276 lượt xem

Mạc Đăng Dung

Ông tên thật là Mạc Đăng Dung, sinh giờ ngọ ngày 23/11/1483 (Quý Mão). Ông là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng). 

Mạc Đăng Dung là cháu 7 đời của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Theo Toàn thư và Đại Việt thông sử, Mạc Đăng Dung là người xã Cao Đôi (Đông Cao theo Cương mục), huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương), tổ tiên ông là Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên triều Trần.

Mạc Đăng Dung hồi nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khoẻ, đỗ lực sĩ xuất thân, được sung vào quân túc vệ của nhà Hậu Lê đời Lê Uy Mục.

Năm 1508, Đoan Khánh năm thứ 4, vua Lê Uy Mục giao cho ông làm Thiên vũ vệ đô chỉ huy sứ ty đô chỉ huy sứ. Năm 1511, Hồng Thuận năm thứ 3, vua Lê Tương Dực thăng ông làm Đô chỉ huy sứ tước Vũ Xuyên bá.

Triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, mạnh nhất là lực lượng Trần Cảo. Trần Cảo đánh chiếm kinh thành Thăng Long, các tướng gác mâu thuẫn cùng đánh dẹp. Đến khi Trần Cảo rút đi, các tướng lại chia bè phái đánh nhau. Nguyễn Hoằng Dụ (con Nguyễn Văn Lang) đánh nhau với Trịnh Tuy, Tuy thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Trần Chân về phe với Tuy đánh đuổi Hoằng Dụ, nắm lấy quyền trong triều.

Mạc Đăng Dung thấy uy quyền của Chân lớn liền kết thông gia với Chân, cho con gái Chân lấy con trai cả mình là Mạc Đăng Doanh.

Năm 1518, Lê Chiêu Tông nghe lời gièm pha, sợ quy quyền của Trần Chân nên sai người giết Chân. Thủ hạ của Chân là Nguyễn Kính nổi loạn. Bấy giờ Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương. Chiêu Tông bèn triệu Mạc Đăng Dung và Nguyễn Hoằng Dụ về cứu giá. Hoằng Dụ đánh bị thua chạy về Thanh Hóa rồi chết. Đăng Dung một mình nhân cầm quân dẹp loạn mà nắm hết quyền binh.

Năm 1521, Mạc Đăng Dung chiêu hàng được Nguyễn Kính, dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Chiêu Tông sợ chạy ra ngoài gọi quân Cần Vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi, tức là Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông.

Vua Chiêu Tông được các tướng Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, thanh thế rất lớn. Nhưng sau đó, Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra cần vương, các tướng bất hoà, Trịnh Tuy tranh công mang Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa.

Năm 1523, Mạc Đăng Dung nhân phe Chiêu Tông yếu thế, điều quân đánh Thanh Hoá. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết, Đăng Dung được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long và giết chết năm 1526.

Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Các đối thủ đều bị dẹp yên, không còn ai ngăn trở, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất Cung Hoàng lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Chiếu nhường ngôi của Lê Cung Hoàng cho Mạc Đăng Dung có đoạn viết:"Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc Quốc gia nhiều nạn, Trịnh trung lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà Lê vậy. Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức rất lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho..."

Ông lên làm vua từ ngày 15 tháng 6 âm lịch năm 1527 đến hết năm 1529 với niên hiệu Minh Đức. Sau đó, học theo nhà Trần, nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh (tức Mạc Thái Tông) để lui về làm Thái thượng hoàng.

Do thời gian làm vua rất ngắn, không để lại nhiều dấu ấn gì ngoài một số việc như: cho đúc tiền Thông Bảo, truy tôn Mạc Đĩnh Chi là Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế, xây cung điện ở Cổ Trai, lấy Hải Dương làm Dương Kinh, tổ chức thi tuyển chọn người có tài (thi Hội năm 1529), cũng như sửa định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt các vệphủ, các vệ sở trong ngoài, các ty sở thuộc, hiệu ty, tên quan và số lại viên, số người, số lính của các nha môn, nhưng vẫn phỏng theo quan chế triều trước với bổ sung không đáng kể nên người ta biết đến ông phần nhiều như là một người tiếm ngôi, mặc dù trong giai đoạn từ đời Lê Uy Mục đến đời Lê Cung Hoàng thì nhà Hậu Lê đã cực kỳ suy tàn, khởi nghĩa và nổi loạn nổi lên ở nhiều nơi, triều chính thối nát dẫn đến việc các ông vua này phải dựa vào thế lực ngày càng tăng của Mạc Đăng Dung nhằm duy trì quyền lực đã gần như không còn của mình và cuối cùng là việc phải nhường ngôi cho ông.

Năm 1540, Mạc Thái Tông mất, Đăng Dung lập cháu nội là Mạc Phúc Hải lên ngôi, tức là Mạc Hiến Tông. Năm 1541, thượng hoàng Mạc Đăng Dung qua đời, thọ 59 tuổi. Trước khi mất ông có để lại di chúc không làm đàn chay cúng Phật và khuyên Mạc Phúc Hải phải nhanh chóng về kinh sư để trấn an nhân tâm và xã tắc là trọng.

 

Công, tội của Mạc Đăng Dung trong lịch sử dân tộc

Công, tội của Mạc Đăng Dung từng gây nhiều tranh cãi trong giới sử học, nhưng phải khẳng định việc Mạc Đăng Dung lên ngôi lập ra nhà Mạc đã mở ra một thời kỳ thái bình, thịnh trị cho đất nước.

Mạc Đăng Dung sinh năm 1483 là người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay là huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng).

Theo sử sách ghi lại, Mạc Đăng Dung là một người giàu nghị lực và mưu trí, từ một anh lính cầm lọng cho vua đã từng bước xây dựng thế lực trong triều đình, uy tín trong dân chúng, để rồi vươn lên đỉnh cao quyền lực, trở thành vị hoàng đế khai quốc của nhà Mạc.

Thế nhưng, chính sự chuyên quyền, giết vua để giành ngôi đã khiến Mạc Đăng Dung cùng vương triều của mình trở thành một trong những vương triều khó phân định công – tội nhất trong lịch sử Việt Nam. Dẫu vậy phải khẳng rằng triều đại nhà Mạc do Mạc Đăng Dung dựng nên không hề thua kém bất cứ một triều đại nào trong lịch sử Việt Nam.

 

 Thành Nhà Mạc (Lạng Sơn) - Di tích lịch sử cấp quốc gia-Du lịch Nam Phương  Caravan & Teambuilding
Di tích thành nhà Mạc ở Lạng Sơn (nguồn: sưu tầm)

Mạc Đăng Dung xuất thân từ một thanh niên nghèo, làm nghề đánh cá, trong một dịp đi thi võ ở kinh đô đã trúng Đô lực sĩ và được sung vào Châu túc vệ chuyên cầm dù đi theo vua. Ông tiến rất nhanh trên con đường quan lộ. 29 tuổi Mạc Đăng Dung đã được phong tước Vũ xuyên bá. Trải qua 3 đời vua Lê, ông được phong Thái sư Nhân quốc công rồi đến An hưng vương. Lợi dụng lúc vua Lê Cung Hoàng ươn hèn, tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai đem quân về kinh đô ép vua nhường ngôi, lập lên triều Mạc.

Theo PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ thì chính tài năng và thời thế đã đưa Mạc Đăng Dung lên đỉnh cao của quyền lực. Nói một cách khách quan, nếu như không có Mạc Đăng Dung thì sẽ có một gương mặt, một dòng họ khác đứng lên chèo lái con thuyền lịch sử Việt Nam trong cơn bão táp. 

Bởi thời kỳ của Mạc Đăng Dung, nhà Lê đã suy tàn, khủng hoảng cung đình chưa từng có diễn ra với 5 vua bị giết, 2 vụ tiếm ngôi xưng vương, các phe phái tiêu diệt lẫn nhau khiến sức lực suy tàn, nhân tài cạn kiệt, dân tình khổ cực. Binh sĩ nhiều người đã bỏ thân nơi chiến địa mà không vì lợi ích quốc gia. Chính vì thế, theo nhà sử học Lê Văn Lan, việc Mạc Đăng Dung lập ra nhà Mạc lúc bấy giờ đã giải quyết được khủng hoảng đất nước để yên dân, dựng nước.

Thanh đại đao 500 tuổi của Mạc Đăng Dung hiện đang được trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng

Công, tội của Mạc Đăng Dung đã từng gây nhiều tranh cãi trong giới sử học, nhưng rõ ràng việc Mạc Đăng Dung lên ngôi lập ra nhà Mạc đã mở ra một thời kỳ thái bình, thịnh trị cho đất nước. Chính vì thế, có không ít triều thần của nhà Lê đã quay sang theo và giúp việc cho Mạc Đăng Dung. PGS.TS Sử học Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng, cũng bởi nhận rõ thế sự và tài năng của Mạc Đăng Dung mà nhiều vị quan nhà Lê đã không ngần ngại giúp Mạc Đăng Dung trị vì đất nước.

Mạc Đăng Dung còn được các sử gia sau này đánh giá cao bởi cách đối nhân xử thế của ông. Khi Mạc Đăng Dung phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông đã không tiến hành một cuộc tàn sát nào đối với con cháu của nhà Lê và những người trung thành với triều đình. Đối với những di sản văn hóa, kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, ông cũng không xâm phạm hay tàn phá mà còn cho tu bổ các công trình như Quốc Tử Giám ở Thăng Long hay khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa... Những việc làm của Mạc Đăng Dung được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến.

Mạc Đăng Dung ở ngôi không lâu (chỉ khoảng 3 năm) sau đó nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh và lên làm Thái thượng hoàng, nhưng ông đã để lại một dấu mốc quan trọng cho sự phát triển của nhà Mạc sau này. Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, Hội Sử học thành phố Hải Phòng, cho đến nay giới sử học vẫn đánh giá rất cao vai trò của Mạc Đăng Dung trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Có thể nói Mạc Đăng Dung là nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Việt Nam, nhưng rõ ràng sự xuất hiện của ông trên vũ đài chính trị, lịch sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI đã góp phần quan trọng tạo ra những chuyển biến tích cực, ghi dấu sự phát triển nhiều mặt và để lại nhiều bài học quý giá cho lịch sử trong các giai đoạn tiếp theo.

https://vov2.vov.vn