260 lượt xem

Dương Nhật Lễ “đứa con hư của nhà Trần”

Dương Nhật Lễ “đứa con hư của nhà Trần”


Nguồn: sưu tầm. 

Những người con của vua Trần Minh Tông

Trần Minh Tông, vua thứ 5 nhà Trần, có bà vợ chính hậu là Lệ Thánh hoàng hậu (tức Hiến Từ Thái hậu sau này), sinh ba người con: Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, công chúa Thiên Ninh và Trần Hạo ( Trần Dụ Tông- vua thứ 7).

Bà vợ kế của Trần Minh Tông là Anh Tư nguyên phi, là cô ruột của Hồ Quý Ly, sinh hai người con: Trần Vượng (Trần Hiến Tông – vua thứ 6) và Cung Định vương Trần Phủ, tức Trần Nghệ Tông (vua thứ 8). Anh Tư nguyên phi sau được phong là Minh Từ Thái phi.

Vợ kế nữa của Trần Minh Tông là Lê Thị, em gái của bà Minh Từ  cũng là cô của Hồ Quý Ly, sau được phong làm Đôn Từ Thái phi, sinh người con trai là Trần Kính (Trần Duệ Tông- vua thứ 9 của nhà Trần).
Trong ba bà hậu phi của Trần Minh Tông thì bà chính hậu Hiến Từ được tiếng là hiền từ, đôn hậu và khoan nhân nhất. Nhưng lại lận đận với con cái nhất.

Con trai út Trần Dụ Tông làm vua bị sử sách phê phán nặng vì chỉ lo ăn chơi hoang đàng, sa đọa, tạo mầm mống cho sự suy sụp của triều đại. Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương nên đã nghe lời của thái y Trâu Canh thông dâm với chị ruột Thiên Ninh để chữa bất lực.

Con trai trưởng là Trần Nguyên Dục cũng ăn chơi phóng đãng như đứa em trai. Một lần đi chơi bên ngoài gặp phải cô đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, Trần Nguyên Dục ép lấy cô đào hát về làm vợ trong khi cô này đã có thai với Dương Khương. Sau khi sinh ra, Trần Nguyên Dục cứ cho thằng con trai có tên Dương Nhật Lễ đó là con của mình.

Sai lầm của Hiến Từ Thái hậu

Trần Nguyên Dục mất lúc còn đang tuổi thanh niên. Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (tức 29/6/1369), vua Trần Dụ Tông cũng băng hà vì hoang dâm kiệt sức; trước khi mất, đã ban chiếu truyền ngôi cho  Dương Nhật Lễ. Trong tình thế đó, Hiến Từ Thái hậu đồng ý di chiếu cho đón Dương Nhật Lễ lên ngôi, đặt niên hiệu Đại Định.

Dương Nhật Lễ, tên khác là Trần Nhật Kiên, còn gọi là Hôn Đức công, người kế vị Trần Dụ Tông. Do chỉ đặt một niên hiệu Đại Định, nên đương thời được gọi là Đại Định đế; ở ngôi từ 15 tháng 6 năm Kỷ Dậu (18/7/1369) đến 13 tháng 11 năm Canh Tuất (1/12/1370) bị Cung Định vương Trần Phủ truất ngôi.

Lúc ấy, Thái hậu bảo các quan rằng, Dục là con đích trưởng mà không được nối ngôi vua, lại sớm lìa đời, Nhật Lễ chẳng phải là con Dục đó sao. Nói rồi, đón Nhật Lễ làm vua, truy phong Dục làm Thái bá”. Nhật Lễ lên ngôi, tôn phong bà Hiến Từ Tuyên Thánh làm Thái hoàng Thái hậu.

Và Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi: “Nhật Lễ tiếm vị, rượu chè dâm dật, hằng ngày chỉ rong chơi, thích các trò hát xướng, lại cho đón cha ruột là Dương Khương vào triều, giữ chức Lệnh thư gia, có ý đổi sang họ Dương. Điều này khiến Hiến Từ Thái hậu tỏ ý hối hận việc lập Nhật Lễ. Biết chuyện, Nhật Lễ ngầm đánh thuốc độc giết chết “bà nội” vào ngày 14 tháng 12 năm Kỷ Dậu (tức 12/1/1370).

(còn nữa)
Nguyễn Bảo Nam