338 lượt xem

Đường phố Hà Nội (Phố cổ Hà Nội ) - Kì cuối

PHỐ THANH HÀ
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Thanh-Ha-300x200.jpg

Phố Thanh Hà giáp phố Hàng Chiếu và nối phố Đào Duy Từ, đi từ cửa ô Quan Chưởng tới phố Nguyễn Thiện Thuật theo hướng đông-tây dài 150m, nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 700m về hướng bắc.

Xưa kia nơi đây thuộc đất thôn Thanh Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Thôn này có một ngôi đình tọa lạc cạnh cửa ô Quan Chưởng (tên chính thức: Đông Hà Môn, tức “cửa Đông Hà”). Năm 1817, đình Thanh Hà được dời xa bờ sông hơn, đến vị trí ở sau nhà số 77 phố Hàng Chiếu hiện nay, cổng trước mở ra phố Ngõ Gạch. Trong đình thờ đại vương Trần Lựu, một vị anh hùng có công chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Khi thành Hà Nội mới bị chiếm, lối đi chính qua thôn Thanh Hà là một con đường đất; về sau tuy được mở mang và trải nhựa nhưng vẫn nhỏ hẹp. Ở quãng này, thực dân Pháp cho phá bỏ bức tường vòng ngoài thành bằng đất và xây phố dọc đó, đặt tên Quai Clémenceau, dân ta gọi là phố Bờ Sông (tức Trần Nhật Duật bây giờ). Trong một tấm bản đồ cũ vẽ năm 1890 tên đoạn ngõ đi từ cửa ô Quan Chưởng rẽ vào thôn từng được ghi là Ruelle Hàng Nâu, có lẽ vì trong ngõ có nhiều gia đình buôn bán lâm sản được các thuyền bè từ miền núi xuôi sông Hồng chở đến bến gần đấy.

Gần nơi rẽ ngoặt của ngõ Hàng Nâu vốn có ngôi đền Hội Thống, thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Sau khi quân Pháp tái chiếm Hà Nội (1947), đoạn ngõ đi thẳng từ nơi rẽ đó về hướng tây đến Rue Lepage (tức phố Nguyễn Thiện Thuật bây giờ) đổi tên là phố Thanh Hà, còn đoạn cong từ chỗ ngoặt xuống cửa ô Quan Chưởng ở phía đông thì đổi là ngõ Thanh Hà. Từ cuối năm 1954, cả hai đoạn trên được chính quyền mới sáp nhập thành một phố mang tên Thanh Hà.

Đầu phố Thanh Hà, cạnh cửa ô có một số nhà nhỏ đến nay vẫn còn lụp sụp. Trước kia hầu như ở đó toàn là dãy tường và cổng hậu của những ngôi nhà to, mặt quay ra phố Bờ Sông và phố Hàng Chiếu, đan xen những ngôi nhà hẹp được làm thêm ở đất trống. Song song với phố Ô Quan Chưởng, kéo từ chỗ ngoặt đến phố Bờ Sông từng có một phố ngắn khác, người Pháp gọi là “Voie 253” (đường 253), không biết chính xác vì sao và lúc nào thì biến mất…

Gần hết đường phố Thanh Hà và nhà cửa xung quanh đều bị phá hủy nặng nề bởi đại bác và xe tăng trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (cuối 1946 đầu 1947). Đến các thời kỳ ổn định sau đó, mảnh đất từng là chiến trường hoang tàn đã được xây dựng lại thành một khu dân cư khang trang hơn với những trường học cao tầng như Kim Đồng, Lê Lợi và các căn nhà ở mặt phố hoặc trong ngõ ngách, thậm chí có cả sân, chợ riêng biệt.

Ngày nay, đoạn cuối phố Thanh Hà với lòng đường khá rộng và đổ vào phố Nguyễn Thiện Thuật đã trở thành một khu vực buôn bán đông đúc gần sát khu chợ Bắc Qua – Đồng Xuân. Đoạn đầu phố hẹp hơn thì tập trung các hàng quán bình dân, vẫn mang dáng vẻ xóm nghèo xưa. Ngôi đền Hội Thống nhỏ xíu vẫn có đông con nhang đệ tử của Đạo Mẫu lai vãng, mặc dù một phần diện tích đã bị mất.

PHỐ THUỐC BẮC
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Thuoc-Bac-300x200.jpg

Phố Thuốc Bắc dài 328m, từ ngã ba Hàng Mã chạy xuống phía nam, cắt qua các ngã tư Hàng Cá – Lò Rèn, Lãn Ông – Hàng Vải rồi đến ngã tư Hàng Bồ – Bát Đàn và nối với phố Hàng Thiếc. Phố nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cách Hồ Gươm chừng 500m về hướng tây-bắc.

Phần lớn phố này nguyên là đất thôn Đông Thành, thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ. Đoạn cuối giáp phố Hàng Bồ thì thuộc thôn Nhân Nội, cùng tổng. Đoạn giữa phố từ xưa đã nổi tiếng với các cửa hiệu thuốc Đông y, do đó mà thành tên.

Người bán thuốc ở khu vực này phần đông gốc từ làng Đa Ngưu ra Hà Nội làm ăn. Các cửa hiệu thường có quan hệ họ hàng hoặc làng xóm nên nếu khách mua mà không có đủ thuốc trong đơn thì vẫn thường lấy lẫn của nhau mà bán, khỏi cần nhiều vốn.

Cửa hiệu cũng khá đơn giản: những thúng mẹt đựng các vị thuốc sống bày ngay xuống mặt đất từ trong nhà ra đến ngưỡng cửa; thuốc để nguyên cả cành, cả rễ chưa cắt, củ chưa thái, những gói giấy bọc những hạt nhỏ, khách đi qua ngửi thấy mùi các vị thuốc bốc ra thơm lừng.

Chính quyền thời thuộc Pháp đã gộp năm đoạn phố cũ trước đây đều rất ngắn thành một phố thẳng dài, đặt tên là Rue des Médicaments (dịch nghĩa đen “phố Hàng Thuốc”). Từ năm 1945 thị trưởng Hà Nội đổi lại là phố Thuốc Bắc.

Đoạn từ ngã tư Hàng Phèn đến ngã tư Hàng Bồ – Hàng Thiếc trước kia chuyên bán các thứ hàng giấy bút và đồ dùng văn phòng khác nên gọi là Hàng Bút (khác với phố Hàng Bút bây giờ mà trước kia gọi là Hàng Mụn).

Đoạn phố ở vào giữa hai ngã ba Hàng Mụn và Hàng Phèn làm thành một bề mặt của khu chợ Đông Thành cũ, tên trước kia là Hàng Vải – được gọi rõ hơn là Hàng Vải Thâm để phân biệt với Hàng Vải Nâu tức phố Hàng Vải bây giờ. Tuy thế tại đây lại bán các thứ vải tấm khổ nhỏ chỉ độ hai gang tay do khung cửi cổ truyền vùng Kẻ Bưởi dệt ra. Ngoài ra còn bán vải ngoại. Đoạn phố này chủ yếu buôn bán hàng nội hoá thủ công nên ít người là tư sản lớn; nhà ở của họ không thay đổi nhiều. Sau này mới có những cửa hàng to và nhà gác cao, hiện đại hơn.

Đoạn phố cũ Hàng Thuốc Bắc kéo từ ngã tư Hàng Vải đến ngã ba Hàng Mụn, chủ yếu gồm những cửa hàng bán các vị thuốc Nam, còn những cửa hàng thuốc Bắc (dược liệu Trung Quốc) lại tập trung ngay sát đó ở phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông).

Từ ngã tư Thuốc Bắc – Hàng Vải đến Hàng Mã, xưa kia gồm hai đoạn phố ngắn có tên Hàng Áo Cũ và Hàng Khoá, cách nhau bởi phố Lò Rèn. Tại đoạn phố Hàng Áo Cũ người ta buôn bán những quần áo cũ đã dùng rồi và chăn màn may sẵn. Quần áo cũ thường là thứ hàng the lụa của các nhà đại gia may trong dịp hiếu hỷ cho khách dự lễ mặc, xong việc thừa nhiều đem bán đi. Ở đây còn bán quần áo sân khấu tuồng chèo và khăn chầu áo ngự cho những người lên đồng.

Đoạn phố Hàng Khoá ngày trước đã có các cửa hàng khoá, bán khoá sắt chủ yếu làm từ mấy phố gần đó hoặc khoá đồng do thợ làng Phùng Khoang đúc. Đến khi người ta sính dùng khoá tây, trùng với thời kỳ xây dựng lớn thì những nhà buôn khoá cũng quay ra buôn sắt, cho nên còn có tên phố Hàng Sắt.

Kiến trúc trên phố hiện nay pha trộn các kiểu cũ, mới. Một loạt các ngôi nhà từ phố 65 đến 77 mang phong cách phương tây, chỉ ngôi nhà số 71 còn giữ phong cách truyền thống. Ngày nay nhiều cửa hiệu tại phố Thuốc Bắc buôn bán đủ các loại mặt hàng như khoá, két bạc và một số vật liệu kiến thiết bằng kim loại. Đặc biệt có ngôi nhà số 87 là nơi cố họa sĩ Bùi Xuân Phái từng sinh sống.

PHỐ TRẦN NHẬT DUẬT
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Tran-Nhat-Duat-300x204.jpg

Phố Trần Nhật Duật dài hơn 800m; từ phố Yên Phụ chui qua cầu Long Biên đi về hướng đông-nam đến đầu cầu Chương Dương và nối vào đường Trần Quang Khải. Phố ở địa phận hiện nay của 4 phường: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Phúc Tân và Lý Thái Tổ, đều thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm hơn 400m về hướng bắc.

Con phố dài Trần Nhật Duật trước đây dân gọi là phố Bờ Sông vì chạy dọc quãng đê sông Hồng từ bến Long Biên đến đầu phố Hàng Muối, đi qua đất bãi của mấy thôn Nguyên Khiết (Thượng và Hạ), Trừng Thanh (Trung và Hạ), Hương Bài, thuộc tổng Tả Túc (sau đổi thành tổng Phúc Lâm), huyện Thọ Xương cũ. Nhiều địa danh hiện vẫn lưu dấu như ở tên chùa Phúc Lâm, đình Hương Bài và đình Nguyên Khiết. Thôn Nguyên Khiết Thượng còn là quê hương của Nguyễn Đình Cáp, tác giả truyện thơ nôm “Quan Âm Thị Kính” từng bị coi là tác phẩm khuyết danh.

Nửa đầu phố từng gọi là phố Hàng Nâu, đi từ chỗ phố Hàng Đậu giáp Bến Nứa qua gầm cầu Long Biên và các phố Hàng Khoai, Cao Thắng tới phố Ô Quan Chưởng. Nửa cuối phố đi từ Chợ Gạo đến phố Trần Quang Khải, ngang qua nơi xưa kia gọi là bãi Cột Đồng Hồ, giáp các phố Hàng Chĩnh, Lương Ngọc Quyến, Hàng Muối và Nguyễn Hữu Huân bây giờ. Gần chỗ đó vào thời Lê có cửa ô Mỹ Lộc mở ra bãi sông và bến Cầu Cháy, nơi đỗ đò ngang qua dòng Nhị Hà.

Ngay sau khi quân Pháp chiếm được thành Hà Nội, chính quyền thực dân đã xây Tòa thương chính trên phố Bờ Sông để kiểm soát, đánh thuế các hàng hóa lưu thông thủy bộ qua cửa sông Tô Lịch (Chợ Gạo) và cửa ô Đông Hà (Ô Quan Chưởng). Sau đó cũng trên phố này, người Pháp gọi là Quai Clémenceau, đã mọc lên một công trình lớn khác mà dân đương thời quen gọi là trường Ke (phát âm chữ “Quai”, tiếng Pháp có nghĩa là “bến”), bây giờ là trường tiểu học Trần Nhật Duật ở số 4 phố Chợ Gạo.

Đầu thế kỷ 20, có tới 3 bến tàu thủy đã ra đời ngay cạnh bãi Cột Đồng Hồ: một của hãng Hoa kiều, một của hãng Pháp Sôva và một của hãng Việt thuộc ông Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932). Ông là một trong số những nhà tư sản đầu tiên có tinh thần dân tộc quật cường, khi mất được người đương thời tôn vinh là “vĩ nhân đất Bắc” và “anh hùng kinh tế thứ nhất trong kinh tế giới nước nhà”.

Sau năm 1932, khi sông Hồng đổi hẳn dòng về phía Gia Lâm thì các hãng phải dời tàu xuống bến Phà Đen. Vùng đất bồi ngoài phía bến cũ dần dần đông đúc dân cư, nay trở thành phường Phúc Tân; còn bãi Cột Đồng Hồ là một đầu mối giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội.

Trong những ngày đầu sau khi quân Pháp tái xâm lược, trường “Ke” và ngõ Phất Lộc là hai trong số các vị trí quan trọng và đầu mối liên lạc của Trung đoàn Thủ đô tại Liên khu I với Chính phủ kháng chiến ở bên ngoài. Giặc Pháp từ sông Hồng kéo lên đóng giữ trụ sở của hãng vận tải Sôva (cách trường “Ke” khoảng 300m qua bãi Cột Đồng Hồ) và hai bên đã đánh nhau rất dữ dội ở đây. Đến giữa thế kỷ 20 mới cho các bến xe hơi chở khách tiếp tục hoạt động và phố Bờ Sông trở lại tấp nập. Sau hòa bình, phố Bờ Sông chính thức mang tên Trần Nhật Duật.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255 – 1331) là con thứ sáu của vua Trần Thái Tông, từ trẻ đã giỏi cả văn lẫn võ, biết nhiều ngoại ngữ và tiếng các dân tộc thiểu số. Năm 25 tuổi làm An phủ sứ lộ Đà Giang, ông tự đến trại địch để thuyết phục tù trưởng Giác Mật đầu hàng. Tại kinh đô, ông thường cưỡi voi đến chùa Bà Già đàm đạo với sư trụ trì và tù binh Chàm.

Trong hai lần chống quân Nguyên xâm lược, Trần Nhật Duật đều chỉ huy một cánh đại quân. Năm 1285 ông trấn giữ Tuyên Quang, khi giặc từ Vân Nam tràn xuống, ông đã tổ chức thành công cuộc rút lui chiến lược về Thiên Trường (Nam Định cũ) để bảo toàn lực lượng. Lịch sử ghi nhớ công đầu của ông trong trận Hàm Tử Quan và chiến dịch giải phóng Thăng Long.

Năm 1288, Trần Nhật Duật đã chặn được đạo quân Nguyên theo sông Hồng xuống Việt Trì, tạo điều kiện cho Trần Hưng Đạo rảnh tay đánh bại Thoát Hoan. Trải 4 triều đại giúp vua trị nước ông từng giữ chức vụ Thái sư cao nhất. Dù mất đi còn để lại nhiều áng thơ và làn nhạc nổi tiếng. Tương truyền điệu múa “Con đĩ đánh bồng” cũng là do ông nghĩ ra cho lính giả gái vui đùa trong doanh trại.

Gần đây, chính quyền thành phố đã xây dựng cầu vượt qua phố Trần Nhật Duật cho người đi bộ. Trước đó nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, “con đường gốm sứ” bắt đầu từ chân Cột Đồng Hồ ở bên dãy số lẻ đã được khánh thành.

PHỐ TRÀNG TIỀN
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Trang-Tien-300x178.jpg

Phố Tràng Tiền dài 708m, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố đi từ ngã ba Trần Quang Khải – Trần Khánh Dư đến ngã tư Hàng Bài – Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng, đoạn giữa giao cắt 9 phố: Phạm Ngũ Lão, Tông Đản, Cổ Tân, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Phan Chu Trinh, Nguyễn Khắc Cần, Ngô Quyền, Nguyễn Xí.

Phố Tràng Tiền xưa kia là một con đường dài, phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long, thông ra căn cứ thuỷ quân và bến sông Hồng. Đường này đi qua đất của ba thôn Tây Long, Thạch Tần, Cựu Lâu, thuộc tổng Phúc Lâm (Hữu Túc), huyện Thọ Xương cũ. Khoảng năm 1808, một xưởng đúc tiền được vua Gia Long nhà Nguyễn cho lập ra ở đây, tên chữ là Bảo Tuyền Cục, dân quen gọi là Tràng Tiền.

Ngày 20-11-1873, Francis Garnier chỉ huy quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Sau đó thì dải đất dọc đê sông Hồng dài khoảng 1km từ chỗ Bảo tàng Lịch sử trở xuống Viện Quân Y 108 đã bị triều đình Huế cắt làm khu nhượng địa Đồn Thuỷ. Pháp xây doanh trại và bệnh xá trong khu này cùng một chiếc cổng ở chỗ Nhà hát Lớn bây giờ, đặt tên là Porte de France (Cổng Pháp Quốc).

Chiếm xong toàn thành Hà Nội (1882), chính quyền thực dân lập quy hoạch đô thị, lấp sông Tô Lịch, phá chùa Báo Ân, xây công sở và chia lô bán đất cho người giàu. Các phố Tây nhanh chóng hình thành và lối sống Pháp cũng thế. Năm 1885, riêng từ cổng Pháp Quốc đến hết phố Hàng Khay đã có 6 quán cà phê, trong khi từ đường kính, bơ sữa cho tới …nước đá (!) vẫn còn phải nhập khẩu.

Lúc đầu ở gần đó có các đám cháy khủng khiếp, xưởng đúc tiền bỏ hoang. Dần dần về sau nhiều tòa nhà lớn đã mọc lên: Grand magasin Lacaze (1901), Centre commercial Godard (1901), Théâtre municipal de Hanoi (xây 1901-1911), Direction des Douanes et Régies de l’Indochine (1906), Imprimerie d’Extrême-Orient (1907, năm 1920 nâng lên 6 tầng), Musée Louis Finot (1925-1932), v.v..

Ngày 17-7-1914 Đốc lý Hà Nội ký nghị định số 791 chia thành phố ra 8 khu và Tràng Tiền nằm ở khu 4. Hồi đó con đường dài từ bờ sông đến hết phố Hàng Khay được phân đôi như sau:

Đoạn đầu ở giữa Bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ và Quảng trường Nhà hát Lớn gọi là Rue de France. Năm 1945 thay tên phố Đồn Thuỷ. Năm 1951 đổi là phố Pháp Quốc.

Đoạn sau gọi là Rue Paul Bert. Năm 1945 mới đổi tên và tách tiếp làm hai phố Tràng Tiền, Hàng Khay. Năm 1951 lại thay là phố Anh Quốc.

Sau 10-10-1954 chính quyền mới của thủ đô đã gộp hai phố Pháp Quốc, Anh Quốc làm một và chính thức đặt tên là phố Tràng Tiền. Ảnh chụp từ máy bay cho thấy rõ những công trình lớn nhất trên con phố này gần một thế kỷ trước. Ngày nay du khách đến đây vẫn có thể tìm thấy đôi nét đặc trưng hoài cổ cho dù dân sở tại đã rất quen với lối sống phương Tây mà nổi bật nhất chính là sách báo.
Phố Tràng Tiền là một trong những phố đẹp nhất thủ đô. Hiện nay đáng tiếc không còn dấu vết của xưởng đúc tiền và nhiều tòa nhà cũ cũng bị phá để xây cao hơn nhưng ở đầu phố có Nhà hát Lớn (tên cũ: Théâtre Municipal de Hanoi), Bảo tàng Lịch sử (Musée Louis Finot), Bảo tàng Cách mạng (Direction des Douanes et Régies de l’Indochine) là những địa chỉ văn hóa thường xuyên được nhiều khách đến thăm.

Các tòa nhà trên mang phong cách Tân Cổ điển. Ngoài ra, dọc phố Tràng Tiền còn sót lại vài kiến trúc kiểu Art Deco trong trụ sở Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace (nhà in IDEO), trụ sở Bộ Thương Mại (chi nhánh BFC tức Banque Franco-Chinoise), trụ sở Trung tâm Thông tin Triển Lãm TP Hà Nội (Taverne Royale xây lại từ nhà Lacaze). Tất cả đều thuộc diện những di tích tiêu biểu của kiến trúc Pháp tại Đông Dương.

Trụ sở chi nhánh BFC xây năm 1925 trên nửa phía tây của Hanoi Hotel, một khách sạn lớn có từ cuối thế kỷ 19 và là nơi chí sĩ Nguyễn Khắc Cần đã ném tạc đạn giết chết 2 sĩ quan cấp tá của Pháp ngày 26-4-1913. Ông cùng 6 thành viên khác của Việt Nam Quang Phục Hội bị bắt rồi xử tử. Về sau tên ông được đặt cho con phố ngắn bên hông hotel này (đối diện Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace).

Đặc biệt Quảng trường 19-8 phía trước Nhà hát Lớn đã từng chứng kiến cuộc mít tinh diễu hành rất lớn được Mặt trận Việt Minh biến thành ngòi nổ cho lực lượng vũ trang cướp chính quyền vào mùa thu năm 1945 và từ đó trở thành nơi tụ họp thường xuyên của người Hà Nội. Năm 2011, Nhà hát Lớn cùng Quảng trường 19-8 đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc quốc gia.

PHỐ YÊN THÁI – NGÕ TẠM THƯƠNG
 
Description: http://ditichlichsu-vanhoahanoi.com/wp-content/uploads/2018/01/Pho-Yen-Thai-ngo-Tam-Thuong-300x197.jpg

Phố Yên Thái dài 140m, nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; cách Hồ Gươm chừng 400m về hướng tây. Theo hướng đông-tây phố đi từ Hàng Mành đến Đường Thành, chỗ quảng trường chợ Hàng Da. Giữa phố có lối rẽ vào ngõ Tạm Thương thông ra phố Hàng Bông.

Đây nguyên là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Suốt già nửa thế kỷ thời thuộc Pháp, trong khi các phố chung quanh được mở mang khá rộng rãi thì ở phố này – lúc đó gọi là ngõ Yên Thái (Ruelle Yên Thái), mặt đường vẫn hẹp chỉ vừa đi lọt chiếc xe tay, phố không có vỉa hè, không cống thoát nước, nhà cửa hầu hết chật chội lụp xụp. Những nhà trong ngõ nhất là bên số lẻ thường thò ra thụt vào, không theo hàng lối gì hết.

Người dân cư trú tại đây đa số là dân nghèo, kiếm ăn bằng những nghề thủ công. Họ chủ yếu là thợ vẽ mành mành, thợ mộc, thợ nề, thợ quét vôi đi rong, kéo xe… Vợ con buôn thúng bán mẹt trong chợ Hàng Da. Dân nghèo Yên Thái còn có cả những người Tàu sống bằng nghề bán quà rong. Mãi đến những năm 1930-1940, do giá nhà ở nội thành tăng cao, một số người có tiền tậu đất làm nhà cho thuê, họ xây những nhà gác hai tầng nhưng số đó rất ít.

Ở số nhà 2A phố Yên Thái, có ngôi đình Thợ thêu, tên chữ Hán “Tú Đình Thị” tức “Chợ Đình thợ thêu”, bên trong thờ tổ nghề thêu. Ông là Lê Công Hành, tên thật Trần Quốc Khải, sinh ngày 18/1 năm Bính Ngọ (1606) và mất năm Tân Sửu (1661), dân gốc làng Quất Động nay thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội), một người có nhiều đóng góp trong việc cải tiến kỹ thuật thêu ở Việt Nam. Tương truyền thời xưa, những thợ thêu ở trong làng Yên Thái này, cứ ngày phiên chợ lại đem các hàng thêu ra bày bán và giao dịch với khách hàng tại ngôi đình kia, cho nên mới có tên là “Chợ Đình thợ thêu.”

Ngõ Tạm Thương

Khoảng đầu đời nhà Nguyễn, quan chức Hà Nội có cho dựng ven con đường đi qua thôn Yên Thái một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương. Vì vậy nên con đường này về sau đổi thành ngõ Tạm Thương, thời Pháp thuộc gọi là Ruelle Tam Thuong, dịch đúng nghĩa đen.

Tạm Thương là một con ngõ hẹp và ngắn chỉ chừng hơn 100m, mặt phía nam mở ra phố Hàng Bông. Ngõ này từ mấy năm nay được biết đến như phố của các món nhậu, nơi có món nem chua rán rất khoái khẩu cùng các thứ đồ nhắm bình dân khác và bạn có thể ngồi đến tận khuya. Khách đến đây chủ yếu là văn nghệ sỹ, sinh viên hoặc các đôi tình nhân… họ tìm thấy sự vui thú trong cái chật chội, xô bồ những thấm đẫm chất phố cổ Hà Thành một sự giao thoa của ập ã phố phường với cái hoài cổ, lắng đọng của những ngõ, ngách thẳm sâu …

“…Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải tạm thương…”
(Chế Lan Viên)
Nguồn: ditichlichsu-vanhoahanoi.com