240 lượt xem

Quách Hữu Nghiêm

Vào thời thuộc Minh, tại một làng nhỏ thuộc huyện Tây Quan, phủ Trấn Man có gia đình ông Tư Ngu sinh được 8 người con trai thì bảy người hy sinh vì việc nước. Mấy chục năm sau, khi đất nước sạch bóng quân thù, người ta đựợc biết, một trong tám người con của ông Tư Ngu còn sống sót, nay là quan huyện Quách Ý Trung. Hơn nữa, ông còn là thân phụ của 2 thượng thư đầu triều vua Lê Thánh Tông và Lê Hiển Tông, đó là Thám hoa Quách Đình Bảo và Hoàng giáp Quách Hữu Nghiêm; còn cái làng bé nhỏ ấy cũng đi vào lịch sử với tên mới: làng Phúc Khê, huyện Thanh Lan, phủ Tiên Hưng (nay thuộc xã Thái Phúc, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình).

Ông Ý Trung có 4 người con trai, con cả là Quách Đình Bảo, đỗ Thám hoa, làm quan đến thượng thư bộ Lễ, thưọng thư bộ Hình, con thứ là Quách Đình Quý, Quách Đình Thực, con út là quách Hữu Nghiêm. Trong số 4 anh em, Quách Hữu Nghiêm được coi là thông minh hơn cả.

Có một thời gian dài, ông Quách Ý Trung làm quan ở huyện nhà, huyện Thanh Lan nên có điều kiện trông nom, chăm sóc con cái học hành. Khi thấy ông quan Tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Thành về quê “phát lau lác mở trường dạy học” thì quan Quách Ý Trung vô cùng mừng rỡ, vội khăn gói đến làng Kim Bôi, huyện Thân Khê (nay thuộc xã Mê Linh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) để gặp quan tế tửu, xin cho 4 con mình được theo học.

Quan tế tửu Quốc tử giám Nguyễn Thành là một thầy giáo mẫu mực. Những đức tính tốt đẹp và tư tưởng tiến bộ của ông đã ảnh hưởng sâu sắc đến học trò, đặc biệt tới Quách Đình Bảo và Quách Hữu Nghiêm sau này.

Được sự rèn cặp, dạy bảo của thầy Nguyễn Thành, anh em Quách Đình Bảo đều học hành tiến tới và đều thi đỗ ra làm quan Triều Lê. Cùng với anh cả (Quách Đình Bảo), Quách Hữu Nghiêm đã làm vẻ vang cho truyền thống học hành thi cử của quê hương thời bấy giờ.

Quách Hữu Nghiêm sinh ngày 3/10 năm Nhâm Tuất (1442). Đó là năm người anh hùng dân tộc, nhà tư tưởng, chính trị, quân sự và học giả thiên tài Nguyễn Trãi bị bọn quyền thần vu tội giết vua để giết hại gia đình ông bằng vụ án Lệ chi viên.

Quách Hữu Nghiêm may mắn lớn lên trong cảnh đất nước thanh bình. Đến thời Lê Thánh Tông, chế độ quân chủ tập quyền phát triển đến mức thịnh đạt. Nước Đại Việt đã trở thành quốc gia hùng cường ở Đông Nam Á. Năm 25 tuổi, Quách Hữu Nghiêm thi đỗ Hoàng Giáp khoa Bính Tuất, đời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Quang Thuận thứ 7. Nhà vua thân ngự ra cửa kính thiên ra bài văn sách, lấy 8 người đỗ tiến sỹ, 19 người đỗ đồng tiến sỹ xuất thân. Họ tên và thứ tự người thi đỗ được truyền lô và yết bảng ở ngoài cửa Đông Hoa, sau đó các tiến sỹ được ân mang vinh qui về làng.

Quách Hữu Nghiêm sau khi thi đỗ, chưa kịp ra làm quan thì cha mất. Ông về nhà chịu tang cha. Hết tang cha, Hữu Nghiêm vào làm việc với anh trai mình là Quách Đình Bảo ở Hàn lâm viện, ít lâu sau được giữ chức Thị lang bộ Lễ. Quách Hữu Nghiêm và Quách Đình Bảo đều nuôi hoài bão lớn là đào tạo nhân tài cho đất nước. Năm Giáp Thìn (1484) Hữu Nghiêm được phong Phó Đô ngự sử đài. Với cương vị này, Hữu Nghiêm có cơ hội thực hiện hoài bão của mình, ông không những giúp vua “sửa điều lỗi, chữa điều lầm, trừ bỏ điều ác, biểu dương điều thiện” mà còn cho ông gần gũi với trung tâm đào tạo nhân tài của đất nước là Quốc tử giám. Ông đã dâng biểu lên vua “bọn thần trộm thấy sinh viên ba xá của Quốc tử giám, lệ cho mỗi năm thi Hội mà trúng thưởng, hễ trúng 3 trường thì sung Sinh viên thượng xá, hễ trúng 2 trường thì sung sinh viên hạ xá. Mỗi xá là 100 người và cấp tiền cho lương quí, sinh viên 3 xá, mỗi người 9 tiền. Đến khi bổ dụng thì bộ Lại và quan Quốc tử giám bảo cử chọn bổ như sinh viên trong 3 xá thì đều nhất thể giống nhau, không có phân biệt. Nay về tiền lương của sinh viên 3 xá, thì thượng xá tăng thêm 1 tiền cho đầy một quan, trung xá để nguyên 9 tiền, hạ xá giảm bớt 1 tiền còn 8 tiền. Đến khi bổ dụng thì bộ Lại và quan Quốc tử giám chiếu chỗ khuyết mà bổ cử, thượng xá sinh 3 phần, trung xá sinh 2 phần, hạ xá sinh 1 phần…”. Trước lý lẽ của ông, vua Lê Thánh Tông chấp nhận và cho thi hành ngay.

Quách Hữu Nghiêm được vua tin dùng, trao cho nhiều chức vụ trọng yếu. Không hẳn chỉ là quan đại thần, vượt lên trên đó, Quách Hữu Nghiêm còn là một nhà giáo, một trí thức dân tộc đồng thời là một nhà ngoại giao tài tình, mưu lược. Khi được cử đi làm Chánh sứ nước Minh (1502), ông đã tỏ ra là một nhà ngoại giao tài giỏi, khéo léo. Vua Minh khen Quách Hữu Nghiêm “nhân tài đời tam đại” rồi ban yến hậu thưởng một cái áo đại hồng trước ngực, sau lưng đều thêu hình con dê thần bằng kim tuyến xen chỉ tơ, chỉ gai.

Ngày 9 tháng giêng năm Quý Hợi (1503), Quách Hữu Nghiêm cùng đoàn sứ bộ về nước. Ông được vua Minh ban cho áo đại hồng, 4 tấm lụa bằng sợi gai, 3 tấm lụa tơ chín, cấp cho một chiếc thuyền đi nhanh về nước.

Nhận quà, Quách Hữu Nghiêm dâng vua Minh bài thơ tạ ơn:

 
“ Bắc sứ phụng ân tứ thuật thị ban quan”. Lời bài như sau:
“Tằng nhân quốc sự cống trấn phong
Tảo yến thao bồi ngọc bệ trong
Trãi thái dĩ chương tam phẩm phục
Ích chu tái giá bát hoang phong
Thi từ tiểu pháp khoan như hải
Tửu lực na kham ẩm tự hồng
 Phúc thọ nghĩ đồng Chu nhã chúc
Thăng hằng nhật nguyệt chiếu lâm công”
Dịch:
“Nhân sang cống hiến tạ ơn phong
Rạng rỡ thao bồi bệ ngọc trong
Áo trái đã nêu tam phẩm quí
Buồm mây lại vượt tám phương thông
Lời thơ biển cả khôn bì rộng
Sức rượu cầu vồng dám đọ hùng
Phúc thọ sánh cùng Chu nhã chúc
Bóng gương nhật nguyệt sáng soi chung”

 
… Xem xét cách ứng xử của Quách Hữu Nghiêm trong lần đi sư này, Phan Huy Chú nhận xét: “nhà ngoại giao đầy mưu chước chính trị” ông nắm rất chắc nguyên tắc đi sứ: “tràng quân mệnh, tràng quốc uy”.

Chính sách ngoại giao của ông cha ta ngày xưa có thể xem là mưu trí, linh hoạt, sáng tạo. Chính sách đó, nói như Phan Huy Chú: “Nước Việt ta có cõi đất phía Nam mà thông hiếu với Trung Hoa tuy nuôi dân dựng nước có qui mô riêng nhưng ở trong thì xưng đế, đối ngoại thì xưng vương”. Có như vậy chúng ta mới hiểu được vì sao ông cha ta nhún nhường, mềm mỏng, bởi “cuối cùng đánh được giặc mạnh khiến chúng phải nguôi đi cái lòng nhòm ngó Phương Nam đó há phải vì binh lực mà thội đâu”. Quả thật mặt trận ngoại giao đã đóng góp không nhỏ vào cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân ta.

Trên đường về nước, Quách Hữu Nghiêm và đoàn sứ không biết, ngày 24/5 năm giáp Tý (1504) vua Lê Hiến Tông mất. Hai tháng sau đoàn sứ mới về đến nước. Lúc này Túc Tôn Khâm Hoàng đế, con trai thứ 3 của Lê Hiến Tông lên ngôi vua. Quách Hữu Nghiêm được thăng Thương thư bộ Lại kiêm Đô ngự sử. Quách Hữu Nghiêm có những dự định lớn lao, song tiếc thay sau khi đi sứ về không lâu thì ông mất vào ngày 9/9, thọ 62 tuổi. Dân làng Thiền Quan lập đền thờ và phong ông làm phúc thần.

Bức đại tự “Thi truyền gia lễ” (nhà có truyền thống hiếu học) còn lại trong từ đường là biểu hiện của dòng họ Quách ở Phúc Khê thế kỷ XV.

Cùng bao danh nhân khác, Quách Đình Bảo, Quách Hữu Nghiêm mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Thái Bình. Ngôi từ đường nơi thờ Quách Hữu Nghiêm, Quách Đình Bảo ở cạnh ngã ba sông Cun đã vinh dự được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia
 

Theo “Trí thức Xưa và nay”, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 2006
Giang Văn Huỳnh, Chủ tịch LHH Tuyên Quang sưu tầm, giới thiệu