301 lượt xem

Án vua Duy Tân năm 1916 Kỳ cuối – Đối mặt

Án vua Duy Tân năm 1916 Kỳ cuối – Đối mặt

Việc vua Duy Tân hiện diện tên tuổi trong cuộc khởi nghĩa 1916 là một bất ngờ lớn không chỉ với người Pháp, mà ngay cả với Nam triều, dù rằng cả hai phía đều biết vị vua này có sự cứng cỏi hiếm có. Họ càng không ngờ rằng, đấng quân vương An Nam lại tham dự sâu vào cuộc lật đổ người Pháp đến thế. 

Đồn Mang Cá nơi giam giữ vua Duy TânĐồn Mang Cá nơi giam giữ vua Duy Tân. Nguồn: sưu tầm.

Tháp tùng vua tham gia cuộc khởi nghĩa là những thị vệ thân tín như Tôn Thất Đề, Lê Đình Thưởng, Dương Đức Tuyên, trên đường bôn tẩu, đò chở vua đã gặp Trần Quang Trứ, tên thông ngôn của tòa Công sứ - nguồn cơn để sau này, Trứ thành kẻ chỉ điểm cho người Pháp tìm bắt đấng kim thượng.

Điều này được chính y thuật lại trong báo cáo ngày 5/5 gửi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn lính chiến Đông Dương số 16 (Tài liệu số 37, hồ sơ 65530). 

Cuộc truy tìm vị vua trẻ

Theo bản báo cáo, Trứ đã biết sẽ có cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Huế, và y là một trong những kẻ được giao nhiệm vụ thu thập tin tức về những người cầm đầu cuộc phiến loạn. Chính Trứ đóng vai kẻ yêu nước để xâm nhập vào đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa, gặp gỡ Thái Phiên cũng như vua Duy Tân, trao đổi về cuộc khởi nghĩa và dĩ nhiên là nắm được những điểm cốt yếu của sự kiện này.

Thậm chí, khi vua Duy Tân yêu cầu hắn lấy danh dự để thề vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, như hồi tưởng, Trứ đã từ từ giơ tay lên và thề: “Tôi đem hết sức mình tận tụy phục vụ nhà vua, để nhà vua làm tròn nhiệm vụ của một Đại vương là làm cho dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của Pháp”.

Án vua Duy Tân năm 1916 Kỳ cuối – Đối mặt ảnh 1
Tượng nhà yêu nước Thái Phiên. Nguồn: sưu tầm.

Ngay sau đó, Trứ đến nhà Công sứ Thừa Thiên Carlotti báo tin và xin lính quay lại bắt vua ở đoạn sông Phú Cam, nhưng thuyền vua đã rời đi. Một cuộc truy lùng vua Duy Tân và các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa thực sự bắt đầu.

23h35 tối ngày 3/5, Công sứ Carlotti gửi điện cho Khâm sứ Pháp ở Huế báo về việc quân khởi nghĩa sẽ tấn công tòa Khâm sứ lúc 1g sáng. Ngay sau đó, liên tiếp là Điện 107S, Điện 108S ngày 4/5 của Khâm sứ Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương báo về cuộc khởi nghĩa và tin tức việc truy lùng vua Duy Tân. 

Hầu hết mọi hướng nghi ngờ có sự di chuyển của vua Duy Tân và các nhà cách mạng đều được Pháp tỏa quân truy lùng. Trong Điện tối khẩn số 1563 của Toàn quyền Đông Dương gửi Thống đốc Nam kỳ, đã dặn dò phải kiểm soát tất cả thuyền bè, giám sát xung quanh cựu vương Thành Thái cha vua… Đến 9g30 ngày 6/5, vua Duy Tân rơi vào tay Pháp. 

Kiên định vì quốc dân

Trong bản tường thuật của Chánh văn phòng Sở mật thám Trung kỳ là Sogny, người có mặt khi bắt giữ vị vua yêu nước, cho hay địa điểm tìm thấy vua cách chùa Thiên Thai 300m. Biết mình không thoát khỏi sự truy lùng, vị quân vương đón nhận cái kết nghiệt ngã với thái độ điềm tĩnh.

Bên cạnh vua là nhà yêu nước Trần Cao Vân và sáu người khác. Khi được đưa về tòa Khâm sứ, đáp trả câu hỏi của Khâm sứ Pháp: “Ô, Ngài có hài lòng với cuộc mạo hiểm của Ngài không, thưa Ngài?”, vua Duy Tân bình tĩnh đáp: “Không, vì tôi đã thất bại”. 

Bắt được vua Duy Tân, thực dân tạm giam vị quân vương trẻ ở đồn Mang Cá; đồng thời, yêu cầu Nam triều trong vòng một tuần lễ phải thuyết phục được vua thay đổi thái độ, nhược bằng không sẽ công khai kết án vua vì tội tham gia khởi nghĩa. Ban đầu, chính là việc thực hiện dụ dỗ, mua chuộc vị vua trẻ của ngay chính người Pháp. 

Án vua Duy Tân năm 1916 Kỳ cuối – Đối mặt ảnh 2
Xử chém. Nguồn: sưu tầm.

Chiều ngày 7/5, Thiếu tá Pérez gặp vua để khai thác về cuộc khởi nghĩa cũng như những người tham gia.

Ngày 8/5, Toàn quyền Roume gặp vua, và trong Báo cáo gửi lên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, nội dung câu chuyện đã cho thấy sự can đảm lạ thường của vua Duy Tân khi sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy: “Ông ta nói với tôi là ông đang đợi việc người ta xét xử ông. Ông đã đợi bị bắn ngay khi bị bắt”… “Nhà vua chỉ tiếc một việc, đó là cuộc nổi dậy không thành công”.

Roume tìm mọi cách để đảm bảo với vua rằng sẵn sàng tha lỗi cho tuổi trẻ và sự thiếu kinh nghiệm để đưa Duy Tân trở lại ngai vàng, nhưng như báo L’Echo Annamite (Tiếng vọng An Nam) ra ngày 5/6/1927 cho hay, vị vua trẻ vẫn cứng cỏi dù đang bị cầm tù ra điều kiện trở lại ngai vàng với Roume là vua phải được “nắm giữ đầy đủ các quyền hành của một vị quốc vương tự do và vĩ đại”. Bởi vua biết hiện thực và tương lai rằng:

Âm mưu phục quốc thân đày ải,

Nối chí phụ vương, thỏa nước non. 

(Trích Cận đại Việt sử diễn ca)

Mọi sự lôi kéo từ phía Pháp đối với vua đều vô hiệu. Còn phía Nam triều, dù dùng mọi sự thuyết phục thân sơ đến ngay cả người mẹ mà vua rất mực chí hiếu, cuối cùng cũng không lay chuyển được ý chí của vị vua yêu nước.

Bị kết án và đi đày

Khi “củ cà rốt” đưa ra không thành công, đại diện của Pháp và chính quyền nhà Nguyễn đành phải dùng tới “cây gậy” với biện pháp mạnh dành cho đấng quân vương. 

Nhân cơ hội sự biến của vua Duy Tân, Pháp định bãi bỏ luôn vương triều Nguyễn, tuy nhiên sau khi tham khảo thái độ các vị Thượng thư trong Viện Cơ mật, ý định đó phải gác lại, và dừng ở mức độ nhẹ hơn với việc tìm cách kết án, phế truất vua Duy Tân và đưa một vị hoàng thân “ngoan hiền”, dễ bảo hơn thay thế trên ngai vàng. 

Tại tòa Khâm sứ ngày 10/5, cuộc họp Phủ Phụ chính được tiến hành với sự có mặt của Toàn quyền Roume, Khâm sứ Trung kỳ Charles và các quan Thượng thư cùng một số thành phần liên quan bàn về việc phế truất vua Duy Tân và lập vua mới, cũng như tách rời vua Duy Tân khỏi nước Nam để ngăn mọi sự dính líu về sau.

Án vua Duy Tân năm 1916 Kỳ cuối – Đối mặt ảnh 3
Văn bản 135 về bản án vua Duy Tân. Nguồn: sưu tầm.

Ngày 15/5, bức điện Thượng khẩn số 1695 đã thông báo hai quyết định quan trọng tới vua Duy Tân, đó là truất phế vua và đưa vua Duy Tân cùng cha mình Thành Thái ra khỏi Đông Dương. 

Riêng về bản án dành cho cuộc khởi nghĩa Duy Tân, theo văn bản số 135 ngày 17/5 là Công văn của Hội đồng Phụ chính gửi Khâm sứ Trung kỳ cho biết, tòa án xét xử tiến hành trong ngày 7/5 với Hội đồng xử án gồm: Hoàng Quảng Phu – Tham tri bộ Hình, Võ Liêm – Thị lang bộ Binh, Ưng Ân – Thị lang bộ Hình, và Tôn Thất Uyển – Ngự sử Viện Đô sát. 

Sau khi thu thập lời cung khai, án trảm quyết dành cho 4 người: Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Đội Siêu “xử trảm lập tức và bêu đầu” (sau giảm xuống chỉ xử trảm chứ không bêu đầu). Ngoài 4 án chém, những người khác liên quan trong cuộc khởi nghĩa có thể hoãn thi hành án hoặc thu thập thêm chứng cứ để phán xét sau và trừng trị tùy theo mức độ phạm tội theo điều 23 của Bộ luật Đại hình. 

Trong tác phẩm Dấu xưa – Tản mạn lịch sử nhà Nguyễn, Mathilde Tuyết Trần đã dành riêng một bài biên khảo về vị vua trẻ “Vua Duy Tân và một kết cục bi thảm”.

Và tác giả đã lý giải bản án cách mạng 1916 là “Trong mục đích cứu mạng vua Duy Tân khỏi bị người Pháp xử tử, quan đại thần Hồ Đắc Trung, theo lời yêu cầu của những người phụ tá vua đã bị bắt giam vào ngục, giảm trách nhiệm của Duy Tân và đổ hết tội lỗi lên đầu các người phụ tá.

Vì thế, các vị anh hùng Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu của phong trào Việt Nam Quang phục hội bị xử chém đầu ngày 16/4 (âm lịch) tại làng An Hòa, rất nhiều anh hùng chí sĩ cũng bị chém đầu hay giết chết.”.

Ngày 18/5 dương lịch, 4 nhà yêu nước bị rơi đầu. Trong khi đó, vua Duy Tân bị phế truất và không lâu sau đó, cùng với vua cha Thành Thái bị Pháp đem đi đày nơi đảo Réunion xa xôi nơi Phi âu. Tưởng nhớ sự kiện bi tráng này, Cận đại Việt sử diễn ca ghi rằng:

Pháp căm tức quyết trừng thanh, 
Yếu nhơn bắt xử tử hình đôi mươi.
Duy Tân đày ải phương trời,
Đảo Rê-u-nhống quê người linh đinh. 


Trần Đình Ba