258 lượt xem

Trần Xuân Soạn

Vệ úy Phó Đề đốc Trần Xuân Soạn (1849-1923)

Trần Xuân Soạn, là tướng nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa.

Trần Xuân Soạn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo. Đến tuổi trưởng thành do có sức khỏe, nhanh nhẹn và ưa võ nghệ, ông đi tòng quân thay cho con một nhà phú hào trong làng để lấy tiền giúp đỡ gia đình. Trong quân ngũ, vì có sức khỏe và mưu trí dũng cảm, ông đã lập được nhiều chiến công xuất sắc nên được thăng chức và được tin dùng, rồi được điều động vào làm Vệ úy chỉ huy quân ở kinh thành Huế. Năm Quý Mùi (1883), do có công lao và làm việc mẫn cán, Trần Xuân Soạn được triều đình thăng chức làm Chưởng vệ Đề đốc kinh thành.

Khi đó trong triều đình có hai phái chủ hòa và chủ chiến, quan điểm không thống nhất. Tôn Thất Thuyết đại diện cho phái chủ chiến đã lập ra Phấn nghĩa quân, giao cho những người thân thuộc tin cẩn tham dự vào việc hiểu dụ những thân hào sĩ dân có tinh thần chiến đấu chống Pháp để tuyển dụng vào lính, chia thành các vệ đội cho luyện tập cẩn thận để khi cần thì dùng đến. Tôn Thất Thuyết đã tin tưởng giao cho Trần Xuân Soạn chỉ huy đội quân này.

Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết chia đội quân Phấn nghĩa làm hai đạo: Một đạo sai em là Tôn Thất Lệ cai quản, nửa đêm sang đò sông Hương hợp cùng với quân đánh úp tòa sứ của Pháp; còn một đạo do Tôn Thất Thuyết cùng Phấn nghĩa Chưởng vệ Trần Xuân Soạn đánh úp trấn Bình Đài (thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế). Trận chiến đã diễn ra vô cùng quyết liệt, vào khoảng canh tư (ngày 23) quân ta bắt đầu tấn công trấn Bình Đài, tiếng súng vang động. Quân Pháp đóng chặt cửa, lẽn nấp đợi sáng. Tới lúc sáng rõ, quân Pháp tập trung lực lượng và hỏa lực chống trả. Chúng dùng pháo lớn bắn liền mấy giờ, quân Phấn nghĩa bị thương và chết khá nhiều, các cung điện nhà cửa trong Hoàng thành và cung thành nhiều nơi bị đạn pháo của địch. Hai đạo quân ở trong và ngoài của ta bị tan vỡ cả, trong thành rối loạn, Tôn Thất Thuyết kèm xa giá (vua và hoàng cung) ra ngoài Bắc. Cùng theo xa giá có Thự Hiệp biện Đại học sĩ Phạm Thận Duật, Thự Tham tri Trương Văn Đễ và Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Lệ…


Trấn Bình Đài (hay còn gọi là Đồn Mang Cá) nằm ở vị trí Đông Bắc Kinh thành Huế, nơi xảy ra trận đánh giữa quân triều Nguyễn do Tôn Thất Thuyết và Trần xuân Soạn chỉ huy với quân Pháp ngày 7/5/1885. Nguồn: Sưu tập

Vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu và nhân dân trong cả nước đứng lên đánh Pháp. Trong khi đó tại kinh thành Huế, thực dân Pháp ép triều thần lập vua Đồng Khánh lên ngôi và hạ lệnh cho triệu các ông Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn đưa Hàm Nghi trở về. Khi các ông không chịu đưa xe vua Hàm Nghi trở về, triều đình Huế đã ra lệnh đày Tôn Thất Đính (là cha Tôn Thất Thuyết, đã 70 tuổi) ra đảo Côn Lôn, tịch thu gia sản của Hồ Văn Hiển và Trần Xuân Soạn. Treo giải thưởng cho ai bắt sống được Tôn Thất Thuyết sẽ thưởng 1000 lạng bạc, chém được Tôn Thất Thuyết sẽ thưởng 800 lạng; bắt sống được Trần Xuân Soạn thưởng 600 lạng bạc, chém được thì thưởng 300 lạng bạc. Qua đó có thể thấy vai trò của Trần Xuân Soạn trong phái chủ chiến và phong trào Cần Vương rất lớn.

Sau khi kinh thành thất thủ, từ sơn phòng Quảng Trị, Trần Xuân Soạn cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Hà Tĩnh. Trần Xuân Soạn trở về Thanh Hóa để chỉ đạo phong trào Cần Vương chống Pháp. Ông đã cùng với các sĩ phu yêu nước trong tỉnh chủ trương xây dựng cứ điểm Ba Đình ở Nga Sơn để trấn giữ cửa ngõ miền Trung. Sau đó, ông được phân công trực tiếp chỉ huy cánh quân ở Quảng Hóa (nay là Vĩnh Lộc) để hỗ trợ mặt ngoài cho căn cứ Ba Đình và Mã Cao, và giữ mối hiện hệ giữa Ba Đình và Mã Cao.


Lược đồ vị trí Ba Đình - Mã Cao. Nguồn: Sưu tập

Cuối năm 1886, Ba Đình và Mã Cao nối nhau thất thủ, Trần Xuân Soạn cùng Hà Văn Mao rút quân lên Điền Lư, huyện Bá Thước dự định dựa vào núi rừng hiểm trở để xây dựng lại phong trào.

Đến khi tình thế bất lợi, quân giặc tăng cường đàn áp phong trào Cần Vương, Trần Xuân Soạn đã sang Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ và tổ chức lại lực lượng. Việc không kết quả, bản thân ông cũng bị mắc kẹt không về nước tiếp tục chỉ đạo và tham gia chống Pháp được, ông đành sống lưu vong bên cạnh Tôn Thất Thuyết.

Ngày 17-12-1923, Trần Xuân Soạn mất tại Long Châu, Trung Quốc, thọ 74 tuổi.

Gia đình Trần Xuân Soạn là một gia đình yêu nước bất khuất. Quân Pháp đã từng cho đào lấy hài cốt thân phụ ông xếp giữa đường rồi dùng củi thiêu hủy, cốt để lung lạc tinh thần và để chiêu dụ ông. Nhưng ông vẫn không chịu khuất phục. Em trai ông là Trần Xuân Huấn cũng tham gia kháng chiến và hy sinh, người con trai thứ hai của ông là Trần Xuân Kháng cũng tham gia tích cực phong trào chống Pháp, rồi bị địch bắt giam, quản thúc. Có thể nói, Trần Xuân Soạn và cả gia đình đã một lòng hy sinh vì nghĩa lớn chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc.

Tổng Hợp: SGT Group