291 lượt xem

Tìm hiểu Nho Giáo - Kì 1

TÌM HIỂU NHO GIÁO
 
  1. Khái niệm

NHO: theo Hán tự, do chữ Nhân và chữ Nhu ghép lại. Nhân là người, Nhu là cần dùng.

Nho là hạng người luôn luôn được cần dùng đến để giúp ích cho nhân quần xã hội biết cách ăn ở sao cho hợp với lòng người và lẽ Trời. Chữ Nhu còn có nghĩa là chờ đợi, tức là người trí thức chờ đợi người ta cần dùng gọi đến thì đem tài sức ra giúp đời.

Như vậy, Nho là những hạng người học thông đạo lý của Thánh Hiền, biết được lẽ Trời Đất và Người, để hướng dẫn người phải ăn ở và cư xử thế nào cho hợp với Đạo Trời, hợp với lòng người. Sách Pháp Ngôn có câu: “Thông Thiên định Địa viết Nho”. Nghĩa là: Người biết rõ cả Thiên văn, Địa lý,  thì  mới gọi là Nho. Phàm những người Nho học thì chuyên về mặt áp dụng thực tế, chớ không chú trọng nhiều về mặt lý tưởng. Bởi vậy, từ xưa đến nay, họ là những người sẵn sàng nhập thế cuộc, gánh vác việc đời, làm ích nước lợi dân, khác hẳn với những tu sĩ  Phật giáo hay Lão giáo, chỉ biết xuất thế, lo tu độc thiện kỳ thân.

GIÁO: Dạy, tôn giáo, một mối đạo.

NHO GIÁO là một tôn giáo hay một học thuyết có hệ thống và có phương pháp, dạy về Nhân đạo, tức là dạy về đạo làm một con người trong gia đình và trong xã hội. Hệ thống của Nho giáo thì theo chủ nghĩa: “Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể”, nghĩa là: Trời Đất và muôn vật đều đồng một thể với nhau. Phương pháp của Nho giáo là  phương pháp chứng luận, lấy Thiên lý lưu hành làm căn bản. Như vậy, học thuyết của Nho giáo có 3 điều cốt yếu :

- Về Tín ngưỡng: Luôn luôn tin rằng Thiên Nhân tương dữ, nghĩa là: Trời và Người tương quan với nhau.

- Về Thực hành: Lấy sự thực nghiệm chứng minh làm trọng.

- Về Trí thức: Lấy trực giác làm cái khiếu để soi rọi tìm hiểu sự vật.

Nếu ai đã hiểu tường tận tôn chỉ của Nho giáo thì đều công nhận Nho giáo là một tôn giáo rất cao minh của nhân loại, đã phát huy ra từ xưa tới nay. Tuy rằng người ta đem ra thi hành không được hoàn toàn, và có nhiều người hiểu lầm, song ai đã tâm đắc cái tinh thần ấy thì cũng đạt được một nhân cách quí trọng đặc biệt.
 
  1. Nguồn gốc của Nho giáo

Nho giáo bắt nguồn từ thời thái cổ ở nước Tàu. Thuở đó, vua Phục Hy, là một Thánh Vương đắc đạo, trông thấy được các hiện tượng trong cõi Hư linh. Ngài nhìn thấy Long Mã có bức đồ trên lưng gồm những chấm đen trắng, nổi lên giữa sông Hoàng Hà, mà biết được lẽ Âm Dương, chế ra Tiên Thiên Bát Quái, cắt nghĩa sự biến hóa của Trời Đất để làm nguyên tắc dạy người. Những vạch đơn giản của Bát Quái ấy được xem là đầu mối của văn tự  về sau này.

Vua Phục Hy lại còn dạy dân nuôi súc vật để sai khiến, làm lưới để đánh cá, nuôi tằm lấy tơ làm quần áo, chế đàn cầm đàn sắt, dạy dân lễ nghĩa, phép cưới vợ gả chồng (dùng một đôi da thú làm lễ, vì ở thời kỳ ngư lạp, da thú là quí), từ đó  mới có danh từ gia tộc. Sau, đến đời vua Hoàng Đế (Hiên Viên Huỳnh Đế),  mới chế ra áo mão, và sai Ông Thương Hiệt chế ra chữ viết.

Đó là khởi thủy của Nho giáo, thành hình do thực tế kết hợp với huyền lý của Trời Đất. Nho giáo lấy đạo Trời làm khuôn mẫu, dạy người thuận theo lẽ Trời, còn nghịch với Trời thì phải chết. Nho giáo đã giúp nước Tàu thời Thượng cổ được hòa bình, dân chúng trên thuận dưới hòa, tạo ra một nền luân lý có căn bản vững chắc. Tiếp theo đến đời nhà Châu, vua Văn Vương và con của Ngài là Châu Công Đán, tiếp tục khuếch trương Nho giáo, diễn giải Kinh Dịch do Phục Hy truyền lại, hệ thống hóa lễ nghi và sự tế tự.

Vào cuối thời nhà Châu, đời vua Linh Vương, năm 551 trước Tây lịch, có Đức Khổng Tử  ra đời. Đức Khổng Tử chỉnh đốn và san định  kinh sách, phục hưng Nho giáo, tạo thành một giáo thuyết có hệ thống chặt chẽ, xứng đáng đứng ngang hàng với Lão giáo và Phật giáo. Đức Khổng Tử được xem là Giáo Chủ Nho giáo.

Đạo Nho, kể từ khi Đức Khổng Tử phục hưng, nối tiếp về sau được các vị Thánh nhân như Tử Tư, Mạnh Tử, phát huy đến độ rực rỡ, rồi sau đó dần dần suy tàn theo thời gian, vì không có bậc tài giỏi nối tiếp xiển dương, cuối cùng trở thành một môn học từ chương dành cho sĩ tử leo lên đường hoạn lộ. Cái tinh túy của Nho giáo đã bị vùi lấp và Nho giáo được sử dụng một cách lệch lạc theo ý riêng của kẻ phàm trần.
 
  1. Tôn chỉ của Nho giáo

Tôn chỉ của Nho giáo gồm:

- Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể.

- Trung Dung.
 
    1. Thiên Địa Vạn vật đồng nhất thể

Theo quan niệm của Nho giáo thì Con người sinh ra đã bẩm thụ cái Lý và cái Khí của Trời Đất, tức là cùng với Trời Đất có thể tương liên tương cảm và tương ứng nhau được. Sự tương  cảm ấy lúc nào cũng có, nhưng khi ta để cho lòng tư dục dấy lên mạnh mẽ, chỉ biết tính toán để làm lợi riêng cho mình thì cái tinh thần bị rối loạn đi, cái trực giác trở nên ám muội, nên cái cảm ứng ta không biết được.

Nhưng nếu ta biết đè nén lòng tư dục, giữ cho lúc nào cũng có thái độ điều hòa, thì  trực giác trở nên mẫn huệ, biết được các điều sâu xa bí ẩn, tức là tương  cảm được với Trời. Trời sinh ra con người và vạn vật, nên Trời có gì thì con người có nấy, nên gọi Trời là Đại Thiên Địa, và con người là Tiểu Thiên Địa. Trời và người đồng thể nên tương liên tương cảm với nhau là điều dĩ nhiên.

3.2. Trung Dung

Trung là không lệch về phía nào, Dung là không thay đổi. Trung  là đường chính trong thiên hạ, Dung là nhất định trong thiên hạ. Vậy, Trung Dung là không lệch về phía nào,  luôn luôn giữ thái độ dung hòa, không thái quá, cũng không bật cập, trong quan hệ đối với người hay xử lý các việc.

Vũ trụ và vạn vật luôn luôn biến hóa theo lẽ điều hòa và tương  đối, lưu hành mãi mãi không lúc nào ngừng nghỉ. Thiên đạo đã không cố định thì việc đời có gì là cố định? Vậy ta cứ tùy thời mà hành động, miễn sao giữ được sự điều hòa và trung chính. Làm việc gì cũng phải lấy Trung Dung làm căn bản, tức là không thái quá, cũng không bất cập, luôn luôn thích hợp với Đạo Trung hòa của Trời Đất.

Đức Khổng Tử đem cái tôn chỉ ấy lập thành một Nhân sinh triết học, tức là một nền luân lý rất hòa nhã, êm ái, làm cho người ta sống thư thái vui vẻ, không buồn bã lo sợ. Những điều: Hiếu, Nghĩa, Trung, Tín, cũng đều do đó mà ra cả.

4. Học thuyết của Nho giáo

Học thuyết của Nho giáo tóm gọn trong 3 điều sau đây:

Sự biến hóa của vũ trụ quan hệ đến vận mạng của nhân loại.

Luân thường đạo lý trong đời sống xã hội.

Lễ Nhạc trong việc tế Trời Đất, Quỉ Thần và Tổ Tiên.

Đó là những điều căn bản xác định Nhân sinh quan và Vũ trụ quan  của một nền tôn giáo. Do đó, ta có thể nói rằng, trước thời Đức Khổng Tử, chỉ là Nho học, nhưng sau thời Đức Khổng Tử, Nho học được Ngài hoàn chỉnh, trở thành một tôn giáo hẳn hoi, gọi là Nho giáo, giống như Phật giáo, Lão giáo, hay Thiên Chúa Giáo.

Đứng về phương diện tôn giáo, học thuyết của Nho giáo được chia làm 2 phần rõ rệt:

- Hạ học.

- Thượng học.

4.1. Hạ học

Hạ học là cái học thuộc về Hạ thừa, làm căn bản cho Thượng thừa, là cái học cụ thể về những điều quan hệ đến cuộc sống của con người một cách thiết thực. Chủ yếu Hạ học là dạy về Nhân đạo. Không có một nền tôn giáo nào dạy về Nhân đạo một cách kỹ lưỡng và sâu sắc bằng Nho giáo. Sau đây là một số điểm chính:

- Quân tử, Tiểu nhân.

- Tu thân.

- Công bình, Bác ái.

- Tam Cương, Ngũ Thường, Tam Tòng, Tứ Đức.

- Lễ Nhạc.

- Chính danh định phận.

4.1.1. Quân tử  - Tiểu nhân

Nho giáo chia những người trong xã hội làm 2 hạng: Quân tử và Tiểu nhân.

- Quân tử  là người có đức hạnh hoàn toàn, nhân phẩm cao quí, chăm lo Đạo Thánh Hiền để sửa mình, dẫu nghèo khó cũng không làm điều trái đạo.           
                                  
Tiểu nhân thì hoàn toàn trái ngược, kẻ tiểu nhân có chí khí hèn hạ, tham danh cầu lợi, miệng nói nhân nghĩa mà trong lòng tính chuyện bất nhân, dù giàu có nhưng tinh thần vẫn đê tiện.

Người Quân tử  bao giờ cũng tòng Thiên lý, cho nên tâm tính quang minh, thích làm việc nghĩa, càng ngày càng cao thượng; kẻ Tiểu nhân bao giờ cũng theo nhân dục, chí khí thấp thỏi, nên luôn luôn bị vật dục khiến sai, chỉ biết cái lợi riêng cho mình, càng ngày càng thêm hèn hạ.

Quân tử thì trung dung vì hiểu được cái thấp cái cao, Tiểu nhân thì phản trung dung vì chỉ biết tư lợi. Quân tử  chỉ cầu ở mình, nên cái đức càng ngày càng sáng thêm; Tiểu nhân thì mong cầu ở người, nên cái lòng dục càng lúc càng buông xổng thêm ra. Học làm Quân tử thì phải thành thật, không bao giờ tự dối mình mà làm hại cái biết của mình.

Muốn học cho đạt cái đạo của người Quân tử thì phải theo đúng như lời Đức Khổng Tử dạy: “Dốc lòng tin, ham sự học, giữ cho vững, dẫu chết cũng không thay đổi, làm cho cái Đạo hay hơn lên. Không vào nước đã nguy, không ở nước có loạn. Đời có Đạo thì ra làm mọi việc, đời không Đạo thì ẩn mà sửa mình. Nước có Đạo mà mình nghèo và hèn là xấu hổ; nước không Đạo mà mình giàu và sang là xấu hổ.”

4.1.2. Tu than

Người Quân tử cần phải học hỏi luôn luôn để biết mà sửa mình. Muốn sửa mình (Tu thân), trước hết phải giữ cái Tâm cho chính, cái Ý cho thành, rồi mới Cách Vật, Trí Tri được. Do đó, Nho giáo đưa ra Bát Điều Mục, tức là 8 bước thực hành theo thứ tự sau đây:

Cách vật: Cách ly sự vật để quan sát cho rõ ràng.

Trí tri: Nghiên cứu để biết tận gốc rễ của sự vật.

Thành ý: Rèn luyện ý chí thành thật dũng mãnh.

Chính tâm: Thanh lọc tâm hồn thoát khỏi sự ô nhiễm của vật dục.

Tu thân: Sửa đổi những điều sai lầm của mình.

- Tề gia: Sắp đặt các việc gia đình cho đúng phép.

Trị quốc: Cai trị dân theo đường lối chân chính.

Bình Thiên hạ: Đem lại thanh bình và hạnh phúc cho toàn dân.

4.1.3. Tam Cương - Ngũ Thường - Tam Tòng - Tứ Đức

Đức Khổng Tử dạy về Nhân đạo :

+ Nam thì giữ Tam Cương và Ngũ Thường.

+ Nữ  thì  giữ  Tam Tòng và Tứ Đức.

- Tam Cương: Ba Giềng mối gồm: Quân thần cương, Phụ tử cương, Phu thê cương.

+ Quân thần cương: Quan hệ vua tôi, tức là Trung: Trung với nước, trung với dân. Không nên quan niệm hẹp hòi là trung với một cá nhân ông vua hay một dòng họ vua, vì đó là ngu trung. Chỉ trung với vua khi nào gặp được vị vua sáng suốt (Quân minh thần trung), chúa Thánh tôi hiền.

+ Phụ tử cương: Quan hệ cha con, cha mẹ phải hiền, hết dạ thương con và con phải hiếu thảo với cha mẹ.

+ Phu thê cương: Quan hệ vợ chồng. Nghĩa là: xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người phụ nữ khi đi lấy chồng thì phụng sự chồng, khi chồng chết thì ở vậy  nuôi con mới là người tiết hạnh.

-  Ngũ Thường: Năm điều thường có: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

+ Nhân: Lòng thương người mến vật.

+ Nghĩa: Việc đối xử theo lẽ phải, biết đền ơn đáp nghĩa đối với người và vật.

+ Lễ: Thể hiện sự tôn kính và trật tự trong ý nghĩ, lời nói và việc làm.

+ Trí: Sự hiểu biết sáng suốt, phân biệt phải quấy.

+ Tín: Không gian dối, gạt gẫm.

- Tam Tòng: Ba điều phải theo của người phụ nữ: Tại gia tòng phụ, Xuất giá tòng phu, Phu tử tòng tử.

+ Tại gia tòng phụ: Ở nhà thì nghe theo lời của cha mẹ.

+ Xuất giá tòng phu: Có chồng thì phải tòng theo chồng.

+ Phu tử tòng tử: Chồng chết thì ở vậy nuôi con cho nên người, không nên tái giá.

- Tứ Đức: Bốn Đức của người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.

+ Công: Chăm lo làm công việc gia đình.

+ Dung: Chăm sóc thân thể cho tốt đẹp, sạch sẽ.

+ Ngôn: Lời nói dịu dàng, đoan chính.

+ Hạnh: Ngay thẳng, nhân ái trong mọi việc.

CÒN TIẾP =>>