243 lượt xem

Sống mãi tinh thần Nguyễn Văn Trỗi - Kỳ 1: “Hãy nhớ lấy lời tôi”

“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra.

Nguyễn Văn Trỗi!
Anh đã chết rồi
Anh còn sống mãi
Chết như sống, anh hùng, vĩ đại.

Hỡi người Anh, đã khép chặt đôi môi
Tiếng anh hô: Hãy nhớ lấy lời tôi!
Đang vang dội. Và ánh đôi mắt sáng
Của Anh đã chói ngời trên báo Đảng”

Những vần thơ hào sảng của nhà thơ Tố Hữu đã đi vào lòng người 50 năm qua, kể từ ngày anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh tại pháp trường. 50 năm, nhưng hình ảnh người anh hùng với dáng vóc gầy gò, nhưng ý chí được tôi luyện bằng thép và câu nói nổi tiếng “Hãy nhớ lấy lời tôi” ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước.


Trên pháp trường, anh Nguyễn Văn Trỗi tranh thủ từng giây, từng phút vạch mặt kẻ thù và bọn tay sai bán nước. Ảnh: Tư Liệu


Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 1/2/1940 tại làng Thanh Quýt, nay là xã Điện Thắng trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nông dân nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Mồ côi mẹ từ sớm, tuổi thơ của Nguyễn Văn Trỗi rất vất vả. Anh phải theo cha bôn ba ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai, những ngày tháng ở Đà Nẵng, Nguyễn Văn Trỗi đã tranh thủ học thêm nghề thợ may.

Hè năm 1956, Nguyễn Văn Trỗi một mình vào Sài Gòn lập nghiệp, vừa làm thuê để kiếm sống, vừa học nghề điện, sau đó trở thành công nhân Nhà máy điện Chợ Quán. Thông minh, nhanh nhẹn lại giàu nhiệt huyết, nên Nguyễn Văn Trỗi đã được các chú, các anh trong nhà máy giác ngộ cách mạng và khoảng giữa năm 1963, Nguyễn Văn Trỗi gia nhập tổ chức, trở thành một chiến sỹ biệt động Sài Gòn. Bước vào đời hoạt động cách mạng, với tinh thần trách nhiệm cao, nên Nguyễn Văn Trỗi luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đầu năm 1964, anh được cử đến căn cứ Rừng Thơm (Long An) học tập một số chiến thuật đánh giặc. Anh đã sớm nhắm một số mục tiêu như: Cư xá Mỹ ở trường Cao Thắng, tàu hải quân Mỹ đóng ở Bạch Đằng… Có lần anh đã ném lựu đạn làm chết và bị thương một số tên địch. 

Khi biết tin phái đoàn quân sự cấp cao của Mỹ do Mắc Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, sẽ đến Sài Gòn thị sát chiến trường vào tháng 5/1964, lực lượng của ta đã vạch kế hoạch tiêu diệt Mắc Namara. Với tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc, nên mặc dù mới cưới vợ được hơn 10 ngày, Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ, cùng đồng đội tiến hành cài mìn ở cầu Công Lý (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi, TP Hồ Chí Minh), nơi được dự đoán là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mắc Namara cùng phái đoàn Mỹ từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố Sài Gòn, sẽ phải đi qua. Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Trỗi cùng đồng đội mới đặt được quả mìn nặng 8 kg ở cạnh cầu Công Lý, đang chuẩn bị nốt một số công việc còn lại, thì không may việc bị bại lộ và Nguyễn Văn Trỗi bị giặc bắt. 

Để bảo đảm an toàn hoạt động và tính mạng cho đồng đội, Nguyễn Văn Trỗi kiên quyết không khai, nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình. Sau một thời gian giam giữ, tra tấn, kẻ thù đã đưa Nguyễn Văn Trỗi ra xử tại tòa, rồi kết án tử hình. Những ngày cuối cùng của cuộc đời, trước giây phút bị quân thù xử tử, anh vẫn không ngừng đấu tranh với kẻ địch, luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Biết tin Nguyễn Văn Trỗi đang chờ ngày thi hành án tử hình ở Sài Gòn, cảm phục trước khí phách chiến đấu của anh, du kích Venezuela đã bắt một trung tá Mỹ ngay trên đường phố thủ đô Caracas để trao đổi, nhằm giải thoát cho Nguyễn Văn Trỗi và tuyên bố nếu chính quyền Việt Nam Cộng hòa xử tử Nguyễn Văn Trỗi, lập tức trung tá Mỹ sẽ bị bắn chết. Tuy đã có sự thỏa thuận, nhưng khi trung tá Mỹ vừa được thả ra, thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa trở mặt, hèn hạ xử bắn Nguyễn Văn Trỗi tại trường bắn khám Chí Hòa, Sài Gòn vào sáng ngày 15/10/1964. Lúc ấy, Nguyễn Văn Trỗi mới 24 tuổi.

Trước pháp trường, với tư thế hiên ngang cùng tinh thần quyết chiến, quyết thắng, anh tranh thủ từng giây, từng phút vạch mặt kẻ thù và bọn tay sai bán nước. Trước lúc hy sinh, anh đã nhiều lần hô lớn “Hồ Chí Minh muôn năm. Việt Nam muôn năm”. Lời hô của anh như tiến kèn xung trận thôi thúc mọi người lao vào cuộc chiến đấu mới giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ, lầm than. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã sống- chết vẻ vang xứng đáng với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương hy sinh cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”. 

SGT tổng hợp.