379 lượt xem

Tại sao gọi là Chắc Cà Đao?

Có thời người ta ám chỉ "dân Chắc Cà Đao" là người vùng hẻo lánh, quê mùa. Nó không mang nghĩa kỳ thị, mà cái địa danh với âm tiết lạ này hàm chứa điều gì đó khó hiểu, so với cách đặt tên thông thường của người miền Tây vốn hay lấy tích, địa mạo làm địa danh.

Cụ Vương Hồng Sển trong cuốn Tự vị quốc âm miền Nam nhắc: "Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng Chắc Cà Đao là từ tiếng Khmer "chắp kdam", có nghĩa là "bắt cua". Lý giải cho giả thuyết này, học giả họ Vương cho rằng vì ngày trước vùng này có nhiều cua.

Tuy nhiên, nhà văn Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam lại cho rằng từ Chắc Cà Đao là đọc trại của từ "prek pedao".

Trong tiếng Khmer, từ "prek" có nghĩa là con rạch nhỏ (để phân biệt với "tonle" là con sông lớn, hay "stung" là con sông vừa); còn "pedao" có nghĩa là dây mây. Chắc Cà Đao là chỉ con rạch có nhiều mây rừng mọc hai bên.

Cũng trong Tự vị quốc âm miền Nam, Vương Hồng Sển có nhắc đến ý kiến của nhà văn Sơn Nam, nhưng ông vẫn nghiêng giả thuyết của ông Nguyễn Văn Đính. Có lẽ vì ông cho rằng so với từ Chắc Cà Đao thì từ "chắp kdam" đọc nghe gần âm hơn "prek pedao".
Còn theo nhà nghiên cứu Đặng Hoài Dũng, ông nghiêng về giả thuyết của nhà văn Sơn Nam hơn bởi nó gần với thực tế địa phương: con rạch Chắc Cà Đao bắt nguồn từ sông Hậu chảy về một vùng đất trù phú trước kia có nhiều dây mây.

Ở miền Tây, có thời nhiều học giả vẫn hay liên hệ những từ có âm gần giống với tiếng Khmer mà đưa ra giả thuyết nhiều địa danh (như Cà Mau giống từ "tuk kmau", Sóc Trăng gần từ "Srok Kh'leang").