Theo Trần Nhật Giáp
Căn cứ vào từ nguyên: Thủ - Dầu Một, một số nhà nghiên cứu đã tách chữ Thủ và chữ Dầu Một ra để phân chữ như sau:
+Thủ: là giữ, phòng thủ, canh giữ,Thủ là đầu ( thủ, vĩ ), đứng đầu, thủ phủ, thủ sở là nơi đặt lỵ sở của một đơn vị hành chánh.
+ Dầu Một: Dầu là cây dầu, Một là số một, cây dầu số một, một cây dầu lớn nhất. Dầu Một còn được đọc theo chữ Hán Nôm là Dầu Miệt hay miệt dầu là chỗ,v ùng toàn cây dầu.
Ghép hai từ đã phân tích lại là Thủ Dầu Một và tên Thủ Dầu Một có thể bắt nguồn từ khi có sự xuất hiện một cái chợ bên bờ sông. Khi chợ hoạt động thì chính quyền sở tại lập ra một cơ sở để canh giữ trật tự và thu thuế cái chợ ấy. Trụ sở ấy chắc chắn là đặt gần chợ và đặt trên đồi toàn cây dầu và đặt bên gốc dầu to nhất lúc đó.
Theo Nguyễn Minh Giao – Thạc sĩ, hội viên Hội KHLS tỉnh Bình Dương.
Có ba cách giải thích về nguồn gốc của tên gọi Thủ Dầu Một. Giả thuyết thứ nhất cho rằng địa danh này có nguồn gốc từ tiếng Khmer “Thun Đoón Bôth” có nghĩa là “gò có đỉnh cao nhất”. Giả thuyết thứ hai cho rằng Thủ Dầu Một là tên có nguồn gốc từ thuần Việt, có nghĩa là đồn/trạm (thủ) có cây dầu lớn (một). Giả thuyết thứ ba cho rằng Thủ Dầu Một là cách đọc trại của Thủ Dầu Miệt, có nghĩa là thủ của vùng (miệt) có nhiều cây dầu.
Trong 3 giả thuyết trên, cách giải thích thứ 2 được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình nhất. Theo đó, Thủ Dầu Một là một cụm từ tiếng Việt được ghép theo phương thức: Thủ (tức đồn, trạm) + tên thực vật + số từ. Nói cách khác, Thủ Dầu Một được hình thành từ sự kết hợp giữa hai thành tố gồm "Thủ" (có nghĩa là "giữ") và "Dầu Một" là tên đất, được cấu tạo theo cách "Tên một loài thảo mộc đồng thời là từ chỉ số lượng". Theo truyền khẩu, vì đồn binh canh giữ tại huyện lỵ Bình An (thuộc phường Phú Cường ngày nay) nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn quen gọi là "cây dầu một" nên tên gọi Thủ Dầu Một ra đời.
Trong Gia Định thành thông chí (1820) đã thấy ghi nhận về địa danh Dầu Một như sau: ”Nay Lý (tức Lý Tài) được tin thật bèn sai 4 thuộc tướng là Tân, Hổ, Hiền, Nam đem cả bổn bộ binh mã thẳng xuống Bến Nghé để bái nghinh Mục vương về đồn Dầu Miệt (Một)”.
Trong Đại Nam nhất thống chí cũng có chép về địa danh này: ”Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An, tục danh chợ Dầu Một ở bên lỵ sở huyện, xe cộ ghe thuyền tấp nập đông đảo”. Như vậy, căn cứ vào sử liệu này, có thể nhận thấy địa danh Dầu Một đã tồn tại trước địa danh Thủ Dầu Một.
L. De Grammont, sĩ quan quân đội Pháp, từng chỉ huy đồn binh Thủ Dầu Một những năm 1861, 1862 đã có những ghi chép về chợ Phú Cường hay chợ Thủ Dầu Một, đoạn bến sông Sài Gòn như sau:”... Những thân cây dầu trần và rất cao tạo thành vòng đai của cảng. Dưới chân chúng, một cây đa đã có hơn trăm tuổi đứng hùng vĩ như hình ảnh kẻ vươn tay che chở bảo vệ vùng đất này”.
Nhà văn, nhà Nam Bộ học Sơn Nam cho biết, ở địa điểm chợ Thủ Dầu Một ngày nay, trước kia là một bến xe trâu, thuận lợi để tắm trâu và rửa xe. Nơi đây có quán trà Huế, quán cơm, dần dần thành chợ. Chỗ mé sông (ngang dinh chủ tỉnh) có một cây dầu lớn, trốc gốc sau cơn bão (bão năm Giáp Thìn 1904), ngọn cây gây cản trở giao thông tận giữa lòng sông. Người Pháp phải huy động dân phu để giải tỏa, gốc to “đôi ba người ôm”.
Như vậy, địa danh Thủ Dầu Một có thể hiểu là “cây dầu lớn/cả (duy nhất), mọc vượt lên trên, nằm bên cạnh đồn/thủ.
Theo Quang Nguyễn
Tổng hợp: SGT Group.