đặc chế tên gọi là “Minh Mạng thang” và hiệu quả của nó là “nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử” và “nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” danh bất hư truyền.

Mặc dù cung tần mỹ nữ nhiều không kể xiết, có người được vua yêu chiều nhưng tất cả họ, không có ai được vua Minh Mạng lựa chọn để sắc phong làm Hoàng hậu, đứng đầu quản lý chốn hậu cung. Người ta cho rằng vì sợ danh tiếng và uy quyền lớn sẽ gây hại đến ổn định của vương triều nên Minh Mạng đã cho xây dựng điển chế, ban hành lệ tứ bất:

Bất phong Hoàng hậu, bất thiết Tể tướng, bất lập Thái Tử (bất lập Vương tước) và bất cử Trạng nguyên. Nghĩa là không lập Hoàng hậu khi vua đương tại vị, không phong chức Tể tướng, không ban tước Vương cho người trong hoàng tộc đang còn sống và thi cử không lấy đỗ Trạng nguyên.

Làm vua hai lần và là người đầu tiên lấy vợ người phương Tây

Lê Thần Tông (1607 – 1662) trị vì: 1619-1643 và 1649-1662, tên húy là Lê Duy Kỳ là vị vua thứ 6 của nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng là vị Vua Việt Nam duy nhất hai lần lên ngôi và là người Việt đầu tiên lấy vợ phương Tây.

Lê Duy Kỳ ra đời vào ngày 19 tháng 11 âm lịch năm Đinh Mùi (1607), là con trai trưởng của vua Lê Kính Tông và hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái thứ của chúa Bình An vương Trịnh Tùng. Như vậy ông là cháu nội của Lê Thế Tông và cháu ngoại của Trịnh Tùng. Ông được sử sách mô tả là người có mũi cao, mặt rồng

Lê Duy Kỳ sinh ra và lớn lên khi cuộc chiến tranh với nhà Mạc cơ bản chấm dứt, nhưng đồng thời nhà Lê đã mất thực quyền về tay quyền thần ông ngoại họ Trịnh. Điều đó khiến vua cha Kính Tông bất bình, liên kết với người con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân (cậu của Duy Kỳ, muốn tranh ngôi con trưởng của Trịnh Tráng) định lật đổ Trịnh Tùng.

Việc không thành, tháng 5 năm 1619, ông ngoại Trịnh Tùng buộc vua cha Kính Tông thắt cổ chết, rồi lập Lê Duy Kỳ, khi mới 12 tuổi, lên làm vua mới, tức là Lê Thần Tông. Tháng 7 năm Quý Hợi (1623), nhân dịp Bình An vương Trịnh Tùng qua đời, Trịnh Xuân một lần nữa đem quân nổi lên để tranh ngôi chúa, vương thế tử Trịnh Tráng cùng vua Lê Thần Tông kéo quân ra Thanh Hóa để dẹp loạn.

Thời gian ở ngôi Lê Thần Tông làm vua chính là lúc cuộc chiến giữa quyền thần họ Trịnh và họ Nguyễn ở phía nam bùng nổ dữ dội. Cả 2 họ đều nhân danh “phù Lê” để chống lại nhau.
 


Vua Lê Thần Tông
Nguồn: Sưu tập
 

Sau khi Nguyễn Phúc Nguyên chính thức ly khai không thần phục họ Trịnh, cát cứ vùng Thuận Hóa và Quảng Nam, tháng 2 năm 1627, cậu Trịnh Tráng (thay Trịnh Tùng năm 1623) rước ông đi thân chinh vào nam đánh họ Nguyễn. Tuy nhiên quân Lê Trịnh không thắng được quân Nguyễn phải rút về.

Năm Canh Ngọ (1630), tháng 5, vua lấy con gái của Trịnh Tráng là Trịnh Thị Ngọc Trúc làm hoàng hậu. Ngọc Trúc vốn là vợ của người bác họ vua là Lê Trụ sinh được 4 con. Lúc đó, Lê Trụ bị giam trong ngục. Trịnh Tráng đem Ngọc Trúc gả cho Thần Tông.

Triều thần là Nguyễn Thục, Nguyễn Danh Thế nhiều lần dâng sớ can, nhưng lúc đó Thần Tông không có thực quyền, biết mình không thể chống lại chúa Trịnh nên không nghe và nói rằng: “Xong việc thì thôi, lấy gượng vậy.”.

Khi nhập cung, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc không chỉ có vai vế là trưởng bối, mà còn hơn vua Thần Tông đến mười hai tuổi. Sau lần Trịnh Tráng đánh Nguyễn lần thứ 2 (1633) không thành công, đầu năm 1643, chúa Trịnh lại rước Lê Thần Tông đi thân chinh đánh họ Nguyễn lần thứ 3. Xa giá của Thần Tông tiến vào châu Bố Chính, đóng tại xã An Bài, còn các tướng tiến quân đến cửa Nhật Lệ.

Quân Nguyễn Phúc Lan dựa vào Lũy Thầy chống cự. Do lúc đó mùa hè, khí hậu oi bức, quân Lê Trịnh bị bệnh nhiều nên Trịnh Tráng đành lui quân. Tháng 10 năm Quý Mùi (1643), vua nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu sau khi ở ngôi được 25 năm. Về phần mình ông lên làm Thái thượng hoàng, còn Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc làm Hoàng thái hậu.

Tháng 8 năm 1649, Lê Chân Tông mất sớm, Thần Tông được Trịnh Tráng đưa trở lại ngôi vua.

Ngoài bà vợ đầu tiên là Trịnh Thị Ngọc Trúc, vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa và điều kỳ lạ rằng, mỗi bà thuộc một dân tộc: vợ thứ 2 là người Thái, vợ thứ 3 là người Mường, vợ thứ 4 là người Hán, vợ thứ 5 người Lào, và vợ thứ 6 người Hà Lan.

Vua có tôn hiệu dài nhất

Lý thái Tổ (974 –1028), hay Thái Tổ Thần Vũ hoàng đế, tên thật là Lý Công Uẩn, là vị Hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028.

Dưới triều nhà Tiền Lê, ông làm quan đến chức Điện tiền chỉ huy sứ, là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô Hoa Lư bấy giờ. Năm 1005, Lê Trung Tông bị em trai là Lê Đế Long Đĩnh sát hại, ông ôm Trung Tông khóc, Lê Đế cho rằng ông là tôi trung, bèn cho giữ chức quan Cận vệ. Đến năm 1009, Long Đĩnh băng, con trai còn nhỏ, ông được lực lượng của Đào Cam Mộc và sư Vạn Hạnh tôn làm Hoàng đế.

Dưới triều đại của mình, ông dành thời gian cả đời để đánh dẹp các nơi phản loạn, vì cơ bản nước Đại Cồ Việt vẫn chưa thu phục được lòng tin của các di tộc biên cương. Triều đình trung ương dần được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7 năm Thuận Thiên thứ hai (1010), và thành này được đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triện lâu dài của nhà Lý tồn tại hơn 200 năm.
 


Vua Lý Thái Tổ
Nguồn: Sưu tập
 

Tôn hiệu là tên vua được triều đình đặt trong những ngày đặc biệt như ngày lên ngôi hoàng đế, ngày thượng thọ ngũ tuần, lục tuần, ngày thắng trận trở về. Trong các dịp này, đình thần tổ chức buổi lễ mừng, đồng thời dâng lên vua một tôn hiệu để ca ngợi vua.

Vua Lý Thái Tổ được cho là vị vua có tôn hiệu dài nhất Việt Nam (52 chữ):

“Phụng Thiên Chí Lý Ứng Vận Tự Tại Thánh Minh Long Hiện Duệ Văn Anh Vũ Sùng Nhân Quảng Hiếu Thiên Hạ Thái Bình Khâm Minh Quảng Trạch Chương Minh Vạn Bang Hiển Ứng Phù Cảm Uy Chấn Phiên Man Duệ Mưu Thần Trợ Thánh Trị Tắc Thiên Đạo Chính Hoàng Đế”.

Nguồn: Hồ sơ danh nhân