296 lượt xem

Lâm Tấn Tài

Lâm Tấn Tài - Một sự nghiệp nhiếp ảnh đáng được tôn vinh

Cuộc đời 66 năm của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài (1935 - 2001), với những hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi (làm liên lạc cho công an huyện Long Thành, tỉnh Biên Hòa, cho đại đội B chi đội 6 Bà Rịa - Vũng Tàu), trải qua nhiều công việc khác nhau trong hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc ta, cho đến khi trở thành “thủ lĩnh” giới nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch (lúc đó gọi là Phó Tổng Thư ký) kiêm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã được giới thiệu trong nhiều bài viết của đồng đội, bạn bè, đồng nghiệp tạo nên một bức tranh toàn cảnh rất đáng trân trọng về con đường sự nghiệp của người chiến sĩ và nghệ sĩ này. 

 

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài

(Nguồn: Sưu tập)
 

Hai công trình quý giá của ông để lại là: “Đường Hồ Chí Minh” và “Ảnh thời chiến”, đáng cho thế hệ hôm nay và mai sau tìm xem, qua đó hiểu thêm nhiều khía cạnh về một trong những con người dũng cảm, đầy trách nhiệm, từng là “mũi nhọn” trong nhiều “mũi nhọn” của Thông tấn xã Giải phóng, người lãnh đạo đầy nhiệt tình, sáng tạo và quyết đoán của phong trào nhiếp ảnh ở thành phố mang tên Bác kính yêu qua mấy thập kỷ liền.

Từng là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, được cử đi học trong trường Đại học Tổng hợp Lomonosov (Liên Xô), tốt nghiệp Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng ông luôn canh cánh một tình yêu quê hương, muốn đóng góp xứng đáng phần mình cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Lâm Tấn Tài là người đã hai lần vượt Trường Sơn (vào các năm 1966 và 1974), ba lần tiến về Sài Gòn. Riêng một điều đó cũng đã rất đáng ca ngợi và ngưỡng mộ. Do học môn Sử, lại được đào tạo về nhiếp ảnh trong lớp báo chí chuyên chụp ảnh chiến trường, Lâm Tấn Tài có ý thức sâu sắc trong việc ghi lại những gì diễn ra trên đường Trường Sơn và tại các chiến trường mà ông có mặt. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những gì Lâm Tấn Tài chụp được và để lại cho hậu thế rất xứng đáng được coi là những trang sử để mọi người trân trọng. Vì lẽ đó, khi giới thiệu bộ ảnh của ông, nhà văn hóa Trần Bạch Đằng khẳng định: “Người trong cuộc gặp lại hình ảnh của chính mình, gặp lại cái phong vị mình từng nếm trải trên một chiến trường đầy sắt và lửa, một gợi nhớ cực kỳ trữ tình. Người không trực tiếp tới bối cảnh và sự việc, vẫn có thể hiểu và được dẫn dắt sâu vào dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử”. Nhà thơ Bảo Định Giang, nhà quản lý phong trào văn học - nghệ thuật miền Nam, cũng đánh giá rất cao: “Với đôi mắt và tấm lòng của người lính thông tấn, với chiếc máy ảnh trong tay, Lâm Tấn Tài đã phản ánh chân thực những hình tượng cao đẹp, những con người xả thân vì nước”


 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Để làm được như vậy, trước hết bản thân Lâm Tấn Tài cũng là người “xả thân vì nước”. Sự xả thân ấy bắt đầu từ thuở thiếu thời, nhưng thể hiện rõ nhất, đầy đủ nhất là từ cuộc “vượt Trường Sơn” để về Nam đánh Mỹ. Lâm Tấn Tài từng nói: “Vượt Trường Sơn là thước đo về tư cách, đạo đức, tình cảm và nghĩa vụ của từng người”. Đầy hứng thú, ông đọc to hai câu ca:
 
“Trường Sơn không chỉ cao dài
Vượt qua mới biết nhân tài ra sao?”

Còn nhớ, trong hai năm 1965 - 1966, Thông tấn xã Giải phóng đã tiếp nhận 2 đợt cán bộ lãnh đạo và phóng viên ảnh. Chính lực lượng nòng cốt này đã có mặt trên các chiến trường B2 và phản ánh tương đối đầy đủ các mặt chiến đấu với trên một vạn phim tư liệu. Đó là những hình ảnh để lại của Đinh Thúy, Lâm Tấn Tài, Nguyễn Đặng, Nguyễn Đức Chính, Võ Văn Quí và nhiều phóng viên nhiếp ảnh khác. Vượt Trường Sơn, có đoàn đã mất 4 tháng trời đi bộ, trèo đèo lội suối cùng với tư trang và lương thực như mọi người. Lâm Tấn Tài cho biết: Việc bảo quản phim, máy là việc rất khó. Súng ướt còn bắn được, súng hư có thể lãnh súng khác hoặc thu chiến lợi phẩm của địch mà trang bị, còn máy ảnh hỏng thì bó tay. Thiếu gạo ăn, đói. Thiếu chất tươi, thòm thèm mọi thứ, thèm thuốc, thèm trà, chất ngọt. Phải độn rau rừng, trái dại, soi cá, mò ốc, tìm cách đổi chác chất tươi trong các buôn làng hẻo lánh của người dân tộc. Có người đã ăn cả rắn choàm ngoạp. Có trạm phải mang đủ 14 ngày gạo (bằng 7kg) nếu không đủ, trạm không nhận khách và phải trở lại nhận cho đủ số gạo. Dù vậy, mọi người đều tuân thủ chấp hành, không cách nào khác. Thời chiến mà!
 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Lâm Tấn Tài cho biết: “Chỉ có một điều rất háo hức là mau đến tuyến lửa để được ghi hình ảnh với câu tâm niệm “một xanh cỏ, hai đỏ ngực” mà đi về phía bom rơi đạn nổ. Trong số này, có người chưa nhận được một huy chương niên hạng (huy chương Quyết thắng) thì đã ngã xuống, có đâu mà “đỏ ngực”! Đã có phóng viên ảnh khi tới dòng Sêrêpok thì bị biệt kích phát hiện và phải nằm lại đó mãi mãi…

Ở Chiến trường cũng thật gian khổ. Tại căn cứ, mọi người phải tự làm nhà để ở, tải gạo để ăn, sản xuất để có lương thực, đào hầm trú ẩn, đào giếng để sinh hoạt và sản xuất ảnh. Phải đào công sự để chiến đấu bảo vệ căn cứ, bảo vệ phương tiện và tư liệu ảnh. Có đợt phải làm nghĩa vụ đi vận chuyển vũ khí phục vụ cho tuyến trước. Những cơn sốt ác tính, những rắn choàm ngoạp đe dọa cũng không kém bom đạn của kẻ thù.

Từ câu chuyện của Lâm Tấn Tài, tôi hình dung những khó khăn chồng chất của các anh, các chị trong giới nhiếp ảnh miền Nam. Như thời kháng chiến chống Pháp, họ đã làm ảnh tráng phim dưới chiếc xuồng ba lá rọi bằng ánh sáng mặt trời, có  khi dưới bàn thờ nhà dân. Có nơi phải làm dưới lòng đất, dùng máy phát điện hoặc đèn măng xông để phóng ảnh.


 

(Nguồn: Sưu tập)
 

Khi xuống chiến trường, gặp các căn cứ du kích xã rất gần ấp chiến lược, người phóng viên ảnh cũng phải sống theo phương châm: đi không dấu, nấu không khói, nói rù rì, phải sống thích nghi với hoàn cảnh và thực hiện những điều qui định của chiến trường, tuyệt đối không được sơ hở. Ở vùng trắng Củ Chi, các anh nhiều khi phải giăng võng ngủ trên cây để tránh bọn biệt kích hành quân đêm. Không thì ngủ lại trong ấp chiến lược tới gần sáng mới rút ra căn cứ. Đi với các đơn vị chủ lực, phóng viên phải mang vác nhiều hơn, ngoài trang bị từ cơ quan đi, khi đến đơn vị phải mang thêm cuốc, thưởng, để đào công sự, có khi phải mang cơ số đạn nghĩa vụ hoặc tham gia khiêng, cáng chiến thương khi dân công chiến trường thiếu, chưa điều động kịp. Phóng viên ảnh cũng là chiến sĩ, đứng trước luồng bom mũi đạn, chịu đựng hy sinh, gian khổ.

Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đức Chính, một người bạn chiến đấu thân thiết của Lâm Tấn Tài, cũng từng là cán bộ chủ chốt của Ban Liên lạc nhiếp ảnh yêu nước miền Nam Việt Nam (tháng 2-1970) có lần kể: Chiến dịch Tết Mậu Thân, Phòng Nhiếp ảnh Thông tấn Giải phóng đã tung hết lực lượng 15 phóng viên vào chiến trường T4 (mật danh của Đặc khu Sài Gòn - Gia Định), các binh đoàn Quân giải phóng, các tỉnh quanh Đặc khu, cho đến cả Mỹ Tho, miền Tây. Sau một đợt tổng công kích chiến lượt đợt tháng 5-1968, anh em đã lục đục về Cứ. Chỉ bặt tin Lâm Tấn Tài. Điện các nơi thăm hỏi đều không biết. Thấy lo! Mãi đến hai tháng sau mới thấy Lâm Tấn Tài về. Người gầy yếu, xanh xao, hành lý long teo, nhưng điều bất ngờ nhất là: con mắt trái của anh đã bị móc, giờ là một hố trống. Anh em gặp lại, ôm nhau, mừng tủi phát khóc. Thì ra, cuối đợt I tổng tấn công (tuần đầu Tết Mậu Thân), anh cùng đơn vị bộ đội đánh sâu trong thành phố, một buổi tối di chuyển giữa một đường phố, nhà cửa đã sập hết, lính phục kích phát hiện và bắn trả, anh bất tỉnh. Lúc tỉnh lại, thấy máu đầy mặt, đau đơn nhưng còn sức để lết vào sau một bức tường sập để giấu máy ảnh, súng ngắn, đồ tùy thân… Được người dân thành phố chăm sóc, khỏe trở lại, rồi tổ chức bí mật đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy (của Chính quyền Sài Gòn) chữa trị. Ngay sau khi được mổ mắt, tuy sức khỏe còn rất yếu, anh ý thức rằng, nếu ở lại đây chắc chắn sẽ bị địch bắt. Cho nên, anh trốn viện và nhận được sự cưu mang của người dân Sài Gòn trong suốt hai tháng, rồi đưa ông ra lại miền Bắc.

Lâm Tấn Tài từng xác định: ở bất kỳ đâu, trong hoàn cảnh nào, chiếc máy ảnh như một người bạn “tri kỷ”. Nhưng đó là lần duy nhất ông bị mất máy ảnh. Mãi sau này, chiếc máy đó và toàn bộ ảnh ghi được trong dịp đó đã trở lại với ông qua đợt kiểm kê kho tư liệu của địch.

Nhớ đến việc chữa mắt trong Bệnh viện Chợ Rẫy, ai cũng thấy như một câu chuyện kỳ diệu, ly kỳ mà Lâm Tấn Tài thật sự là “một biệt động Sài Gòn”.

Là thương binh hạng 2/4, Lâm Tấn Tài vẫn tiếp tục chiến đấu, trên cương vị một phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, một nhà sử học chụp ảnh, góp vào kho tàng ảnh chiến tranh và cách mạng Việt Nam những hình ảnh vô cùng quí giá.


 

(Nguồn: Sưu tập)


Nhờ có Lâm Tấn Tài, chúng ta may mắn lưu giữ được những trang đời, những trang ảnh vô cùng quí giá về Đường Hồ Chí Minh, về những con người dũng cảm vượt Trường Sơn, về Củ Chi - đất thép thành đồng… Với tác phẩm của ông, người xem hôm nay như cũng được chứng kiến tội ác của địch đã ném bom phá và Napal xuống Bưng Cồng Bến Cát - Bình Dương, đã tra tấn, mổ bụng và bắn vào mặt anh Nguyễn Văn Tâm - Một du kích gan dạ ở Tân An Hội, Củ Chi. Chúng ta được đến vùng giải phóng Phú Hòa Đông, chào mừng chiến công của du kích An Nhơn Tây, gặp các chiến sĩ giao liên trên sông Sài Gòn, các nữ văn công giải phóng, các đội nữ du kích ở Tây Nguyên, Trà Vinh, Bình Dương, Bà Rịa, Đồng bằng Sông Cửu Long, Đức Hiệp, các đơn vị pháo, các tổ đại liên, đặc công, trinh sát, biệt động… Tất cả đó là những gương mặt sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Cũng thật may mắn là nhờ Lâm Tấn Tài mà chúng ta cũng được có mặt tại Đại hội Đại biểu quốc dân miền Nam, chứng kiến phút đăng quang của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, được nhìn thấy Đoàn đại biểu quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tham dự hội nghị bốn bên, chứng kiến các hoạt động ngoại giao, sinh hoạt của phái đoàn ta ở “Trại Đavid” cũng như việc trao trả tù binh chiến tranh của các bên. Nói như Nguyễn Đức Chính thì đó là bộ ảnh “tuyệt chiêu, độc nhất vô nhị của chiến tranh giải phóng”.

Với phong cách của nhà sử học, Lâm Tấn Tài cần mẫn ghi chép tất cả những gì xảy ra trước mắt, xung quanh ông, bằng máy và bút, kể cả những cảm xúc đời thường của anh và đồng đội. Điều này được nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Chính nhận định rất có lý:

“Nếu đặt riêng rẽ, phần lớn ảnh của anh như là ảnh kỷ niệm, nho nhỏ, nhưng đặt chúng lại với nhau, thống nhất dưới một chủ đề, những tấm ảnh ấy toát ra một sức sống lạ lùng, từng chi tiết làm cho sự việc lớn được người xem tiếp nhận cụ thể đi đến khái quát”.

Lâm Tấn Tài đã vĩnh biệt chúng ta 16 năm. Vĩnh biệt, nhưng ông vẫn hiện diện trong đời sống nhiếp ảnh của thành phố Hồ Chí Minh, của đất nước. Và, không ai quên ông cả. Mới đây thôi, chọn từ kho tác phẩm của ông, Hội Nhiếp ảnh TP và gia đình đã chọn ra 5 bức ảnh như 5 cột mốc trên con đường đời quang vinh của người chiến sĩ – nghệ sĩ để Nhà nước trao Giải thưởng về Văn học - Nghệ thuật. Cụm ảnh đó gồm: Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua; Vượt Trường Sơn; Biệt động Sài Gòn; Hiệp định Paris 1973 - Mỹ rút quân,; Thần tốc tiến về Sài Gòn.

Tôi nghĩ rằng, sự tôn vinh này không chỉ dành cho 5 tác phẩm xuất sắc của Lâm Tấn Tài mà cho toàn bộ sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. Sự nghiệp đó rất phong phú và đa dạng, không chỉ ở việc chụp ảnh, mà còn ở công việc quản lý phong trào, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng nghệ sĩ nhiếp ảnh trong hàng chục năm trời ở TP Hồ Chí Minh và nhiều khu vực khác, trong đó có vùng Đồng Tháp đã được ông khai phá, ươm trồng để tạo nên bộ ảnh có giá trị lịch sử.

Nguồn: baophapluat.vn