259 lượt xem

Tiểu La - nhà chí sĩ yêu nước chủ trương hành động

Nguyễn Thành, hiệu Tiểu La, là tên gọi thứ hai từ khi thành lập Duy Tân hội. Trước đó, cụ tên thật là Nguyễn Hàm, sinh năm 1863 tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình, Quảng Nam. Ông là con của quan Tham tri Nguyễn Trường dưới triều Tự Đức nên người trong vùng thường gọi là Ấm Hàm.

Năm 1885, Nguyễn Thành ra Huế dự thi Hương nhưng lại xảy ra cuộc binh biến, kinh thành Huế thất thủ. Ông quay về quê hương, từ giã bút nghiên nuôi chí diệt thù cứu nước.

Ấm Hàm lúc bấy giờ mới 22 tuổi, đã đứng ra chiêu mộ trai tráng trong vùng Thăng Bình, Quế Sơn, ngày đêm luyện tập võ thuật, binh pháp, đợi ngày xông pha chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương.

Tháng 9 năm Ất Dậu (1885), Ấm Hàm phối hợp với Trần Văn Dư đánh chiếm tỉnh thành Quảng Nam. Nghĩa quân chiến thắng vang dội. Đầu năm 1886 Nghĩa Hội Cần Vương Nam – Ngãi - Định chính thức thành lập, tôn Nguyễn Duy Hiệu làm hội chủ. Ấm Hàm được mời làm Tán Tương quân vụ, kiêm Tham biện tỉnh vụ. Từ đấy nhân dân gọi ông là Tán Hàm.

Tán Hàm lập nhiều đồn trại ở vùng trung du Quảng Nam, tổ chức nghĩa quân thành cơ, đội, ngày đêm ráo riết luyện tập. Chỉ trong vòng mấy năm, nghĩa quân đã dần dần làm chủ trên khắp các vùng nông thôn. Nhưng quân càng đông, chi phí càng lớn, Tán Hàm phải bán gần 30 mẫu ruộng nhà để chi vào việc quân. Với tài chỉ huy đầy mưu lược, nghĩa quân của Tán Hàm đã đánh nhau với quân Pháp trên 60 trận lớn nhỏ, trong đó có những trận thắng vang dội ở Ái Nghĩa, Thu Bồn, Hải Vân... khiến quân Pháp và Nam triều phải kiêng dè.

Năm 1887, nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng bị bao vây ở chiến trường Ngãi - Định, Tán Hàm đưa quân vào tiếp ứng và đã gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, buộc chúng phải rút lui. Ông đã đóng quân ở lại Quảng Ngãi trong suốt một năm. Đến khoảng giữa năm 1888, Nghĩa hội Cần Vương Nam - Ngãi - Định bước vào thời kì tan rã. Trên đường về ứng cứu cho Tân Tỉnh ở Quế Sơn, quân của Tán Hàm đã bị phục kích bất ngờ. Ông bị ngã ngựa và sa vào tay giặc. Trong nhà giam, Nguyễn Hàm khước từ mọi âm mưu mua chuộc của kẻ thù. Bọn Nguyễn Thân buộc lòng phải đưa ông về quản thúc tại quê nhà.

Trong giai đoạn 15 năm “mai danh ẩn tích” tại Nam Thịnh sơn trang, bề ngoài nhằm che mắt sự dòm ngó của nha phủ sở tại, ông tỏ ra an phận làm ăn, không mơ màng chính sự. Nhưng thực ra, hằng đêm ông vẫn luôn canh cánh bên lòng tìm kiếm một hướng đi khác thích hợp để đánh đuổi quân thù. Năm 1903, cụ Phan Bội Châu từ Huế vào tận sơn trang để diện kiến Nguyễn Hàm. Chí lớn gặp nhau. Hai chí sĩ đã tỏ ra tâm đầu ý hợp với tư tưởng hành động. Nguyễn Hàm đã đưa ra ba kế sách xây dựng lực lượng mà cụ Phan rất khâm phục. Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu kể lại: "Tôi đem chí muốn ra phân trần. Cụ vỗ tay nói: "Hay dữ! Thuở nay ai muốn mưu toan đại sự, trước hết phải cần ba điều này: một là thu phục lòng người, hai là góp số tiền lớn, ba là sắp đặt mua sắm quân khí cho đủ. Hễ lòng người đã chịu tin phục thì số tiền lớn có thể góp được. Có tiền thì vấn đề quân giới không khó giải quyết đâu".  

Ngày 8 tháng 4 năm 1904, Nguyễn Hàm tổ chức một hội nghị bí mật tại Nam Thịnh sơn trang, qui tụ hơn 20 sĩ phu trong cả nước. Cuộc họp đã đi đến quyết định thành lập Duy Tân hội và bầu Kỳ Ngoại hầu Cường Để làm hội trưởng. Nguyễn Thành và Phan Bội Châu được giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang. Nguyễn Hàm, bấy giờ đổi tên là Nguyễn Thành, đã lo liệu mọi điều kiện để đưa Phan Bội Châu sang Nhật nhằm vận động chính phủ Nhật viện trợ vũ khí.

Tuy nhiên, vấn đề cầu viện đã bất thành. Cụ Phan cùng Nguyễn Thành lại  khởi xướng phong trào Đông du, chủ trương đưa thanh niên học sinh sang Nhật du học. Phan Bội Châu lo công tác đối ngoại, Nguyễn Thành nhận trách nhiệm vận động kinh tài và công việc của hội. Có lẽ vì thế mà ông lấy biệt hiệu là Tiểu La.

Để có số tiền lớn gửi cho du học sinh, Tiểu La đã cùng các đồng chí vận động tổ chức các hội học, hội nông, hội công, hội thương... Riêng hội thương đã có tới 72 chi nhánh khắp các tỉnh thành. Sau đó ông lại thành lập Quảng Nam hợp xã ở Đà Nẵng, tự góp cả cổ phần kinh doanh để lấy tiền gởi cho Phan Bội Châu lo liệu việc lớn.

Phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ. Trong vòng một năm đã có 200 học sinh xuất dương và số tiền gởi sang Nhật lên đến 12.000 đồng (bạc Đông Dương).

Năm 1908, ở Quảng Nam nổ ra phong trào “cự sưu kháng thuế” rồi nhanh chóng lan ra khắp các tỉnh Trung kỳ. Phong trào bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Cùng với nhiều chí sĩ khác, Nguyễn Thành bị bắt giam ở nhà lao Hội An  rồi bị kết án “9 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo”.

Từ khi Tiểu La bị bắt, lưu học sinh bên Nhật cũng lao đao. Cụ Phan Bội Châu phải rời đất Nhật. Duy Tân hội tan rã, phong trào Đông Du kết thúc.

Từ nhà tù Côn Đảo, Nguyễn Thành rất đau buồn khi hay tin sự nghiệp cứu nước mà ông cùng anh em đồng chí xây dựng bao năm nay đã hoàn toàn sụp đổ. Ông lâm bệnh nặng, nhiều lần thổ huyết rồi mất ngày 11.11.1911 khi mới 48 tuổi. Sau này, trong một bài văn tế của Trường THPT Tiểu La có đoạn viết:

  ...Than ôi! Ngàn dặm đảo xa, thân lưu đày viễn xứ
Muôn trùng non nước, hồn vợi bóng cố hương
Bao nỗi đau dày xéo nát can trường
Một búng huyết nhả hờn lưu chí cả...

Như thế, sự tồn vong của Duy Tân hội đã gắn liền với  tâm huyết và công lao của Tiểu La Nguyễn Thành. Cụ Phan Bội Châu cũng đã thừa nhận: "Từ Duy Tân hội đến phong trào Đông Du, chính Tiểu La tiên sinh là ông tổ mở mối, vạch đường khai sinh ra tất cả". Cho nên khi nghe tin Nguyễn Thành qua đời, cụ Phan đã vô cùng đau xót. Trong bài Văn tế Tiểu La, ông đã khóc Nguyễn Thành bằng những lời lẽ thống thiết như tình anh em ruột thịt:

"...Nghĩ một người đã tạo ra em, thành tựu cho em,
mà nay kẻ mất người còn, hồn trời phách đất!
Mây Hải Vân mờ mịt bóng gươm vàng
Bể Đà Nẵng chập chờn cơn sóng bạc"...

Về trước tác, Tiểu La là người thiên về hành động nên ít khi sáng tác thơ văn. Tương truyền ông thường chỉ làm những bài thơ ngắn để tỏ rõ ý chí. Thậm chí bài “Tiễn bạn đi đày Côn Lôn” chỉ vẻn vẹn có một câu 7 chữ mà Huỳnh Thúc Kháng rất tâm đắc, cho rằng đã đầy đủ ý tứ, chẳng cần thêm bớt:

Đồng thị thiên nhai lộ bất đồng

(Đồng cảnh (đi đày) ven trời lại khác đường).

Trong bài thơ Tuyệt mệnh sau những lần bị thổ huyết trong tù, 2 câu thực nghe như một tiếng thở dài về thế cuộc:

Bổ thiên vô lực đàm thiên dị,
Tế thế phi tài tỵ thế nan.

Huỳnh Thúc Kháng dịch thơ:

Vá trời thiếu sức bàn nghe dễ,
Cứu thế không tài tránh ở đâu?

Khi sắp trút hơi thở cuối cùng trong trại tù, Tiểu La còn gọi Huỳnh Thúc Kháng ghé sát vào, lấy trong mình ra một miếng giấy nhỏ có ghi mấy lời vĩnh biệt: “Thời cuộc nhất chuyển hảo cơ. Đông Á phong vân kim hậu chính kỳ giả, chư huynh đệ nổ lực chi ngử hựu phụ

(Thời cuộc xoay vần, cơ hội tốt sẽ đến. Giông mây Á Đông sau này còn nhiều cuộc biến đổi. Anh em hãy gắng lên - Huỳnh Thúc Kháng dịch)

Qua lược thuật ở trên, chúng ta đã thấy được tư tưởng hành động và vai trò  của cụ Tiểu La trong hai phong trào yêu nước là Nghĩa hội Cần Vương và Duy Tân hội. Chủ trương nhất quán của cụ là muốn giành được độc lập phải bạo động vũ trang, cho dù phải nếm mùi thất bại chua cay cũng không hề nản lòng lùi bước.

Lại xin trích thêm mấy câu từ bài văn tế của trường THPT Tiểu La để thay cho lời truy niệm:            

Lẫm liệt thay!

... Sóng Côn Lôn thiên thu hát mãi khúc bi ca
Non xứ Quảng đời đời dựng bia hoành tráng...

PHAN VĂN MINH