462 lượt xem

Tư Tề

Tư Tề – nạn nhân của tranh chấp quyền lực

Là con trưởng của Lê Thái Tổ, từng theo vua cha đi đánh giặc vào sinh ra tử từ nhỏ, từng được phong Quốc vương, từng được giao trông coi việc nước…, nhưng Quận Ai vương Tư Tề nạn nhân của tranh chấp quyền lực trong cung đình, để đến nỗi bị truất làm thường dân và cuối đời chết trong quên lãng.


Đền thờ Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ, thân mẫu của Quận Ai vương Tư Tề.

Làm con tin trong trại giặc

Quận Ai vương Tư Tề là con trưởng của Lê Lợi (Lê Thái Tổ) và bà Thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ. Lê Tư Tề sinh vào khoảng năm 1403, lúc nhỏ ông được cha giao cho Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn dạy văn, dạy võ và ông đã sớm bộc lộ tài năng.

Tư Tề theo vua (Lê Lợi) đi đánh giặc, tính dũng cảm ham giết giặc. Năm Thiên Khánh thứ nhất, thời Trần Cảo (1426) được trao chức Thị Trung. Tháng 6 mùa hạ năm Đinh Mùi (1427) gia phong thêm chức Tư đồ, Đại Tư mã Lê Nhân Chú (Lưu Nhân Chú) làm Tư không, Thiếu úy Lê Vấn, Lê Sát làm Tư mã, Lê Bối làm Thiếu úy và răn họ rằng: “Chức tước đã cao, sớm khuya chớ có lơ là, thỏa mãn mà sao nhãng lập công”.

Ngày 22 tháng 11, vua sai Tư đồ Tư Tề và Lê Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin với quân Minh để thực hiện hòa ước với Vương Thông, tháng 12 trở về triều.

Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi vua tại điện Kính Thiên, xưng là Thuận Thiên thừa vận Duệ Văn Anh Vũ Đại vương, sắp đặt lại triều chính rồi ban chiếu phong Tư Tề làm Quốc vương.

Lê Quý Đôn viết: “Vua sai Nhập nội kiêm hội Bình chương sự Lê Vấn, Đại Tư mã Lê Ngân và Thiếu phó Lê Văn Linh truyền tờ kim sách dựng con trưởng Hữu tướng quốc Khai Quận công Tư Tề làm Quốc vương, được tạm coi việc trong nước, lại sai Tư khấu Lê Sát, Tư không Lê Nhân Chú, Tư mã Lê Lý và Thiếu úy Lê Quốc Hưng tuyên đọc tờ kim sách lập con thứ Lương quận công Lê Nguyên Long làm Hoàng Thái tử”.

Tạm coi việc nước

Vua ban chiếu rằng: “Đạo kinh luân thiên hạ, phải tính ban đầu để yên lúc cuối, phải lập pháp luật để lưu về sau. Thế cho nên cha làm con nối, đạo nhà rất hanh thông, anh truyền em tiếp, nền nước sẽ vững bền. Các bậc vua giỏi thời xưa lo tính việc rất sâu xa.

Trẫm thân mặc áo giáp, dầu dãi tuyết sương, 13 năm trời kể cũng khó nhọc. Nay trí lực kém dần, tuổi cũng đã cao mà việc nước rất nhiều, khó lòng một mình liệu lý. Như Tư Tề (con trưởng) hiện đã khôn lớn, vào hạng thành nhân. Tuy liệu việc chưa thật chu đáo tinh vi cho lắm, nhưng mắt thấy tai nghe, cũng đã từng trải qua nhiều việc. Hãy cho tạm coi việc nước, để giúp đỡ trẫm.

Nguyên Long (con thứ) tính tuy minh mẫn, nhưng tuổi còn non, hãy nên nuôi dưỡng dự trữ trong Thanh Cung, chờ ngày đức tính đầy đủ. Khi nào Tư Tề lên ngôi chính thức, thì lúc ấy Nguyên Long lại coi việc nước, việc quân…

Sau đây, hoặc có kẻ nào không nghe lời trẫm, bàn luận trái lại… thay đổi phép trong tờ chiếu này, thì kẻ ấy chỉ là phường xẩm nịnh, chực đem mưu gian để tính kế Vương Mãng và Tào Tháo chứ không phải tận trung với nước, pháp luật tất không tha…”.

Hôm sau vua chỉ huy cho văn võ bá quan và các phủ, lộ, huyện, châu, trấn, hễ ai có việc gì đến trình bày với Quốc vương và Hoàng Thái tử thì dùng chữ “khải”, không được dùng chữ “tấu”, và xưng hô là “Quốc vương điện hạ”, “Thái tử điện hạ”. Nếu Quốc vương có tuyên cáo hiệu lệnh thì dùng chữ “Quốc vương chỉ huy”, không được dùng chữ “sắc”.

Năm thứ 5 (1432) vua sai Quốc vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Phục Lễ, bức hàng tù trưởng châu ấy là Đèo Cát Hãn và con y là Đèo Mạnh Vượng, rồi đem quân về. Lúc bấy giờ nhà vua nhiều bệnh, chính sự lớn của nhà nước đều giao cho Vương quyết định.

Tư Tề, nạn nhân của tranh chấp quyền lực - Những năm tháng bị ruồng bỏ

Tư Tề những năm tháng bị ruồng bỏ, nạn nhân của tranh chấp quyền lực. Từng được phong Quốc vương, nhưng cuộc đời Tư Tề lại kết thúc trong lãng quên.


Hình minh họa.

Bị phế làm thường dân

Không bao lâu trước khi băng, Lê Thái Tổ lại ban tờ sắc cho thiên hạ, đại thần, bá quan văn võ và quân dân: “Làm tôi phải trung, làm con phải hiếu, thế mà con trẫm là Tư Tề không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn trời đất, không theo đạo của các đấng quân vương. Nay giáng Tư Tề xuống chức Quận vương. Vậy bố cáo thiên hạ“.

Tháng 8, vua giáng vương xuống tước Quận vương, ban chiếu lấy con thứ Nguyên Long thừa kế đại thống.

Tháng giêng, mùa xuân năm Thiệu Bình (niên hiệu của vua Lê Thái Tông) thứ nhất (1434), có 3 người thị nữ chạy đến tâu với vua Lê Thái Tông rằng: Quận vương nói nhiều điều càn bậy quái gở, tỏ ra không thuận.

Vua Thái Tông nổi giận, lệnh cho các văn võ đại thần và bá quan không được vãng lai tới nơi ở của Quận vương. Còn Quận vương không có người tới gọi thì không được vào triều. Nếu ai dám tư tình dẫn vào cửa hoặc trăm quan có ai dám tự ý đến nhà Quận vương thì bị tội nặng.

Tháng 5 năm thứ 5 (1438) phế truất làm thường dân. Sau đó ông mất, được truy phong là Quận Ai vương.

Sử sách không thấy thêm một dòng nào nữa viết về Tư Tề. Hơn 300 năm sau Lê Quý Đôn khi viết về Lê Thái Tông có lời bình: “Vua Lê Thái Tông nghi kỵ anh mình, phế truất ruồng đuổi một cách ngang ngược”.

Các nhà sử học các thời không ai nhắc gì tới vợ, con và cuộc đời Quận Ai vương Tư Tề nữa. Bởi ông ấy bị truất xuống làm thường dân.

Chỉ còn trong các tư liệu dân gian

Tuy vậy, trong dân gian còn có hàng chục dòng họ ở các nơi Tây Bắc, Hà Tây (cũ), Thanh Hóa, Quảng Nam nhận mình là hậu duệ của Tư Tề.

Gần đây ở Hà Tây (nay là Hà Nội) người ta phát hiện có người còn giữ gia phả của chi họ Tư Tề: “Tương truyền khi bị phế làm thứ dân, Tư Tề đã về chùa Tường Quang, thôn Thượng Mạo tu hành và viên tịch tại đây.

Trong bộ Ngọc phả Nguyễn tộc phần Bách Việt Ngọc phả truyền thư hiện còn ở quê Tường Quang, xã Phú Lương, Thanh Oai, Hà Nội trong đó có đoạn: “Lê Từ biệt danh Tư Tề, là con trưởng Thái Tổ hoàng đế, bị phế làm thứ dân, lập con thứ là Lê Nguyên Long làm Thái Tông hoàng đế.

Lê Từ làm vương, gặp lúc Thị Anh nhiếp chính nên bị giáng làm thứ dân. Người có 4 người con, đành bỏ hoàng triều đi tìm Hoằng Tín hầu Nguyễn Thực cầu cứu.

Hoằng Tín hầu nói: Kẻ gian ác hiểm độc rất nhiều, không thể ra tay được. Chùa Tường Quang ở tại Bác Lãm, thành Long Biên, khu Thượng Mạo thực là chốn để ngài dung thân. Đến đây tu hành đã có lão phu bảo vệ cho ngài.

Thị Anh muốn giết Tư Tề nhưng thấy Hoằng Tín hầu đứng ra bảo vệ nên cũng không dám hành động.

Nhân dân gia thân đệ tử làm lễ an táng Ngài ở trước cổng chùa Tường Quang”.

Quốc vương Tư tề có 4 người con, nhưng đều không để lại tung tích, ngoại trừ thứ nữ Mai Hoa mà người đời tôn là Mai Hoa công chúa.

Tư Tề nạn nhân của tranh chấp quyền lực. Sau khi bị loại bỏ, ông và gia đình sống cô quạnh giữa Đông Kinh hoa lệ. Họ sống nay đây mai đó, mai danh ẩn tích. Cũng có lúc Tư Tề định dấy binh giành lại những gì đã mất, nhưng sức cùng lực kiệt phải về ở Nam Đàn (Nghệ An) rồi Nam Điền (Thanh Hóa), cuối cùng ở vùng Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Tây cũ).

Còn Mai Hoa công chúa chu du thiên hạ, lúc ở Nông Cống rồi lên Côn Sơn, rồi về Phù Lưu Tế thăm nhà. Và cuối cùng lấy Đạo hiệu Tuyết Quỳnh về động Hương Sơn, bên dòng suối Yến với những rừng mơ quanh suối Giải oan. Ni cô Thích Diệu Tuyết Quỳnh cùng tiểu đồng sống giữa cảnh non xanh nước biếc.

Sau 38 năm tụng niệm kinh Phật, tách khỏi cõi trần, bà viên tịch ở tuổi 56.

Tổng Hợp: SGT Group