347 lượt xem

Nguồn gốc tên gọi của Ô Quan Chưởng là gì?

Trong cuốn "Người và cảnh Hà Nội" của nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy, có ghi chép về Ô Quan Chưởng như sau: "Song song với Hàng Ðậu là Hàng Khoai. Dư­ới chợ là Phố Mới; đầu phố, chỗ gần bờ sông có cửa Ô Quan Ch­ưởng (cửa Ðông Hà), còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu. Trước khi Tây sang, tên Jean Dupuis (Ðồ Phổ Nghĩa) gây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú khi Francisco Garnier đánh thành thì một ông Ch­ưởng Cơ, cùng một trăm chiến sĩ, đã giữ cửa này đến ng­ười cuối cùng!"

Đây là một trong nhiều cửa ô, mở qua tường phía đông, của tòa thành đất bao quanh khu kinh thành Thăng Long xưa. Tòa thành ấy đắp vào năm 1749. Nhưng diện mạo Ô Quan Chưởng như hiện nay là do lần sửa chữa lớn vào năm 1817. Tên chính thức là Đông Hà môn, tức là cửa ô Đông Hà. Gọi là Ô Quan Chưởng, để ghi nhớ sự hy sinh của viên Chưởng cơ và binh lính nhà Nguyễn, chiến đấu chống Pháp, khi chúng đánh thành Hà Nội.
Theo vi.wikipedia.org


Có thể nói, Đông Hà Môn là tên gọi chính xác nhất của di tích cửa ô, nhưng nhân dân vẫn thường gọi là Ô Quan Chưởng, do có những chuyện truyền tụng từ lâu.
-Chuyện thứ nhất vào cuối đời Lê, có ông quan Chưởng ấn về hưu, lập dinh cơ ở cạnh cửa ô này, vậy nên người ta tiện miệng gọi là Ô Quan Chưởng.
-Chuyện thứ hai, vào thời Nguyễn có một viên quan Chưởng cơ chỉ huy kiểm soát ở cửa ô, mọi thuyền bè ghé đến đều phải qua trình báo quan Chưởng ấy, và người ta quen miệng gọi là Ô Quan Chưởng.
-Chuyện thứ ba, nhiều người biết đến nhất là vào năm 1873, giặc Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất, có viên quan Chưởng vệ cùng toàn thể binh lính dưới quyền chỉ huy của ông đã chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng tại cửa ô này. Nhân dân gọi tên Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ người chiến đấu, hy sinh cho Hà Nội… Cái tên Ô Quan Chưởng, dù bởi lý do gì, cũng đã đi vào tiềm thức nhân dân Hà Nội, nhân dân cả nước, và sự ghi nhận chính thức của lịch sử là đoạn phố nối từ cổng Ô tới phố Trần Nhật Duật đã mang tên là phố Ô Quan Chưởng.
Tổng hợp: SGT Group.