329 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 1

Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia

A person riding a horse with a person on the backDescription automatically generated with low confidence

Kỵ binh thời Trần

Trần Nguyên Đán là hậu duệ đời thứ 4 của Trần Quang Khải (1241 – 1294), vị Thượng tướng em ruột vua Trần Thánh tông.

Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446), qua Nam Ông Mộng Lục, cho biết Nguyên Đán giữ chức Ngự sử Đại phu thời Trần Dụ tông (1341 – 1369). Khi Nhật Lễ nối ngôi, chính sự rối ren. Ông dâng thư can gián không được nên bỏ chức mà về.

Cụ Trần nổi bật trong lịch sử khi ủng hộ Trần Phủ phế truất Nhật Lễ (1370). Cung Định vương Phủ lên ngôi lấy niên hiệu Thiệu Khánh (1370 – 1372), phong Nguyên Đán chức Tư đồ, giao quản lĩnh xứ Lạng châu (một phần các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng nay). Năm 1374, qua thơ văn của chính Nguyên Đán, chúng ta biết Ông có mặt trong kỳ thi tiến sĩ tổ chức tại Thiên Trường. Năm 1375, Ông được giao việc quân trấn Quảng Oai (một phần thuộc Hòa Bình, một phần thuộc Hà Tây cũ). Tuy nhiên, do sở hữu phủ đệ tại Thăng Long, ta hiểu rằng Nguyên Đán kiêm quản công việc từ kinh đô, chỉ xuống địa phương khi cần thiết.

Năm 1385, Cụ Trần về trí sĩ ở Côn Sơn (thuộc Hải Dương nay) cho đến khi tạ thế vào năm 1390. Chức vụ cao nhất của Cụ là Nhập nội Kiểm hiệu Tư đồ Bình chương sự, tước Quốc thượng hầu, tên thụy Chương Túc.

Nguyên Đán trưởng thành, làm quan suốt thời suy tàn của nền văn minh Lý-Trần. Ngoài lý do tài đức hạn chế của các vị hoàng đế sau Minh tông, thời tiết thất thường trên môi trường thoái hóa tại châu thổ sông Hồng vào nửa sau thế kỷ XIV là nguyên nhân quan trọng khác tạo nên biến loạn xã hội. Chiến tranh dằng dai với Ai Lao, Chiêm Thành đẩy nhanh thêm quá trình suy vong.

Hoàn cảnh thúc bách từ cả hai phía trong-ngoài đòi hỏi tầng lớp cai trị phải thể nghiệm biện pháp khả thi nhằm thay đổi tình thế vì hiệu quả của cơ cấu chính quyền dựa trên lý thuyết tam giáo đồng nguyên nhưng đậm chất bản địa đã chạm điểm tới hạn. Bộ máy đó không huy động đủ nguồn lực phục vụ hoạt động quân sự thường xuyên trên quy mô lớn. Qua lời các nhà thơ đời Trần, chúng ta biết những địa điểm như Chi Lăng (Lạng Sơn), Chân Đăng (Phú Thọ), Trường châu (Ninh Bình), núi Phả Lại (Hải Dương) bị coi như vùng biên viễn, bên ngoài là không gian mường mán. Quyền lực triều đình chỉ nằm gọn trong đồng bằng sông Hồng, cộng thêm vùng duyên hải trải dài từ châu Ái đến biên giới Chăm. Không gian chật hẹp này loang lổ những thái ấp, điền trang, đất thế tập của thổ hào hoặc tài sản tôn giáo, những tiểu vùng mà quyền lực triều đình khó lòng chạm đến.

Phan Phu Tiên, sử gia đời Lê sơ có nhắc lại lời tâu lên Minh tông bởi kẻ sĩ đương thời về hệ thống quản lý thiếu chặt chẽ như sau :

Trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. (Toàn Thư II, 148) (a) Nguyên văn :
民多遊手遊足年老無籍賦役不供差役不及

Dân đa du thủ du túc niên lão vô tịch phú dịch bất cung sai dịch bất cập.

Lời tấu phản ánh tình trạng ngân sách thiếu hụt trong khi xã hội còn nhiều hạng dân không chịu thuế. Người dâng tấu, mệnh danh “kẻ sĩ”, thuộc nhóm trí thức mới chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Tống nho, luồng tư tưởng theo chân di dân Phúc Kiến, Quảng Đông đến Đại Việt khi Mông Cổ thâm nhập trung nguyên; hoặc có thể từ trước nữa, theo dòng hải thương trên biển Đông. Kêu gọi cải cách mạnh mẽ nhất đến từ các nhà nho thuộc trường phái Chu Văn An như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trần Nguyên Đán. Mục tiêu của họ là xây dựng hệ thống hành chính thư lại kiểu nho giáo, lấy phương Bắc làm mẫu mực.

Trần Nguyên Đán giữ chức vụ cao nên qua thơ ca của Ông chúng ta biết được nhiều về tình hình chính trị-xã hội. Trăn trở về phương thức cai trị thường xuyên trở đi trở lại trong các bài thơ. Thời trẻ, Nguyên Đán là nhà nho đúng nghĩa với nhiều thiện cảm dành cho thú điền viên. Về già, Ông hoàn toàn đặt niềm tin vào Đạo học. Ở đó, Nguyên Đán tìm thấy lối thoát cho cả triều đại lẫn cá nhân Ông.

Nghệ Tông suy nghĩ ngược lại, Ông cho rằng biến loạn, suy đồi sinh ra từ bọn thư sinh học đòi biến pháp mà không hiểu sự tinh tế trong việc cai trị một xứ đặc thù như Đại Việt. Ngay sau khi dẹp Nhật Lễ, Nghệ tông xóa hết những thay đổi tiến hành bởi nho sĩ dưới thời Dụ tông. Khác biệt giữa vua và vị tướng đầu triều tạo cơ hội cho Hồ Quý Ly dần thâu tóm đại quyền.

Mâu thuẫn này không phải hời hợt, nó rất gay gắt dù đã được “hóa mềm” bởi vị nguyên lão trí thức. Chúng ta dễ dàng nhận ra sự quyết liệt trong tuyệt vọng của quan Tư đồ qua di văn. Tận lúc hấp hối, Nguyên Đán vẫn khuyên Nghệ tông xem nước Minh như cha, Chiêm Thành như con, lời khuyên mang hồn phách kinh sách đại quốc. Dưới mắt Nghệ tông, dĩ nhiên Chiêm Thành không chỉ là mối đe dọa về quân sự mà còn là đối tượng phải tranh thắng trong lĩnh vực buôn bán. Về nước Minh, ông đã nói rõ từ lúc mới lên ngôi : “Nam Bắc mỗi bên tự làm đế nước mình”. Dù bạc nhược và hay dựa dẫm người dưới, nhưng tinh thần của vị quân chủ Đại Việt vẫn sáng suốt.

Ông cũng có vấn đề với Trang Định Đại vương Trần Ngạc, con trưởng Nghệ tông. Trang Định làm thơ cả chữ Hán lẫn chữ Nôm mỉa mai Nguyên Đán khi Ông về hưu. Nguyên nhân vì sao chúng ta chẳng bao giờ biết được. Thái độ xa cách với dòng vua ảnh hưởng mạnh đến con rể Nguyễn Phi Khanh và cháu ngoại Nguyễn Trãi. Hai vị dễ dàng quay lưng với họ Trần để phục vụ chủ mới Hồ Quý Ly, nhà cải cách áp dụng lý thuyết Nho giáo để trị nước theo kiểu riêng. Ý hướng này mang hậu quả bi thảm đến chị họ của Ông. Khi người Minh sang, Trần Thúc Dao, một người con của Nguyên Đán, bị Giản Định đế Trần Ngỗi, em ruột Ngạc, giết cả vợ con lẫn bộ thuộc do hợp tác với nhà Hồ và sau đó, với người Minh. Có thể giải thích sự tàn bạo quá mức cần thiết bằng lý lẽ nào ? Phải chăng Nguyên Đán đã lộ thông tin khi Ngạc bàn bạc với Ông về việc khống chế Hồ Quý Ly, dẫn đến cái chết của Đế Hiện và sau đó là của chính Ngạc ?

Chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều khía cạnh trong tâm hồn Nguyên Đán qua từng bài thơ để lại. Dù rời rạc về chi tiết thực tế, nhưng một tinh thần điềm đạm, quan tâm tới dân chúng, bình tĩnh trước thế cuộc vẫn xuyên suốt trong các vần thơ. Qua đó, có thể hình dung lại giai đoạn xáo trộn, bi thương mà chính sử không phản ánh hết. Tham vọng chuyển từ thơ sang thơ xin dành cho cao nhân hoặc tao nhân. Việc dịch thuật dưới đây chủ yếu cố gắng truyền tải được ý tứ của tác giả để hậu bối có cái nhìn ít phiến diện hơn về con người đã trầm tư và sống qua giai đoạn tìm đường trăn trở nhất trong lịch sử.

NHÀ QUÝ TỘC VĂN NHÃ

Nguyên Đán rất khâm phục và kính trọng Chu Văn An (? – 1370). Về phong cách sống, dường như Ông chịu ảnh hưởng nhất định từ vị thầy nổi tiếng này. Ông không thích võ bị, nhưng tự hào đọc nhiều sách.

Nhân khí Văn Trinh vào triều nhận trông coi Quốc tử giám, Nguyên Đán có thơ mừng :

 

賀樵隱朱先生拜國子司業 Hạ tiều ẩn chu tiên sinh bái quốc tử tư nghiệp
學海迴瀾俗再醇, Học hải hồi lan tục tái thuần,
上庠山斗得斯人。 Thượng tường Sơn Đẩu đắc tư nhân.
窮經博史功夫大, Cùng kinh bác sử công phu đại,
敬老崇儒政化新。 Kính Lão sùng Nho chính hoá tân.
布襪芒鞋歸詠日, Bố miệt mang hài quy vịnh nhật,
青頭白髮浴沂春。 Thanh đầu bạch phát dục Nghi (a) xuân.
勳華只是垂裳治, Huân Hoa (b) chỉ thị thuỳ thường trị,
爭得巢由作內臣。 Tranh đắc Sào, Do (c) tác nội thần.

(a) Nghi : tên một dòng sông thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung quốc. Lời Tăng Tích trả lời Khổng Tử về chí hướng trong đời người ghi nhận bởi sách Luận Ngữ : “Dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu” (浴乎沂,風乎舞雩), Tắm sông Nghi, hóng gió ở đài Vũ Vu. Chỉ đời thái bình.
(b) Huân, Hoa : Đế Nghiêu và Đế Thuấn, hai minh quân thời huyền sử.
(c) Sào, Do : Sào Phủ và Hứa Do, nhân vật trong truyện cổ Trung Hoa. Chỉ các ẩn sĩ không màng danh lợi.


Mừng tiên sinh Chu Tiều Ẩn được trao chức Tư nghiệp Quốc tử giám

Trong biển học, sóng lớn quay lại khiến phong tục trở nên thuần phác,
Quốc tử giám đã có bậc thầy cao như Thái Sơn, sáng như Bắc Đẩu,
Nghiên cứu tận cùng kinh sách, thông suốt sử, công phu thâm hậu,
Kính đạo Lão, sùng đạo Nho, phép tắc và học thuật mới mẻ.
Ngày ca hát trở về chân mang vớ vải giày cỏ,
Già trẻ đều thấm đẫm mùa xuân sông Nghi.
Chính sách của vua Phóng Huân, Trùng Hoa chỉ là rủ áo mà cai trị,
Vì được Sào Phủ, Hứa Do làm bầy tôi tại triều.

Theo Toàn Thư, Tiều Ẩn Chu Văn An người huyện Thanh Đàm (nay thuộc Hà Nội), được Trần Minh tông (1300 – 1357) mời ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám để dạy Thái tử. Qua lời ca ngợi bên trên, chúng ta thấy Văn Trinh thuộc dạng cư Nho mộ Lão. Quan điểm của thầy Chu được tiếp nối bằng thái độ bài xích Phật giáo của Lê Quát, học trò Ông.

Cái mới mẻ trong phép tắc và học thuật của Văn Trinh đến từ nguồn nào ?

Trần Quốc Vượng (1934 – 2005), người từng cùng Vũ Tuân Sán đến Thanh Liệt tìm hiểu sự tích liên quan đến Văn An đã phát hiện gia phả họ Chu, theo đó, cha Ông là một người Phúc Kiến tên Chu Văn Hưng. Thanh Liệt chỉ là quê mẹ. Khi tổ tiên Ông đến biển Nam hẳn đã mang theo kiến thức mới lạ, vốn là thành tựu của văn hóa rực rỡ đời Tống. So với tiền triều Lý, văn thơ Trần dưới ảnh hưởng di dân có sức bật lớn, phồn tạp hơn về đề tài, đầy đặn hơn về số lượng, phong nhã hơn về câu cú. Nhà nho Đại Việt đã được (hay bị) Hán hóa mức độ cao hơn trước nhiều.

Nguyên Đán tin rằng quốc gia sẽ được ổn định nếu nhà cầm quyền sử dụng nho sĩ trong quản trị xã hội. Ý tưởng này vào thời điểm đó không hoàn toàn trùng hợp với đường lối trị nước của hoàng tộc Trần. Minh tông và Nghệ tông, mặc dù trao quyền cho nho thần một cách rộng rãi, vẫn phê phán ý tưởng cải cách điển chế quá triệt để của bọn “học trò mặt trắng”.

Chúng ta tiếp tục tìm thấy thái độ chuộng văn khinh võ của Nguyên Đán qua bài thơ sau đây:
贈敏肅
一生堪作鼓角胡 ?
笑殺披裘躍馬徒。
垂後恥無名耿耿,
狂歌空有響嗚嗚。
誰云此物非凡物,
自覺今吾亦故吾。
勸汝勤奉學周孔,
誇奇鬥巧有如無。
Tặng Mẫn Túc
Nhất sinh kham tác cổ giác (a) hồ ?
Tiếu sát phi cừu dược mã đồ.
Thùy hậu sĩ vô danh cảnh cảnh,
Cuồng ca không hữu hưởng ô ô,
Thuỳ vân thử vật phi phàm vật,
Tự giác kim ngô diệc cố ngô.
Khuyến nhữ cần phụng học Chu Khổng (b),
Khoa kỳ đấu xảo hữu như vô.

(a) Về mặt hình thức, ngờ rằng chữ “giác”ở câu 1 đã bị chép nhầm vì thanh trắc tại vị trí này khiến bài thơ thất niêm. Theo thiển ý, nguyên thủy hai chữ thứ 5, thứ 6 thuộc câu 1 không phải “cổ giác 鼓角” mà là “cổ xuy 鼓吹”. Có thể hiểu “cổ xuy” như tên một hành khúc xưa hoặc tên gọi dàn nhạc nghi thức. Như vậy, sẽ biết Mẫn Túc là thành viên của đội quân nhạc hoàng gia và công việc đó bị cụ Trần cho là không có tương lai.

(b) Chu Khổng : Chu Hy và Khổng Tử. Chu Hy (1130 – 1200) là triết gia đời Tống, phát minh Lý học. Khổng tử (551 – 479 TCN) được xem là tổ Nho giáo.


Nguồn: nghiencuulichsu.com


Còn nữa