398 lượt xem

Ý nghĩa tục lễ chùa đầu năm của người Việt

Những ngày đầu tiên của năm mới mọi người đều muốn đi lễ chùa để cầu mong cho bản thân và gia đình mình những điều an lành nhất. Và trong những ngày đầu tiên của năm mới, bạn nên lưu ý một số điều dưới đây để tránh những điều không may mắn.

 
Nguồn: Sưu tập

Lễ chùa đầu năm, ước nguyện một năm mới an lành

Theo tác giả Bùi Xuân Tiến thì người Việt tin rằng đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh.

Còn theo sư thầy Thích Thanh Huân (chùa Pháp Vân, Hà Nội) thì phong tục đi chùa là một nét văn hóa của người Á Đông nói chung, đặc biệt là những nước ảnh hưởng bởi khí hậu 4 mùa.

Tại Việt Nam cũng theo quy luật của tự nhiên “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (mùa xuân thì sinh ra, mùa hạ thì trưởng thành, mùa thu thì thu liễm, mùa đông thì bế tàng).

Vì vậy, phong tục đi chùa đầu mùa xuân vừa là khởi đầu của 1 năm, khởi đầu của sự sống và nó trở thành yếu tố tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt.

Sau khi vãn bữa cơm chiều tất niên, những người phụ nữ trong gia đình đã tất tả sắm lễ đi chùa. Nải chuối, một lễ trầu cau (một, ba, năm, bảy quả cau lá trầu), thêm mấy đồng tiền mới – nhà nào tươm hơn thì có xôi, có oản – tất cả được bày lên mâm sẵn sàng.

Các cụ, các bà khăn áo tươm tất đi trước, con dâu, con gái đi sau bê lễ. Đêm ba mươi tết, trước giờ lễ giao thừa ở gia tiên, những người già đã đến thắp hương nơi Tam Bảo, với tất cả lòng thành kính.

Trong đêm giao thừa, dân chúng đến lễ tạ tại các cửa chùa rất đông. Họ đến lễ tạ như lời tri ân, cảm ơn cho năm cũ đồng thời cầu cho năm mới được may mắn.

Bàn về tục lễ chùa đầu năm của người Việt, theo TS.Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm) văn hóa Phật giáo đã trở thành những yếu tố không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên đán của người Việt, từ mâm ngũ quả, hai cây mía (gậy ông bà, ông vải), dựng cây Nêu để biểu thị lãnh thổ được đức Phật bảo vệ…

Đi lễ chùa đầu năm là một phong tục tốt đẹp. Dù đi làm ăn ở đâu xa, tết trở về làng mình, thắp nén nhang trước mộ tổ tiên, viếng thăm ngôi chùa làng nhỏ bé, nhưng gần gũi và thiêng liêng.

Chùa làng không phải chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo mà còn là chỗ để mỗi con người lắng lại lòng mình với những ý nghĩ tốt lành.

Một năm mới, người ta đi chùa là để hướng con người nghĩ đến cái tâm tốt lành, hướng thiện, đức từ bi, trí tuệ của nhà Phật. Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng nhiều vị tổ khác đã từng nói rằng, Phật tại tâm, mang hàm ý mỗi chúng sinh, mỗi con người đều vốn đã có cái Phật tính.

Phật không phải ngoại cầu, mà tìm ở trong chính bản thân mình. Cho nên, đi lễ chùa chỉ là để làm khởi phát cái thiện tâm của mỗi người.

Theo TS. Dương, lễ chùa ngày nay thì đúng là quá nhiều “tệ nạn”. Người ta mang cái “tục tâm” vào chùa, đặt tiền thật, tiền giả lên ban tam bảo, đặt tiền lễ vào tay tượng lòng tượng, (thậm chí đút cả vào miệng tượng), người ta hóa vàng trong chùa. Không nên đặt tiền lên bàn thờ phật
Tiền, dù thật hay giả, cũng chỉ là để cho chúng sinh. Vào chùa lễ Phật để đi tìm sự an lạc trong tâm thái, chứ đâu phải để cầu xin đắc phúc, được lợi?
Rồi xuýt xoa hít hà, sờ mó chân tay tượng để thoa lên mặt lên mũi, rồi chen chúc tranh nhau cướp mấy mảnh vải khai quang trong lễ hô thần nhập tượng,… toàn là những hành động phản văn hóa.


Còn theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Tư Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nói về một số quan niệm sai lầm trong việc đi lễ chùa đầu năm của nhiều người.

“Ngày xưa quan niệm của cha ông ta khác lắm. Các cụ quan niệm Phật là tự tâm và khi đi lễ đầu năm, muốn công đức hay có thành tâm xây dựng chùa thì bao giờ cũng một là gửi thẳng đến sư thầy trụ trì, hoặc bỏ vào hòm công đức.

Chứ không như ngày nay, quan niệm của mọi người là để ít tiền lên bàn thờ mới thể hiện lòng thành kính với Phật.

Hay mọi người quan niệm cứ cầu lộc, cầu phúc, cầu may mắn bằng ít tiền lễ và xoa tay vào tượng là đạt được lời cầu..”, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.

 Nguồn: internet