156 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 6

PHỐ HÀNG VẢI
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Vai-300x200.jpg

Phố Hàng Vải dài gần 240m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã tư Lãn Ông – Thuốc Bắc đến phố Phùng Hưng, đoạn giữa cắt ngang các phố Hàng Đồng – Bát Sứ, Hàng Gà và Cổng Đục.

Vào thời Nguyễn, Hàng Vải là một trong những con phố ở gần chợ Đông Thành (Đông Thành Thị: chợ phía đông thành), thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Dấu tích còn lại của khu chợ là đình Đông Thành và phố Hàng Bút ở mặt sau đình. Ngôi chợ này đã có từ rất lâu trước đó, trong sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn viết: “Thời nhà Lý mới đóng đô ở kinh đô Thăng Long, người bốn phương lũ lượt kéo đến, học tập buôn bán, cùng nhau mở chợ Cửa Đông, lập đàn tràng đại hội sát liền ngay đền thờ thần”.

Ngày xưa phố này gồm hai đoạn ngắn. Đoạn phía đông mang tên Hàng Vải Thâm; phần còn lại có tên Hàng Cuốc. Gọi là Hàng Vải Thâm nhưng tại đây lại bán các thứ vải tấm, tức là vải khổ nhỏ do khung cửi cổ truyền ở Kẻ Bưởi dệt ra, chỉ rộng độ hai gang tay. Có lẽ thêm chữ Thâm là vì ở đoạn phố đó bán nhiều vải nhuộm củ nâu và cũng để phân biệt với phố Hàng Vải cũ cạnh đấy chuyên bán vải trắng (nay đã nhập vào phố Thuốc Bắc).

Cuối thế kỷ 19, một số kiều dân phương Tây đã đến ngụ cư ở phố Hàng Vải và kinh doanh, làm cho hàng hóa phong phú đa dạng hơn với nhiều thứ mới nhập cảng. Tuy nhiên mặt ngoài các cửa hàng vẫn gần y nguyên và đường phố dường như không mấy thay đổi. Khi chợ Đông Thành dọn về chợ Đồng Xuân thì nơi đây vẫn bày bán những mặt hàng theo truyền thống cũ như giấy bút, vải…

Phố Hàng Vải Thâm thời Pháp thuộc gọi là Rue des Etoffes, dịch khá đúng nghĩa đen. Từ năm 1945, phố này sáp nhập làm một với phố Hàng Cuốc và được đặt tên chính thức là phố Hàng Vải. Hồi đầu dân phố ít người giàu; chủ yếu chỉ gồm những gia đình buôn bán nhỏ trong các ngôi nhà kiểu cổ. Về sau mới có những người nhiều tiền ở nơi khác tới đây mua được nhà đất để xây dựng thành cửa hàng lớn với gác cao và hiện đại hơn.

Đầu phố Hàng Vải luôn luôn có rất nhiều xe cộ chở các loại thảo dược và nguồn hàng khác cho những cửa hiệu ở quanh ngã tư Thuốc Bắc – Lãn Ông. Đoạn này cho tới ngã tư Hàng Đồng – Bát Sứ là một khu vực buôn bán sầm uất và tấp nập.

Phố Hàng Vải hiện nay không còn sinh hoạt phường hội kiểu ngày xưa nữa; trong phố hầu như cũng không ai bán vải. Đoạn giữa phố Bát Sứ và Hàng Gà từ cuối thế kỷ 20 có mấy hộ chuyển sang chuyên bán tre cây và vật dụng bằng tre như thang, điếu cày, v.v.. Từ tre trong kiến trúc, xây dựng, cho tới tre trong nội thất, sinh hoạt hàng ngày đều được thiết kế và gia công tại đây.

So với đoạn đầu phố gần ngã tư Thuốc Bắc – Lãn Ông thì đoạn cuối phố nói chung tĩnh lặng hơn, phù hợp cảnh đền, chùa. Nơi đây tuy gần đường xe lửa nhưng số cửa hiệu buôn bán khá ít. Có một con phố nhỏ như ngõ, gọi là Cổng Đục, cũng không kinh doanh gì nhiều.

PHỐ HÀNG VÔI
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hang-Voi-300x218.jpg

Phố Hàng Vôi dài khoảng 300m, nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phía tây-bắc giáp phố Lò Sũ và nối với phố Hàng Tre, phía đông-nam giáp các phố Ngô Quyền, Trần Nguyên Hãn, Tông Đản và còn rẽ sang phố Trần Quang Khải bằng một đoạn ngắn.

Phố Hàng Vôi ở trên đất của hai thôn cũ: Kiếm Hồ và Tây Luông, thuộc tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm), huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Thời thuộc Pháp gọi tên là Rue de la Chaux. Từ tháng 7 năm 1945, Rue de la Chaux mới được thị trưởng Trần Văn Lai chính thức đổi tên và tách ra làm phố Hàng Vôi, phố Tông Đản như bây giờ.

Ngay sau khi chiếm Hà Nội xong vào cuối thế kỷ 19, chính quyền thực dân Pháp đã quy hoạch lại nội thành. Trong tấm bản đồ Hà Nội vẽ năm 1885 đã thấy có tên các phố Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng), Amiral Courbet (Lý Thái Tổ), Rue de la Chaux (Hàng Vôi), Quai Guillemoto (Trần Quang Khải).

Tại khu vực ven bờ sông Hồng hồi đó người Pháp đã xây thêm mấy tòa nhà lớn, trong đó có trụ sở của Sở Lục lộ ở đầu phố Hàng Vôi. Mặc dù xung quanh có khá nhiều ao và ruộng nước, khu vực này vẫn có đám cháy vào tháng 12-1888. Theo tác giả Trần Huy Liệu trong sách Lịch sử thủ đô Hà Nội thì “nhà cửa của Sở Lục lộ cũng bị thiêu hủy”.

Tại căn gác trên của nhà số 7 Hàng Vôi vẫn còn một ngôi đền nhỏ thờ vua Lê Lợi. Đền này được dựng vào khoảng năm 1920, trước đó thì đặt ở quãng số nhà 20, 22 phố Lý Thái Tổ.

PHỐ HÒE NHAI
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Hoe-Nhai-300x200.jpg

Phố Hòe Nhai dài gần 400m, nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 1,3km về hướng bắc. Phố kéo từ dốc đê Yên Phụ, cắt qua các phố Hồng Phúc, Nguyễn Trường Tộ, Hàng Than, Quán Thánh, rồi đổ vào phố Phan Đình Phùng.

Phố Hòe Nhai có từ lâu đời tuy không ai rõ là bao giờ. Xưa kia nơi đây bao gồm địa phận các thôn Thạch Khối Thượng, Hòe Nhai (sau đổi là Giai Cảnh) và Yên Thành, tất cả đều thuộc tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận cũ. Di tích cổ tại góc phố Quán Thánh – Phan Huy Ích ở gần cuối phố Hòe Nhai cũng có tên đền Yên Thành, nơi thờ Vua Bà Lý Chiêu Hoàng. Còn đầu dốc Yên Phụ chỗ số 6 phố Hòe Nhai thì có ngôi đền Tiên Linh Từ.

Tương truyền vào thời Lý (1010 – 1225) lệ cũ quy định rằng các triều thần mỗi người phải trồng một cây hòe trên con đường từ cửa Đông hoàng thành ra tới bến Đông Bộ Đầu, do đó mà thành tên (Hòe Nhai tức là “đường cây hòe”). Chuyện này nếu đúng thì cũng hoàn toàn hợp lý, bởi vì xưa kia quãng phố Đội Cấn của Hà Nội bây giờ từng gọi là Liễu Giai, nghĩa là “đường cây liễu”.

Quả thật tư liệu sử cũ cũng cho biết rằng vào thời Lý–Trần ở phía tây Thăng Long vốn tập trung nhiều dinh thự của các hoàng tử, công chúa. Họ đã trồng những rặng liễu rủ thướt tha ven con đường đi về phía tây và gọi là Liễu Giai, tương ứng với “Hòe Nhai” là con đường trồng hòe ở phía đông kinh thành.

Từ tên một con đường, Hòe Nhai được lấy làm tên thôn sở tại và ngôi chùa Hồng Phúc Tự ở đây cũng gọi là chùa Hòe Nhai. Cổng chùa nay ở số 19 phố Hàng Than, cổng phụ thì ở phố Hòe Nhai, đối diện đầu phố Hồng Phúc. Trong chùa còn lưu giữ một số bia và tượng cổ, đặc biệt trên tấm bia đá dựng năm Chính Hòa 24 (1703) có ghi rõ “Tại phường Hòe Nhai ở Đông Bộ đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta có ngôi chùa tên gọi Hồng Phúc”.

Nhờ dòng chữ khắc trên tấm bia nói trên mà giới sử học đã xác định được vị trí của Đông Bộ Đầu (tức “Bến phía Đông”) là ở quãng bãi Phúc Xá gần bờ đê Hữu (sông) Hồng. Trong lịch sử của dân tộc ta, đây là một địa danh đầy ý nghĩa tự hào, nơi hai cánh quân thủy bộ nhà Trần đã tiến đánh giáp công và chiến thắng giặc Nguyên ngày 29-1-1258, giải phóng kinh đô Thăng Long.

Thời Pháp thuộc, đường này gồm hai đoạn phố nối thẳng mang tên khác nhau. Đoạn đầu khá ngắn, gọi là “Voie 34” (đường 34), đi từ đường Yên Phụ đến phố Hàng Than. Đoạn cuối dài hơn, kéo từ phố Hàng Than đến phố Phan Đình Phùng, gọi là “Rue de l’Hôpital chinois” tức “phố Bệnh viện Tàu”, dân ta quen gọi là “phố Nhà Thương Khách” vì ở số nhà 17 có một bệnh viện Đông y do các Hoa kiều gốc Quảng Đông lập nên vào khoảng năm 1921.

Từ năm 1945, thị trưởng Hà Nội đã trả lại tên cũ cho “Voie 34” thành ra phố Hòe Nhai, còn “Rue de l’Hôpital chinois” thì đổi theo cái tên dân dã quen dùng là phố Nhà Thương Khách. Tới năm 1964, chính quyền thành phố đã nhập hai phố lại làm một như thời cổ và gọi chung là phố Hòe Nhai cho hợp với ý nghĩa ‘đường cây hòe’ từ cửa Đông thành Thăng Long ra bến sông Hồng.

Có một khu nhà từng gây chú ý về mặt kiến trúc trên phố Nhà Thương Khách cũ, chiếm liền hai số 18 – 20, vốn của kiến trúc sư Lagisquet. Ông ta được bầu làm Phó Đốc lý của Hội đồng Thành phố nên có nhiều quyền thế và tiền bạc. Lagisquet lấy vợ Việt và xây nhà to để có thể sống “tứ đại đồng đường” nhưng giấc mơ này không kéo dài lâu. Con cháu ông ta sau cũng ra đi và dinh cơ đó về tay nhiều hộ dân khác nhau.

Bệnh viện Đông y Hòe Nhai từ năm 2007 cũng đã chuyển tên thành Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, trụ sở ở số nhà 34 đối diện.

PHỐ LÃN ÔNG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Lan-Ong-300x169.jpg
 
Phố Lãn Ông dài khoảng 180m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm hơn 200m về hướng bắc. Phía đông giáp ngã tư Hàng Ngang – Hàng Đường và nối với Hàng Buồm, phía tây giáp ngã tư phố Thuốc Bắc – Hàng Vải, đoạn giữa cắt ngã tư phố Chả Cá – Hàng Cân.

Phố Lãn Ông vốn thuộc đất thôn Hậu Đông Hoa Môn. Khoảng giữa thế kỷ 19, từ cuối đời vua Minh Mệnh đến đầu đời vua Thiệu Trị, thôn này hợp với thôn Đông Hoa Môn và Đông Hoa Nội Tự trở thành thôn Đức Môn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thời Nguyễn, nơi đây đã tập trung buôn bán các mặt hàng thiếc và đồng được khai thác từ mỏ quặng Tụ Long, tỉnh Cao Bằng.

Cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp chiếm Hà Nội, đặt tên phố này là “rue de Fou-Kien” (“phố Phúc Kiến”) vì có rất đông Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến đến cư ngụ. Di tích ở nhà số 40 Lãn Ông chính là Hội quán Phúc Kiến, xây từ 1817, sau chuyển thành trụ sở trường tiểu học Hồng Hà. Tới những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn dân quanh đây đã mở hiệu bán thuốc bắc. Sau 1946 tên phố mới đổi ra Lãn Ông và từ đó tiếp tục được dùng cho đến nay.

Cuối năm 2014 người ta quyết định đại trùng tu trường tiểu học Hồng Hà. Đầu năm 2015 tôi đã đến thăm và rất lo vì không biết trụ sở xây lại xong trông sẽ như thế nào.

Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này; họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện… Trải qua thời gian, các cửa hàng thuốc Đông y trên phố Lãn Ông ngày nay vẫn buôn bán tấp nập, không bị phai nhạt nghề truyền thống như ở nhiều phố khác trong khu phố cổ.

Tại khu vực đầu phố phía đông, phần lớn dân cư kinh doanh các mặt hàng khăn mặt, khăn tay, đồ cho bà bầu và trẻ sơ sinh… Nhóm cửa hàng bắt mạch kê đơn bán thuốc tập trung đông nhất ở khoảng còn lại, từ ngã tư phố Chả Cá – Hàng Cân đến ngã tư phố Thuốc Bắc – Hàng Vải. Các cửa hàng thuốc nằm san sát nhau, bán đủ mọi loại thuốc từ cao cấp như “Đông trùng hạ thảo”, nhân sâm, linh chi, cho tới các loại thảo dược khô hoặc tán bột… Trong hiệu thường có dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Khắp nơi mùi đương quy, bạch truật, đan bì, ý dĩ… thơm lừng. Nhiều người bán lẻ thuốc bắc kèm theo thuốc nam. Thuốc nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ…

Tên phố bắt nguồn từ biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông của Lê Hữu Trác, một vị danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, người kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư.

Thuốc bầy bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi ni-lông xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu. Người bán hàng đa phần là phụ nữ, họ không dùng cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để “đong” thuốc lạng như các cụ ngày xưa mà thay thế vào đó những chiếc cân đĩa có thể cân được đến hàng yến.

Bên cạnh các cửa hàng bán thuốc luôn tấp nập người vào ra thì những hiệu lương y lại có một vẻ thâm trầm, kín đáo, bên trong thường có chân dung Hải Thượng Lãn Ông đặt ở vị trí trang trọng. Sừng sững sát tường là những chiếc tủ gỗ đựng thuốc lên nước nâu bóng với hàng trăm ngăn kéo quai đồng, mỗi ngăn có đề tên thuốc. Những người bệnh đến đây được tận tình đón tiếp, bắt mạch và kê đơn. Chỉ trong chốc lát thuốc đã được gói thành những gói vuông vức cho khách hàng.

Nghề thuốc ở con phố này đã cha truyền con nối từ bao đời nay. Đa phần không qua trường lớp đào tạo bên ngoài mà thường lấy bí kíp gia đình làm cốt yếu.

Năm 2014 UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng một số hộ dân ở đoạn cuối phố Lãn Ông đã cho cải tạo lại những mặt tiền xuống cấp nhằm bảo tồn nghề truyền thống đặc biệt của phố này.

PHỐ LÊ THÁI TỔ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Le-Thai-To-300x200.jpg
 

Phố Lê Thái Tổ dài 690m, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phía bắc nối phố Hàng Đào ở ngã tư Hàng Gai – Cầu Gỗ rồi đi dọc bờ tây Hồ Gươm qua đầu các phố Đinh Tiên Hoàng, Lương Văn Can, Bảo Khánh, Hàng Trống; đoạn cuối nối phố Bà Triệu ở ngã tư Tràng Thi – Hàng Khay.

Chắc chắn phố Lê Thái Tổ là một trong những con đường đẹp nhất thủ đô Hà Nội với các đoạn dốc thoai thoải và hè phố rộng rãi lượn cong cong men theo bờ tây Hồ Gươm. Nơi đây còn phảng phất những chứng tích thiêng liêng và bí ẩn lịch sử đằng sau hàng cổ thụ nghiêng mình hứng gió mát thổi qua mặt nước. Du khách bất cứ lúc nào cũng có thể dừng chân ngắm nhìn những thắng cảnh nổi tiếng như đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa nổi trên gương mặt hồ trong xanh màu lá phản chiếu làn da trời.

Bên trái phố là con đường lát gạch dành cho người đi bộ ven Hồ Gươm và xung quanh có những ghế đá, thảm cỏ, luống hoa được giữ gìn sạch sẽ. Vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều có rất nhiều người dân đến đây để hóng gió mát hoặc tập thể dục, múa dưỡng sinh dưới những tán cây cổ thụ tươi tốt bốn mùa. Tối đến, những sinh hoạt văn hóa, ẩm thực và giải trí diễn ra sôi động không kém, dọc theo con phố lung linh ánh đèn đủ màu sắc.

Người dân Việt khắp mọi miền và những khách nước ngoài cũng thường đến đây viếng ngôi đền Lê Lợi nho nhỏ dấu mình trong một khu vườn yên tĩnh trước đình Nam Hương và nối thông sang phố cổ Hàng Trống. Không phải ngẫu nhiên mà danh hiệu vị vua dẫn dắt dân tộc ra khỏi đêm tối Bắc thuộc lần thứ hai và khai sáng một triều đại phong kiến Việt Nam hưng thịnh đã được chọn đặt tên cho phố. Ngước nhìn chăm chú lên đỉnh tượng đài, ta sẽ thấy người anh hùng trầm tư chỉ kiếm xuống nước trước khi trả lại thần Kim Quy. Nay thần đi đâu không rõ, chỉ còn một “cụ Rùa” ốm yếu lâu lâu lại lặng lẽ nổi lên mấy phút như muốn thoát khỏi cảnh tù hãm và làm nổi sóng xôn xao dân tình suốt mấy ngày…

Phố Lê Thái Tổ là đường giao thông một chiều, tuy dài nhưng khá thuận tiện cho du khách với hè phố rộng rãi và nhiều chuyến xe bus chạy qua hoặc có điểm dừng ở gần đấy. Ngoài quảng trường Đông kinh Nghĩa thục cách không xa ngôi nhà cũ của gia đình cụ cử Lương Văn Can, trên đoạn đầu phố hiện có trụ sở của báo Nhân Dân, các ngân hàng và công ty lớn, cùng những nơi giải trí và nhà hàng nổi tiếng từ lâu…

Sang thiên niên kỷ mới, việc người ta đập bỏ khách sạn Phú Gia để xây một tòa nhà quá khổ và treo biển hiệu Playboy bên cạnh đã thực sự làm chướng mắt những kiến trúc sư giỏi và nhiều người dân vốn tự hào về truyền thống Thủ đô ngàn năm văn vật. Cũng may rằng tại đoạn giữa và cuối phố vẫn sót lại những tòa nhà kiểu cũ nhưng rất đẹp, được xây từ đầu thế kỷ trước. Có thể kể vài cái tên như: nhà hàng Thủy Tạ, Trung tâm Văn hóa Việt, trụ sở báo Hà Nội Mới, quán Bốn Mùa…

Theo hướng bắc-nam, phố Lê Thái Tổ đi qua phần đất của các thôn Khánh Thụy Tả, Khánh Thụy Hữu, Tự Tháp, Phúc Phố, Thị Vật, Tô Mộc, tất cả đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Truyền thuyết thần Kim Quy trao lưỡi gươm không chuôi cho chàng kéo lưới Lê Lợi không hẳn là vô lý. Nhiều thế hệ cư dân nơi đây đã từng sống bằng nghề đánh cá trên hồ Tả Vọng, tên khác là Lục Thủy (hồ nước xanh), vốn rộng mênh mang, dần dần bị thu hẹp thành như bây giờ.

Lê Lợi sau trở thành vị vua khai sáng nhà Hậu Lê, tức Lê Thái Tổ. Ngài sinh năm 1385 trong một gia đình lãnh chúa tại động Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Đầu thế kỷ 15 giặc Minh xâm lược, diệt nhà Hồ và chiếm đóng nước ta, Lê Lợi với 21 hiền tài giúp sức đã dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ hào kiệt, kêu gọi nhân dân cùng đứng lên giải phóng đất nước. Ròng rã 10 năm kháng chiến với phương châm tâm công, tới năm 1428 nghĩa quân đã giành thắng lợi hoàn toàn. Lê Lợi lên ngôi, chấn chỉnh nội trị, mở mang ngoại giao, đặt nền móng độc lập lâu dài.

Thời Lê Trung hưng, phủ chúa Trịnh đóng ở mé tây-nam hồ Lục Thủy, chúa thường đứng trên gò Rùa xem thủy quân thao diễn. Đến cuối thế kỷ 18, Đoàn Nguyễn Tuấn, một vị quan triều Tây Sơn và anh vợ Nguyễn Du, sau đại thắng Đống Đa đã để lại tác phẩm “Kiếm hồ xạ đẩu” (Hồ Gươm ánh sao Đẩu), Đông Tỉnh trích dịch 4 câu như sau:

Hoa nở sắc xuân dồn vui chiến thắng
Sương rơi tiếng thu khóc giặc tù binh
Trải dâu bể hồ vẫn nguyên như cũ
Oai trời còn mây nước vẽ thành tranh

Sang thời Nguyễn, Long thành bị thu nhỏ. Thôn Khánh Thụy Tả hợp với thôn Báo Thiên Tự Tháp thành thôn Báo Khánh, sau gọi chệch ra Bảo Khánh. Còn thôn Phúc Phố thì hợp với thôn Tô Mộc thành thôn Phúc Tô, nay không còn dấu vết. Bạn thân Nguyễn Du là Phạm Quý Thích sống ở phường Báo Thiên đã có hai câu tả thực trong bài thứ 4 của chùm thơ “Kiếm hồ”:

Khói sớm nhạt, bóng chiều lành lạnh
Chim âu đến thế khéo đua bơi

Thời Pháp thuộc, đoạn đầu phố Lê Thái Tổ từ quảng trường Đông Kinh nghĩa thục đến ngã ba Hàng Trống mang tên “Rue Beauchamp”, dân ta quen gọi là phố Bờ Hồ. Đoạn dưới từ ngã ba Hàng Trống kéo đến phố Tràng Thi thì trước kia thuộc về phố Hàng Trống với cái tên Pháp “Rue Jules Ferry”. Cho nên đồn cảnh sát ở cuối phố được dân ta gọi là bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm). Đến thời tạm chiếm (1947-1954) thị trưởng Hà Nội mới ghép đoạn này vào phố Bờ Hồ và đổi tên là phố Lê Thái Tổ. Sau 1954 tên gọi này vẫn giữ nguyên.

PHỐ LÒ RÈN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Lo-Ren-300x201.jpg

Phố Lò Rèn dài khoảng 130m, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 700m về hướng tây-bắc. Phố đi từ ngã tư Hàng Cá – Thuốc Bắc, cắt ngang phố Hàng Đồng rồi kết thúc tại ngã ba Hàng Gà.

Phố Lò Rèn ở trên địa phận của thôn Tân Lập – Tân Khai cũ. Thôn này được hình thành vào năm 1822, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương dưới thời Nguyễn. Riêng đoạn đầu phố giáp với phố Hàng Cá thì ở ngay cạnh Đông Thành Thị tức khu chợ lớn nhất ở phía đông hoàng thành và vốn đã có từ thời Lý theo như Lê Quý Đôn (1726 – 1784) miêu tả trong sách “Kiến văn tiểu lục”.

Xưa phố vắng, dân cư ban đầu bao gồm người gốc làng Canh tức thôn Hoè Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm cũ (nay là phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) và làng Hà Từ thuộc tỉnh Sơn Tây, sau có thêm một số đến từ các làng khác như Đa Sĩ (tỉnh Hà Đông) và Đa Hội (huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên). Dân Canh vốn quen việc đặt bễ, thổi lửa và quai búa rèn sắt. Họ gánh lò bễ đi rèn thuê khắp các chợ búa miền thành thị và thôn quê.

Sản phẩm của họ bao gồm những nông cụ như xẻng, cuốc, mai, thuổng, răng bừa, lưỡi cày, liềm, hái v.v..; những đồ gia dụng như dao, kéo và công cụ của thợ cạo, thợ mộc, thợ may cùng những vũ khí thô sơ như đoản đao, giáo, mác, mã tấu, đinh ba… Tên phố Lò Rèn ban đầu là Hàng Bừa, sau khi thực dân Pháp sang thì đổi thành Rue des Forgerons (“Phố Thợ Rèn”). Sản phẩm hồi đó chủ yếu được bày ngay trước cửa hàng để cho nông dân tới mua, ngoài ra còn bày bán cả ở bên phố Hàng Cuốc (nay là phố Cổng Đục, ở gần cuối phố Hàng Vải).

Bước sang thế kỷ 20 khu vực chợ Đông Thành và xung quanh dần trở thành phố xá vuông vắn do người Pháp quy hoạch và cho thực hiện cùng với đại dự án xây dựng cầu xe lửa Long Biên có đường dẫn chạy dọc các phố Phùng Hưng và Gậm Cầu bây giờ. Hiệu Thế Long của Nguyễn Thế Tảo là người đầu tiên nhận hàng của sở Hoả xa đặt, rèn đinh bù lông và đồ sắt nhỏ khác để làm đường sắt xây nhà ga. Cũng do tham gia làm phần sắt cho cây cầu vĩ đại nhất Đông Nam Á ngày ấy và mở mang đô thị mà phường nghề rèn thủ công đã phát triển mạnh mẽ ở đây. Họ biết sử dụng các công cụ hiện đại hơn và còn sản xuất thêm cả một số chi tiết máy móc công nghiệp.

Nhiều thế hệ đã từng đến sống và hành nghề ở phố Lò Rèn. Tuy vậy đa số thợ thuyền không giàu, chỉ để lại những ngôi nhà nhỏ hẹp kiểu cổ. Những ngôi nhà to cao là của cánh buôn sắt phất lên từ thời kỳ 1939 – 1940 (đầu Đại chiến thế giới thứ hai) và phần lớn được xây dựng vào thời kỳ tạm chiếm 1947 – 1954. Những nhà buôn sắt lớn ở phố Lò Rèn có: Nguyễn Long (Hoa kiều), Đại Hoà Thịnh, Hưng Long, Vạn Thắng, Đặng Văn Cần (số 14). Cho đến nay, những dấu vết cũ vẫn có thể nhận biết ngay từ ngoài mặt tiền của nhiều cửa hàng còn mang rõ tính cách gia đình.

Tương truyền vào thời Hùng Vương, ở một làng đồng bằng sông Hồng có ông Lỗ Cao Sơn, thông minh tuấn tú, giỏi võ nghệ lại ham thích các việc thủ công. Biết người Thục giỏi nghề rèn, ông tìm đường sang học được các bí quyết của họ. Sau ông về nước mở nghề này và còn cải tiến thêm rồi đem dạy cho mọi người, khiến cho ta không hề kém họ. Nước Nam có nghề rèn từ đó, cho nên sau khi Cao Sơn qua đời những người thợ rèn đều tôn ngài làm Tổ sư.

Dân phố Lò Rèn cũng lập một ngôi đình nhỏ để thờ Tổ sư. Phố vốn ngắn và chật, thợ thuyền phải đi cư trú ở các phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến bây giờ), Cửa Nam, Khâm Thiên, Sơn Tây, Ô Đông Mác… nhưng hàng năm vẫn về đây để hội họp, tế lễ. Khi thăm di tích đình này (nay ở tầng 2 nhà số 1, gian thờ chỉ còn khoảng 20m2), nhiều du khách rất bất ngờ bởi diện tích quá khiêm tốn so với những đình, đền khác ở Hà Nội.

PHỐ LÒ SŨ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Lo-Su-300x193.jpg

Phố Lò Sũ nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố dài 316m từ đường Trần Quang Khải đi qua các ngã tư Hàng Vôi – Hàng Tre và Lý Thái Tổ – Nguyễn Hữu Huân, cắt ngang phố Hàng Dầu rồi kết thúc tại ngã ba Lò Sũ – Đinh Tiên Hoàng, chỗ đền Bà Kiệu bên bờ phía đông Hồ Gươm.

Phần lớn phố Lò Sũ đi qua đất của các thôn Sơ Trang, Tả Lâu (tổng Tả Túc) và Nhiễm Thượng (tổng Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Theo Từ điển đường phố Hà Nội, chính quyền thực dân thời thuộc Pháp đặt tên là “Rue Pouyanne”. Từ năm 1945 phố chính thức mang tên Lò Sũ.

Trên phố Lò Sũ xưa kia có nhiều cửa hiệu chuyên đóng và bán áo quan, thế nhưng trong những đền thờ nghề sũ trên phố lại thờ tổ nghề mộc và nghề rèn, bởi vì phần lớn những người thợ sũ đều xuất thân từ hai nghề này. Dân phường Hàng Sũ phần lớn gốc từ làng Liễu Viên, Phương Dực (Thường Tín) lên kinh thành Thăng Long lập nghiệp cách đây hơn 200 năm. Tuy nhiên, nghề hàng sũ trên phố này từ lâu đã biến mất, chỉ còn lại tên gọi mà thôi.

Hiện nay trên phố Lò Sũ, ngoài những khách sạn và trụ sở văn phòng mới được xây dựng thì nhiều ngôi nhà khác đã được sửa lại khang trang, nói chung chỉ còn lại ít nhà cũ. Đoạn giữa phố có số nhà 51 là trụ sở Toà án Nhân dân quận Hoàn Kiếm. Tại đoạn cuối phố gần đền Bà Kiệu có nhiều nhà hàng và cửa hiệu bán giầy, dép nhựa, cặp, túi, ba lô các loại.

Trong tòa nhà dài ở số 2 đầu phố Lò Sũ (Toà án Hàng Tre cũ) đang tọa lạc hai cơ quan: Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam và Ban Quản lý trung ương các dự án thuỷ lợi, đối diện với trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ở số 1, tất cả đều là những công trình kiến trúc hoành tráng kiểu thuộc địa Pháp được xây từ một thế kỷ trước.

Tại số nhà 22 Lò Sũ từng có đền thờ tổ nghề mộc, hiện đang là một phòng giao dịch của ngân hàng Vietcombank. Số nhà 30 vốn là đình làng Trang Lâu của dân sở tại đã trở thành trụ sở Uỷ ban nhân dân phường Lý Thái Tổ. Còn ở số nhà 32 nơi trước kia từng là đền thờ tổ nghề rèn của dân Đa Hội quê bên Đông Anh đến đây lập nghiệp từ thời Lê thì nay tọa lạc một khách sạn cao 11 tầng.

PHỐ LƯƠNG NGỌC QUYẾN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Luong-Ngoc-Quyen-300x225.jpg

Phố Lương Ngọc Quyến nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố dài 334m, phía đông giáp các phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Hàng Muối, phía tây nối tiếp phố Hàng Giầy, đoạn giữa đi qua ngõ Phất Lộc và các phố Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện.

Vào những năm cuối thế kỷ 19 dưới thời Pháp thuộc, khu vực này còn gọi là Làng Chài (sau mang tên phố Chài) và vẫn có nhiều hồ, ao phủ đầy bèo tây cùng các khoảnh đất trũng chưa được san lấp. Dân ở đây có đến nửa phần làm nghề đánh bắt tôm cá trên hồ Ngư Võng và các ao đầm xung quanh.

Một số người Hoa nghèo cũng đến đây ngụ cư và sinh sống bằng nhiều nghề mọn; trong xóm toàn là nhà tranh lụp xụp, ngõ nhỏ quanh co. Khi chính quyền thực dân cho lấp hết hồ ao, vạch đường phố theo quy hoạch thì con phố mới mở có tên Galet, song dân ở đây vẫn gọi bằng tên cũ là phố Chài. Nối tiếp phố này người ta còn kéo dài thêm một đoạn ngắn ra đến bờ sông Hồng, nhờ đó đầu thế kỷ 20 mới có con phố Nguyễn Khuyến ăn thông với bến xe ở bãi Cột Đồng Hồ.

Từ 1945, hai con phố Nguyễn Khuyến và Galet được ghép lại làm một và chính thức mang tên Lương Ngọc Quyến, một chí sĩ của Việt Nam Quốc dân đảng đã hy sinh anh dũng trong cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917.

Phố Lương Ngọc Quyến ở phía đông có hai đoạn. Đoạn giáp bờ sông chỉ là phụ vì rất ngắn. Đoạn chính từ ngã tư Mã Mây đến ngã tư Tạ Hiện, mới có sau khi san bằng hồ Ngư Võng, nhà cửa được xây dựng hiện đại hơn và có diện tích tương đối rộng.

Ngày nay, đoạn cuối phố Lương Ngọc Quyến từ ngã tư Tạ Hiện đến Hàng Giày vừa là khu buôn bán và kinh doanh hoạt động du lịch, vừa tập trung nhiều hàng ăn uống của Hà Nội. Mấy năm nay, hàng ăn mọc ra nhan nhản khắp phố, nào các hàng cà phê, nào xôi trứng rán, xôi lạp sườn, xôi gà, xôi thịt kho tàu, nào bánh bao nóng, cùng phở, mỳ, cháo và rất nhiều món khác cho khách ăn tới khuya.

Ngã ba phố Lương Ngọc Quyến – Hàng Giầy – ngõ Nội Miếu, nơi thế kỷ trước vốn có một xưởng sản xuất xì dầu, ngày nay đã thành một xóm khách sạn với nhôm kính sáng choang. Du khách thích đến đây vì giá thuê phòng và ăn uống khá rẻ, ngoài ra lại dễ đi chơi loanh quanh trong khu phố cổ Hà Nội vào bất cứ giờ nào. Quá một chút, trong ngôi miếu nhỏ trên phố Hàng Giầy từng có quán bán bánh trôi Tàu, lục tào xá, chí ma phù của nghệ sỹ hài Phạm Bằng.

Phố Lương Ngọc Quyến ở trên đất cũ của thôn Ưu Nhất và thôn Ngư Võng, thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long. Hiện nay dấu vết các thôn này hầu như không còn gì ngoài đình và đền Hương Tượng ở nhà số 10. Nhưng cánh cổng phía đó thường đóng kín, lối vào chính thì lại mở ra phố Mã Mây và mang biển số 64.

Tấm bia “Hương Tượng giáp trùng tu” dựng năm 1825 cho biết đền Hương Tượng được lập vào thời Trần, thờ Kinh sư đại doãn Nguyễn Trung Ngạn. Gần nơi này ông còn được thờ trong đền Tiên Hạ ở ngõ Phất Lộc và đền Mỹ Lộc ở phố Nguyễn Hữu Huân…

PHỐ LÝ QUỐC SƯ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Ly-Quoc-Su-300x200.jpg
 

Phố Lý Quốc Sư từ ngã tư Hàng Bông – Hàng Mành đến ngã tư Nhà Thờ – Nhà Chung dài 244m, nay thuộc địa phận phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vào đầu thế kỷ 19, khu phía nam ngã phố Hàng Bông – Hàng Gai có các dinh tri phủ, tri huyện, cho nên thường thấy dân chúng tấp nập đến trình việc quan. Tương truyền nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng mở một ngôi hàng nước gần đấy để thử tài thiên hạ. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), trụ sở của tri huyện Thọ Xương đã từ thôn Văn Hương chuyển tới đây và tồn tại đến tận khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội rồi vua Thành Thái giải thể huyện Thọ Xương (1888), cho nên về sau mới có các tên như phố Phủ Doãn, Ngõ Huyện, Thọ Xương.

Tên phố Lý Quốc Sư bắt nguồn từ ngôi chùa Lý Triều Quốc Sư tọa lạc ở số 50, quãng giữa hai phố Ngõ Huyện và Ấu Triệu, rất gần Nhà thờ Lớn và chùa Bà Đá. Theo nhiều tư liệu, chùa trước kia vốn là một ngôi đền thuộc thôn Tiên Thị, tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương. Chùa được lập vào năm 1131 theo lệnh của Vua Lý Thần Tông và mang tên Lý Triều Quốc Sư, tức “quốc sư triều nhà Lý”, là tước hiệu của thiền sư Minh Không (1066 – 1141), được coi là tổ nghề đúc đồng.

Phố Lý Quốc Sư còn có một ngôi đền tọa lạ tại số nhà 25, do chính dân làng Phù Ủng di cư lên Thăng Long xây dựng vào thế kỷ 19 để thờ vọng Phạm Ngũ Lão, người anh hùng áo vải trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Đền này từng bị quân Pháp phá hoại hồi đầu năm 1947 rồi được dân sửa lại vào năm 1949.

Thời Pháp thuộc, phố này gọi là Rue Lamblot. Nhà thờ Lớn đã được xây từ cuối thế kỷ 19 trên nền chùa Báo Thiên cũ ở phía nam phố Ấu Triệu bây giờ. Và rồi với sự ưu đãi của chính quyền thực dân Pháp, phần lớn khu vực quanh đây đã trở thành những cơ sở của giáo hội Ki-tô ở Hà Nội.

Những năm 1920 dãy nhà số 24-26 từng là trường tư thục Trung Bắc do nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh sáng lập. Bị Pháp o ép, phá sản, ông Vĩnh bán lại cho ông Ngô Tử Hạ chuyển nhà in từ Hàng Gai về đây. Nhà in tồn tại mãi tới năm 1955 thì hợp doanh thành Công ty in Thống nhất. Cũng trong thời kỳ tiền chiến, trên phố còn có nhà Tân Việt ở số 29, nơi đã xuất bản sách triết học của Nguyễn Đình Thi, sách dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc của Nhượng Tống và các đặc san với bài của Trương Tửu, Nguyễn Tuân, Đinh Hùng, Phiêu Linh Nguyễn Đức Chính…

Trưa ngày 6/10/1972, máy bay Mỹ đã bắn tên lửa xuống các nhà số 37, 39B, sát hại nhiều người dân. Ngay sau đó, ở bức tường trước ngôi nhà 39B có đặt tấm bảng ghi lại tội ác này. Những năm 1980 nhà hàng đặc sản nổi tiếng Nguyên Sinh từ phố Thuốc Bắc đã chuyển về số 17 phố Lý Quốc Sư. Ngoài ra, số nhà 43 từng là nơi ở cuối cùng trong một thời gian rất lâu của Hoàng Cầm – thi sĩ xứ Kinh Bắc.

PHỐ MÃ MÂY
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Ma-May-300x206.jpg

Phố Mã Mây thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng bắc. Phố dài 270m kéo từ ngã tư Hàng Buồm – Đào Duy Từ, theo hướng đông nam lần lượt đi qua đầu hai phố Đông Thái, Hàng Chĩnh và cắt ngang phố Lương Ngọc Quyến rồi đổ vào phố Hàng Bạc.

Phố Mã Mây là một trong những phố hiếm hoi còn giữ được khá nhiều dấu tích kiến trúc nhà kiểu cũ của nội thành Hà Nội thuộc giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Từ những thập niên gần đây, con phố này bắt đầu nổi tiếng về kinh doanh các ngành lữ hành, ẩm thực, quần áo thời trang và đá cảnh. Khách du lịch, đặc biệt loại “Tây ba-lô”, thường rất thích các khách sạn mini và quán ăn uống được cho là bình dân ở đây.

Ngày xưa Hà Nội chỉ có phố Hàng Mã (cũ) và Hàng Mây, sau mới ghép lại thành phố Mã Mây. Phố Hàng Mây thuộc địa phận vốn của giáp Hương Tượng, đi theo hướng đông nam từ đầu phố Hàng Buồm đến phố Lương Ngọc Quyến bây giờ. Gọi tên là Hàng Mây vì phố ở gần khúc sông có nhiều thuyền bè chở từ miền ngược về các thứ lâm sản như song, mây, tre, nứa… để bán làm vật liệu xây dựng hoặc chế biến thành đồ đan lát dân dụng và mỹ nghệ cho dân thành thị.

Còn phố Hàng Mã (cũ) giáp với Hàng Bạc thuộc đất của thôn Dũng Thọ, vốn có nghề làm đồ mã lớn (như voi giấy, ngựa giấy v.v.) dùng để đốt trong tang lễ, cầu mát, cùng với nghề làm vàng mã cũng để hóa trong ngày giỗ ngày Tết và các đám cúng; khác với Hàng Mã (mới) gần Hàng Đồng là nơi làm đồ mã nhỏ với hoa giấy bày bàn thờ và đồ chơi bằng giấy. Ngày ấy trong những đám ma lớn chưa có lệ rước linh cữu bằng xe song mã, mà còn rước bằng đòn rồng và phải thửa xe nhà táng rất cầu kỳ.

Thời thuộc Pháp, hai phố Hàng Mây, Hàng Mã nói trên được ghép lại và gọi chung là Rue des Pavillons Noirs (“phố quân Cờ Đen”). Có tên đó là vì tiếp theo trận đại bại ở Cầu Giấy, đội quân xâm lược Pháp chết mất chủ tướng bị bao vây mấy tháng liền ở Đồn Thuỷ và trong thành Hà Nội; khi đó quân Cờ Đen gốc gác đa số thổ phỉ đã đóng đại bản doanh ở phố Mã Mây, cướp bóc, tàn sát và để lại những kỷ niệm kinh hoàng.

Giai đoạn đầu sau khi tái chiếm Hà Nội, từ năm 1884 thực dân Pháp muốn mở mang khu vực này vì địa thế thuận tiện, vừa gần bến sông Hồng ở phía đông vừa gần trung tâm buôn bán có nhiều cửa hiệu lớn ở phía tây. Chính quyền Pháp đã đặt nhiều công sở ở gần bến sông như Sở Thuế quan ở phố Chợ Gạo (sau đổi làm trường tiểu học, gọi là trường Ke), Sở Xen đầm ở phố Hàng Bè (số 55), Toà án ở phố Hàng Tre, Nhà ngục ở phố Mã Mây v.v..

Tại phố Mã Mây còn lại vài di tích của thời Pháp như khu nhà tù cũ (một dãy nhiều gian từ số 19 đến số 33, thuê của tư nhân), nhà của chủ ngục người Pháp ở bên kia đường (số 20), trụ sở Hội Tam Điểm Bắc Kỳ (số 37, sau làm trường học, gọi là trường Hàng Mã). Thương nhân Pháp cũng có đôi ba cửa hàng ở phố Mã Mây.

Những thập niên trước và sau chiến tranh thế giới 1914-1918, phố Mã Mây vẫn giữ được nhiều dáng vẻ riêng của phố cổ Hà Nội. Đoạn đầu phố có những cửa hàng nhỏ bán các đồ gia dụng như quang thừng, bán cả những sợi mây, sợi song làm nguyên liệu đan lát.

Từ năm 1920 có vài hộ dân chuyên sản xuất đồ nội thất bằng song mây tre như ghế mây, bàn mây, ghế xích đu… làm theo kiểu dáng đặt hàng của khách nước ngoài, sử dụng thợ là người làng Sơn Đồng. Sau này thì những nghề thủ công ấy ở đây cũng biến mất dần.

CÒN TIẾP =>>