240 lượt xem

Binh bộ Thượng thư, Trạng nguyên Dương Phúc Tư - kỳ 3: Dòng họ khoa bảng

- Dòng họ Dương từ lâu đã được công nhận là dòng họ khoa bảng nổi tiếng của Việt Nam với nhiều người tài năng xuất chúng.

Dòng họ khoa bảng

Ngay sau khi Trạng nguyên Dương Phúc Tư qua đời, con cháu và dân sở tại dựng nhà thờ trên nền đất của dòng họ; nhà thờ được xây dựng từ thời Lê và đã trải qua nhiều lần tu sửa vào thời Nguyễn. 

Nhà thờ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhà thờ có nét kiến trúc Lê - Nguyễn đan xen và giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như hoành phi, câu đối, các đồ thờ, các sắc phong, gia phả, bia đá, câu đối tưởng nhớ và ca ngợi công đức và sự nghiệp của Dương Phúc Tư.

Ngoài ra khu lăng mộ và nhà bia tưởng niệm Dương Phúc Tư tại gò Mả Cả, thôn Ngọc, xã Lạc Đạo cũng được con cháu và dòng họ Dương xây dựng lại to đẹp và tôn nghiêm.

Tưởng nhớ và biết ơn công lao Trạng nguyên Dương Phúc Tư, năm 2002, huyện Văn Lâm đã quyết định đặt tên ngôi trường chất lượng cao của huyện là Trường Trung học cơ sở Dương Phúc Tư. 

Ở nước ta, họ Dương là một trong những dòng họ xuất hiện sớm, với những đặc trưng cơ bản là yêu nước, hiếu học, đoàn kết, có ý thức cùng trăm họ trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước và hưng thịnh nước nhà. Và còn một điều đặc biệt nữa là họ Dương từ lâu được công nhận là dòng họ khoa bảng nổi tiếng của Việt Nam.

Tại Văn miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội, trong số 82 văn bia thì có 21 người có tên họ Dương, với tổng số 57 tiến sĩ, trạng nguyên. Và thời nào cũng vậy, dòng họ Dương đều có những con người tài năng xuất chúng và hết lòng vì dân, vì nước.

Dòng họ Dương cũng là một trong những dòng họ lớn ở xã Lạc Đạo với trên 3.000 nhân khẩu, chiếm khoảng một phần tư dân số của xã.  Khuyến học, khuyến tài luôn là nhiệm vụ trọng tâm của dòng tộc. Mỗi năm, dòng họ có khoảng 40 cháu đỗ Đại học và 50 - 70 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Hàng năm dòng họ tổ chức họp, giỗ Tổ vào ngày Rằm tháng Giêng và trao thưởng cho con cháu đỗ đạt. Các buổi vinh danh, khen thưởng các cháu học sinh có thành tích cao trong học tập trở thành ngày hội của dòng họ, để con cháu đời sau thêm tự hào và viết tiếp truyền thống khoa bảng của tổ tiên. 

Chân nho - đại thủ bút

Ngày 05/12/2015, nhân dịp kỉ niệm 510 năm ngày sinh của Dương Phúc Tư, để tưởng nhớ và phát huy tinh thần hiếu học của Dòng tộc Họ Dương, đoàn đại biểu Họ Dương Việt Nam do ông Dương Thanh Biểu - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội đồng Họ Dương Việt Nam dẫn đầu cùng đoàn Họ Dương Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Cùng ngày, tại quê hương Lạc Đạo, Văn Lâm, Hưng Yên, Hội đồng Họ Dương xã Lạc Đạo cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm 510 năm ngày sinh của Dương Phúc Tư và tổ chức tặng bằng mừng thọ các cụ cao niên; vinh danh khen thưởng các cá nhân họ Dương có thành tích cao.

Trạng nguyên Dương Phúc Tư là một “chân nho - đại thủ bút”. Song, nếu không hiểu rõ hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì không thể thấy hết cái vĩ đại của ông và nếu hiểu khác đi thì sẽ không còn là “chân nho” nữa.

Việc ông từ quan về dạy học không phải khước từ hay thoái thác trách nhiệm của bậc đại sĩ đối với dân, với nước, mà là để giúp giang sơn xã tắc và trăm họ bằng việc đào tạo ra những con người có đủ tài xoay chuyển vận mệnh của dân tộc về sau. 

Khoahocdoisong.vn