312 lượt xem

Phan Xích Long

Phan Phát Sanh sinh năm 1893, là con trai của Phan Núi, một viên chức cảnh sát gốc Hoa ở Chợ Lớn. Thời nhỏ, Phan Phát Sanh lười học, làm bồi cho Pháp. Sau rời quê nhà để đi rong chơi, đến Tân Châu rồi Bảy Núi (Thất Sơn) tìm học bùa phép, cách chế tạo những quả bom cỡ nhỏ.

Lúc bấy giờ, ở làng Đa Phước (tỉnh Chợ Lớn) có Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp đang nuôi lòng đánh Pháp. Tháng 7 năm 1911, lúc đi Tân Châu mua bắp về bán, họ tình cờ gặp Phan Phát Sanh, được Sanh chỉ dạy đạo giáo và phương thức tập hợp quần chúng. Về Chợ Lớn, Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp chọn một ông lão tên Nguyễn Văn Kế, tuyên truyền đó là Phật sống. Nhận được tin, chủ tỉnh Chợ Lớn đến bắt ông Kế rồi không hiểu vì sao ông này lại được trả tự do, khiến uy tín cả nhóm tăng thêm.

Chuyện đang thuận lợi thì ông Kế chết vào tháng 2 năm 1912, Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Văn Hiệp bèn trở lại Tân Châu tìm Phan Phát Sanh tôn làm lãnh tụ. Kể từ đấy Phan Phát Sanh tự xưng là Phan Xích Long, con vua Hàm Nghi và cũng tự phong là hoàng đế.

Buổi đầu, Phan Xích Long đặt cơ sở đầu tiên ở Cần Vọt (Cao Miên). Ở đó, nhờ tiền quyên góp, ông cho cất một ngôi chùa để làm nơi tụ họp, lập đảng kín tên Thiên Địa hội, chế tạo lựu đạn, trái phá, in truyền đơn đưa ra tuyên cáo Phản Pháp phục Nam, kêu gọi mọi người chống Pháp... Sau này, ông lập căn cứ ở vùng núi Thất Sơn (Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Sau vụ rải truyền đơn và đặt bom do nhóm Phan Xích Long tổ chức vào đêm 23 rạng sáng ngày 24 tháng 3 năm 1913 thất bại, vì 8 bom đặt tại một số nơi quan trọng ở Sài Gòn đều không nổ và vì kế hoạch đã bị lộ (Phan Xích Long đã bị bắt 2 ngày trước đó tại Phan Thiết), nên đồng đảng ở vùng Gò Vấp, Hóc Môn đột nhập vào nội thành Sài Gòn, cả thảy 111 người đều bị bắt giam.

Tòa Áo đỏ của Nam Kỳ đã đưa ông ra xét xử từ ngày 5 đến ngày 12 tháng 11 năm 1913, tha bổng 57 người, nặng hơn hết là án chung thân khổ sai 6 người: Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Văn Hiệp; riêng Nguyễn Mành, Nguyễn Ngọ, Trương Phước, trốn thoát được nên bị án khiếm diện.

Lãnh án, Phan Xích Long bị giam cầm ở khám lớn Sài Gòn. Việc làm của ông khiến "chấn động những trái tim yêu nước và giới giang hồ mã thượng".

Năm 1916, nhân Pháp bại trận trong Thế chiến thứ nhất, khoảng 300 hội viên của hội kín "Thiên Địa Hội" ở Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Giuộc, Cần Đước v.v..., tìm cách phá ngục cứu ông.

Đêm 16, tháng 2 năm 1916, đúng 3 giờ sáng, với khẩu hiệu "Cứu Đại ca", tất cả hội viên do Nguyễn Hữu Trí cầm đầu, đều được uống bùa, cổ mang phù chú, từ sông cầu Ông Lãnh vứt bỏ lá ngụy trang, nhảy lên bờ với áo đen, quần trắng, khăn quấn cổ màu trắng, tay cầm giáo mác (không có súng) chia làm ba nhóm xông lên tấn công dinh Thống đốc và khám Lớn.

Gần tới nơi, ba nhóm nhập lại rồi chia ra thành hai, nhưng cả hai cánh đều bị Pháp đánh đuổi... Pháp giết chết tại trận 6 người, làm bị thương nhiều người, và bất kỳ ai mặc quần đen áo trắng buổi sáng ấy, đang lẩn quẩn ở khu vực xảy ra chuyện, đều bị bắt nhốt.

Sau đó, tòa kết tội tử hình 38 người tại Đồng Tập Trận vào ngày 22 tháng 2 năm 1916, trong đó có ông là kẻ cầm đầu. Ngày 16 tháng 3 năm 1916, tử hình thêm 13 người nữa, cũng tại địa điểm trên. Như vậy, sau 2 lần bắn và 6 người đã chết trước, tổng cộng là 57 người. Những người chết đều được chôn tại nghĩa địa Đất Thánh Chà ở đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu). Khu nghĩa địa này nay là Sở Vệ sinh Thành Phố Hồ Chí Minh.

Khi ấy Phan Xích Long mới 23 tuổi.

Đánh giá

Cuộc khởi nghĩa này được các sử gia gọi là "Quái kịch Phan Xích Long ở Nam Kỳ", là "việc làm như giả ngộ, chưa chi mà lậu sự bị bắt bớ lung tung". Tuy nhiên, đây cũng là một trang sử trong lịch trình chống ngoại xâm của nhân dân Việt.

Hiện nay, tên Phan Xích Long được đặt tên cho một đường phố tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh và tại nhiều thành phố khác ở Việt Nam.

SGT tổng hợp.