234 lượt xem

Ngô Tử An

Ngô Tử An là con Ngô Xương Sắc, đích tôn Sứ quân Bình Kiều Ngô Xương Xí, thuộc thế hệ thứ 10 họ Ngô. Không rõ ông sinh và mất năm nào. Năm 950, sau khi phế truất Dương Tam Kha, Ngô Xương Văn sai đón anh là Xương Ngập về Kinh  sư cùng trông coi việc nước. Năm 954, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập mất, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tiếp tục giữ ngôi cho đến năm 965 thì mất. Sau khi Hậu Ngô Vương Xương Văn mất thì xảy ra loạn 12 sứ quân. Một trong 12 sứ quân là Ngô Xương Xí, năm 966 sứ quân Bình Kiều Ngô Xương Xí bị Đinh Tiên Hoàng thu phục, con trai ông là Ngô Xương Sắc chạy về ẩn cư ở thượng du Châu Ái. Ở đó, cậu bé Ngô Tử An đã được sinh ra. Khi lớn lên, Ngô Tử An theo Lê Hoàn lập ra nhà Tiền Lê và được tôn là Phụ quốc của vương triều này.

Người đầu tiên chỉ huy mở đường sông

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết để chuẩn bị cho việc chinh phục Chiêm Thành, năm 983 vua Lê Đại Hành sai Ngô Tử An đem quân đào và vét nối sông Đáy với sông Hoát để tránh cửa Thần Phù hay có gió bão, vét các khúc sông từ Yên Định đến Tĩnh Gia, gồm Kênh Son, Kênh Sắt và sông Đa Cái (Nghệ An), tạo thành con đường thủy cho thuyền bề đi thông từ sông Đáy đến cửa Sót tức cửa Nam Giới ở Hà Tĩnh.

Theo cụ Ngô Đức Thắng thì sự nghiệp đào sông của Ngô Tử An, di tích còn lại là một cái nghè bằng đá có khắc ba chữ "Thuỷ Thạch Tiên" trong một hang đá thuộc xã Quỳnh Lộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tương truyền có hai bài thơ khắc vào vách đá, nhưng nay không còn vì nạn khai thác đá!

Người đầu tiên chỉ huy mở đường bộ vượt Đèo Ngang

Cũng theo sách Toàn thư, năm 992 vua Lê Đại Hành lại sai Phụ quốc Ngô Tử An đem ba vạn người đi mở đường bộ từ cửa biển Nam Giới đến châu Địa Ly của Chiêm Thành (nay là huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình) tạo thành một tuyến vận tải thủy bộ liên hoàn từ sông Đáy đến đất Chiêm Thành.

Đó là con đường bộ đầu tiên nối Đại Việt với đất Chiêm Thành vượt qua dãy Hoành Sơn ở Đèo Ngang.

Để mở đường bộ qua Đèo Ngang thì phải phá bỏ thành đá do người Chiêm Thành xây dựng (thạch thành Lâm Ấp trúc) từ trước nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của Đại Việt; còn Đại Việt mở lối vượt Hoành Sơn là để chinh phục Chiêm Thành. 

Do vậy mà có câu ngạn ngữ "Thạch thành Lâm Ấp trúc - Lục lộ Ngô Tử An"

https://ngotoc.vn