285 lượt xem

Đào Tấn - Kì 1: Ở ẩn tại triều

Đào Tấn, ở ẩn tại triều. Tuy được sủng ái, có tuổi quan vào loại kỷ lục ở triều, nhưng ông lại là người chê trách, miệt thị chốn quan trường nhiều nhất.

Tài năng bộc lộ từ tuổi thiếu niên

Đào Tấn (1845 – 1907) tên đầy đủ là Đào Đăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang, Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng. Do tránh quốc húy nên bỏ chữ Đăng, nên gọi là Đào Tấn.

Ông xuất thân từ dòng dõi quý tộc, sinh ra ở làng Vinh Thạnh nay thuộc Phước Lộc, Tuy Phước, Bình Định, vùng đất giàu truyền thống văn hóa – lịch sử, cái nôi của nghệ thuật tuồng, bắt nguồn từ danh nhân, soạn giả tuồng Đào Duy Từ (1572-1634), vào lập nghiệp ở đất Đàng trong đầu thế kỷ XVII.

Đào Tấn là một nhà thơ, nhà văn, được coi là ông tổ của nghệ thuật tuồng Việt Nam; ông tổ hát bội và là vị tổ thứ hai trong ba vị tổ nghề sân khấu Việt Nam (Phạm Thị Trân, Đào Tấn và Cao Văn Lầu). Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, từng giữ chức Tổng đốc An – Tĩnh (Nghệ An – Hà Tĩnh), Công bộ Thượng thư.

Cha Đào Tấn là Đào Đức Ngạc, mẹ là Hà Thị Loan. Từ nhỏ, Đào Tấn đã nổi tiếng thông minh dĩnh ngộ; được thụ giáo ông Tú Nhơn Ân, tức Nguyễn Văn Diêu, người làng Nhơn Ân, nay là thôn Nhơn Ân, Phước Thuận, Tuy Phước; tác giả của những bộ tuồng nổi tiếng như Ngũ Hổ, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Liễu Đố; không những được thầy dạy chữ để đi thi mà ông còn được đào tạo thành một nhà soạn tuồng.

Tài năng của Đào Tấn đã bộc lộ từ tuổi thiếu niên; 12 tuổi, đã làm được nhiều bài thơ hay; 19 tuổi, lúc còn học với thầy, đã soạn tuồng đầu tay Tân Dã Đồn nổi tiếng. Khi 22 tuổi, Đào Tấn là một trong số mười tám người đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão tại trường thi Bình Định.

Tuy nhiên, dù văn tài xuất chúng, ông không vượt được kỳ thi hội tiếp đó. Bốn năm sau, năm Tự Đức thứ 24 (1871), khi vua cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế, được sơ bổ Điển tịch, sung vào Hiệu thư ở Nội các, lo việc biên soạn và sáng tác…

Cùng vua Tự Đức bàn chuyện văn chương

Năm 1874, ông đư­ợc bổ nhiệm tri phủ Quảng Trạch, thăng chức lên Phủ doãn Thừa Thiên năm 1882.
Thời gian này, ông trú tại Mai Viên nằm trên đường Ngự Viên – nay là đường Nguyễn Du, thành phố Huế. Ông thường cùng Tự Đức bàn luận văn chương, vua tôi rất tâm đắc.

Làm quan ba triều, từ Tự Đức đến Thành Thái (1871 – 1904), Đào Tấn kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc An – Tĩnh, Tổng đốc Nam – Ngãi, Thượng thư bộ Hình, bộ Binh, bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ , tước Vinh Quang tử.

Vào năm 1904, khi kế hoạch phục quốc của vua Thành Thái mà ông là một yếu nhân bại lộ, Đào Tấn bị buộc về hưu.

Trong cuộc đời làm quan, Đào Tấn có mâu thuẫn kỳ lạ. Tuy được các vua Nguyễn sủng ái, có tuổi quan vào loại kỷ lục ở triều, nhưng lại là người chê trách, miệt thị chốn quan trường nhiều nhất.

Đào Tấn từng đau đáu với cái khổ, cái nhục, cái thẹn của những người làm quan như ông. Trong bài thơ “Viết tình cờ”, ông căn dặn các con: “Các con chưa tỏ sự đời – Lợi danh đâu phải phận người văn chương – Phong trần cha đã ê xương – Chớ chen vào chốn quan trường mà chi”.

(còn nữa)
TS Nguyễn Thành Hữu