414 lượt xem

Tại sao gọi là Chùa Một Cột?

Chùa Một Cột còn có tên là Diên Hựu hay Liên hoa đài, nằm trong tổng thể khu di tích Quốc Gia đặc biệt Phủ Chủ tịch và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xưa kia, Chùa nằm trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, phía Tây hoàng thành Thǎng Long thời Lý, nay thuộc phố Chùa Một Cột, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Theo sách Thăng Long cổ tích khảo xa xưa, nơi đây hoang vu không có thôn làng chỉ duy nhất có một hồ nước. Cao Biền nhà Đường làm An Nam đô hộ cho nơi đây là sống lưng của con rồng đang đi, theo thuật phong thủy nên cho xây trụ đồng ở đó để chặt đứt long mạch. Về sau dân đến lập thôn ấp gọi là thôn Nhất Trụ. Vua Lý Thái Tông tuổi đã cao mà chưa có con trai nối nghiệp nên ngài thường đến chùa để cầu tự. Một đêm, nhà vua chiêm bao được đức Phật bà Quan Thế Âm hiện lên trên tòa sen mời đến thôn Nhất Trụ, trên tay ẵm Tiên đồng ban cho nhà vua. Ít lâu sau Hoàng Hậu sinh hạ được con trai. Nhà vua cho dựng một ngôi chùa có dáng dấp đã thấy như ở trong mộng để thờ đức phật bà Quan thế Âm. Cái tên Diên Hựu được đặt cho chùa mang ý nghĩa “phúc lành dài lâu”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: Chùa được xây dựng vào mùa Đông tháng 10 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Thiên Cảm Thánh Võ Đại Bảo thứ nhất (l049) thời Lý Thái Tông. Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen đưa tay dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, vua kể lại cho các quần thần nghe, có người cho là điềm không lành. Nhà sư Thiền Tuệ khuyên nhà vua dựng một ngôi chùa trên cột đá ở giữa hổ Linh Chiểu mang dáng bông sen nở nên gọi là “Liên Hoa đài”, trong chùa tạc pho tượng Phật Quan Âm ngồi trên tòa sen như nhà vua đã gặp trong mộng. Các nhà sư đến làm lễ, đi vòng quanh chùa tung kinh, niệm Phật cầu chúc cho vua sống lâu nên gọi là chùa Diên Hựu.