313 lượt xem

Tại sao gọi là Tức Dụp?


Tức Dụp là tên một ngọn đồi ở huyện Tri Tôn. Hiện nay, người ta cho rằng “Tức Dụp” có nghĩa là “nước đêm” (Tức: nước; Dụp: đêm), xoay quanh hiện tượng ở ngọn đồi này, về đêm có nước chảy róc rách; người dân ở đây thường đến lấy nước ở con suối trong đồi vào ban đêm. Tuy nhiên, cách lý giải này thiếu thuyết phục vì người Khmer không có thói quen đi lấy nước vào ban đêm.

Tên nguyên thủy của địa danh này là Tưk Chúp (tiếng Khmer). Các tài liệu, bản đồ của chính quyền Sài Gòn cũng như của Mỹ trước năm 1975 đều ghi là Tưk Chúp. Tưk nghĩa là “nước, nguồn nước”; Chúp là “thần thánh, linh thiêng”. Đồi Tức Dụp (Tưk Chúp) được cấu tạo bởi nhiều tảng đá chồng lên nhau tạo ra những hóc đá và hang động. Dòng nước tại ngọn đồi này lúc nào cũng chảy róc rách, dù mưa hay nắng cũng có nước từ các khe đá chảy ra. Người dân địa phương cho rằng đây là nguồn nước của thần thánh ban tặng nên nó không bao giờ cạn, gọi là “Tưk Chúp”. Về mặt thanh điệu, hai âm tiết Tưk và Chúp đều ở âm vực cao, người Việt khó phát âm nên diễn ra hiện tượng dị hóa, “Chúp” chuyển thành “Chụp” âm vực thấp hơn. Tức Chụp được người Kinh sử dụng rộng rãi đến năm 1977, khi có sự phân định lại ranh giới hành chánh để xây dựng đất nước sau chiến tranh, Tức Chụp được đọc và ghi tên trên bản đồ là Tức Dụp như hiện nay. Việc sai lệch này dẫn đến sai lệch về ý nghĩa ban đầu của nó. Dù vậy, theo khảo sát của chúng tôi, người Khmer bản địa, dù già hay trẻ đều gọi ngọn đồi này là Tưk Chúp.

Tóm lại, có thể khẳng định rằng, đồi Tức Dụp, làng Tức Dụp … hiện nay có dạng gốc là Tưk Chúp, nghĩa là “nguồn nước thần thánh” chứ không phải là “nước đêm”.

 
Huỳnh Công Tín