238 lượt xem

Phạm Mại và vụ án oan Trần Quốc Chẩn - Kì 1

Phạm Mại và vụ án oan Trần Quốc Chẩn đã khiến ông phải mất chức vì liên tục dâng sớ can ngăn, đối mặt với cả pháp ty để biện luận và chứng minh cho sự oan khuất của Thượng tể.

Ba cha con đều hay thơ

Phạm Mại cũng thường gọi là Phạm Tông Mại, hiệu Kính Khê, sinh và mất năm nào chưa rõ; ông là nhà thơ và là quan nhà Trần.

Phạm Mại người hương Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Tân Hưng (nay là huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương). Trong sách “Nam Ông mộng lục” chép rằng, ông quê ở huyện Lý Nhân, thuộc tỉnh Hà Nam.

Phạm Mại nguyên họ Chúc, tên Cố; sau Trần Nhân Tông  (1285 -1293) cho rằng họ Chúc không phải là họ lớn, mới cho đổi thành họ Phạm, còn tên Cố vì trùng với tên thầy học Nguyễn Sĩ Cố nên đổi thành Mại.

Không rõ Phạm Mại có thi đỗ gì không, chỉ biết sau khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông rồi xuất gia tu hành năm Kỷ Hợi (1299) tại núi Yên Tử (Quảng Ninh ngày nay) lấy hiệu là Hương văn đầu đà, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ, sáng lập ra phái Thiền Tông Trúc Lâm, thì cả hai anh em Phạm Mại và Phạm Ngộ đều được cử làm Thị nội học sinh để theo hầu.

Bởi vì, trong suốt thời gian trị vì của mình, vua Trần Nhân Tông không tổ chức một kỳ thi nào, có lẽ Ngài dồn hết tâm lực cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, nên việc lưu ý và bổ dụng nhân tài không qua thi cử là lẽ đương nhiên.

Anh em nhà họ Phạm nằm trong số đó. Ngoài ra, có một chi tiết khá thú vị là vua Trần Nhân Tông cùng anh em ông đều là học trò của Nguyễn Sĩ Cố.

Theo tài liệu thì ba cha con ông đều hay thơ. Cha ông (không rõ tên) là nhà sư ở Phù Thạch (Hà Tĩnh), anh là Phạm Ngộ (hay Phạm Tông Ngộ), làm quan đồng thời với ông.

Những bài thơ để đời

Có tài thơ văn, khi mất Phạm Mại để lại cho đời bộ Kinh Khê thi tập, nhưng tiếc rằng, các tác phẩm của ông bị thất tán phần lớn, đến nay chỉ còn 5 bài thơ Đường luật chép trong các sách “Toàn Việt thi lục”, “Việt âm thi tập” và một bài “Thiên thu kim giám phú” (Phú gương vàng nghìn thu).

Thơ ông thanh thoát, đạm bạc như thơ Phạm Ngộ, nhưng không sắc nét bằng. Niềm tâm sự gửi gắm trong thơ là một tinh thần nhập thế tích cực, dẫu phải nếm trải bao nhiêu gian lao vất vả, vẫn không muốn rời bỏ chức vị mà trở về núi cũ.

Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã đánh giá thơ văn Phạm Mại “thanh thoát, bay bướm, có thú thanh cao”. Qua bài “Đề ẩn giả sở cư họa vận” (Hoạ vần bài thơ đề nơi ở của ẩn sĩ) và bài “Phỏng tăng” (Thăm sư) “có thể thấy được thái độ, tư cách của ông”. Bài thơ “Phỏng tăng” như sau:

Bãi thoát trần trung bạ điệp mang – Tạm huề liêu lại phỏng tăng phường – Bích khê tuyết tịnh trà âu sảng – Hồng thụ phong đa trúc viện lương – Từ bộ yếu cùng chung nhật hứng – Thanh đàm vi giải thập niên cuồng – Thi thiền khám phá liêu quy khứ – Nhất lộ bồ hoa địch diệp phương.

Dịch nghĩa: Thoát khỏi sự bận rộn về sổ sách văn thư ở cõi trần – Tạm dắt mấy người nha lại đến thăm chỗ của nhà sư – Suối biếc, tuyết sạch, ấm trà thanh sảng – Cây đỏ, gió nhiều, nhà trúc mát mẻ – Bước chậm rãi, muốn giữ hứng đến trọn ngày – Bàn chuyện thanh cao cốt giải thoát bệnh cuồng mười năm trước – Đã hiểu được chất thi vị của thiền, xin cáo biệt – Dọc đường đi, mùi hoa cói và lá sậy thơm tho.

Trong lần đi sứ sang nhà Nguyên, trên đường đi, Phạm Mại có làm bài thơ: “Bắc sứ ngẫu hành” (Đi sứ phương bắc ngẫu nhiên làm). Bài thơ như sau:

Quán quê từng nghỉ lại – Vó ngựa nay ngừng chơi – Cửa sớm chăng mây bạc – Rừng thu ngập lá rơi – Nhạn thưa tin vắng ngắt – Vượn hú khách bồi hồi – Cảnh ngộ thôi đừng hỏi – Ra sao phó mặc đời.

Trong bài “Thiên thu kim giám phú”, ông đã nêu một lời răn cần thiết cho người làm vua: rút kinh nghiệm những tấm gương hưng phế trong lịch sử mà tìm ra con đường hay, đường đúng cho mình.

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Hữu