262 lượt xem

Phạm Khiêm Ích

Đỗ đầu kỳ thi Đông các, nhưng miễn cho dân làng phải phục dịch làm nhà, Phạm Khiêm Ích được dân làng nhớ ơn, sau tôn ông làm hậu thần, hằng năm xuân thu cúng tế, mổ trâu vào đám.

Phạm Khiêm Ích (1679 - 1740) vốn tên là Nguyễn Khiêm Ích, hiệu là Kính Trai, người làng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, là cháu của Thượng thư Nguyễn Mậu Tài thời Lê Hy Tông. Ông được người chồng của cô ruột là Hoàng giáp Phạm Công Thiện, nuôi làm con nuôi, nên ông đổi sang họ Phạm.

Đỗ Thám hoa rồi lại đỗ đầu khoa Đông các

Năm 1710 đời Lê Dụ Tông, ông đi thi Hương đỗ Giải nguyên rồi thi Đình đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, tức Thám hoa. Theo bia tiến sĩ khoa thi năm Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710), dựng năm 1717, thì khoa thi đó không có các bậc Đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ nhất, đệ nhị danh (tương đương Trạng nguyên, Bảng nhãn), nên Phạm Khiêm Ích xếp đầu trên danh sách.

Sau khi được bổ làm quan, ông được thăng dần lên làm Tả thị lang bộ Hình, rồi Hữu thị lang bộ Lại, tước Thuật Phương hầu, rồi vào phủ chúa Trịnh làm Bồi tụng (Phó Tể tướng).

Năm 1723, ông làm chánh sứ sang Trung Quốc mừng vua Ung Chính nhà Thanh vừa lên ngôi. Khi tới Bắc Kinh, ông cùng mọi người trong đoàn dâng lên 3 bài thơ chúc mừng, được vua Ung Chính khen hay và cho vào yết kiến trong điện Càn Thanh. Sách "Lịch triều tạp ký” đánh giá: "Sứ đoàn tỏ rõ nước Nam là nước văn hiến có danh tiếng, được Bắc triều coi trọng".

Khi trở về, Phạm Khiêm Ích được phong làm Tả thị lang bộ Hộ, tước Thuật quận công; sau đó đổi sang làm Tả thị lang bộ Lại.

Năm 1728, vua Lê Dụ Tông thân chinh ra đề thi khoa Đông các, Phạm Khiêm Ích dự thi, lại đỗ hạng nhất. Đây là kỳ thi đặc biệt, dành cho các quan hàm từ tam phẩm trở xuống, ai đã đỗ Đình nguyên, Hội nguyên, Hương nguyên, mới được vào dự thi.

Những người không đỗ tam nguyên thì người nào có thi đỗ đầu về khoa có ngự đề tuyển cử, được đỗ đại khoa, cũng mới được thi khoa Đông các. Ân đình cho người thi đỗ có phần hậu hơn chế khoa Tiến sĩ, được ban áo mũ như Trạng nguyên, nên thời Lê coi đây là một khoa đặc cách. 

Năm đó, Phạm Khiêm Ích làm bài “Đại hữu miên ca” (Năm được mùa to), rất được khen ngợi, nên được chấm đỗ thứ nhất. Khiêm Ích do đó được phong thêm chức Đông các Đại học sĩ.

 Để ân đức cho làng

Theo lệ cũ thời Lê trung hưng, ai đỗ khoa Đông các, khi vinh quy tất cả dân bản tổng phải đến phục dịch, làm nhà tư thất ba gian bằng gỗ lim, lợp ngói. Khi Phạm Khiêm Ích đỗ khoa Đông các về vinh quy, ông thương người hàng tổng nghèo cùng, nên miễn cho không bắt chịu cái phí tổn làm nhà nữa. Dân quê ai cũng lấy làm cảm ơn, sau tôn ông làm hậu thần, thường năm xuân thu cúng tế, mổ trâu vào đám, để báo đáp cái ơn đức ấy.

Theo sách “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ, viết vào đầu thời Nguyễn, thì khi nhà Lê mất, hậu thần các làng thường bỏ không cúng tế nữa, duy có giỗ hậu Phạm Khiêm Ích thì làng vẫn lấy lợn thay trâu bò cúng tế, không dám bỏ. Xem thế mới biết cái ơn để lại thì người ta vẫn nhớ mãi không quên.

Phạm Đình Hổ bình luận: “Triều Lê đãi học trò rất hậu, nào là trâm, hốt, hoa bào, ban yến, lại phong cho cha mẹ, tập ấm cho con cháu, vinh quy áo gấm về làng, rất vinh dự. Hậu đãi như thế là đủ rồi. Còn đến như làm nhà tư thất, phục dịch việc gì cũng đổ vào đầu dân cả, thì dân hàng tổng chịu làm sao được.

Vả lại, người học trò mới đỗ đại khoa, mà cả hàng tổng đến phục dịch, làm nhà cửa cho mình, lại phải mở yến tiệc khao mừng, đãi dân hàng tổng để đền công lao, thế tất phải xoay xở đi vay mượn cho xong việc”.

Dâng sở nói thẳng bị bãi chức

Năm 1732, Phạm Khiêm Ích được bổ chức Tham tụng (Tể tướng). Năm 1736, ông dâng sớ "Thẩm tự nhất lãm" dẫn điều lợi hại can ngăn Chúa. Năm 1738, đời vua Lê Ý Tông, ông bị bãi chức đi làm Đốc phủ Thanh Hoá, sau được phong Thái tể.

Đến năm 1740 ông mất tại nhiệm sở ở Thanh Hóa, thọ 62 tuổi, được truy tặng chức Đại tư không, vua ban cho thụy là Thuần Đạo. Ông được truy phong Phúc thần của làng Bảo Triện, huyện Gia Định, Kinh Bắc (quê cha nuôi của ông, nay là thôn Phương Triện, xã Đại Lai, Gia Bình, Bắc Ninh).

Ngày nay, dân làng Bảo Triện vẫn tổ chức ngày giỗ Hậu thần Phạm Khiêm Ích trang trọng. Hậu duệ họ Phạm ở làng đó làm bia đá ghi ơn.

Phạm Khiêm Ích còn là một nhà thơ có tài, để lại tập thơ "Kính Trai thi tập". Trong "Lịch triều hiến chương loại chí", Phan Huy Ích đã viết những lời ca ngợi tài năng, đức độ của ông. Dòng họ Phạm tại Bảo Triệu, ngoài Hoàng giáo Phạm Công Thiện, cha nuôi Phạm Khiêm Ích, còn nhiều người cũng nổi tiếng như: Phạm Mậu Tài, Phạm Mậu Dị, Phạm Mậu Thịnh...

Đời sau đánh giá văn chương đức hạnh của ông làm khuôn phép cho thời bấy giờ. Khi đi sứ Yên Kinh ông làm cho quốc thể thêm long trọng, người ta ví ông như Phùng Khắc Khoan đi sứ sang nhà Minh thời nhà Lê vừa lấy lại Thăng Long.

Lúc Phạm Khiêm Ích cầm quyền chỉ chuộng khoan thứ rộng rãi. Về già, ông bị bọn tiểu nhân gièm pha, ông không thi thố hết được sở năng, trong triều ngoài nội đều tiếc.

TIÊN LONG