242 lượt xem

Trần Nguyên Đán - Kỳ 3

Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia

Thơ làm vào tháng giêng năm Mậu Thân (1368)

Đầu bạc hết ba phần, vẫn giữ lòng son sắt,
Việc đời rối rắm, muôn sự đều nan giải.
Cười mình không giống Tiền Nhược Thuỷ,
Mới bốn mươi tuổi đã về hưu.
 

Toàn Thư ghi nhận sao chổi xuất hiện vào tháng giêng năm Mậu Thân tại vị trí sao Mão. Bài thơ được sáng tác ngay thời điểm đó. Tác giả là một nhà nho điềm tĩnh, nhưng cảm giác bất lực vẫn hiện rõ trong thơ mỗi khi sao chổi mọc. Có năng lực và nỗ lực, tuy vậy, Ông không vượt qua nỗi ám ảnh tai ương từ điềm trời. Dường như hoạt động bất thường của tự nhiên thời Ông sống đã vượt quá khả năng giải thích của lý học Trình Chu.

Quãng thời gian này, Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” lên hoàng đế Dụ tông. Vua im lặng nên thầy Chu đành treo ấn. Hành động “ngạnh trực” từ bậc đại nho rõ ràng ảnh hưởng đến suy tư của cụ Trần. Ông cũng muốn rời quan trường.

Khi Nhật Lễ kế thừa ngôi tôn, chính sự thêm đổ nát. Nguyên Đán, với vai trò Ngự sử, nhiều lần dâng sớ khuyên ngăn nhưng vua lờ đi. Sau cùng, cụ Trần hành xử y hệt thầy Chu : xin từ quan. Trong “Nam Ông Mộng Lục”, Hồ Nguyên Trừng ghi lại sự kiện này qua truyện “Thi phúng trung gián” (Toàn Thư cho rằng bài này sáng tác khi Nguyên Đán hồi hưu. Tuy nhiên, hai chữ “Đài đoan” cho thấy khi đó cụ Trần làm ở đài Ngự sử). Truyện có kèm bài thơ Nguyên Đán gửi cho đồng liêu lúc ra đi như sau :

臺端一去便天涯
回首傷心事事違
九陌塵埃人易老
五湖風雨客思歸
儒風不振回無力
國勢如懸去亦非
今古興亡真可鑑
諸公何忍諫書稀
Đài đoan nhất khứ tiện thiên nhai,
Hồi thủ thương tâm sự sự vi.
Cửu mạch trần ai nhân dị lão,
Ngũ hồ phong vũ khách tư quy.
Nho phong bất chấn hồi vô lực,
Quốc thế như huyền khứ diệc phi.
Kim cổ hưng vong chân khả giám,
Chư công hà nhẫn gián thư hi.

Một khi rời bỏ đài Ngự sử là đi ngay đến tận chân trời,
Quay đầu nhìn lại, đau lòng bởi mọi sự đều trái ý.
Đường thành chín nẻo bụi bặm khiến người dễ già.
Mưa gió trên Ngũ hồ giục khách nghĩ đến việc quy ẩn.
Không chấn hưng được phong hóa đạo Nho, có trở lại bằng vô ích.
Thế nước chông chênh bỏ đi cũng là sai !
Chuyện hưng vong xưa nay thực sự có thể làm gương soi.
Sao các ông nỡ ít dâng thư can ngăn đến vậy !

Câu 5 bài thơ cho thấy tác giả gần gũi với nhóm Chu-Phạm-Lê hơn gần gũi với hoàng tộc Trần. Ông bỏ nhiệm sở vào thời điểm đấu nhau kịch liệt giữa các phe phái trong dòng họ cầm quyền. Tin đồn Nhật Lễ là con kép hát họ Dương bỗng rộ lên khiến bà Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng Thái hậu bối rối vì chính bà lập Nhật Lễ, cháu nội đích tôn, lên ngôi đế. Tin lạ đúng sai chưa rõ nhưng thật sự là đòn hiểm từ phe phái bí mật đánh vào tính chính thống của tân vương. Vua Đại Định ngầm dùng thuốc độc giết bà nội vì bày tỏ ý hối tiếc việc làm của mình. Sự cố châm ngòi phản ứng từ nhóm Trần Nguyên Trác. Mùa thu năm 1370, Nguyên Trác dẫn đầu nhiều tổn thất, trong đó có hai con trai của công chúa Ngọc Tha, gọi Hiến Từ là bà ngoại, đang đêm xâm nhập cung khuyết định sát hại Nhật Lễ. Hoàng đế lẫn tránh được. Đến sáng, vua vào cung ra lệnh tìm giết nhóm tạo phản gồm 18 người. Có thể, nhân vật muốn thay thế Nhật Lễ làm vua nằm trong số 18 nạn nhân này.

Vụ tương tàn khiến Cung Định vương Trần Phủ hoảng sợ trốn lên trấn Đà Giang (một phần Sơn La, Phú Thọ nay), nhiều khả năng cũng là thời điểm Trần Nguyên Đán rời bỏ đài Ngự Sử. Việc chạy đến nơi hẻo lánh cho thấy Trần Phủ chỉ muốn bảo toàn sinh mạng chứ chưa có ý định lật đổ Nhật Lễ. Phần Nguyên Đán, theo lời lẽ bài thơ để lại khi ra đi, chúng ta hiểu rằng ông chỉ muốn vua Đại Định cai trị tốt hơn, chứ hoàn toàn không nghĩ chuyện phế lập.

Chủ trương và lãnh đạo tinh thần cuộc đảo chính ngay sau đó là Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha, người có mẹ đích và hai con trai chết dưới tay Nhật Lễ. Bà khuyến khích Trần Phủ chủ trì đảo chính dù Cung Định không quyết tâm lắm.

Trước khi tiến về kinh thành, nhóm tôn thất hội quân ở sông Đại Lại, Thanh Hóa vào tháng 10 âm lịch năm 1370. Đại Lại là quê ngoại của Cung Định vương Trần Phủ và Cung Tuyên vương Trần Kính, hai nhà lãnh đạo cuộc binh biến, em cùng cha khác mẹ với công chúa Thiên Ninh. Từ đây, với hỗ trợ từ họ ngoại, hai ông hoàng có thể huy động tài lực, nhân lực để đối mặt với đạo cấm quân bảo vệ Nhật Lễ vốn được tuyển từ Thiên Trường và vùng đồng bằng phụ cận. Cuộc đối đầu giữa đám thanh niên Thanh Hóa ô hợp nhưng dũng mãnh với đội quân nhân chuyên nghiệp Thiên Trường đang phân liệt đã đưa nhà Trần đến ngả rẽ bất ngờ. Chính biến thành công không chỉ đưa Trần Phủ, Trần Kính, Trần Nguyên Đán trở lại triều đình mà còn đẩy bật lên một nhân vật hùng tâm quê Đại Lại : Hồ Quý Ly.

Đoàn quân dưới quyền Trần Phủ dừng lại ở Kiến Hưng, lộ Hoàng Giang (Nam Định nay). Tại đây, Trần Phủ lên ngôi hoàng đế, giáng Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Nhóm đảo chính nhận được ủng hộ của vùng thang ấp nhà Trần nên mạnh mẽ, quyết đoán hơn. Cần nhớ, Nhật Lễ là cháu đích tôn của hoàng hậu vợ Minh Tông. Còn Trần Phủ sinh bởi một bà phi, tính chính thống không so được với Đại Định. Do vậy, Thiên Ninh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc nổi dậy vì bà là con của Minh Tông và Hiến Từ, thuộc dòng trưởng. Khi hai bên nội ngoại đều qui phục, Trần Phủ dễ dàng thuyết phục nhóm quan lại ở kinh đô, tiến đến bắt giam rồi giết Nhật Lễ.

Kỹ niệm dấy binh từ Đại Lại nổi lên trong một bài thơ thể hiện rõ lòng quan tâm thời tiết của cụ Trần.

清化府道中
去年戎事在塵泥,
吟筆今秋歸舊題。
望雨遠看雲起北,
感時頻顧火流西。

宋江水狹波聲小,
大利山空草色萋。
愛境風光非昔日,
相逢訪古說丁黎。
thanh hoá phủ đạo trung
Khứ niên nhung sự tại trần nê,
Ngâm bút kim thu quy cựu đề.
Vọng vũ viễn khan vân khởi bắc,
Cảm thời tần cố Hoả lưu (a) tê.

Tống Giang thủy hiệp ba thanh tiểu,
Đại Lại sơn không thảo sắc thê.
Ái cảnh phong quang phi tích nhật,
Tương phùng phỏng cổ thuyết Đinh, Lê.

(a) Kinh Thi, Bân phong, bài Thất nguyệt có câu “Thất nguyệt lưu Hỏa” (七月 流火). Như vậy, Nguyên Đán sáng tác bài thơ trên khoảng sau tháng 7 ta năm 1371.

Trên đường phủ Thanh Hóa

Năm ngoái tham gia việc binh ở nơi bùn lấm,
Mùa thu năm nay bút thơ quay về đề tài cũ.
Ngóng trông mưa, thấy mây nổi lên xa tít từ phương bắc.
Cảm thời tiết, thường ngắm sao Hỏa trôi về phía tây.
Dòng sông Tống nhỏ hẹp, tiếng sóng tí tách,
Núi Đại Lại quang đãng, sắc cỏ xanh rờn.
Cảnh đất Ái trước mắt không giống như xưa,
Gặp nhau tìm thăm cổ tích, bàn chuyện nhà Đinh, nhà Lê.
 

Xung đột giữa hai phe hoàng tộc khiến đạo Cấm quân tinh nhuệ mất sức chiến đấu nên người Chiêm đã chiếm Thăng Long vào tháng ba nhuận âm lịch năm 1371 một cách dễ dàng. Tuy vậy, vụ cướp phá ngắn ngày không đọng lại lo lắng hay hoảng sợ trong suy nghĩ của Nguyên Đán. Ta thấy ông nhẹ nhàng trút việc quân lấm bùn để trở lại làm nhà thơ mê say thiên văn. Cụ Trần khoái trá khi quan sát mây, sao, dòng nước, cây cỏ trên núi và bàn bạc chuyện cổ kim.

Đất Ái dưới mắt Nguyên Đán không còn như xưa sau biến loạn. Nhiều người con đất Ái đã theo Trần Phủ vào kinh đô nắm giữ các vai trò quan trọng. Vùng đất từng cung cấp cho Đại Việt vài vị vua sẽ tiếp tục công việc của mình. Bàn chuyện Đinh, Lê cũng là dự cảm mơ hồ về một quyền lực khác đang trỗi dậy.

Còn nữa.

Nguồn nghiencuulichsu.com