322 lượt xem

Tại sao gọi là Cái Hố - An Giang?


Cái Hố là tên của một vùng đất trũng của ấp An Thị thuộc xã An Thạnh Trung. Vì thế có rất nhiều người hiểu đơn thuần “Nơi mình sinh ra và lớn lên là, một vùng trũng sâu hơn nơi khác”.

Đơn cử như anh Phạm Thanh Vân sinh năm 1961 hiện cư ngụ gần cầu Cái Hố và anh cũng đang là Phó ban ấp An Thị. Tuy tuổi còn trẻ nhưng anh cũng từng nghe ông bà xưa kể lại “Cái Hố là vùng trũng sâu nhất của xứ này”. Không kể chuyện xa xưa. Chỉ tính từ khi anh lớn lên đã thấy cư dân tại đây đều cất nhà sàn để ở. Và cứ mỗi năm nước dưới song đang trong bỗng đục, thì bà con lại phải đốn tre để bắc cầu qua lộ, vì nước đã có mặt ở quanh nhà.
Thực tế là như vậy, muốn biết rõ hơn cũng không ai hiểu rõ bằng ông Nguyễn Văn Năm, sinh năm 1926, tổ phụ của ông đã nhiều đời sinh sống ở nơi này. Tuy đã ngoài tám mươi, ông vẫn còn minh mẫn và cũng thường đạp xe đi đây đi đó. Ông Năm kể rằng Cái Hố là một vùng trũng sâu, lúc đầu được gọi là láng Cá Tra. Bởi lẽ, khi xưa giăng lưới chài cá nơi đây, đánh bắt cá được nhiều cá tra hơn hết, sau đó cá tra ngày một ít, và mỗi mùa khô hạn, địa thế nơi đây trông giống như một cái chảo khổng lồ. Đáy thì sâu luôn chứa được nhiều nước. Vì lẽ đó không còn gọi là láng Cá Tra mà gọi là Cái Hố.

Do địa thế trũng và sâu, phù sa sông Hậu cứ mãi tích tụ đã làm cạn dần đáy hố. Tuy vậy, mãi đến những thập niên sáu mươi, nơi đây cũng vẫn còn hoang hóa, nông dân vẫn chưa canh tác được lúa mùa. Loại lúa mà nước ngập đến đâu, nó đều ngẩng cao đầu đến đó. Ngoài ra, tên gọi Cái Hố, còn nhiều người gọi là Cả Hố. Trên cơ sở tìm hiểu, chúng ta cũng nên chiết tự để làm rõ tên của một địa danh.

1/ Tên Cái Hố:
Chữ viết Cái:
Đây là một danh từ cổ xưa để chỉ mẹ và cũng rất phong phú trong tiếng Việt để chỉ về động vật, thực vật, đồ vật và sự việc.
Chữ viết Hố:
Danh từ này dùng để chỉ chỗ lõm sâu xuống, to và rộng. Như vậy: Chữ Cái ghép với chữ Hố (tức Cái Hố). Đã ghi rõ nơi đây là một cái hố. Hơn nữa, hướng tây của xã An Thạnh Trung giáp với bờ hữu ngạn của sông Hậu. Vì thế những sông rạch, gò cao, đất trũng đều do thiên nhiên ban tặng.

2/ Tên gọi Cả Hố:
Qua tìm hiểu, nơi đây không có ông hương, ông cả nào tên Hố. Bởi lẽ, âm gọi Cái có rất nhiều người gọi trại thành Cả hoặc Cải. Đơn cử như ở Hội An, tại đầu rạch Cái Nai, cầu bắc ngang qua lộ liên xã bảng ghi là “cầu Cái Nai”. Trong khi ở cuối rạch Cái Nai thuộc địa phận xã An Thạnh Trung cầu bắt ngang qua trên tỉnh lộ 944 ghi là “cầu Cả Nai”.
Căn cứ vào âm tiếng của địa phương (như đã nêu trên) thì Cả Hố và Cái Hố đều có chung một nghĩa. Và kể từ khi Huyện ủy huyện Chợ Mới chủ trương bao đê tiểu vùng, xáng múc khai thông vùng trũng thì hiện tượng Cái Hố đã không còn.

 
Ông Kim Khải.