237 lượt xem

Dương Khuê

DƯƠNG KHUÊ

Nguồn: sưu tầm.

Cụ Dương Khuê (1839-1902), hiệu Vân Trì, xuất thân trong một gia đình nhà Nho; là con cả Đô ngự sử Dương Quang, và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm; quê ở làng Vân Đình huyện Sơn Minh phủ Ứng Hòa tỉnh Hà Đông (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Nhờ chuyên cần, cụ Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, cụ Cụ Dương Khuê thi Hội đỗ Cử nhân, cùng khoa này Nguyễn Khuyến đỗ Hội nguyên. Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Đệ Tam giáp Tiến sĩ. Sau khi đỗ Tiến sĩ, Dương Khuê được bổ làm tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi được thăng làm Bố chánh. Đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ XIX, trước việc tay lái buôn người Pháp Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại. Ông đã dâng sớ lên can vua Tự Đức: không nên nhượng bộ Pháp nữa, nên ông bị giáng xuống làm Chánh sứ sơn phòng lo việc khai hoang. Năm 1873, người Pháp đem quân  đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng.
Năm 1878, nhân lễ “ngũ tuần khánh thọ ” của mình, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải các chức: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình.

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doummer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở cho guống máy cai trị của Chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.

Trong sự nghiệp sáng tác thơ của ông, nổi tiếng là bài Hồng hồng, Tuyết tuyết, đây là bài thơ phổ cập cho những người bắt đầu hát ca trù. Hai anh em Dương Khuê, Dương Lâm, cùng với các tài tử văn nhân như: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Vũ Phạm Hàm,…, góp phần làm nghệ thuật ca trù trở nên nổi tiếng. Dương Khuê mất ngày 6 tháng Ba năm Nhâm Dần (1902). Nghe tin, bạn thân ông là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ nổi tiếng nhan đề Khóc bạn để viếng ông (trong đó mở đầu bằng câu: “Bác Dương thôi đã thôi rồi”).
Tác phẩm của ông để lại có Vân Trì thi thảo (Bản thảo thơ Vân Trì); và một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng…
Trước đây, ông vẫn được xem là một đại biểu của khuynh hướng “thoát ly hưởng lạc” trong văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX. Song gần đây, bước đầu giới nghiên cứu đã có cách lý giải mới đối với phần tâm sự của ông gửi gắm trong thơ văn. Là một viên chức buổi giao thời, đường làm quan không mấy suôn sẻ…, vì thế các sáng tác của ông, chính là một phương tiện giúp ông giải tỏa những bất mãn đối với hiện thực…

Tuy có làm thơ chữ Hán, nhưng ông nổi tiếng nhờ những bài ca trù. Với sự tinh luyện về ngôn ngữ và sự hài hòa trong thanh điệu của ông, khiến những bài ấy luôn cuốn hút người nghe bởi lời ca-thơ của cụ Dương Khuê đã đạt đến trình độ “thanh thoát, uyển chuyển và hóm hỉnh” như nhận xét của giới chuyên môn.

Dòng họ Dương của cụ Dương Khuê, vốn có nguồn gốc từ Hà Tĩnh, ra định cư ở vùng Vân Đình (Hà Tây) từ thời chúa Trịnh Cương (1709-1725). Từ thời Dương Khuê, dòng họ này trở nên nổi tiếng nhờ tên tuổi ông và người em trai ông là Dương Lâm.

Cụ Dương Lâm (1851-1920), từng giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán nhà Nguyễn, rồi được thăng hàm Thái tử Thiếu Bảo (năm 1902), làm chủ bút báo Đồng Văn… sau xin cáo quan về hưu ở quê để dạy học và viết sách (năm 1903)..Cụ Dương Lâm là người tao nhã, yêu nước, có tài văn chương, và là một nhà giáo giỏi.

Các cháu nội của hai ông cũng là những văn nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng như: nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Giáo sư-Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan, Nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh (đang làm việc cho Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ),  nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ kiêm thi sĩ Dương Hồng Kỳ.

Đại tá Dương Xuân Bình (Sưu tầm)