384 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi của Cầu Thê Húc và Đền Ngọc Sơn là gì?

Cầu Thê Húc

Năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên nó là Thê Húc (nghĩa là "giọt ánh sáng đậu lại" hay "Ngưng tụ hào quang"). Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng.

Tên cầu Thê Húc có ý nghĩa là “nơi đậu ánh sáng Mặt Trời buổi sáng sớm”.

Những tên gọi chính thức của Thăng Long-Hà Nội qua chiều dài lịch sử
Tên chính thức là những tên được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến, Nhà nước Việt Nam chính thức đặt ra:

Thăng Long (Rồng bay lên). Đây là cái tên có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong số các tên của Hà Nội. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết lý do hình thành tên gọi này như sau: "Mùa Thu, năm Canh Tuất (1010) vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long" (Sách “Toàn thư”, Tập 1, Hà Nội 1993, tr 241).

Đông Đô: Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Mùa Hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Hồ Hán Thương coi phủ đô hộ là Đông Đô" (Sách “Toàn thư”, Tập I, Hà Nội 1993, tr 192). Hồ Quý Ly lên ngôi đóng đô ở Tây Đô (Thanh Hóa), Thăng Long là Đông Đô.

Trong bộ Khâm định Việt sử thông giám cương mục chú thích: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô" (Sách “Cương mục”, Tập 2, Hà Nội 1998, tr 700).

Đông Quan: Đây là tên gọi Thăng Long do quan quân nhà Minh đặt ra với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của Việt Nam, chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Sử cũ cho biết năm 1408, quân Minh đánh bại cha con Hồ Quý Ly đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.

Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Tháng 12 năm Mậu Tý (1408), Giản Định đế bảo các quân "Hãy thừa thế chẻ tre, đánh cuốn chiếu thẳng một mạch như sét đánh không kịp bưng tai, tiến đánh thành Đông Quan thì chắc phá được chúng" (Sách “Toàn thư”, Tập 2, Hà Nội 1993, tr 224).

Đông Kinh: Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" viết về sự ra đời của tên “Đông Kinh” như sau: "Mùa Hạ, tháng 4 năm Đinh Mùi (1427), Vua (tức Lê Lợi) từ điện tranh ở Bồ Đề, vào đóng ở thành Đông Kinh, đại xá đổi niên hiệu là Thuận Thiên, dựng quốc hiệu là Đại Việt đóng đô ở Đông Kinh. Ngày 15, vua lên ngôi ở Đông Kinh, tức là thành Thăng Long. Vì Thanh Hoá có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh" (Sách “Toàn thư”, Tập 2, Hà Nội 1993, tr 293).

Bắc Thành: “Đời Tây Sơn (Nguyễn Huệ-Quang Trung 1787-1802) vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (Huế) nên gọi Thăng Long là Bắc thành. Đầu đời Gia Long đặt “Tổng trấn Bắc Thành," đem phủ Phụng Thiên lệ vào” (Nguyễn Vinh Phúc-Trần Huy Bá, Đường phố Hà Nội, Hà Nội 1979, tr12).

Thăng Long (Thịnh vượng lên): Sách "Lịch sử Thủ đô Hà Nội" viết: "Năm 1802, Gia Long quyết định đóng đô ở tại nơi cũ là Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long, cử Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn miền Bắc và đổi kinh thành Thăng Long làm trấn thành miền Bắc. Kinh thành đã chuyến làm trấn thành thì tên Thăng Long cũng cần phải đổi. Nhưng vì tên Thăng Long đã có từ lâu đời, quen dùng trong nhân dân toàn quốc, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi ngay mà vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ "Long" là Rồng thành chữ "Long" là Thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ "Long" là "Rồng" [Trần Huy Liệu (chủ biên), Lịch sử thủ đô Hà Nội, Hà Nội 1960, tr 81].

Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805, sau đó vua Gia Long còn hạ lệnh phá bỏ hoàng thành cũ, vì vua không đóng đô ở Thăng Long, mà hoàng thành Thăng Long lại quá lớn rộng.

Hà Nội: Sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội viết: "Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội" [Trần Huy Liệu (chủ biên). Lịch sử thủ đô Hà Nội. Hà Nội 1960, Tr 82].
Theo cand.com.vn
 
Đền Ngọc Sơn
Từ xưa, trên hồ Tả Vọng (Hoàn Kiếm) đã có gò đất cao, tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Thời Lý Thái Tổ gọi là Ngọc Tượng Sơn, thời Trần gọi là Ngọc Sơn. Trên Ngọc Sơn có ngôi chùa nhỏ, về sau bị huỷ hoại. Cuối thời Lê Trung Hưng, ông Tín Trai, người làng Nhị Khê, nhân đền cũ lập ngôi chùa mới gọi là chùa Ngọc Sơn. Bên cạnh đó có đền thờ Quan Đế (Quan Vân Trường). Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) con ông Tín Trai lại nhường chỗ này cho hội Hướng Thiện xây dựng lại làm nơi thờ Văn Xương Đế Quân. Thời gian sau, lại phối thờ Lã Động Tân, Quan Đế, Trần Hưng Đạo. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) Phương đình Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động xây lại đền Ngọc Sơn, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên…


Tổng hợp: SGT Group.