244 lượt xem

Thục Phán ( An Dương Vương) - Kỳ 2

Nguồn gốc của Thục Phán và sự thành lập nước Âu Lạc - Kỳ 2
 
https://mytourguide.com.vn/images/minh-minh/phuc-phan-adv.jpg
Nguồn: Sưu tập
 
Theo truyền thuyết này thì Thục Phán là con Thục Chế, vua nước Nam Cương gồm 10 xứ mường, trong đó, một xứ mường trung tâm là nơi vua ở, còn 9 xứ mường xung quanh do chín chúa mường cai trị. Lãnh thổ của nước Nam Cương thuộc vào khoảng Cao Bằng và vùng nam Quảng Tây (Trung Quốc) ngày nay. Thục Chế mất, Thục Phán lên làm vua, tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã dùng mưu trí quy phục được cả chín chúa mường, xây dựng nước Nam Cương hùng mạnh. Sau đó, Thục Phán đã lãnh đạo bộ tộc đánh thắng Văn Lang, hợp nhất lãnh thổ, lập ra nước Âu Lạc. Truyền thuyết về Chín chúa tranh vua còn được minh chứng bằng các di tích, di vật và địa danh cụ thể như Tổng Lằn (xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình), Tổng Chúp, Khau Lừa, cây đa cổ thụ ở Cao Bình, đôi guốc đá khổng lồ ở bản Thành… (các xã Hưng Đạo và Bế Triều, huyện Hoà An, Cao Bằng).

9. Sau khi truyền thuyết trên được công bố, nhiều nhà nghiên cứu đã hướng về Cao Bằng để tìm quê hương Thục Phán và hầu như cho đến nay đều tin rằng Thục Phán là thủ lĩnh một liên minh bộ lạc người Tây Âu (hay người Tày cổ) ở vùng núi phía bắc Bắc Bộ (Việt Nam) và nam Quảng Tây (Trung Quốc), mà trung tâm là Cao Bằng.

10. Một số chuyên gia hàng đầu trước đây cũng bắt đầu điều chỉnh lại chủ thuyết của mình. GS. Đào Duy Anh cho biết: “Sự phát hiện truyền thuyết của người Tày trên kia đã khiến chúng tôi thay đổi ít nhiều ý kiến trong cái ức thuyết về sự thành lập nước Âu Lạc mà chúng tôi đã trình bày trong sách Lịch sử cổ đại Việt Nam. Sự điều chỉnh của GS. Đào Duy Anh chính là giải thích rõ hơn phạm vi của nước Nam Cương và vai trò của Thục Phán. Ông viết:
“Chúng ta có thể nói một cách đại khái rằng miền Nam sông Tả Giang và lưu vực sông Hữu Giang cùng với miền thượng lưu các sông Lô, sông Gâm, sông Cầu là địa bàn sinh tụ của những bộ lạc Tây Âu họp thành bộ lạc liên hiệp Nam Cương mà Thục Phán là tù trưởng tối cao”.

11. Năm 1969, Nguyễn Linh với bài Bàn về nước Thục của Thục Phán đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lịch sử lại đưa ra một thuyết mới về nguồn gốc của Thục Phán. Tác giả giải thích nước Thục trong ghi chép của thư tịch cổ là nước Tây Thục, tức Ai Lao ở phía Tây Bắc nước ta ngày nay.

12. Nguyễn Duy Hinh trong bài Bàn về nước Âu Lạc và An Dương Vương cho rằng Thục Phán là người đứng đầu một nhóm Lạc Việt, Tây Âu là một nước của người Lạc Việt, do đó cuộc chiến tranh Hùng – Thục thực chất là cuộc đấu tranh trong nội bộ người Âu Lạc.

13. Như vậy có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc của Thục Phán, tuy nhiên các nhà nghiên cứu hiện nay trên căn bản đều thống nhất phủ định thuyết về nguồn gốc Ba Thục của Thục Phán và phần nhiều đều tin rằng ông là người Tày cổ, thủ lĩnh của liên minh bộ lạc Tây Âu mà trung tâm là Cao Bằng. Mặc dù truyền thuyết Chín chúa tranh vua đã được sửa sang, thêm thắt theo quan niệm dân gian, nhưng nó vốn là một truyền thuyết cổ và chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý cần phải được khai thác triệt để và nghiên cứu kỹ lưỡng. Hơn thế nữa, những tập tục, truyền thuyết dân gian sưu tập được tại Cổ Loa và vùng phụ cận cũng phù hợp với cách lý giải nguồn gốc Thục Phán – An Dương Vương là người Tày cổ giống như truyền thuyết Chín chúa tranh vua.

Tâm thức dân gian vùng Cổ Loa luôn ghi nhớ về nguồn gốc “người thượng du”, “một tù trưởng miền núi” của vua Thục. Thậm chí truyền thuyết còn nói rõ quê gốc của Thục Phán – An Dương Vương là Cao Bằng. Dân gian còn nhắc nhiều đến Cao Lỗ – vị tướng tài năng và thân tín vào bậc nhất, anh em kết nghĩa của An Dương Vương – cũng quê gốc ở Cao Bằng. Nhiều vị tướng khác của Hùng Vương – An Dương Vương hoạt động ở Cổ Loa và khu vực xung quanh Cổ Loa được dân gian giải thích là người miền núi phía Bắc như Nồi Hầu – một bộ tướng tài giỏi của An Dương Vương, người Hương Canh (Vĩnh Phúc), nhưng tổ ba đời lại ở miền Tuyên Quang; Niệm Hưng, Niệm Hải, hai tướng của Hùng Vương được thờ ở làng Lỗ Khê (Liên Hà, Đông Anh) cũng mới từ Cao Bằng xuống sống ở đây được một đời.

Các truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, Mị Châu – Trọng Thuỷ phổ biến trong tâm thức dân gian ẩn chứa nhiều chi tiết gợi ra mối dây liên hệ giữa vùng đất Cổ Loa với các bộ tộc Tày – Thái xưa.

Rùa Vàng – Thần Rùa giúp An Dương Vương diệt yêu quái là tinh Gà Trắng và xây thành không bị đổ. Rùa Vàng và Gà Trắng chính là những linh vật mang đầy ý nghĩa biểu tượng trong quan niệm truyền thống của các tộc người Tày-Thái. Trong kho tàng truyện kể dân gian Tày còn nhiều mẫu kể liên quan đến Rùa như thần Rùa làm nhà, tướng Rùa giết giặc, rể Rùa ra quân… Trong phong tục người Tày vẫn còn hàng loạt lễ thức có liên quan đến Rùa Vàng. Người Tày và người Thái đều có tập tục nuôi rùa trong nhà, thờ mai rùa vàng, treo bùa mai rùa và đeo móng rùa vào cổ trẻ nhỏ để đuổi ma trừ tà ám hại.

14.  Rùa, đặc biệt là Rùa Vàng trong tâm thức người Tày – Thái chính là hiện thân của thần linh phò trợ cho con người sản xuất và chống lại kẻ thù, diệt trừ các thế lực yêu ma.

Rùa là con vật thuộc tính dương mang đến điều tốt đẹp, tượng trưng cho ân nghĩa. Ngược lại với Rùa Vàng là biểu tượng Gà Trắng – thuộc tính âm, thường được coi là “vật ký thác linh hồn”. “Trong tín ngưỡng Tày cổ, Gà Trắng gắn liền với bóng đêm và sự chết chóc”.

15. Gà Trắng nhìn chung bị coi là con vật đem đến tai hoạ, xui xẻo, được gọi là Cáy háo (Gà tang).

16. Người Tày vì thế có tục kiêng nuôi gà trắng, kiêng ăn thịt gà trắng trong các dịp lễ vui vẻ, mừng việc hỷ… Từ ý niệm đến phong tục tập quán của người Tày về Rùa Vàng và Gà Trắng cho thấy sự tương đồng với những chi tiết trong truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa. Những nét tương đồng ấy phải chăng có cội nguồn từ nguồn gốc Tày cổ của Thục Phán – An Dương Vương? 

Vì nhà vua là người Tày cổ nên những quan niệm, phong tục cổ của người Tày đã được đưa đến vùng đất Cổ Loa, trở thành một bộ phận không thể thiếu của truyền thuyết đắp thành Cổ Loa, dựng nước Âu Lạc.

Về chi tiết Mị Châu rắc áo lông ngỗng chỉ đường cho Trọng Thuỷ cũng gần gũi với hình ảnh “một người con gái Tày đánh dấu chỉ đường bằng cách rắc áo lông ngỗng bứt ra từ chiếc áo trên mình trong sinh hoạt nương rẫy”.

17. Hay ngay cả cái tên Mị Châu cũng có thể được giải thích là xuất phát từ chữ Mẻ Châu trong tiếng Tày, có nghĩa là Bà Chúa Lớn. 

Nguồn: SGT Group tổng hợp.