248 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì 7

PHỐ NGÕ GẠCH
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Ngo-Gach-300x200.jpg

Phố Ngõ Gạch có chiều dài gần 130m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng bắc. Phía đông giáp ngã tư Hàng Giầy và nối với phố Nguyễn Siêu. Phía tây giáp ngã tư Hàng Đường và nối với phố Hàng Cá.

Ngõ Gạch là một trong những con phố cổ nhất ở Hà Nội. Hồi cuối thế kỷ 19, trong phố có nhiều nhà bán vật liệu xây dựng nên thành tên Ngõ Gạch. Đây nguyên là đất thôn Hương Bài, làng Cổ Lương, thuộc tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội xưa.

Thời thuộc Pháp, nơi đây vốn có hai phố ngắn là Rue Nguyễn Siêu và Rue Hàng Gạch (Rue des Briques), giáp nhau ở ngã tư Hàng Giầy, sau lại gộp chung gọi là Rue Án Sát Siêu. Từ năm 1945, Rue Án Sát Siêu lại được tách ra làm hai phố nhỏ có tên như bây giờ: phố Ngõ Gạch và phố Nguyễn Văn Siêu.

Sang thế kỷ 20 phố vẫn buôn bán các mặt hàng vật liệu xây dựng như xi măng, giấy bột màu, chổi đót, gạch ngói; một số gia đình còn mở cửa hàng bày bán tạp phẩm, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong khu phố cổ. Hiện nay số hộ dân phố tăng lên nhiều, chủ yếu kinh doanh trong các ngành thủ công mỹ nghệ, ăn uống và du lịch.

PHỐ NGÕ TRẠM
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Ngo-Tram-300x217.jpg
 

Phố Ngõ Trạm dài 228m, đi từ mặt phía nam chợ Hàng Da đến ngã ba Phùng Hưng – Ngõ Trạm, nay thuộc phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 600m về hướng tây.

Phố Ngõ Trạm ở trên đất thôn Yên Trung Hạ, tổng Tiền Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Phố ra đời vào đầu thế kỷ 20 với tên Rue Bourret nhưng dân ta quen gọi là Ngõ Trạm Mới, rồi rút gọn thành Ngõ Trạm khi phố Ngõ Trạm Cũ mang tên Rue Hà Trung. Các tên phố do Pháp đặt ra trong TP Hà Nội đã được đổi lại khi thị trưởng Thẩm Hoàng Tín ký Nghị định số 138-NĐ ngày 28-2-1951, từ đó đến nay Ngõ Trạm trở thành tên chính thức.

Phố Ngõ Trạm Mới đã được chính quyền thực dân quy hoạch cùng vài phố lân cận trên một khu vực có nhiều bãi đất bỏ hoang dọc đường xe lửa và các ruộng trồng hoa, trồng rau thuộc thôn Yên Trung bên cạnh chợ Hàng Da. Tại đây, lúc đó chỉ lác đác mấy ngôi nhà gần cây Cầu Sắt ở đầu phố Đường Thành, trong đó có trường tiểu học Pháp-Việt (gọi là trường Cửa Đông) xây một tầng gồm năm gian lớp cạnh gốc đa cổ thụ và sân chơi. Suốt từ chỗ đấy đến chợ Hàng Da hầu như chưa xây dựng gì.

Sau đó chính quyền thực dân nhanh chóng cho san lấp mặt bằng, chia lô, mời các nhà giàu bỏ tiền tậu đất. Chỉ trong vòng mười năm đã có nhiều quan lại tìm đến đây xây biệt thự để ở như tổng đốc Hoàng Thụy Chi, tuần phủ Phạm Gia Thụy, v.v. hoặc những tổ chức xã hội như Nhà thờ Tin Lành Hà Nội và Hội Hợp Thiện thì xây trụ sở, cũng như những nhà tư sản nội ngoại thì lại xây nhà tầng để kinh doanh.

Phố Ngõ Trạm tuy ở sát chợ Hàng Da nhưng hồi ấy yên tĩnh, nhà cửa chủ yếu xây để ở. Tại đây người ta còn mở những khách sạn, thường chiếm vị trí ở góc đường trông bề thế. Những dãy nhà nhiều gian rộng rãi cao ráo thì được cho thuê để mở trường (trường trung học Thăng Long – An Nam học đường…), phòng khám và bệnh viện tư (phòng khám của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện – bệnh viện của Phạm Hữu Chương, Kỳ Quang Thân…).

Do dân cư nơi đây gồm nhiều nhà tư sản và trí thức trẻ nên đã diễn ra các hoạt động văn hoá xã hội. Đầu thập niên 1930 đã có nhóm Việt Nam của Hội Tam Điểm Bắc Kỳ và đến thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 – 1939 lại có những tổ chức chính trị tìm đến đặt trụ sở cho cơ quan ngôn luận của họ (toà báo Tin Tức, báo Bạn Dân, Hà Thành thời báo).

Ngõ Trạm ngày nay, bên số chẵn có 10 nhà, đầu phố là Tổng Hội Hội Thánh Tin Lành Miền Bắc Việt Nam, đoạn giữa phố bao gồm những biệt thự và cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, cuối phố có trường tiểu học Thăng Long (số 20) mới được đại trùng tu mà tiền thân là trường tư thục Thăng Long nổi tiếng.

PHỐ NGUYỄN HỮU HUÂN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nguyen-Huu-Huan-300x197.jpg

Phố Nguyễn Hữu Huân dài gần 450m, nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm hơn 150m về hướng đông-bắc. Phố đi từ nơi giáp đường Trần Nhật Duật theo một góc nhọn, cắt ngang các phố Hàng Mắm, Hàng Thùng và kết thúc ở đầu phố Lý Thái Tổ.

Phố này được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc các thôn: Trừng Thanh, Mộc Sà, Mỹ Lộc, Sơ Trang (tổng Tả Túc), Ưu Nhất, Trung Nghĩa, Đông An (tổng Hữu Túc) đều thuộc huyện Thọ Xương. Tới giữa thế kỷ 19 tổng Tả Túc đổi thành tổng Phúc Lâm. Hai thôn Trừng Thanh và Mộc Sà hợp lại thành thôn Thanh Yên. Hai thôn Sơ Trang, Tả Lâu thành thôn Trang Lâu. Còn tổng Hậu Túc đổi là tổng Đông Thọ; hai thôn Ưu Nhất và Trung Nghĩa thành thôn Ưu Nghĩa.

Phố Nguyễn Hữu Huân hiện nay có vỉa hè rộng, cây cao bóng mát và có nhiều tuyến xe bus chạy qua. Ít ai biết xưa kia nơi đây là bờ sông, con đê chắn sóng nằm ngay trên lòng đường bây giờ, vì thế lúc đầu thời Pháp thuộc, phố này từng mang tên “Rue de la Digue” (phố Đê). Về sau sông Hồng đổi dòng về phía đông đến vài trăm bước, nhường đất cho cả một khu nhà cửa khang trang mọc lên; người Pháp đặt tên “Rue du Maréchal Pétain” (phố Thống chế Pétain), tên khác là phố Bắc Ninh, dân ta quen gọi phố Bè Thượng.

Năm 1947 phố Bắc Ninh đổi tên thành Phan Thanh Giản, rồi tới năm 1964 trở thành Nguyễn Hữu Huân để tưởng nhớ một chí sĩ Nam Bộ. Ông sinh năm 1830 tại thôn Tịnh Giang, huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), đỗ đầu trường thi hương Gia Định năm 1852 nên còn gọi là Thủ Khoa Huân. Ông là một trong những người dấy binh chống giặc Pháp đầu tiên. Tuy bị bắt nhiều lần và đày cả sang đảo Réunion, ông vẫn không chịu khuất phục. Năm 1875, ông bị bắt lại và tuyên án tử hình, để lại tấm gương anh hùng và nhiều áng văn thơ giá trị.

Trước kia ở đầu phố từng có một quảng trường với cây cột đồng hồ công cộng khá to, nên dân gọi là “Bãi Cột Đồng Hồ”. Sau khi xây cầu Chương Dương, cây cột này đã được chuyển lên đầu cầu. Nhân dịp Đại lễ Nghìn năm Thăng Long–Hà Nội, nơi đây cũng được đánh dấu mốc bằng hình đôi rồng lớn trên tường của “Con Đường Gốm Sứ” đi dọc đê theo các phố Trần Nhật Duật và Yên Phụ.

Từ đầu thế kỷ 20, một số hộ dân đã mở ra những xưởng nghề mộc và cửa hàng bán đồ gỗ với tên hiệu thường bao gồm chữ Lâm (nghĩa là rừng) như Quảng Lâm, Quản Nam Lâm, Thành Lâm, Mỹ Lâm v.v.. Có hộ làm hàng ngay trên vỉa hè, có hộ buôn gỗ súc chất thành đống, có hộ chỉ buôn thành phẩm.

Dọc phố Nguyễn Hữu Huân có hai con ngõ nhỏ đặc trưng cho Hà Nội. Một là ngõ Phất Lộc dài hẹp và âm u với đền Tiên Hạ xinh xắn bên trong. Còn ngõ Nguyễn Hữu Huân tại số nhà 55 thì vốn mang tên Bạch Thái Bưởi, một nhà tư sản yêu nước hồi đầu thế kỷ 20 từng đóng trụ sở hãng tàu thuỷ ở đầu phố. Lúc đó sông Hồng chưa đổi dòng, bến tàu ở ngay sát Bãi Cột Đồng Hồ.

Số 60 phố Nguyễn Hữu Huân trong khoảng 1960–1990 là một căn nhà lụp xụp, ngoài cửa chính treo tấm mành cũ, hai bên cửa lùa đóng im ỉm, nơi nhiều văn nghệ sỹ thường lui tới. Đó là Café Lâm – một quán bình dân. Nghe nói ông chủ “Lâm Toét” có bán chịu cho những họa sĩ nghèo, thỉnh thoảng lại được họ mang trả bằng tranh đủ loại: bột màu, sơn dầu, giấy dó, lụa là… Quán dần dần trở thành một nơi sưu tập tác phẩm của những họa sỹ kỳ tài đương thời như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Lưu Công Nhân v.v…

Từ năm 1997–1998, phố chỉ còn rất ít xưởng mộc vì mấy chục hộ đã chuyển sang buôn thành phẩm từ Hà Đông, Sơn Tây chở về. Ngày nay, nếu muốn mua đồ gỗ thì khách hàng có thể đến các phố Đê La Thành, Giảng Võ, hoặc Quang Trung, Hàm Long. Phố Nguyễn Hữu Huân đã mất độc quyền đồ gỗ, nhưng kể đến xôi thì không thể không nhắc đến nơi đây. Bên góc ngã tư Hàng Mắm có quán Xôi Yến ở số 35b nổi tiếng là đông khách nhất khu vực.

Hiện nay còn đình Ưu Nghĩa tại nhà số 2A, thờ Nguyễn Trung Ngạn danh thần thời Trần. Đình Đông An ở nhà số 94, mới dỡ bỏ chừng hai mươi năm trở lại đây, thờ Uy Linh Lang Đại vương. Đình Thanh Yên ở nhà số 11A ngõ Nguyễn Hữu Huân thờ hai vị tiến sĩ họ Nguyễn và họ Vũ. Đình Trang Lâu ở nhà số 77, thờ hai vị thần Cao Sơn và Quý Minh. Cạnh đình này là đền Trang Lâu, thờ Mẫu Liễu Hạnh.

PHỐ NGUYỄN THIỆN THUẬT
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nguyen-Thien-Thuat-300x200.jpg

Phố Nguyễn Thiện Thuật mang tên người anh hùng Bãi Sậy; nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng bắc. Phố dài 216m, đầu phía bắc giáp ngã tư Hàng Khoai – Nguyễn Thiếp, phía nam giáp ngã tư Hàng Chiếu – Hàng Giày, đoạn giữa giáp các phố Cao Thắng, Cầu Đông và Thanh Hà.

Phố Nguyễn Thiện Thuật vốn ở trên đất thôn Tiền Trung, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Đoạn giữa phố nay có chợ búa, các chung cư và trường học đông đúc nhưng trước kia từng là con hồ Đồng Xuân, bị lấp vào cuối thế kỷ 19. Năm 1892 có hãng Bourgouin-Meiffre được phép đến đây xây dựng một xí nghiệp sản xuất sợi bông, dân gọi là nhà máy Bắc Qua.

Năm 1918, nhà máy Bắc Qua bị sáp nhập vào nhà máy dệt Nam Định, xưởng và nhà kho bị phá bỏ, trở thành bãi đất trống. Những thập niên 1920, 1930, phong trào thể dục thể thao phát triển, bãi Bắc Qua trở thành một sân tập và thi đấu, gọi là “Stade Lepage” (sân vận động Lepage).

Bãi đá bóng được làm hàng rào ngăn tử tế nên con đường đất đi ngang trước sân vận động dần hình thành và mang tên “Rue Lepage” (phố Lepage). Tuy được gọi là phố song thời kỳ đầu chưa xây gì mấy, lối thông sang Hàng Chiếu cũng chỉ là một ngõ hẹp, đêm tối thường ít người qua lại. Sau này mới có nhà cửa nhưng chủ yếu tập trung dân nghèo tương tự như dân xóm Thanh Hà sát cạnh.

Năm 1945 phát xít Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, thị trưởng Hà Nội là Trần Văn Lai đổi tên Rue Lepage thành phố Tán Thuật. Cuối năm 1946 chiến sự bùng nổ, bãi Bắc Qua trở thành chiến hào. Ngày quân Pháp tấn công chợ Đồng Xuân, chúng đã bắn đại bác và cho xe tăng từ bờ sông Hồng đánh vào qua bãi bóng. Cả khu vực bị phá tan tành.

Thời tạm chiếm (1948 – 1954), bãi Bắc Qua được sửa sang thành nơi họp chợ của những người buôn bán ở bên Gia Lâm sang. Đó là một cái chợ nổi tiếng, nhiều người sống ở khu phố cổ thường đến đây để mua những thứ hàng vừa thiết yếu vừa phù hợp với bình dân. Chợ họp ở quanh ngã ba Nguyễn Thiện Thuật – Cao Thắng, lúc đầu còn rộng rãi vì nhà cửa chủ yếu mới chỉ được xây dựng ở phía giáp phố Hàng Chiếu.

Từ ngày Giải phóng Thủ đô đến nay, phố mang tên đầy đủ của nhà yêu nước Nguyễn Thiện Thuật (1844 – 1926), quê làng Xuân Dục, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên. Lớn lên giữa lúc Pháp bắt đầu xâm lược, ông thi đỗ cử nhân năm 1871, lĩnh chức Tán tương quân vụ Hải Dương năm 1879. Năm 1881 ông giữ chức Chánh sứ sơn phòng Hưng Hóa kiêm Tán tương quân vụ Sơn Tây.

Ngày 25-8-1883 triều đình Huế ký hiệp ước Harmand, vua Hiệp Hòa gọi Nguyễn Thiện Thuật về kinh nhưng ông không tuân lệnh mà theo Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890) tiếp tục chống Pháp. Ngày 12-4-1884 Hưng Hóa bị chiếm, ông lại lên Lạng Sơn tham gia nghĩa quân của Lã Xuân Oai (1838 – 1891, chí sĩ đầu tiên ở tù Côn Đảo). Tháng 2-1885, Pháp chiếm Lạng Sơn, hai ông phải lánh sang Trung Quốc. Tháng 7-1885 Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Cam Lộ (Quảng Trị) và hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về căn cứ Bãi Sậy (Hưng Yên) thay Đinh Gia Quế mới mất, lãnh đạo du kích diệt địch. Ông kết nối với các nhóm khác nên được vua phong làm Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần.

Năm 1888, Hoàng Cao Khải chỉ huy đánh Bãi Sậy điên cuồng. Trước tình thế khó khăn, Nguyễn Thiện Thuật trao quyền chỉ huy cho em là Nguyễn Thiện Kế để vượt biên giới sang Trung Quốc tìm các thủ lĩnh phái kháng chiến như Tôn Thất Thuyết, Lưu Vĩnh Phúc v.v. bàn cách tăng viện. Việc không thành do triều đình nhà Thanh sợ Pháp. Tiếp đó ông bị bệnh, đành phải lần lữa sống ở đất khách quê người rồi cuối cùng mất ở Nam Ninh, thủ phủ tỉnh Quảng Tây.

Hòa bình trở lại, phố Nguyễn Thiện Thuật dần dần được mở mang và phát triển cùng với các chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Cầu Đông, Hàng Giầy liền kề hoặc xa hơn một chút như các chợ Gầm Cầu, Long Biên. Ngày nay nơi đây rất tấp nập, nhất là ở những đoạn có các cửa hàng, chung cư và trường học. Đặc biệt có cả chợ đêm, họp thường xuyên ngay trên phố, chủ yếu buôn bán thực phẩm.

Đến nay, phố Nguyễn Thiện Thuật vẫn chưa có những thay đổi thật lớn. Đáng kể chỉ có việc mở rộng chợ Đồng Xuân, rồi dãy nhà bên số lẻ từ cuối phố Cao Thắng đến giáp phố Hàng Khoai đã bị phá dỡ và bỏ hoang nhiều năm ròng để chờ xây thêm một trung tâm thương mại nữa, sau khi bên số chẵn đã có một trung tâm thương mại mang tên Chợ Cầu Đông ở đầu phố Cầu Đông.

PHỐ NGUYỄN SIÊU
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nguyen-Sieu-300x200.jpg

Phố Nguyễn Văn Siêu dài khoảng 180m; nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm hơn 700m về hướng bắc. Phía đông giáp ngã tư Đào Duy Từ và nối với cuối nhánh trên của phố Chợ Gạo; phía tây giáp ngã tư Hàng Giầy và nối với đầu phố Ngõ Gạch.

Xưa kia nơi đây là đất làng Cổ Lương, phố hình thành dần dần sau khi có tường thành ngăn với bãi sông. Thời Pháp thuộc, phố gọi là “Rue Án sát Siêu” để ghi nhớ một vị Phó bảng của Hà Nội bỏ chức quan về mở trường dạy học tại làng hồi giữa thế kỷ 19. Năm 1945 tên phố đổi theo hiệu của nhà nho là Phương Đình, cũng là tên của ngôi trường đó. Năm 1948 phố mang tên Nguyễn Siêu và từ 1954 đến nay được điều chỉnh lại cho đúng với họ tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872). Thế nhưng trên biển vẫn thấy đề như cũ.

Giống như ở Ngõ Gạch, dãy nhà số chẵn của phố Nguyễn Văn Siêu bên mặt đường phía bắc vốn nằm trên bờ sông Tô Lịch cũ. Điều khác là ở đây có nhiều căn nhà được xây liên tiếp kề nhau, dấu tích nay vẫn còn. Từ khi mở rộng phố này trên lòng sông Tô đã bị san lấp thì dãy nhà số chẵn mới được cải tạo thêm. Suốt dọc phố có tới khoảng ba mươi nhà hai tầng, các ngôi nhà thấp bé kiểu cũ không còn mấy.

Bên số lẻ nằm trên nền sông lấp cũng có nhiều nhà hai tầng, chỉ còn sáu, bảy nhà một tầng trên tổng số hai trăm nhà. Một quãng dài cho đến ngã tư giáp phố Đào Duy Từ gồm toàn những ngôi nhà phụ thuộc phía sau của Hội quán Quảng Đông bên phố Hàng Buồm, vỉa hè chỗ ấy thành ra bãi gửi xe. Mãi sau này người ta mới trổ vài ba cửa ra phố Nguyễn Văn Siêu.

Ngày nay đình Cổ Lương đã bị lấn chiếm hết, chỉ còn ngôi đền ở ngõ số 28 phố Nguyễn Văn Siêu. Trong đền có một quả chuông đồng ghi bài “Cổ Lương chung ký” (Bài ký trên chuông đồng Cổ Lương) được đúc vào nên hiệu Thiệu Trị thứ 3 (1843). Bài ký này cho biết mục đích, ý nghĩa của việc đúc chuông để lại cho muôn đời sau, lại ghi tên những người đóng góp công đức để tu sửa đền và đúc chuông.

Đền có 4 tấm bia đá thời Nguyễn. Tấm bia “Cổ Lương hương đình ký” (Bia đình làng Cổ Lương) dựng năm Tự Đức thứ 3 (1879), do tiến sĩ Vũ Nhị, hiệu Đông Hầu, đốc học Hà Nội soạn, Nguyễn Mặc Khanh viết. Văn bia tạm dịch như sau: “Thôn Cổ Lương tiếp giáp mé sông Nhị Hà, dân cư là người làng Khúc Thủy, đền thờ hai vị chính thần là Phổ Tế và Nam Hải. Công lao sự nghiệp của Thần trong tự điển có ghi chép rõ ràng. Nhưng ngôi đền lúc mới xây dựng thì lợp cỏ gianh đơn sơ. Hơn trăm năm dân cư ca mừng tụ họp ở đây mà đền thần vẫn còn như cũ… Khi đó vị lý trưởng họ Đào tên Đằng mới tiếp nối ý cha để đứng ra hưng công xây lại đình và lợp ngói…”

Như vậy, đình làng Cổ Lương vốn là đền thờ hai vị nam thần và có từ trước năm 1897 hàng thế kỷ, đền lợp cỏ đã bị cũ nát. Về sau dân làng Cổ Lương thờ công chúa Liễu Hạnh làm thành hoàng làng, nên trong đình mới có điện thờ bà.

Ngôi đền khá khang trang, mặt nhìn ra ngõ về hướng nam. Nội thất gồm 3 gian tiền tế và một hậu cung kiểu đơn giản, bộ khung bằng gỗ lim còn khá tốt, bộ đồ thờ cúng đầy đủ. Những gì còn lưu lại đều mang phong cách kiến trúc nghệ thuật triều Nguyễn. Ngoài sân hẹp có một cây bàng to vươn cao trên cổng đền.

Ngày nay đền Cổ Lương đã trở thành một trong những địa điểm thường xuyên có tổ chức hầu đồng ở nội thành.

PHỐ NHÀ CHUNG
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nha-Chung-300x207.jpg

Phố Nhà Chung dài khoảng 300m, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phía bắc tiếp nối phố Lý Quốc Sư và giáp phố Nhà Thờ ở quảng trường Đức Mẹ, phía nam giáp phố Quang Trung và đổ ra ngã ba Tràng Thi.

Trước năm 1886, Tòa Giám mục Hà Nội lần lượt đặt tại làng Vĩnh Trị (Kẻ Vĩnh) rồi Sở Kiện (Kẻ Sở). Năm 1873, Francis Garnier đánh chiếm Hà Nội lần thứ 1, giao chùa Báo Thiên cho giám mục Puginier làm nơi ở và làm việc tạm thời khi về Hà Nội làm thông ngôn và cố vấn cho Garnier. Puginier chỉ cất tạm mấy ngôi nhà gỗ trong vườn chùa cho gần nơi Garnier đóng quân tại Tràng Thi, còn Tòa Giám mục thì vẫn ở Kẻ Sở.

Hồi ấy mới chỉ có vài gia đình công giáo sống quanh một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Do hoạt động của cố đ̣ao Landais, giáo dân Hà Nội tăng nhanh trong thời kỳ này. Khoảng năm 1876, Landais cho xây dựng ngôi nhà đầu tiên ở khu phố Hội truyền giáo với sự tư vấn của đại uý công binh Dupommier, lúc đó đang điều hành thi công trong khu nhượng địa. Giống các ngôi nhà xây dựng trong khu nhượng địa, đây là một trong những ngôi nhà kiểu Âu cổ nhất của Hà Nội. Nhà được xây bằng gạch và cửa sổ trổ hình các cung gãy.

Mãi cho đến năm 1887, khi Pháp đã đặt vững nền cai trị ở Bắc Kỳ, giám mục Puginier mới cho xây dựng bằng những vật liệu kiên cố Nhà thờ Lớn và các toà nhà khác của Nhà Chung rồi dời Toà Giám mục về đây. Mặc dù hình dáng Nhà thờ Lớn còn xa mới đạt được như một kiệt tác kiến trúc tôn giáo đương thời, nhưng về mặt lịch sử nó là công trình đặc biệt nhất Hà Nội về quy mô và chiều cao. Buổi lễ đầu tiên được tổ chức ngày 23-12-1887 và công trình được hoàn thành vào năm sau.

Thời thuộc Pháp, phố gọi là Rue de la Mission (phố Hội truyền giáo, hoặc phố Hội Thừa sai). Năm 1925, Toà Thánh Vatican lập Toà Khâm Sứ Toà Thánh ở Việt Nam và trụ sở ban đầu đặt tại Huế, đến năm 1951 dời ra Hà Nội và Toà Khâm sứ Toà Thánh được xây dựng ngay trên khu đất phố Nhà Chung này.

Đến năm 1957, sau khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước Việt Nam tạm thời chia thành 2 miền tập kết quân đội, đợi ngày hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Nhưng chính quyền miền Nam không chịu hiệp thương tổng tuyển cử, Vatican thì không thừa nhận chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nên chuyển Toà Khâm Sứ Toà thánh vào Nam là nơi mà Vatican công nhận là “đại diện duy nhất” cho nước Việt Nam…

Trên đường phố Nhà Chung hiện nay tập trung những cơ sở Công giáo như Nhà thờ Lớn, trụ sở của Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam v.v., bên cạnh là một công viên rộng và Thư viện.

PHỐ NHÀ HỎA
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nha-Hoa-300x197.jpg

Phố Nhà Hoả dài 128m, nay thuộc phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố đi từ ngã năm Hàng Gà – Hàng Phèn – Cửa Đông đến góc phố Đường Thành – Bát Đàn, cách Hồ Gươm chừng 800m về hướng tây-bắc.

Theo tấm bản đồ vẽ năm 1831, phố Nhà Hoả xưa kia chạy dọc theo dãy hào phía ngoài mang cá bảo vệ cửa Chính Đông của thành Hà Nội. Do đó lòng đường cũ không hoàn toàn trùng với phố Rue Feitshamel khi thực dân Pháp quy hoạch lại khu vực này. Đoạn giáp với đầu phố Hàng Điếu vốn là đất thôn Yên Nội và đoạn giáp với phố Đường Thành thì thuộc đất thôn Tân Khai.

Phố Nhà Hoả dài 128 mét, vừa nhỏ lại vừa lọt thỏm vào phía sau các phố lớn hơn nên trước kia khá vắng. Dọc theo hai bên mặt đường phố này có nhiều quãng chỉ là cổng sau của những ngôi nhà lớn thuộc mấy phố Cửa Đông, Hàng Điếu, Bát Đàn. Đây là một phố xép, mặt đường và hè phố không rộng, hai bên đường chỉ lác đác vài cây nhỏ.

Vào trước thời “Đổi Mới” chỉ có vài ngôi nhà chính thức treo biển số quay mặt ra vỉa hè đường phố Nhà Hoả. Phố này còn có hai ngõ nhỏ ở bên số lẻ, đi sâu vào trong có nhiều căn hộ nhỏ là khu phụ thuộc của những tòa nhà lớn bên phố Cửa Đông. Phố Nhà Hỏa ngày nay đã khang trang hơn với những ngôi nhà gác, cửa hiệu sầm uất.

PHỐ NHÀ THỜ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Nha-Tho-300x173.jpg

Phố dài 110m từ phố Hàng Trống đến quảng trường Đức Mẹ và nằm trên địa phận phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phố Nhà Thờ thời thuộc Pháp gọi là Avenue de la Cathédrale. Tên đặt như thế bởi vì ở cuối phố tọa lạc một ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo (tiếng Anh: St. Joseph Cathedral) lớn nhất thành phố và cũng là trụ sở của Tòa Tổng giám mục Hà Nội.

Nhà thờ Lớn làm xong năm 1887, xây gạch, tường trát bằng giấy bổi, chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m, hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to ở bốn góc. Trên đỉnh có dựng một cây thánh giá bằng đá rất lớn.

Trước đó, sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (1873), Giám mục P.F. Puginier đã cho xây dựng ở đây một nhà thờ nhỏ bằng gỗ. Theo sách của Louvet “La vie de Mgr. Puginier” và các tài liệu trong Văn khố Hội Thừa sai Ngoại quốc Paris (M.E.P.) thì khu Nhà thờ Lớn và cả khu Nhà Chung xưa kia đều thuộc về đất của chùa Báo Thiên, một ngôi quốc tự nổi tiếng được xây dựng từ thời Lý.

Hiện nay tại khu vực cạnh nhà thờ Lớn còn có trụ sở của Đại chủng viện Hà Nội và Dòng Mến Thánh giá Hà Nội.

Nhà thờ Lớn mở cửa tất cả mọi ngày, trừ những buổi lễ. Thánh đường lấp lánh ánh sáng từ những ô cửa kính màu nằm tít trên cao. Trong khuôn viên có một sân rộng nằm gần ngôi trường tiểu học.

Quảng trường Đức Mẹ là nơi bốn phố Nhà Thờ, Nhà Chung, Ấu Triệu và Lý Quốc Sư giáp nhau, ở giữa có tượng đài Đức Mẹ bồng con đứng trên cao với một cây thánh giá bằng đồng. Xung quanh quảng trường mọc lên các quán nhỏ nhưng nổi tiếng bởi các món nem chua nướng, trà chanh và cà phê, được nhắc đến cả trong cuốn cẩm nang du lịch Lonely Planet. Xế chiều là thời gian đông khách nhất.

Trên đầu phố Nhà Thờ, ở nhà số 3 có một di tích Phật giáo quan trọng nhưng phải đi qua một ngõ nhỏ vào trong mới thấy. Đó là chùa Bà Đá, một trong các chốn tổ của Thiền phái Lâm Tế ở Việt Nam và nơi đóng trụ sở của Thành hội Phật giáo Hà Nội. Chùa mới được đại trùng tu vài năm gần đây. Trong chùa còn lưu giữ khá nhiều pho tượng gỗ rất đẹp, được tạo tác vào thời Lê Trung Hưng.

NGÕ PHẤT LỘC
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Phat-Loc-ngo-300x200.jpg

Ngõ Phất Lộc có tổng chiều dài khoảng 300m, gồm ba nhánh nhỏ ăn thông ra ba con phố khác nhau: Hàng Mắm, Lương Ngọc Quyến và Nguyễn Hữu Huân; nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 300m về hướng bắc.

Ngõ Phất Lộc toạ lạc trên đất của giáp Tiên Hạ, làng Dũng Thọ, thuộc phường Đông Các, huyện Thọ Xương, phía đông kinh thành Thăng Long cũ. Tên thời Pháp thuộc cũng vẫn là ngõ Phất Lộc (ruelle Phất Lộc).

Điểm đặc biệt ở đây là ngõ gồm ba nhánh nhỏ có lối vào từ ba con phố khác nhau: cuối phố Hàng Mắm và đầu các phố Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân. Ba nhánh này lại hội tụ ở cổng ngôi đền Tiên Hạ.

Phất Lộc nguyên là tên một làng của huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình; năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717) có thư sinh họ Bùi đến Thăng Long học trường Quốc Tử Giám rồi lập nghiệp tại thôn Tiên Hạ. Sau đó người làng cũng theo lên, dần dần dân Phất Lộc chiếm đa số và hình thành tên ngõ. Người Phất Lộc dựng đình riêng ở số nhà 46 trong ngõ. Số 30 là nhà thờ họ Bùi, hàng năm con cháu vẫn tới đây giỗ tổ. Bùi Tú Lĩnh người soạn văn bia đình Thanh Hà cũng thuộc dòng họ này.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954), các tiểu đội trưởng đầu tiên của Liên khu I Hà Nội đã được huấn luyện tại đây và căn cứ quân sự ở ngõ Phất Lộc đã đứng vững cho đến tận đêm Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút ra khỏi thành phố qua cầu Long Biên cạnh đấy.

Số nhà 48 ngõ Phất Lộc là một trong những ngôi đền ở Hà Nội có thờ Nguyễn Trung Ngạn (1289 – 1370), một danh thần thời Trần. Hiện tại nơi đây cũng thu hút khá đông con nhang đệ tử của đạo Mẫu. Đền Tiên Hạ được tôn tạo, sửa chữa nhiều lần, trong đó phải kể đến lần trùng tu lớn vào năm 1866 đã được văn bia ghi lại.

Kiến trúc của đền được bố cục theo kiểu chữ “Công”. Cổng xây kiểu vòm cuốn, trên nóc là một nậm rượu, hai bên có hai cột đồng trụ, đỉnh trụ trang trí hình búp sen. Qua cổng là một sân nhỏ lát gạch Bát Tràng. Cuối sân có tượng hai ông Hộ pháp canh giữ cửa ra vào, phía sau là khu thờ tự gồm: tiền tế, nhà cầu và hậu cung. Tất cả được khuôn lại trong hệ thống tường bao.

Tiền tế là căn nhà nhỏ một gian hai dĩ, làm theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, kết cấu bộ khung gỗ nhà tiền tế gồm 4 vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” các thanh xà, rường, hoành, kẻ, được bào trơn, bào soi. Nhà cầu gồm 1 gian có hình vuông, trần nhà được bưng kín bằng ván gỗ. Phần kết cấu gỗ được đặt trên 4 cột xi măng vuông 20 cm x 20 cm. Hậu cung gồm một gian hai dĩ chạy ngang. Các bộ vì đỡ mái làm theo kiểu quá giang trụ trốn, bào trơn. Chính giữa hậu cung xây một bệ gạch cao 80 cm, phía trên bài trí hai bộ long ngai bài vị thờ thần, được đặt trang trọng trong khám thờ chạm rồng.

Hiện nay trong đền còn lưu giữ các di vật văn hoá có giá trị lịch sử và nghệ thuật như: hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị, khám thờ… Đặc sắc nhất là hệ thống bia đá, gồm 5 tấm, trong đó có tấm bia “Tiên Hạ linh từ trùng tu bi ký” lập năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức thứ 19 (1866).

Phố Phùng Hưng dài 1250m, đi qua ba phường Hàng Mã, Cửa Đông, Hàng Bông; là ranh giới giữa khu phố cổ và thành Hà Nội. Đoạn trên có 2 nhánh rẽ từ đầu các phố Phan Đình Phùng và Hàng Lược, đoạn dưới cắt qua các phố Hàng Vải, Cửa Đông, Đường Thành, Bát Đàn, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Tố, Ngõ Trạm, Hà Trung rồi ra Hàng Bông.

Phố dài 1250m, từ năm 1945 mang tên anh hùng Phùng Hưng (761-802, di tích lăng mộ ngài nay vẫn còn ở đầu phố Giảng Võ). Đoạn phố thẳng chính là dấu vết của bức tường gạch vồ và con hào phòng thủ ở phía đông thành Hà Nội cũ. Đoạn trên có 2 nhánh rẽ từ đầu các phố Phan Đình Phùng và Hàng Lược kéo đến cầu sắt chỗ phố Lê Văn Linh bây giờ. Khu ngoài con hào vốn thuộc địa phận thôn Tân Khai được lập trên khoảng đất thừa ra vào đầu thế kỷ 19 khi triều Nguyễn thu hẹp thành Thăng Long xưa để xây một tòa thành nhỏ hơn theo kiểu Vauban.

Thực dân Pháp sang chiếm Hà Nội rồi cho lấp hào và phá tường để lấy vật liệu xây dựng vào năm 1896-1897. Trên nền đó lại xây đường dốc cho xe lửa lên cầu Long Biên và một phố dài, đặt tên là Boulvard Henri d’Orléans, tức Phùng Hưng sau này. Trong thực tế hàng chục năm tiếp theo phố vẫn chưa được hoàn chỉnh. Cho đến khoảng giữa thập niên 1920, nhà cửa mới mọc lên chủ yếu ở những đoạn ngắn tại hai đầu phố.

Theo cố nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn, gần vườn hoa Hàng Đậu hồi ấy, bên dãy số chẵn của đoạn đầu phố phía tây đường sắt chỉ có ba villa lớn, xây vuông hai tầng nhiều phòng với hàng rào sắt bao quanh sân và vườn. Tiếp đến ba villa nữa nhỏ hơn, xây một tầng. Tất cả đều của người Pháp và tư sản Hoa kiều. Từ đấy kéo đến cầu sắt, chỗ hai nhánh phố gặp nhau, phố Orléans không có nhà dân mà là mặt sau của cơ quan quân sự.

Bên dãy số lẻ mé phía đông đường sắt thì khác. Chỗ đất đó giáp lưng với bên phố Hàng Cót, có nhiều nhà của người Việt Nam, diện tích nhỏ hơn và nhô ra đến sát vỉa hè. Những ngôi nhà này xây liền dãy hai tầng theo kiểu Tây, chủ là lái buôn hoặc quan lại, làm để ở hoặc cho thuê, người thuê cũng thuộc hạng khá giả. Tại dãy phố đó còn có mấy quán cà phê và phòng trọ, chủ yếu phục vụ các sĩ quan trong thành.

Đặc biệt nhà Cả Tròn ở số 21 có sáng kiến cho thuê bát đĩa làm cỗ đón dâu và mở phòng cưới đầu tiên của Hà Nội: những căn phòng lớn trang trí đẹp, đồ đạc lịch sự, đầy vẻ phong lưu. Chủ giao thiệp rộng có thể mời những người mặc áo gấm, đeo bài ngà trịnh trọng đến dự. Nhà này về sau mở cả tiệm hút thuốc phiện loại sang, đa số khách cũng vẫn là sĩ quan Tây.

Đầu phía nam của phố Orléans hồi ấy dân ta gọi là phố Đơ Măng, giáp với các phố Hàng Bông Lờ và Cửa Nam. Đây cũng là một đoạn phố có nhà ở hai bên mặt đường, được xây từ những năm đầu thế kỷ 20. Lớn nhất là tòa nhà của hãng Demange, một hãng xuất nhập khẩu, chủ yếu về vải bông. Đa số nhà cửa cùng mang tính chất kiểu phố cũ của người Việt như ở bên Hàng Bông Lờ: nhà thấp, nhỏ và hẹp, lợp ngói ta. Dân thường dùng để ở hoặc mở cửa hiệu tiểu thương, nổi tiếng có hàng “bánh giò Đờ Măng” tại số 50. Bên dãy số lẻ có các ngôi nhà hai tầng làm theo kiểu mới, cao hơn và lợp ngói tây, được xây dần từ thập niên 1920 trở về sau.

Cũng bên số lẻ, chỗ gần ngã ba Hà Trung có con ngõ trước kia ăn thông sang phố Hàng Bông, nay bị một nhà xây bịt kín. Ngõ đó dẫn vào một xóm nhỏ bên trong, vốn rất nghèo, nhà cửa lụp xụp, sau mới được cải tạo xây dựng sạch sẽ.

Đoạn giữa của phố Orléans trên bản đồ Hà Nội năm 1921 cũng mới thấy vẽ và ghi lại vết tích một khúc hào bị lấp còn bỏ hoang chưa xây gì. Trừ phố Bichot (Cửa Đông) đã xây kín nhà hai bên mặt hè, các đoạn cuối của Hàng Mã, Hàng Vải, Bát Đàn, Đường Thành vẫn chưa hình thành, mấy phố đó chỉ thấy vẽ đến trục đường Hàng Cót – Hàng Gà – Hàng Điếu thì đều dừng lại.

Khoảng đất trống dọc đường xe lửa nhiều chỗ vẫn bỏ trắng; thí dụ như bãi cỏ ở ngã phố Nhà Hoả – Đường Thành là nơi đá bóng của học trò trường Cửa Đông cạnh đó; hoặc những bãi đất mùa mưa ngập nước, cỏ lác mọc đầy như ở quãng giáp đầu phố Hà Trung; đằng sau và bên cạnh chợ Hàng Da là một khu vườn rộng của ông Dufourq chuyên trồng rau và hoa, đào cả ao chứa nước tưới.

Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) kết thúc đã mở đầu cho thời kỳ khai thác thuộc địa Đông Dương lần thứ hai, từ đó nội thành Hà Nội được xây dựng nhanh hơn với những ngôi nhà kiểu mới. Chính quyền thành phố đổi cho Dufourq một khu đất khác ở phía sau nhà Đấu Xảo cạnh nghĩa địa công giáo để cải tạo và qui hoạch vườn rau cũ thành mấy phố nhỏ đổ ra phố Orleans như Rue Bourret, Nguyễn Trãi, Phạm Phú Thứ (tức các phố Ngõ Trạm, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Quang Bích bây giờ).

Dần dần quãng giữa phố Orléans được xây dựng kín hết nhà bên mặt phía đông, dãy số lẻ. Lòng đường rộng, vỉa hè thẳng, có cống thoát nước, đèn đường và hàng cây che mát. Nhà bên dãy số lẻ trông sang cầu xây dốc xe lửa nên càng thêm không gian thoáng đãng. Các công trình đều được xây dựng theo những yêu cầu hiện đại hơn mấy khu vực cũ, diện tích nhà rộng, kiến trúc mới, sử dụng nhiều sắt và xi măng.

Từ chỗ Cầu Sắt giáp phố Lê Văn Linh đi về phía nam đến hết cầu xây, tức đến đầu đường Gallieni (Trần Phú bây giờ), dọc phố Orléans có mấy loại nhà khác nhau, song nói chung đều theo kiểu mới: những villa lớn có sân vườn rộng rãi, những villa nhỏ xinh xắn, những dãy nhà làm để cho thuê, mỗi dãy từ năm đến mười gian gộp thành vài căn hộ khang trang.

Các tòa nhà lớn ở phố Orléans thường được xây dựng ở góc mấy giao điểm nên có cái thế đứng trông ra cả hai mặt phố. Đó thường là những khách sạn, trụ sở công ty, bệnh viện và hộ sinh tư, hoặc cá biệt có trường Thăng Long ở cuối phố Ngõ Trạm.

Trong các thời kỳ từ chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945) cho đến cuối thế kỷ 20, phố Phùng Hưng bị dân lấn chiếm chủ yếu ở hai bên đường tàu và đặc biệt trong các ô gầm cầu, đến mức phải bịt lại. Lại có một giai đoạn dài hết chợ xe cũ đến chợ thực phẩm tạm bợ đã chiếm gần hết nhánh phía đông. Sau đổi mới, nhiều vị trí đẹp trên phố đã được cải tạo hoặc xây mới thành những cơ sở giao dịch và kinh doanh sang trọng, tuy nhiên không ít chỗ nhếch nhác vẫn còn tồn tại.

Ngày nay, trên phố Phùng Hưng có một số địa chỉ đáng lưu ý như Nhà tang lễ thành phố ở số 125 và Nhà bảo tàng Hà Nội ở số 105, từng là trụ sở báo “Tin tức” trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), sau được xếp hạng Di tích cách mạng (năm 1964).

PHỐ TẠ HIỆN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Ta-Hien-300x188.jpg

Phố Tạ Hiện dài gần 270m, nay thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 250m về hướng bắc. Phố đi từ ngã ba Hàng Buồm, đoạn giữa thông với các ngõ Đào Duy Từ, Hài Tượng và cắt ngang qua phố Lương Ngọc Quyến. Phía nam giáp phố Hàng Bạc và nối với phố Đinh Liệt.

Thời Pháp thuộc, phố có tên Rue Géraud. Từ năm 1945 phố mang tên chí sĩ Tạ Hiện (1841 – 1887 hoặc 1893), người gốc Thái Bình, một trong các thủ lĩnh của phong trào Cần Vương vũ trang chống Pháp.

Ngày nay, cư dân của phố Tạ Hiện hầu như đều làm nghề du lịch với những điểm đặt tour từ trọn gói đến đơn lẻ, và kinh doanh khách sạn, cửa hàng, quán ăn… Du khách mọi tầng lớp đều có thể hài lòng và tìm thấy những nét hấp dẫn riêng của phố, phù hợp với điều kiện của họ.

Với kiến trúc bao gồm những mặt tiền kiểu thuộc địa, phố Tạ Hiện được xem là con phố có giá trị vào bậc nhất với tuyến phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến – Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang, Hàng Đào. Những cái tên từng nổi tiếng Hà thành một thời như rạp Quảng Lạc, ngõ Hài Tượng, ngõ Sầm Công… đều nối với tuyến phố này.

Nếu khách du lịch ít tiền, điều đó cũng chẳng hề hấn gì vì sinh hoạt ở phố Tạ Hiện khá rẻ. Giá cả tại những quán ăn vỉa hè, những hàng phở, cháo, mì vằn thắn… hay quán giải khát, bia hơi với các đồ nhắm khác cũng rất bình dân, bằng đúng với giá bán cho dân bản xứ. Sau một ngày bận rộn thăm thú Hà Nội, hoặc mua sắm, cứ tầm 8-9h tối cho đến tận đêm khuya, du khách lại tụ tập về đây, cùng ăn uống và hát hò chật kín những vỉa hè.

Rạp Quảng Lạc

Rạp Quảng Lạc nay ở số 8 Tạ Hiện, do Nhà hát kịch Hà Nội quản lý. Rạp cũ được xây dựng vào khoảng những năm 1900, không chỉ diễn tuồng mà còn diễn kịch nói. Tháng 4-1920 diễn vở “Ai giết người” của Tô Giang soạn theo truyện ngắn của Mân Châu Nguyễn Mạnh Bổng, tháng 7-1920 diễn vở “Già kén kẹn hom” của Phạm Ngọc Khôi; năm 1930, diễn vở “Cô Minh Nguyệt” của Tương Huyền; tối 26-02-1931 diễn vở “Tiểu thư đi bộ” của Lê Công Đắc…

Đến những năm 30 tuồng cổ gần như tàn cuộc ở thị thành. Ban Quảng Lạc của Phủ Trọng tan vỡ, rạp Quảng Lạc chuyên diễn cải lương, nổi tiếng nhất là Nhật Tân Ban, do các ông Doãn Bá Chính, Trần Quang Cầu lập khoảng năm 1935, với những diễn viên như Hải Tý, Chử, Hùng, Vân Thái, Khánh Hợi, Lữ Nhàn, Bích Thuận, Ánh Tuệ, Kim Chung…

Tiếp theo là Quốc Hoa Ban với những diễn viên Tư Ban, Bá Quyền, Hải Tý, Bích Lộc, Phước Thọ (con gái nghệ nhân tuồng Doãn Khoái), Tuấn Sửu, Bích Hợp, Mộng Dần, Lệ Thanh, Ngọc Dư, Bích Được. Ban hát lại có soạn giả giàu kinh nghiệm Hải Tùng trông coi tuồng tích, và sự cộng tác của Phạm Ngọc Khôi. Năm 1935-1936 có gánh Liên Hiệp với các diễn viên Ái Liên, Lan Phương, Đào Mộng Long, Anh Đệ. Sau đó lại có gánh hát Ái Liên, gánh Huỳnh Lan Anh (Huỳnh Thái – Lan Phương – Anh Đệ).

Ngõ Đào Duy Từ

Đối diện rạp Quảng Lạc có một con ngõ dài nối thông Tạ Hiện với phố Đào Duy Từ, xưa kia gọi là ngõ Sầm Công vì có ngôi đền nhỏ xíu thờ Sầm Nghi Đống, viên tướng nhà Thanh phải thắt cổ tự tử sau chiến thắng Đống Đa chớp nhoáng của quân Tây Sơn. Nơi đây từng là một làng chơi thời thuộc Pháp và cũng là khu ở của những người Tàu nghèo, quanh đó có một số kho hàng lớn của những chủ hiệu buôn giàu. Những người Tàu di cư sang đây thường bắt đầu cuộc sống bằng các nghề lao động chân tay hoặc bán hàng ăn nhỏ lẻ: bánh bao, thịt quay, các loại chè vừng, chè khoai…

Ngõ Hài Tượng

Ngõ Hài Tượng thuộc đất thôn Hài Tượng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ; nay ở gần dưới ngã tư Tạ Hiện – Lương Ngọc Quyến. Thời Pháp cũng vẫn gọi là Ruelle Hài Tượng. Ngõ dài nhưng rất hẹp, tên dân gian là ngõ Hàng Giày vì trước đây thông sang phố Hàng Giày, nơi cư ngụ và hành nghề của thợ đóng giày dép da gốc làng Chắm (Phong Lâm, Tứ Kỳ, Hải Dương) lên kinh thành từ thế kỷ 17-18. Đình của họ có cổng bên mang số 16 trong ngõ Hài Tượng, cổng trước quay ra phố Tạ Hiện.

CÒN TIẾP =>>