Búng theo tiếng địa phương có nghĩa là hồ hay đầm, Bình là do mặt nước trong búng lúc nào cũng êm ả. Còn chữ Thiên có nghĩa là trời, xuất phát từ truyền thuyết dân gian về sự ra đời của hồ này. Búng Bình Thiên: hồ nước yên bình do trời ban.
Tương truyền, cuối thế kỷ XVIII, tướng nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương kéo quân về An Giang và ông chọn khu vực Búng Bình Thiên hiện nay làm căn cứ để tích trữ lương thực và luyện tập binh sĩ. Thời điểm đó, khu vực này chỉ là một vùng đất khô cằn, Võ Văn Vương đã làm lễ tế cáo Trời – Đất xin ban nguồn nước để sinh hoạt. Sau khi khấn vái xong, ông rút gươm đâm xuống lòng đất trũng, cầu thủy dâng lên. Lạ thay, khi lưỡi gươm vừa cắm xuống mặt đất thì một dòng nước ngọt trong vắt phun lên rất cao. Theo thời gian nước tràn ngập thành hồ như ngày nay. Ông Võ Văn Vương đã đặt tên nơi này là Búng Bình Thiên.
Búng Bình Thiên gồm có hai hồ: Búng Bình Thiên Lớn và Búng Bình Thiên Nhỏ, nằm giữa sông Bình Di và sông Hậu. Chung quanh hai hồ là các gò đất cao từ 3-4 m, có các cửa thông với sông. Nguồn nước cung cấp cho hai hồ là sông Hậu và sông Bình Di. Búng cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng, đặc biệt, nước hồ không bao giờ cạn dù vào mùa hạn khắp nơi khô cằn. Đồng thời, búng cũng là nơi quy tụ của nhiều loài cá đồng, nhiều loài thực vật thủy sinh như sen, bông súng,... Khu rừng nguyên sinh bao quanh hồ có diện tích khoảng 800 ha, có rất nhiều loại thực vật sinh sống.
Theo Trần Quang Khải (Chuyên viên sở Giáo dục - Đào tạo An Giang).
Búng Bình Thiên có nghĩa là Hồ nước trời. Đây là một địa danh nổi tiếng ở tỉnh An Giang. Búng Bình Thiên có 2 hồ nước là Búng Lớn và Búng Nhỏ (Tên gọi được chia theo diện tích của 2 hồ).
Theo MienTayCoGi.com