211 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 1

ĐƯỜNG PHỐ HÀ NỘI

Phố cổ Hà Nội được gọi ước lệ là “36 phố phường Hà Nội” với những cái tên mộc mạc như Hàng Khoai, Hàng Đường, Hàng Muối… mà từ rất lâu đã đi vào lòng người Việt như một hình ảnh đại diện cho Hà Nội xưa rêu phong, cổ kính. Nơi đây còn là điểm đến hấp dẫn với khách du lịch trong chuyến khám phá Hà Nội.

Giới thiệu về phố cổ Hà Nội xưa 

Khu phố cổ đã được hình thành từ thời Lý – Trần, nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Bên ngoài khu vực là vòng thành Đại La có trổ các cửa ô. Thời này, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về đây sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành.

– Đặc trưng nổi tiếng nhất của phố cổ Hà Nội là các phố nghề tập trung theo từng khu vực. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến các phố nghề càng phát triển. Và chính sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ “hàng” phía trước, nghĩa là chuyên bán buôn mặt hàng đó.

Đến đời Lê, dần dần đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, hình thành thêm các phố người hoa. Bấy giờ, giữa khu phố cổ Hà Nội có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Đến cuối thế kỷ 19 thì các đầm hồ đó bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.

Thời Pháp thuộc, khu phố cổ được chỉnh trang mở rộng, người Ấn, người Pháp cũng đến đây buôn bán, hình thành nên sự đa dạng văn hóa và sắc tộc. Hai chợ nhỏ lúc bấy giờ cũng được giải tỏa để lập chợ Đồng Xuân, và đường ray xe điện Bờ hồ – Thụy Khuê thời đó cũng chạy xuyên qua đây…

Khu phố cổ Hà Nội ngày nay 

Trải qua bao biến cố thăm trầm lịch sử, phố cổ Hà Nội xưa và nay vẫn là khu buôn bán nhộn nhịp nhất của Hà Nội. Cuộc sống ở phố cổ tất yếu cũng dần thay đổi theo thời gian nhưng chung quy vẫn giữ được cốt cách của những tiểu thương mau mắn. Ngày nay, các tuyến phố đi bộ cũng được mở tại đây.

– Hiện một số phố nghề ở khu phố cổ vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre, Hàng Thiếc… Và một số phố tuy không giữ nghề, nhưng cũng tập trung chuyên bán một loại hàng hóa như phố Hàng Quạt bán đồ thờ, Hàng Buồm bán bánh kẹo, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch…

Đặc biệt, phố cổ Hà Nội về đêm trở nên rất sống động, nhất là vào những ngày cuối tuần. Chỉ cần rảo bước trên các tuyến đi bộ, bạn sẽ thấy muôn vàn sắc màu cuộc sống, từ gia đình dắt trẻ nhỏ tung tăng, đến nhóm bạn thi tài nhảy múa, hay tấp nập du khách ta lẫn tây cùng nhau dạo phố, chuyện trò rôm rả…

– Một thú vui không thể bỏ qua là thưởng thức ẩm thực phố cổ Hà Nội với phong phú các loại hình ăn uống, đâu đâu cũng thấy hàng quán, từ hình thức vỉa hè đến sang trọng sau lớp cửa kính. Những quán cà phê cóc, bia vỉa hè, các hàng lẩu, đồ nướng, bún miến, cháo phở, và đủ các món ăn vặt… xen nhau, tràn cả xuống lòng phố.

– Khu phố cổ Hà Nội có gì hay nữa, đó là khi các tuyến phố đi bộ lên đèn thì cũng là lúc nơi đây biến thành sân khấu ngoài trời cho các nhóm nghệ sĩ tài năng biểu diễn, từ cổ truyền, dân gian, cho đến các tiết mục ca hát, nhảy múa, hòa tấu nhạc đương đại… làm mê mẩn bao tâm hồn du khách lẫn người dân phố cổ.

Phố cổ Hà Nội ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, gần ngay hồ Hoàn Kiếm. Phạm vi khu phố cổ được xác định: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông là đường Trần Nhật Duật.

CÁC ĐƯỜNG PHỐ TRONG KHU PHỐ CỔ


PHỐ ẤU TRIỆU
 

Phố Ấu Triệu nay thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Độ dài: 210m, từ cuối phố Lý Quốc Sư đi qua phố Ngõ Huyện và men theo mặt phía bắc nhà thờ Lớn đến đoạn giữa của phố Phủ Doãn.

Phố Ấu Triệu ở trên đất cũ của hai thôn Tiên Thị và Báo Thiên Tự, từ giữa thế kỷ 19 hợp nhất thành thôn Tự Tháp thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Tự Tháp nghĩa là tháp chùa, còn Báo Thiên Tự nghĩa là chùa Báo Thiên, nơi từng có ngọn tháp nổi tiếng xây năm 1057 đời Lý Thánh Tông và tồn tại được gần 4 thế kỷ tới cuối thời Minh thuộc. Khi ấy thành Đông Quan bị Lê Lợi vây hãm, tháp Báo Thiên và chuông Quy Điền (hai báu vật trong số An Nam tứ đại khí) đã mất vì Vương Thông ra lệnh phá hủy để lấy đồng mà đúc súng.

Sau khi tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội, ngày 1-10-1888 vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng thành Hà Nội cho Pháp và huyện Thọ Xương đã bị bãi bỏ khỏi hệ thống quản lý hành chính của nhà Nguyễn. Địa bàn huyện Thọ Xương cũ ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Đống Đa ngày nay. Kỷ niệm về khu nhiệm sở của huyện này còn lưu lại ở tên hai phố Phủ Doãn, Ngõ Huyện và tên ngõ Thọ Xương, đều nằm ngay cạnh phố Ấu Triệu.

Tại mặt bắc thôn Báo Thiên Tự từ xưa vốn có chùa và đền của thôn Tiên Thị. Khi Pháp mở rộng nội thành thì chùa Chân Tiên (Chân Cầm—Tiên Thị) bị chuyển về cạnh Hỏa Lò, rồi lại chuyển đến gần cuối phố Bà Triệu.

Đền Tiên Thị được ở nguyên chỗ cũ nhưng bị thu hẹp, về sau trở thành chùa Lý Triều Quốc Sư vì đền vốn thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không làm tổ nghề đúc đồng. Giáp phía tây-nam ngôi đền này đã từng có một ngôi nhà hai tầng làm trụ sở của Hội truyền đạo Thiên chúa, trước khi quân Pháp chiếm thành Hà Nội. Phải mất tới 4 năm (1884—1887) mới xây xong nhà thờ Lớn trên khuôn viên rất rộng của chùa Báo Thiên, sau khi tổng đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đồng ý chuyển nhượng khu đất này cho giám mục Puginier.

Tòa Tổng giám mục, Đại chủng viện Thánh Giuse, Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội cũng đều đóng ở đây. Di tích Báo Thiên quốc tự có từ thời Lý của kinh đô Đại Việt nay chỉ còn lại mỗi một cái giếng đá cổ. Trong thời Pháp thuộc, phố Ấu Triệu mang tên Ruelle Père Lecornu (“Ngõ cố đạo Lơ-coóc-nuy”).

Sau khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, phố mang tên Ấu Triệu (Bà Triệu bé) để kỷ niệm bà Lê Thị Đàn, người làng Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Vào khoảng 1903, bà gặp nhà cách mạng Phan Bội Châu ở Huế, sau đó trở thành một người liên lạc với các cơ sở trong nước tổ chức phong trào Đông Du (đưa thanh niên sang Nhật du học). Tháng 3-1910 bà bị bắt và tra khảo dã man nhưng không khai. Đêm 25-4, bà cắn ngón tay lấy máu viết lên tường nhà giam ba bài thơ tuyệt mệnh rồi thắt cổ tự tử.

Phan Bội Châu đặt danh hiệu Ấu Triệu và viết tiểu sử bà trong cuốn Việt Nam nghĩa liệt sĩ xuất bản năm 1918 tại Thượng Hải. Đến khi bị giam lỏng ở Huế, ông già Bến Ngự đã dựng nhà bia Ấu Triệu, bây giờ vẫn còn trong vườn. Tháng 5-1996, UBND TP Huế đã quyết định đặt tên con đường trước chùa Linh Quang là đường Ấu Triệu và hơn chục năm sau đã tìm thấy hài cốt bà Lê Thị Đàn. Sáng ngày 26 -11-2008 di hài đã được đưa về cải táng tại Nghĩa trang Phan Bội Châu do chính ông Phan thành lập năm 1934 ở Huế để làm nơi yên nghỉ cuối cùng cho các chí sĩ cách mạng.

Ngày nay tại các phố Ấu Triệu, Lý Quốc Sư, Nhà Thờ, Nhà Chung, Ngõ Huyện và ngõ Thọ Xương đã mọc lên khá nhiều khách sạn và nhà hàng nhỏ nhằm tận dụng vị trí thuận tiện gần hồ Hoàn Kiếm giữa trung tâm Hà Nội. Hàng năm vào các dịp lễ của đạo Thiên Chúa, ngoài đông đảo giáo dân thì chỉ ít người có thể vào được bên trong khu nhà thờ Lớn. Nhưng quảng trường Đức Mẹ hầu như ngày nào cũng có khách du lịch quốc tế và trong nước đến thăm.


PHỐ BÁT ĐÀN
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/bat-dan-300x200.jpg
 

Phố Bát Đàn dài 248m, nay thuộc 2 phường Hàng Bồ và Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Phố chạy theo hướng đông-tây, nối phố Hàng Bồ tại ngã ba Thuốc Bắc – Hàng Thiếc, đi qua các ngã phố Bát Sứ, Hàng Điếu – Hàng Gà, Đường Thành – Nhà Hỏa rồi đổ vào phố Phùng Hưng.

Phố Bát Đàn ở trên địa phận vốn của các thôn Nhân Nội và Tân Khai, đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc, người Pháp đổi tên là Rue Vieille des Tasses (“Phố cũ Hàng Chén”). Từ năm 1945, phố lại được trở về tên gốc.

Dấu vết ngôi đình cũ của thôn Nhân Nội nay vẫn còn gần như nguyên vẹn ở số nhà 33 phố Bát Đàn, bên trong thờ thần Bạch Mã làm thành hoàng làng. Đến năm 1945, đình được lấy làm trụ sở của tổ dân phố Bát Đàn, mãi sau này mới khôi phục chức năng ban đầu. Khá gần nơi đó hiện tọa lạc ở số nhà 84 phố Hàng Bồ một ngôi đền nhỏ cũng của làng Nhân Nội, bên trong thờ tượng công chúa Lân Ngọc.

Phố Bát Đàn trước đây chia làm hai đoạn. Đoạn mới hơn, được xây dựng từ khoảng năm 1920, nằm ở phía tây trên đất thôn Tân Khai. Ở vị trí cuối phố, giáp với các phố Phùng Hưng và Đường Thành là khu đất cũ của ngôi trường tiểu học Cửa Đông đã bị dỡ bỏ, nay là khách sạn Phùng Hưng (nhà số 71).

Đoạn phía đông nằm trên đất thôn Nhân Nội, vốn là một con phố có từ xưa, chuyên bán các loại bát, đĩa, ấm, chén, vại, chum, lộc bình bằng đồ đàn (tức là đồ gốm), nên thành tên. Những hộ kinh doanh đồ đàn phần lớn là dân gốc ở hai làng Phượng Dực và Đồng Quan (huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông, nay thuộc TP Hà Nội). Vuông góc với đoạn phố này là phố Bát Sứ, thời trước chuyên bán đồ sứ, người Pháp gọi là Rue des Tasses (“Phố Hàng Chén”).

Trước năm 1946, phố Bát Đàn có khá nhiều nhà cổ, ít khi cao hơn hai tầng, cửa sổ nhìn ra đường, bên trong nhà có một đến hai sân, giếng trời, bể nước, gác nhà cầu, gác sân thượng. Thời kỳ này, người dân Việt Nam chỉ sinh hoạt, buôn bán tấp nập từ quãng ngã tư Hàng Bồ – Thuốc Bắc – Hàng Thiếc đến ngã tư Hàng Gà – Hàng Điếu. Còn trên đoạn phố phía tây kéo đến Đường Thành, Phùng Hưng chủ yếu là nơi ở của các kiều dân Nhật Bản và Trung Hoa.

Trong chiến sự Pháp-Việt cuối năm 1946 đầu 1947, phố Bát Đàn bị tàn phá nghiêm trọng, chỉ còn sót lại có bốn nóc nhà đầu phố. Đến thời tạm chiếm, hai mặt đường mới được khôi phục và tu sửa.

Ngày nay phố Bát Đàn trở thành một nơi buôn bán tấp nập và sang trọng của khu phố cổ. Gần đây có một cửa hàng đồ gốm dát vàng mở cửa. Những ai đến thăm đều choáng ngợp bởi vẻ đẹp và sự kỳ công của những sản phẩm đắt giá này. Không chỉ lư hương, chén, đĩa, bình gốm mà cả các hoành phi, câu đối, tượng Phật cũng được dát một lớp vàng vô cùng mỏng.

Số 49 Bát Đàn là một quán nhỏ, bàn ghế từ nửa thế kỷ nay vẫn thế, nhưng nổi tiếng với món phở gia truyền. Ăn ở đó có mấy cái thú, bánh phở ngon, thịt bò tái tươi rói, thơm ngậy, nước dùng ngọt vị xương hầm, đúng kiểu phở Hà Nội truyền thống. Thực khách đến đây phải xếp hàng, trả tiền trước rồi phải tự tay bê bát phở nóng bỏng về chỗ ngồi. Nếu bạn không muốn xếp hàng, lại thích một ly café buổi sáng, hãy sang quán xung quanh rồi nhờ người phục vụ mua hộ với giá nhỉnh hơn.

PHỐ CAO THẮNG

 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/pho-cao-thang-300x200.jpg
 


Phố Cao Thắng mang tên một liệt sĩ Cần Vương được coi như ông tổ súng trường Việt Nam. Phố dài 150m, đi từ phố Trần Nhật Duật tới phố Nguyễn Thiện Thuật theo hướng đông-tây, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 900m về hướng bắc.

Phố Cao Thắng nằm trên đất của thôn cũ Nguyên Khiết Thượng. Đình thôn này vốn toạ lạc tại ven đê sông Hồng, nay mang số nhà 56 Trần Nhật Duật. Thời thuộc Pháp phố mang tên “Rue Grappin”, nhưng đầu tiên chỉ là một con đường nhỏ từ bến sông dẫn lên chợ Đồng Xuân và lối đi của những người buôn bán từ đầu cầu Long Biên mang hàng xuống đó, dần dần mới trở thành một phố xép.

Quang cảnh nơi đây xưa kia giống như đoạn đầu của hai phố bên cạnh (nay là phố Hàng Khoai và phố Thanh Hà), phần lớn gồm nhà một tầng nhỏ hẹp kiểu cũ, vài nhà có gác nhưng cũng nhỏ. Dãy số chẵn phía tây có nhiều nhà lụp xụp cất tạm trên bãi đất trống trước kia là nghĩa địa. Cuối phố thời ấy còn một bãi đất rộng chưa xây dựng, làm chỗ chứa than củi để bán lẻ. Điểm đặc biệt là sau này nơi đó trở thành cái chợ Bắc Qua nổi tiếng cạnh chợ Đồng Xuân.

Phía nam phố xưa có con ngõ nhỏ đi vào xóm chung cư vốn là một nhà kho rộng, không có tường ngăn, thời thuộc Pháp được ông Tư Đường chủ hãng xe ô tô khách chạy từ phố Bờ Sông (Trần Nhật Duật bây giờ) mua rồi sửa lại thành nhiều căn hộ rẻ tiền cho những gia đình nghèo thuê. Gần bốn trăm con người sống chui rúc trong chung cư đó, không có nhà vệ sinh, bếp riêng và nước máy, cửa không đủ ánh sáng….

Rue Grappin đến năm 1945 đổi tên là phố Nguyễn Cảnh Chân. Xóm Tư Đường bị tàn phá nặng trong chiến sự chống Pháp 1946 – 1947, rồi được xây dựng lại trong thời kỳ tạm chiếm thành một khu cư dân khang trang hơn với nhiều nhà riêng biệt có sân rộng. Cũng có mấy nhà nhiều tầng diện tích lớn, kiểu mới hơn, được làm trong thời đó như nhà Sao Mai (số 5), Tân Quang (xưởng cơ khí số 11 – 13). Chỗ đất bãi tha ma cũ phía sau thì mãi đến sau 1954 mới được sử dụng để xây một kho thực phẩm đông lạnh và trường tiểu học Kim Đồng.

Phố mang tên Cao Thắng từ năm 1954 để tưởng nhớ một danh tướng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê cuối thế kỷ 19. Cao Thắng sinh năm 1861, quê làng Yên Đức, nay là Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông cùng em trai là Cao Nữu chiêu nạp 60 người tham gia đoàn quân của Phan Đình Phùng ngay từ những ngày đầu. Năm 1887, Phan Đình Phùng ra Bắc để liên lạc các lực lượng hưởng ứng phong trào Cần Vương, giao quyền cho Cao Thắng. Ông đã chỉ huy xây dựng một hệ thống đồn lũy và chế tạo được 350 khẩu súng giống kiểu súng năm 1874 của Pháp nhưng không có rãnh xoắn. Ngày 21-11-1893 trong trận đánh đồn Nu (Nghệ An) Cao Thắng bị trúng đạn và hy sinh khi mới 29 tuổi.

Từ cuối thế kỷ 19 tại ngã ba nơi phố Cao Thắng cắt phố Nguyễn Thiện Thuật đã dần dần hình thành nên một cái chợ cóc rất nhộn nhịp ở ngay mặt phía đông của chợ Đồng Xuân. Đó là chợ Bắc Qua, nhiều người sống ở khu phố cổ thường đến đây mua những thứ hàng vừa thiết yếu vừa có giá bình dân.

Hơn trăm năm qua, chợ Bắc Qua vẫn không có gì thay đổi lớn, ngoài việc dãy nhà bên số lẻ cuối phố Cao Thắng đã bị dỡ bỏ để xây mới, gây thách thức cho cái chợ cóc này.

PHỐ CẦU GỖ
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/caugo-300x200.jpg


Phố Cầu Gỗ dài 250m, hiện nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 70m về hướng bắc. Đầu phía đông nối với phố Hàng Thùng ở ngã tư Nguyễn Hữu Huân, rồi phố cắt ngang ngã tư Hàng Dầu – Hàng Bè, đi qua các ngã ba Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Liệt và nối với phố Hàng Gai tại ngã tư Hàng Đào – Lê Thái Tổ, giáp quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Từ thời Lê sơ tức khoảng thế kỷ 15, phố Cầu Gỗ đã được hình thành trên nền đất của hai thôn Hương Minh và Nhiễm Thượng, đều thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Tên phố mộc mạc, giản dị như thế bởi vì xưa kia nơi đây từng có một cây cầu bằng gỗ bắc qua con lạch nhỏ nối hồ Hoàn Kiếm với hồ Thái Cực. Hồ này sau gọi là hồ Hàng Đào, đến cuối thế kỷ 19 đã bị thực dân Pháp lấp đi để mở mang phố xá.

Trên phố Cầu Gỗ đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn có nhiều ngôi nhà hẹp lòng, chỉ trên 2m bề ngang, xây kiểu một tầng lợp ngói ta hoặc hai tầng chồng diêm thấp lè tè, cửa bức bàn, câu đầu quá giang bằng gỗ phiến, tưởng như sắp xiêu vẹo, phải tỳ vào vai hai nhà bên mà đứng, nóc nhà còn đắp cột trụ như người đội mũ bình thiên. Tường thì trộn mật giọt làm vữa nên mùa nồm chảy nước ướt cả nền nhà vốn đã thấp hơn mặt đường đến vài ba bậc.

Đến thời Pháp thuộc, phố có tên Tây là Rue du Pont-en-Bois (dịch nghĩa đen “Phố Cầu Gỗ”), lúc đó nhiều ngôi nhà vẫn xây theo kiến trúc cổ chỉ có một tầng và một gác xép. Tuy nằm hơi khuất sau đoạn phố Đinh Tiên Hoàng chạy ven bờ bắc Hồ Gươm, nhưng lại kề với chợ Hàng Bè và các phố buôn bán như Hồ Hoàn Kiếm, Đinh Liệt, Hàng Đào, Hàng Gai nên phố Cầu Gỗ rất nhộn nhịp.

Từ thời trước, dân nơi đây đã kinh doanh những ngành nghề mà nay người ta gọi là “dịch vụ” trong đời sống đô thị. Phố Cầu Gỗ từng nổi danh vì chuyên bán sơn và các loại dầu cung cấp cho thợ làm tranh sơn mài, gắn thùng gỗ, bả hoành phi, câu đối. Ở đây có một cửa hàng làm mũ mà chủ nhân chính là người đã chế ra cái khăn xếp che đầu trang nghiêm và tiện lợi thay cho việc búi tó hoặc quấn khăn theo lối cũ của đàn ông Việt Nam. Ngoài ra, đến đầu thế kỷ 20 phố Cầu Gỗ còn có thêm một nghề mới và khá đặc biệt: nghề đóng xe tay.

Không chỉ nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống, Cầu Gỗ còn là nơi từng có nhiều món ngon như: cà phê và phở Giảng, chè bắp Lan Anh… giờ đây chỉ còn lại trong kí ức của những người có tuổi và quen đất Hà Nội. Ngày nay bạn chỉ cần đi thang máy lên gác nhà “hàm cá mập” hoặc nhà đối diện đầu phố Lê Thái Tổ thì sẽ có những chỗ ngồi mát mẻ với góc nhìn rất đẹp trông ra Hồ Gươm. Còn nếu muốn ăn ngon thi xin rẽ qua phố Đinh Liệt ngay cạnh đó để bước vào dãy phố ẩm thực Gia Ngư, Tạ Hiện.

Phố Cầu Gỗ nay đã đổi thay rất nhiều, nét hiện đại hòa lẫn dáng vẻ cổ kính. Những cửa hàng sang trọng chuyên bán đồ cao cấp như hiệu giày, hiệu sách, hiệu vàng… xuất hiện làm bừng sáng cả con phố nhỏ. Nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, ngân hàng… mọc lên san sát, khiến cho phố Cầu Gỗ trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với khách trong nước và nước ngoài.

Phố Cầu Gỗ lúc nào cũng tấp nập, các tuyến xe buýt số 9 và 14 đều chạy qua đây theo đường một chiều. Tuy không còn lưu giữ những nét ẩm thực truyền thống nhưng phố vẫn thu hút được rất nhiều khách du lịch và người dân Hà thành đến thưởng thức những món dân dã như bún chả, bún riêu cua, bún thang… Ấn tượng nhất về con phố vẫn là hàng xà cừ trăm tuổi xum xuê tươi tốt, vươn cành ra che mát cả con đường, tạo cho Cầu Gỗ một nét đẹp vừa tân vừa cổ, vừa ồn ào, vừa tĩnh lặng, thân quen.

PHỐ CHỢ GẠO
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/12527Cho-Gao-13X18.jpg-300x216.jpg


Phố Chợ Gạo nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội‎, cách Hồ Gươm chừng 500m về hướng đông-bắc. Phố gồm hai nhánh song song dài 75m cùng đi từ đường Trần Nhật Duật (chỗ gần chân cầu Chương Dương) đến phố Đào Duy Từ. Nhánh trên nối với đầu phố Nguyễn Siêu, nhánh dưới cắt chéo đầu phố Đông Thái.

Đây nguyên là nơi con sông Tô Lịch chảy về hướng đông để nối với dòng lớn Nhị Hà, từ xưa đã tụ tập các cửa hàng bán gạo trên hai bờ sông. Bến thuyền nằm ở địa phận của giáp Giang Nguyên, thuộc thôn Hương Nghĩa, tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm) huyện Thọ Xương cũ. Di tích đình làng Hương Nghĩa nay vẫn còn. Đến cuối thế kỷ 19 do cát sông Hồng bồi đắp nên cửa sông Tô Lịch bị lấp cạn dần.

Bản đồ Hà Nội năm 1890 còn vẽ đoạn sông Tô Lịch này, trước khi nó bị thực dân Pháp cho san phẳng hoàn toàn vào những năm cuối cùng của thế kỷ 19. Đoạn đầu khúc sông lấp trở thành một bãi đất trống rộng hình chữ nhật được gọi là Place du Commerce (“Quảng trường Thương mại”). Nơi đó dần dần tập trung những người buôn bán ngũ cốc do thuyền các nơi chở đến đậu ở ngoài bến sông Hồng.

Không xa nơi đó, người Pháp cũng cho bắc qua sông Hồng chiếc cầu sắt Pont Doumer (tức cầu Long Biên), dài nhất Đông Dương vào đầu thế kỷ 20. Rồi họ xây tại đây một cái chợ chuyên doanh về gạo thóc mà dân ta quen gọi “Chợ Gạo”, tên Pháp là “Marché de la rue du Riz” (tức “Chợ phố Gạo”). Phố chỉ được thị trưởng Trần Văn Lai chính thức đặt tên Chợ Gạo vào năm 1945, sau khi Nhật đảo chính.

Chung quanh sông lấp vốn có nhiều hộ dân Hoa kiều làm các nghề như cân đong và xay xát gạo, xuất cảng gạo, nên Chợ Gạo nhanh chóng trở thành nơi sầm uất. Cầu chợ khá rộng, không có tường, mái lợp tôn để mọi người tránh mưa nắng. Một hàng cây phượng vĩ tạo bóng mát được trồng ở phía đông trên hè đường Bờ Sông (tức “Quai Clémenceau”, nay là đường Trần Nhật Duật), mùa hè hoa nở đỏ ối để lại bao kỷ niệm học trò.

Xưa kia nơi đây có nhiều phu khuân vác gạo và hàng hoá khác cho các cửa hiệu bên phố Hàng Buồm và Đào Duy Từ; họ trú ngụ ở ngoài bãi sông hoặc các làng ngoại ô, một số khác là phu người Hoa thì sống trong ngõ Sầm Công (nay là ngõ Đào Duy Từ), Rue Lataste (phố Hàng Giầy), Rue Galet (phố Lương Ngọc Quyến), còn những người đàn bà khỏe tay thường làm nghề hàng xáo (xay xát gạo).

Phố Chợ Gạo tuy ít nhà cửa nhưng là một địa điểm giao thương tấp nập, cuối phố lại thông với khu vực trung tâm buôn bán từ lâu đời, cho nên có đông người tìm đến, dựa vào đó mà sinh sống. Đầu dãy phố phía bắc, tức nhánh trên của phố Chợ Gạo, có Trường tiểu học Trần Nhật Duật, xưa gọi là Trường Ke (“Quai” tiếng Pháp nghĩa là “bờ sông”), tường rào dài đến giữa phố; tiếp đến một loạt mấy ngôi nhà nhỏ của những hộ buôn bán gạo.

Dãy phố phía nam, tức nhánh dưới của phố Chợ Gạo, vốn là một kho lớn chứa gạo, mặt chính quay ra phố Đào Duy Từ, nơi sau này tụ tập nhiều cửa hàng buôn bán gạo và bột mì, còn quanh đó thì nay lại có ngân hàng và các quán bia hơi, thịt chó, club giải trí. Gần đây chè chanh bắt đầu lan sang phố Chợ Gạo, vốn nổi tiếng với món chè đắng. Thật ra đó chỉ là thạch đen bỏ vào cốc nước cốt dừa pha thêm sữa đặc, nhưng chính vị đăng đắng lạ miệng đã dễ dàng cuốn hút giới trẻ.

Phố Chợ Gạo hiện nay không lưu giữ được dấu vết gì của bến sông Tô và chợ gạo cũ. Nhưng tại cuối nhánh trên, gần ngã tư Đào Duy Từ – Nguyễn Siêu vẫn còn đình Hương Nghĩa (cổng đình ở số 13b phố Đào Duy Từ), bên trong thờ Cao Tứ (em Cao Lỗ, tướng của An Dương Vương Thục Phán), sau lại xây thêm điện thờ các Mẫu. Đầu phố thì có trường tiểu học Trần Nhật Duật, di tích của trường Ke cũ.

PHỐ CỔNG ĐỤC
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/duong-cong-duc1-300x200.jpg
 

Phố Cổng Đục là một con phố hẹp, dài khoảng 110m, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 700m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã ba Hàng Mã rồi kết thúc tại ngã ba Hàng Vải.

Phố này ở trên địa phận của thôn Tân Lập – Tân Khai cũ. Thôn này được hình thành vào năm 1822, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương dưới thời Nguyễn. Sau khi thành Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm năm 1882 mới sinh ra tên Cổng Đục, bởi vì chúng đục phá tường thành phía đông để lấy lối ra vào tiện cho việc mua bán hoặc đi chơi gần hơn lối cổng chính. Thuyết khác lại cho là Cổng Đục được mở từ năm 1226 để đưa thi hài Lý Huệ Tông (tu ở chùa Chân Giáo) ra ngoài thành cổ an táng.

Đây là một phố hẹp xây dựng trên đất xóm nghèo cũ, vì được quy hoạch cải tạo từ cuối thế kỷ 19 nên không còn những mái nhà kiểu truyền thống. Người Pháp gọi là Ruelle des Etoffes (tức “ngõ Hàng Vải”) nhưng dân ta vẫn quen gọi là phố Cổng Đục. Từ sau khi Nhật đảo chính Pháp năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai đã chính thức hóa tên gọi này.

Hai đầu phố Cổng Đục là tường bên của những ngôi nhà to thuộc phố Phùng Hưng. Trong phố có nhà cụ Trần Văn Kính đồng thời là trụ sở hội Quảng Thiện, một hội thiện chuyên lo ma chay cho hội viên (Nghĩa trang Quảng Thiện đặt ở vùng Bắc Thanh Xuân, đến những năm 1960 mồ mả nơi đây đã được di chuyển lên Bất Bạt để lấy đất xây khu công nghiệp Thượng Đình).

Tại đoạn giữa phố Cổng Đục còn có mấy ngôi nhà rộng rãi khác; nhưng chỉ là nhà 2 tầng, trong đó có một villa nhỏ kiểu cũ (số 16). Có hai dãy nhà 2 tầng, một dãy ở bên số lẻ từ số 1 đến số 9, giáp phố Hàng Vải, và một dãy bên số chẵn từ số 18 đến số 28, giáp phố Hàng Mã (mới). Hai dãy này gồm nhiều gian chứng tỏ là của một số ít chủ đất làm nhà cho thuê.

Ngày nay con phố nhỏ vẫn giữ được vẻ kín đáo và yên lặng, gần như tách biệt khỏi sự tấp nập và ồn ào của những khu sầm uất gần ngay đấy. Trong phố, nhiều ngôi nhà đã được tân trang, các quán trà chanh, bánh ngọt, khoai lắc phomai mới đây đã mọc lên và có chút tiếng tăm. Nhưng điều thu hút du khách đến nơi này có lẽ chủ yếu là ở cái tên nghe lạ tai: phố Cổng Đục.

PHỐ CỬA ĐÔNG
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/cua-dong_8403b-300x200.jpg
 

Phố Cửa Đông nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc. Chiều dài từ ngã phố Hàng Phèn – Hàng Gà – Nhà Hỏa đến phố Lý Nam Đế là 230m. Đoạn giữa cắt ngang phố Phùng Hưng và chui dưới cầu đường sắt.

Phố Cửa Đông ở trên đất của các thôn Tân Lập, Tân Khai của tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Xưa kia cửa Chính Đông Môn ở vào khoảng vị trí mà thời Lý – Trần gọi là cửa Tường Phù, nơi ngăn cách Cấm thành với trung tâm buôn bán của thường dân bao gồm chợ Cầu Đông và khu vực bờ phía nam sông Tô Lịch (về sau bị Pháp lấp một đoạn khá dài từ Cống chéo Hàng Lược đến phố Chợ Gạo).

Quan quân triều đình nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ 19 có làm một con đường trong thành nội đi từ bên trái cửa Đoan Môn (tức ngũ môn quan hiện nay vẫn còn) đến cửa Chính Đông Môn, qua dương mã thành và cây cầu bắc trên hào nước cắm chông. Từ đầu cầu này, con đường rẽ quặt về hướng đông-nam một quãng rồi mới toả đi các phố của khu thường dân thuộc phường Cửa Đông bây giờ.

Sau khi quân Pháp chiếm Hà Nội thì Chính Đông Môn vẫn chưa bị phá ngay. Trong một bưu ảnh đề năm 1885 ta thấy dấu tích cổng thành này ở góc trên bên phải và cây cầu bắc qua hào ra ngoài thành.

Trong quá trình phá thành Hà Nội 1894 – 1897, quân Pháp xây một chiếc cổng sắt cho doanh trại Trung đoàn bộ binh thuộc địa số 9 ở ngay chỗ từng tọa lạc dương mã thành, dân ta gọi đó là Cổng Tỉnh. Trên một bưu ảnh cũ ta thấy bên ngoài cổng có hàng dãy xe kéo và xích lô đang chờ đợi các sĩ quan.

Ở vị trí con đường nối thẳng giữa doanh trại quân Pháp và những phố cũ nhỏ hẹp trong khu dân cư buôn bán, ngay từ cuối thế kỷ 19 phố Cửa Đông đã được xây dựng rộng rãi với mặt đường trải đá, vỉa hè lát gạch và trồng cây xanh, có đầy đủ cống rãnh thoát nước và đèn đường. Quân Pháp lúc đầu còn cho phép dân ta mở ki-ốt bán hàng phục vụ họ ngay trong doanh trại.

Thời Pháp thuộc, phố này gọi là Avenue Général Bichot (“đại lộ tướng Bichot”). Hồi đó, đại lộ chia làm hai đoạn bao gồm những kiểu nhà khác hẳn nhau. Đoạn đầu từ phố Hàng Gà đến cầu xe lửa có dãy số chẵn ở phía bắc với nhiều biệt thự to và vườn đẹp bên trong hàng rào; dãy số lẻ ở phía nam là những ngôi nhà hai tầng ăn ra đến sát hè phố.

Đoạn từ cầu chui đến phố Lý Nam Đế toàn là những căn nhà hai tầng gồm một hoặc hai gian quay ra mặt đường, hầu hết mở cửa hàng phục vụ cho binh sĩ trong thành. Đây còn là nơi xuất phát cho những đám rước đèn của lính Pháp vào tối thứ bảy. Sau cuộc đảo chính của quân Nhật vào đầu năm 1945, tên phố được đặt chính thức là Cửa Đông.

Phố Cửa Đông đi qua những địa danh của thành Hà Nội vang bóng một thời. Chính Đông Môn và cây cầu bắc qua hào nước dẫn vào cửa đông thành cũ vẫn còn dấu tích trong những tấm hình chụp từ giữa thập niên 1980 và được in trên bưu ảnh lưu hành đến đầu thế kỷ 20. Trên một bưu ảnh, ta thấy Chính Đông Môn bị phá mất phần tháp trên và cả những tòa nhà lớn của quân Pháp mới xây hồi ấy ở phía sau.

Các bưu ảnh khác cho thấy quân Pháp vào cuối thập niên 1890 đã phá hết khu phía đông thành nội để làm doanh trại, binh xưởng. Ngày nay khu này đã bị thay bằng đại bản doanh Bộ Quốc phòng được xây lại từ khoảng đầu thế kỷ 21. Dấu tích từ thời Pháp thuộc cũng chỉ còn rất ít ở bên ngoài, như cây cầu xe lửa và một số tòa nhà gần đầu phố, trong đó có số nhà 20 từng là ga-ra ô-tô làm cơ sở tài chính kiêm giao thông của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ trong những năm 1928 – 1929. Tên Cổng Tỉnh thì được lưu trong một tập thơ của Trần Dần.

Trên bản đồ Google, có vẻ như phố Cửa Đông kết thúc ở đường Nguyễn Tri Phương. Phần cuối này dài khoảng 400m, thực ra đang nằm trong khu vực quân sự. Cho nên người dân Hà Nội chỉ biết rõ đoạn phía đông (từ Lý Nam Đế đến phố Hàng Gà) có địa thế thấp hơn, gặp ngày mưa to cũng có thể bị ngập nữa.

PHỐ CỬA NAM
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/cua-nam_8189-300x200.jpg
 

Phố Cửa Nam dài 244m, cách Hồ Gươm chừng 1km về hướng tây, nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố đi từ giao điểm Tràng Thi – Thợ Nhuộm – Nguyễn Thái Học – Phan Bội Châu đến ngã phố Nguyễn Khuyến – Lê Duẩn – Hai Bà Trưng; cắt đuôi các phố Hàng Bông, Đình Ngang.

Phố Cửa Nam nằm trên địa phận của hai thôn Vĩnh Xương và Yên Trung Hạ, thuộc tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đình của thôn Yên Trung Hạ thờ thánh Tản Viên, chùa Thiên Phúc cũng của thôn này đến nay còn nguyên và mới được đại trùng tu, cửa vẫn mở ra đoạn nở rộng ở cuối phố Hai Bà Trưng. Số nhà 20 phố Cửa Nam của ông Sáu Tĩnh vào đầu năm 1908 là nơi tụ họp của đội Bình, đội Nhân, đội Cốc, những người lãnh đạo cuộc đầu độc lính Pháp ở Hà thành và đã hy sinh anh dũng.

Phố này ở về khu vực phía nam cửa Đại Hưng, tức cửa duy nhất ra vào hoàng thành của thời Hậu Lê. Bên ngoài cửa, chỗ vườn hoa Cửa Nam bây giờ từng có Quảng Văn Đình (sau đổi tên là Quảng Minh Đình) là một tòa nhà lớn để dân chúng có thể tự đến đánh trống báo quan lại ra nhận đơn khiếu kiện hoặc ngồi nghe triều đình giảng giải đạo lý và các chiếu, lệnh vừa được công bố.

Vào đầu thời Nguyễn (1831), thành Hà Nội bị xây lại theo kiểu Vauban và thu nhỏ khá nhiều diện tích nhưng phía bắc phường Cửa Nam vẫn giáp với cửa đông-nam của tòa thành mới. Cuối thế kỷ 19, sau khi Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội thì trừ Cửa Bắc còn thành lũy đã bị phá hủy hết để lấy vật liệu xây dựng các trại lính và phố Tây, cả đình Quảng Minh cũng không sót lại di vật gì.

Phố Cửa Nam thời thuộc Pháp mang tên Rue Neyret. Vườn hoa Cửa Nam hồi ấy cũng tên là Place Neyret nhưng dân ta vẫn quen gọi là vườn hoa “Bà đầm xoè” vì ở đó từng đặt một bản sao của tượng Nữ Thần Tự Do cao 285cm, nhỏ hơn rất nhiều so với bức tượng gốc dựng trên hòn đảo bên lối vào hải cảng New York.

Trớ trêu thay sứ mệnh của Nữ Thần Tự Do cao quý như thế nhưng số phận bản sao chở sang Hà Nội năm 1887 quả thật long đong. Ba năm sau, chưa yên chỗ ở vườn hoa Paul Bert “Bà đầm xoè” đã chuyển ra đảo Tháp Rùa, năm 1896 lại phải dời đến Cửa Nam. Ngày 1-8-1945 bị dân giật đổ và cuối cùng đến 1952 thì bị nấu chảy cùng các thứ đồng nát khác để dân làng Ngũ Xã đúc pho tượng Phật khổng lồ cho chùa Thần Quang.

Phố Cửa Nam tuy ngắn nhưng rộng và là một tuyến giao thông quan trọng ở trung tâm thành phố. Nó nối liền ngã sáu chỗ vườn hoa Cửa Nam với ngã năm sát chợ Cửa Nam, ban ngày rất đông người và xe cộ qua lại. Đoạn đầu phố khá dài và chỉ có nhà cửa ở bên số lẻ. Đoạn giữa có trung tâm mua sắm Kinh Đô điện máy, vốn là một rạp chiếu phim được xây vào giữa thế kỷ trước, mặt tiền nhìn ra phố Đình Ngang.

Ngày nay, đoạn cuối phố thường bị ách tắc mỗi khi có đoàn xe lửa chạy ngang qua phố Nguyễn Khuyến. Nơi đây cũng gần ngay cửa ra vào một ngôi chợ được hình thành sớm nhất ở Hà Nội từ thế kỷ 19. Bước sang thế kỷ 21, sau khi cải tạo chợ Cửa Nam thành một trung tâm thương mại cao tầng thì sự mua bán bị suy giảm đi rất nhiều so với trước kia.

PHỐ ĐÀO DUY TỪ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/daozuytu_9087b-300x201.jpg
 

Phố Đào Duy Từ dài 290m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố đi từ cửa ô Quan Chưởng (nơi giáp các phố Thanh Hà, Hàng Chiếu) đến ngã ba Lương Ngọc Quyến; đoạn giữa cắt ngang các ngã tư Nguyễn Siêu – Chợ Gạo và Hàng Buồm – Mã Mây.

Phố mang tên Đào Duy Từ (1572-1634), một danh tướng Việt Nam sống vào thế kỷ 17 nhưng còn để lại di tích và truyền thuyết Luỹ Thầy cho đến ngày nay. Hồi trẻ Đào Duy Từ bị mang tiếng con nhà phường chèo nên không tiến thân được với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Năm 1627, ông trốn vào xứ Thuận Quảng ở Đàng Trong, cùng năm được Trần Đức Hòa tiến cử lên chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Chúa Phúc Nguyên gọi là thầy để tỏ lòng kính trọng.

Năm 1630, Đào Duy Từ thiết kế và chỉ đạo xây dựng hệ thống các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa (nay thuộc thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh). Ông dâng các mưu lạ, lập nhiều chiến công và cai trị giỏi, được cả người đương thời và đời sau ca ngợi.

Thời thuộc Pháp, nơi đây gồm hai phố có tên khác nhau. Đoạn đầu từ cửa ô Quan Chưởng đến phố Hàng Buồm mang tên Rue de l’Ancien Canal, tức “phố Kênh cũ”. Đoạn này thuộc đất cũ thôn Hương Bài (đổi thành Hương Nghĩa khi Hương Bài sáp nhập với thôn Kiên Nghĩa), dấu tích là đền Hương Nghĩa thờ Cao Tứ (em Cao Lỗ – người chế nỏ thần giúp An Dương Vương) và vợ là Phượng Minh công chúa, nay chủ yếu thờ Mẫu.

Đoạn từ phố Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến trong thời thuộc Pháp đã mang tên Đào Duy Từ. Nơi đây thuộc đất thôn cũ Ngư Võng, tổng Hữu Túc sau gọi là tổng Đông Thọ, phủ Hoài Đức. Ngày nay đứng tại góc ngã ba Lương Ngọc Quyến ta có thể nhìn thấy một phần phía sau của đình Hương Tượng (hiện có hai cổng đình ở số 10 Lương Ngọc Quyến và 64 Mã Mây).

Trước kia dân thương lái mở các cửa hàng lương thực rải rác từ phố Trần Nhật Duật xuống đến Cột Đồng Hồ và Chợ Gạo, nhiều nhất là ở “phố Kênh Xưa”. Tại đây những hiệu buôn lớn của Hoa kiều và của người Việt Nam từng có lúc tập trung đến hơn chục cửa hàng gạo, ngoài ra còn bán ngô, khoai và bột mỳ. Đặc biệt ở cả hai đoạn trên và dưới phố Đào Duy Từ đều có xây liên tiếp sát nhau các “nhà chàn”, tức là những kho rộng lớn chứa hàng của người Tàu.

Thời Pháp thuộc, tuy nằm sát khu vực thương mại giầu có nhưng những người Hoa ở phố Đào Duy Từ phần đông là nghèo khổ, phải làm công cho các cửa hiệu Tầu hoặc làm phu lao động nặng nhọc ở Chợ Gạo. Phu khuân vác người Việt Nam thì thường đến từ ngoại ô, đa số trọ ngủ ngoài bãi Phúc Xá; họ có cai thầu đứng ra nhận việc cho cả nhóm. Trong số các cai thầu, nhiều người sau này cũng trở thành nhà buôn gạo.

Về mặt xây dựng, trừ mấy nhà cũ một tầng kiểu cổ ở đầu phố xây giống như ở phố Ô Quan Chưởng bên cạnh, còn suốt phố Đào Duy Từ đều là nhà hai hoặc ba, bốn tầng; có những nhà to gồm nhiều gian. Các kho hầu hết xây một tầng nhưng diện tích rộng, mái cao, bên trong có nhiều lớp. Tại số 50 phố Đào Duy Từ, cạnh các tiệm hút thuốc phiện, nhà chứa gái và ổ cờ bạc từng có một rạp hát tên gọi Sán Nhiên Đài.

Sán Nhiên Đài là nơi ông trùm Nghị (tức Nguyễn Đình Nghị, 1883 – 1954) từng thực hiện nhiều cải tổ lớn, góp phần đưa chèo từ cửa đình ra mặt phố, từ sân đình lên sân khấu. Các tên tuổi như Nguyễn Kim Phụng, Ba Tuyên, Thanh Nhã… với những vở chèo cải lương ra mắt từ nửa đầu những năm 1930 đã kịp thời cứu vãn một trong các bộ môn nghệ thuật dân tộc đang dần dần bị giới trẻ lãng quên.

Cuối thế kỷ 20 dân phố Đào Duy Từ mới có thêm nghề kinh doanh du lịch, đá cảnh và đồ phong thủy. Nhiều thanh niên Hà Nội và khách thập phương thích đến các quán giải trí và ăn uống bình dân thường mở cửa tới khuya ở dọc con phố này và lân cận.

Rạp chèo Sán Nhiên Đài ở số 50 phố Đào Duy Từ, sau đổi thành rạp tuồng Quảng Lạc, rồi Hiệp Thành… Hồi thập niên 1960, nhà này trở thành nơi ăn chốn ở cho nhiều gia đình nghệ sĩ. Họ dựng nhà bằng tre liếp trên nền rạp, một số tận dụng tầng hai để ở và ngăn cách phòng nọ với phòng kia bằng giấy dầu. Hơn 20 năm sau, không may rạp bị thiêu trụi, họ phải sống tạm bợ 3 thập kỷ nữa cho đến khi di dời hết. Với sự cố vấn của chuyên gia đến từ thành phố Toulouse (Pháp), Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã được xây dựng trên nền rạp cũ và khánh thành vào ngày 2-2-2015.

Hà Nội hiện tại chỉ còn một cửa ô duy nhất là ô Quan Chưởng, tên chữ Đông Hà Môn. Cửa này nằm ở phía đông của toà thành đất bao quanh kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây lại. Tại đây năm 1872, tốp lính canh dưới sự chỉ huy của một viên quan nhỏ vô danh đã anh dũng kháng cự quân Pháp cho đến người cuối cùng, dân ghi nhớ bằng tên gọi ô Quan Chưởng. Sau này ông trưởng thôn cùng dân sở tại nhất quyết không chịu cho phá Đông Hà Môn và người Pháp đã phải đồng ý giữ nguyên.

Ngoài ra, trong con ngõ nhỏ Đào Duy Từ thông sang phố Tạ Hiện hiện có một di tích bé tý xíu là miếu Sầm Công. Miếu này do những người Hoa xưa kia di cư sang sống khá đông đúc quanh đây xây dựng lên để thờ thái thú Sầm Nghi Đống. Vị tướng này chỉ huy một đại đồn quân Thanh đóng ở cạnh làng Khương Thượng và đã phải thắt cổ tự tử trên gò Đống Đa sau khi bị cánh quân Tây Sơn thần tốc của Đô đốc Long đánh cho thua trận vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789.

PHỐ ĐINH LIỆT
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/9145dinhliet-giangu-300x200.jpg
 

Phố Đinh Liệt dài 180m, nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 70m về hướng bắc. Phố chạy theo hướng bắc-nam, đoạn đầu nối phố Tạ Hiện tại ngã tư Hàng Bạc, cắt ngang ngõ Trung Yên và phố Gia Ngư rồi kết thúc ở ngã ba Cầu Gỗ.

Cho đến cuối thế kỷ 19, nơi đây vốn là hai con đường làng: phần giáp phố Hàng Bạc thuộc địa phận thôn Gia Ngư và phần giáp phố Cầu Gỗ thuộc địa phận thôn Hương Minh, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Cả hai đều dẫn vào khu dân cư xung quanh hồ Thái Cực (hồ Hàng Đào), nền đất do đó khá thấp. Khi thực dân Pháp chủ trương lấp hồ làm nhà thì hai đoạn đường làng được ghép lại với nhau, mở rộng xây nhà phố và đặt tên là Rue Ed’Endhal. Sau năm 1945, phố được đặt tên là Đinh Liệt để kỷ niệm một trong những vị khai quốc công thần thời Lê sơ.

Đầu thế kỷ 20, đoạn phố giáp Hàng Bạc gồm những ngôi nhà sâu lòng có nhiều lớp bên trong, sân ở giữa và một vài nhà hai tầng kiểu cổ. Đoạn giữa phố gồm một số ngôi nhà hai tầng có diện tích rộng hơn, đó là nhà làm sau của mấy chủ đất tậu được khi lòng hồ mới lấp.

Đoạn phía nam giáp phố Cầu Gỗ gồm những căn nhà cũ, một tầng hoặc hai tầng thấp nhỏ. Nơi này dần dần tập trung nhiều cửa hàng ăn uống chuyên bán cháo, phở, vằn thắn và các quán cà phê giải khát. Sau đến thời bao cấp, đoạn phố này còn nổi tiếng với nghề bán và đan len sợi.

Đinh Liệt chỉ là một con phố nhỏ, vì ở gần khu buôn bán Hàng Đào nên cũng rất sầm uất, người xe đi lại như nêm. Ngày nay dân nơi đây chủ yếu làm dịch vụ du lịch và mở những quán ăn, nhà trọ, cửa hàng thổ cẩm, quần áo, chủ yếu bán đồ len đan hoặc dệt. Vẫn còn có hộ kinh doanh len, nhưng hiếm hoi lắm mới nhìn thấy cô hàng miệng nói, tay thoăn thoắt đan len như hồi cuối thế kỷ trước.

Phố Đinh Liệt hội tụ hương vị nhiều miền quê. Đầu phố là quán hủ tíu, món ăn du nhập từ phương Nam với mùi lá hẹ đặc trưng lẫn mùi nước lèo nấu tôm và nước mắm. Cuối phố là quán ốc luộc, lẫn vào thoang thoảng mùi lá bưởi. Giữa phố là mấy hàng chuyên mắm tép chưng thịt nổi tiếng thơm ngon và bánh cay, bánh cuốn trong ngõ Trung Yên…

CÒN TIẾP =>>