268 lượt xem

Nguyễn Nghiễm

Nguyễn Nghiễm (1708-1775)

Gần năm thập kỷ hoạt động liên tục không biết mệt mỏi trên chính trường Lê - Trịnh, Nguyễn Nghiễm đã bộc lộ những tài năng xuất chúng và mẫn cán của một viên quan tận trung với vua-chúa. Ông là thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du.

Nguyễn Nghiễm người thôn Lương Năng, xã Tiên Điền (nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh); tự Hy Tư, hiệu Nghị Hiền, biệt hiệu là Hồng Ngư cư sĩ. Cha ông là nhà nho Nguyễn Quỳnh, một võ quan của triều đình nhà Lê ở Thăng Long. Năm 16 tuổi, ông đỗ Hương Cống rồi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Tân Hợi (1731), là đời thứ ba của dòng họ Nguyễn đỗ Tiến sĩ.

Sau khoa bảng rực rỡ, con đường công danh của Nguyễn Nghiễm khá hanh thông, khởi đầu ông giữ chức quan văn tại triều cho đến chức Tham Tụng (Tể tướng). Kể từ khi giữ chức quan văn trong triều Lê cho đến khi giữ chức Thượng thư ở bộ (do vua Lê điều hành) và vừa giữ chức Tham Tụng trong phủ Chúa Trịnh, ông đã kết hợp một cách hài hoà giữa ba đời vua nhà Lê (Thuần Tông, Ý Tông và Hiển Tông) với thực quyền của ba vị Chúa Trịnh (Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm) để thực thi những công vụ hành chính của mình một cách thành công.

Chính ông đã tổ chức hệ thống dịch trạm ở Bắc Hà, từ Kinh Bắc vào Nghệ An và lên tận Lạng Sơn để kịp thời thông tin từ Kinh đi các trấn. Sống vào giai đoạn có nhiều biến động trong chính trường, kéo dài gần hết thế kỷ 18, đã xuất hiện một Nguyễn Nghiễm đầy quyền biến, tựa một tay lái dệu kỳ hướng con tàu chao đảo luồn lách giữa các đợt sóng dữ cập bến an toàn.

Ngoài tư chất của một viên quan mẫu mực, Nguyễn Nghiễm còn là một nhà sử học có tầm cỡ, được liệt vào trong số một trong số ít nhà sử học danh tiếng nhất thời Trung đại của đất nước, kể từ Sử Hy Nhan cho đến cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Năm 1758, khi giữ chức Tổng Tài Quốc sử quán, ông đã viết cuốn “Việt sử bị lãm” và cuốn “Lịch triều hiến chương”. Ngoài ra, Nguyễn Nghiễm còn để lại cho văn đàn các tập thơ văn bằng chữ Hán như: Cơ lễ nhạc chương thi văn, Xuân đình tạp vịnh, Quân trung liên vịnh.

Đời thường của Nguyễn Nghiễm cũng sôi động như chính trường mà ông tham dự. Ông có đến 8 người vợ, 12 người con trai, trong đó có Nguyễn Du, đại thi hào muôn đời của đất Việt với Truyện Kiều bất hủ.

Nguyễn Nghiễm và hành trang sự nghiệp của ông là tấm gương phản chiếu một cách chân thật xã hội Đàng Ngoài thế kỷ 18 một giai đoạn đầy biến cố của lịch sử đất nước, cố vùng vẫy để vượt ra khỏi cuộc khủng khoảng triền miên tìm một lối thoát khả dĩ cho dân tộc.
Sau khi ông quy tiên, được triều đình nhà Lê phong làm phúc thần và sắc cho dân Tiên Điền lập đền thờ phụng.

HaiNguyenXuan

Baohatinh.vn