257 lượt xem

Trạng Ác Giáp Hải

Trạng Ác Giáp Hải là người có những cống hiến to lớn đối với nhà Mạc trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao.

Dấu chân trên đá      
                
                                                                                

Giáp Hải, tự Tiềm Phu, hiệu Tiết Trai, sau đổi là Giáp Trừng, sinh năm Đinh Sửu, niên hiệu Quang Thiệu thứ 2 (1517) đời nhà Lê, mất năm Bính Tuất, niên hiệu Đoan Thái nguyên niên (1586) đời Mạc Mậu Hợp (có tài liệu cho rằng ông sinh năm 1515 và mất năm 1585); người xã Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn (nay thuộc thành phố Bắc Giang); là một danh nhân khoa bảng tiêu biểu của cả nước, còn được gọi là Trạng Kế hay Trạng Ác, do tính ông rất ngay thẳng.

Theo gia phả và sách đá phát hiện ở Cốc Lâm - Dĩnh Trì - Lạng Giang, Giáp Hải là con đầu bà ba cụ Khánh Sơn họ Đỗ, từ nhỏ đã rất thông minh được học hành chu tất, học một biết hai, ứng đối như thần. Tuy vậy, không ỷ vào sự thông tuệ của mình, Giáp Hải rất chăm chỉ dùi mài kinh sử.

Tương truyền Giáp Hải ngày ngày thường tới chân núi Kế ngồi dưới lùm cây, đặt chân lên một phiến đá đọc sách, nên hòn đá chỗ Giáp Hải ngồi học còn in dấu hình bàn chân. Nhiều ngày mải học, quên ăn, khát nước thì múc nước giếng bên cạnh uống; buổi tối thường rang một túi hạt tiêu khi nào buồn ngủ thì nhấm nháp cho miệng cay cay mà tỉnh.

Học chừng "hết chữ" các ông đồ trong vùng, ông được cha cho lên Kinh đô học. Đến khoa thi Mậu Tuất (1538) niên hiệu Đại Chính thứ 9, Thái Tông Mạc Đăng Doanh, Giáp Hải thi đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh, tức Trạng nguyên.

Những bài thơ ngoại giao hay nhất

Giáp Hải nhiều lần được cử đi tiếp sứ nhà Minh, giải quyết vấn đề biên giới với tài ngoại giao xuất chúng, để vua quan nhà Minh thán phục và kính nể. Ông có tài làm thơ ứng đáp các sứ thần và chính ông đã soạn sách “Ứng đáp bang giao” gồm 10 quyển, chép các thư từ, biểu văn bang giao của các triều.

Bài thơ "Vịnh bèo" (họa lại bài thơ của Mao Bá Ôn) của ông, theo giáo sư Trần Quốc Vượng, là một trong những bài thơ “ngoại giao” hay nhất trong kho tàng thi ca Việt Nam.

Năm 1540, sau khi đỗ trạng được 2 năm, Thái Tông Mạc Đăng Doanh đột ngột qua đời, con là Mạc Phúc Hải lên thay. Phải kiêng huý tên vua nên Giáp Hải mới đổi là Giáp Trừng, còn dân gian vẫn quen gọi là Trạng Kế.
Năm 1558 đời Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo thứ 5, Giáp Trừng được cử làm Đề điệu cho kỳ thi hương ở trấn Sơn Nam. Trong kỳ thi này có thí sinh khởi xướng chống trường thi, Giáp Trừng kiên quyết xử lý làm gương cho các kỳ thi khác.

Năm 1573, ông được cử giữ chức Tuyên Phủ đồng tri, lên Nam Quan, Lạng Sơn cùng quan lại nhà Minh thương nghị giám sát biên giới. Với lý lẽ sắc bén, giải pháp thông minh, khiến người Minh phải nể phục, kính trọng, gọi ông là Giáp Tuyên phủ chứ không gọi tên.

Ông là người giỏi bang giao từ mệnh, đã năm lần được triều đình giao cho trọng trách đi sứ, ba lần nắm ấn quan to. Ngoài việc bang giao, mỗi lần tiếp sứ hay mỗi lần đi sứ ông thường có thói quen làm thơ ghi lại, sau tập hợp thành “Ứng đáp bang giao tập”.

Kế sách trị bình

Kế sách trị bình của Trạng nguyên Giáp Hải: Bồi dưỡng gốc nước cố kết nhân tâm, hậu đãi, giúp đỡ dân, không nên dùng hết sức dân, nên giảm bớt sự phục dịch của dân. 

Hiến kế giữ nước

Tháng 11/1577, Giáp Trừng vin cớ thấy sao chổi xuất hiện đã dâng sớ khuyên vua Mạc Mậu Hợp 6 điều: lễ vật dùng tế lễ phải thành kính cẩn thận; nếu vua có lòng nhân, thì bề dưới không kẻ nào không nhân; nước nào cả vua tôi trên dưới đều chạy theo mối lợi thì nước ấy sẽ nguy vong; Quốc gia lụn bại do quan tham; Nước nương tựa vào dân; Quân muốn thắng trận thì các tướng phải hoà hợp với nhau. Mạc Mậu Hợp nhận nhưng không làm theo ý tờ sớ này.

Ngày 21/2/1578, Mạc Mậu Hợp phong thêm hàm Thiếu bảo cho Thượng thư bộ Lại, Luân quận công Giáp Trừng. Giáp Trừng cố từ không nhận nhưng Mậu Hợp không cho từ.

Niên hiệu Quang Hưng thứ 2 (1579) tháng 3, Mạc Mậu Hợp thăng Giáp Trừng lên chức Binh bộ Thượng thư, Chưởng lục bộ sự, nắm quyền điều hành công việc của tất cả 6 bộ trong triều.

Ngày 23/9/1581, Giáp Trừng vào triều yết kiến xin về quê. Mạc Mậu Hợp "lại ban chỉ dụ gọi Thiếu bảo Luân quận công Giáp Trừng ra nhận chức và tham bàn chính sự trong triều giúp quyết đoán cơ mưu quân sự, cần phải nghĩ yêu nước quên nhà".

Trong dịp này, nhân có mưa bão lớn, Giáp Trừng dâng sớ, hiến kế giữ nước, trong đó có những lời tâm huyết: "Hiện nay những lính mới tuyển vào các doanh phần nhiều khí giới chưa tinh nhuệ, kỹ thuật chiến đấu chưa tinh, thuyền bè chưa chỉnh đốn, lại gặp thiên tai cảnh cáo chính là lúc đáng sợ nhất. Cho nên những chính sách trị an và tu chỉnh, không thể không rất cẩn thận.

Nên nghiêm minh pháp luật, thu vén kỷ cương, giữ vững nơi bờ cõi, tu sửa các thành quách, luyện tập binh mã, chỉnh bị khí giới, đóng thuyền dựng trại, định phiên thường trực, đúng kỳ phải tới, ban hiệu lệnh, hằng ngày tập luyện, cốt cho thật giỏi, chờ thời cơ sẽ phát động.

Lại cần bồi dưỡng gốc nước cố kết nhân tâm, hậu đãi dân mà không bắt dân khốn, giúp đỡ dân mà không bắt dân mệt, không nên dùng hết sức dân, nên giảm bớt sự phục dịch của dân. Đó là kế sách trị bình vậy". Mậu Hợp xem xong tờ sớ này liền ban lời uý dụ Giáp Trừng và triệu tới kinh sư để làm việc tại triều đường...

Về giả thuyết quê ở Bát Tràng

Sử xưa đều cho rằng Giáp Hải quê ở Bát Tràng, quê ngoại ở làng Công Luận, làm con nuôi người họ Giáp ở Dĩnh Kế, nhờ mẫu thân không tham bạc rơi nên được một thầy địa lý phương Bắc đặt mộ tổ tiên vào nơi vượng phát để rồi ông học hành đỗ đạt cao.

Chuyện rằng, mẹ Giáp Hải là người làng Công Luận, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, khi còn trẻ nghèo lắm, chỉ có một gian nhà tranh ở cạnh đường bán hàng nước. Bấy giờ có một người Tầu đi qua, vào hàng nghỉ, lúc đi bỏ quên một túi bạc. Cách nửa tháng nữa mới hốt hoảng lại hỏi thì bà đem ra trả lại, vẫn nguyên như lúc trước. Người khách xin biếu lại một nửa, bà ấy không lấy mà nói rằng: - Tôi chỉ vì không ưa của bất nghĩa nên mới nghèo thế này, sao bây giờ tôi lại chịu lấy của ông.

Người khách cảm tạ bụng ấy, mới hỏi rằng: - Mồ mả đấng tiên nhân nhà bà ở đâu, tôi tìm giúp cho bà một ngôi đất hay. Bà nói: - Tôi là đàn bà, chỉ có trọi một mình, không có anh em nào cả. Nay đã ngoài bốn mươi tuổi, dù được đất hay bao giờ phát đạt? Mà phát đạt thì làm gì nữa?

Người khách nói: - Nếu được chỗ đất hay, thì dầu đàn bà cũng phát phúc. Nói rồi bà mới đưa người khách đến chỗ ngôi mộ người cha. Người khách lập tức tìm đất cho, rồi dặn rằng: - Về sau thấy ai có nạn đến đây sẵn lòng mà cứu người ta, thì sẽ có sự may mắn.

Trạng nguyên Giáp Hải quê ở đâu

Trạng nguyên Giáp Hải quê ở đâu? Việc tìm thấy di văn của Trạng nguyên Giáp Hải trên bia mộ của cha ông đã kết thúc cuộc tranh luận quê ông ở Bắc Giang hay Hà Nội.

 
Truyền thuyết và những chứng cứ
Nửa năm sau, có người làng Bát Tràng, nhà nghèo, đi làm mướn kiếm ăn, khi ấy trời đã tối, gặp phải mưa gió, quần áo ướt lướt thướt, rét run cầm cập, qua hàng ấy xin vào trọ một tối. Bà ấy hỏi đầu đuôi cặn kẽ, cho vào rồi đốt lửa cho sưởi và dọn cơm cho ăn.

Đêm ấy rét lắm, mà nhà thì chỉ có độc một chiếc chiếu. Người kia thì rét không thể nào mà không nhường được chiếu cho. Mà để cho khổ thì chẳng đành lòng mới cho nằm chung một giường. Người kia đã được no ấm lại nằm chung với đàn bà, lạ gì lửa gần rơm, té ra thành tư thông với nhau.

Nhưng không ngờ người kia bị chứng hạn thấp, chỉ một lúc thì tắt hơi. Bà ấy kinh hoảng, sợ người ta phát giác ra, đang đêm phải lôi ra đám tha ma vùi xuống, mà bà ta cũng có mang từ đấy. 

Được vài tháng nữa, người Tàu lại đến hỏi: - Từ khi táng mả đến giờ đã cứu được việc gì cho người nào chưa? Bà ấy đưa ra chỗ mả người kia. Người khách ngắm nghía một hồi rồi nói: - Chỗ này là huyệt thiên táng đấy, nếu có thai thì tất sinh ra Trạng nguyên, Tể tướng. Đầy năm, quả nhiên sinh được một con trai, cốt cách lạ thường. Cậu bé đó chính là Giáp Hải...

Tuy nhiên vào năm 1998, một phát hiện quan trọng có liên quan đến Giáp Hải đã được phát lộ. Ấy là do một nhóm công nhân giao thông khi làm đường đã phát hiện một hòm đá hình chữ nhật tại xã Dĩnh Trì. Hòm đá gồm hai phiến đá nhẵn chồng khít lên nhau. Phần áp mặt vào nhau có văn bản viết bằng chữ Nho.

Sau khi dịch nghĩa, người ta biết đây là di văn của Giáp Hải, được ông soạn kỹ càng rồi yểm xuống mộ Khánh Sơn tiên sinh (cha đẻ Giáp Hải) vào năm Tân Dậu 1549. Một điều thú vị là phần nắp đậy có những dòng chữ viết thêm cho biết ngôi mộ đã được chuyển từ núi Ngò về xã Dĩnh Trì như thế nào. Việc tranh cãi ông là người Bắc Giang hay Hà Nội đi đến hồi kết.

Thông tin trên cho thấy, cụ nội Giáp Hải là Giáp Thuận Trung, gặp loạn nhà Minh, nhà ở phía nam thành Xương Giang, vì không theo sự sai khiến phu dịch của nhà Minh, lãnh cư ở xã Như Thiết Thượng, Yên Dũng, rồi làm mục trưởng hương ấy, khi chết an táng tại đó.

Ông nội của Giáp Hải là Giáp Bảo Phúc trở lại quê cũ lập nghiệp lấy bà họ Ngô năm Nhâm Dần niên hiệu Hồng Đức thứ 13 (1482) sinh ra Giáp Hà là phụ thân của Giáp Hải. Như vậy, Giáp Hải không phải là con nuôi mà là con đẻ đích thực của dòng họ Giáp, cha là cụ Giáp Hà, huý Đức Hưng, hiệu Khánh Sơn sinh ở Dĩnh Kế.

Nhân dân ngưỡng vọng

Trạng nguyên Giáp Hải, khi làm quan chính trực, thanh liêm, được nhà vua sủng ái tin dùng, các bạn đồng triều kính phục. Thời gian làm quan của ông trước sau năm lần giữ chức Thượng thư, ba lần giữ chức đài ấn, được phong tước Thái bảo Sách quốc công.

Ông mất vào tháng 12/1586, tại Dĩnh Kế, thọ 70 tuổi. Khi ông qua đời, nhân dân đã an táng, xây lăng quan Trạng, lập đền thờ quan Trạng. Dân và Nho sĩ hai huyện Phượng Nhãn - Bảo Lộc phủ Lạng Giang xưa lập văn chỉ, khắc bia các bậc tiên hiền của quê hương, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải và con ông là Tiến sĩ Giáp Lễ.

Đặc biệt dân Dĩnh Kế tổ chức tế lễ rước sách uy nghiêm trong ngày hội làng và rằm tháng 3 âm lịch hàng năm. Quan Trạng Giáp Hải được thờ phụng cùng với vị thần Cao Sơn - Quý Minh, với ngày hội lệ tháng 3 và việc thờ phụng được ghi vào hương ước của xã, vào bia ký ở đền và văn chỉ.

Những nguồn di sản trên đã chứng tỏ mối quan hệ, tình cảm gắn bó sâu sắc của Giáp Hải với Dĩnh Kế và sự nhớ ơn, ngưỡng vọng của nhân dân Dĩnh Kế với Giáp Hải. So với các địa phương Bát Tràng hay Công Luận thì Dĩnh Kế mới chính thực là quê hương của Trạng nguyên Giáp Hải, mà dân gian vẫn gọi thân thương là Trạng Kế - ông trạng của Dĩnh Kế.

Khoahocdoisong.vn